Yoru no Kurage wa Oyogenai – Sống cùng Đam Mê.

Đây là một tác phẩm mình đã rất lưu tâm tới và thực sự thích cách khắc họa về chủ đề “đêm”. Và đúng là chất lượng của nó hoàn toàn khiến mình hài lòng. Phong cách nhẹ nhàng và dễ thương, cách phối màu êm mắt, bối cảnh nhân vật hoàn toàn khác biệt và yếu tố đại chúng hiện đại có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi. Với cá nhân mình khi đọc qua về bộ này thì điều đầu tiên mình nghĩ ngay tới là “liệu đây có phải là câu chuyện kể về những nhân viên của Doga Kobo hay không? Không phải họ mỗi người một màu sắc đã cũng nhau tụ họp và tỏa sáng như những gì tác phẩm này muốn truyền tải sao?”
Việc sử dụng trend mạng của những năm 2020 trở lại đây thực sự đã gây ấn tượng với mình và mình nghĩ cũng sẽ trở thành điểm mạnh xuyên suốt bộ phim. Cách lồng ghép và đưa những thuật ngữ của mạng xã hội, cũng như những sự kiện, những scandal của giới idol đã phần nào góp phần khắc họa được hình ảnh giới trẻ chúng ta ngày nay. Bộ phim không chỉ khắc họa lối sống của giới trẻ chúng ta – vô tư, thoải mái, đôi khi vẫn có sự lười biếng, thích chạy theo những thứ trending, thích selfie, etc… mà nó còn đề cập đến việc chúng ta hoạt động online – check-in trên Instagram, sử dụng mạng xã hội như X hay Facebook, quay video Tiktok và cả phát live trên kênh của mình.
Mình vẫn nghĩ rằng trong thời đại công nghệ số như bây giờ vẫn rất cần những tác phẩm mô tả chính cuộc sống thực tế này của chúng ta, và cũng cần có những người lưu ý đến tác động của Internet và truyền thông lên cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không nên cứ tiếp tục sống trong thế giới ảo mà chúng ta đang ngày ngày tạo nên, khi mà con người đang dần cảm thấy mọi thứ quá hoàn hảo và hiện đại mà bỏ qua sự “thay đổi”. Điều này thực sự sẽ làm cho cuộc sống của ta trở nên trống rỗng, nhạt nhẽo, và có thể coi như chỉ là một vòng lặp quá khứ, vì chúng ta chỉ bước lại những bước mà ta đã làm trước đó.
Hình thức của bộ phim cũng là một yếu tố quan trọng. Mặc dù có thể chưa đạt được sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống từ một góc nhìn hoàn toàn mới, nhưng việc ghi lại và nắm bắt lấy chúng là điều rất cần thiết. Quay trở lại với nội dung tập phim, góc nhìn của nó không phải là mô típ một cô gái nào đó theo đuổi giấc mơ và nổi dậy chống lại thế giới, nói thế có hơi quá nhưng ý mình là khiến cả thể giới phải công nhận mình, mà nó là về việc bảo vệ quá khứ – một chút tình cảm cho thứ mình đam mê vẫn còn đọng lại trong tâm hồn cô ấy.
Việc liên kết với những vết thương trong quá khứ cũng là một phần nổi bật của câu chuyện, bao gồm việc bức tranh về con sứa của Mahiru bị các bạn cười cợt chê bai và việc Kano bị chỉ trích. Câu chuyện luôn cho ta thấy hành động “nhìn lại”(Looking back) trong suốt tập phim. Nhìn lại về tuổi thơ lớn dần cùng sự thay đổi của thành phố, nhìn lại về những tác phẩm của mình, nhìn lại về khởi đầu của sở thích vẽ vời. Việc theo đuổi ước mơ của cô ấy có thể nói dựa trên “sự uất ức, dằn vặt từ những tác phẩm tâm huyết nhưng lại bị người khác không công nhận” và khi lại đối mặt với chúng, cô ấy trở nên bối rối, không dám nói thành lời và dễ dàng buông bỏ.
Sự phát triển của nhận thức trong việc theo đuổi đam mê của mình có thể nói khác xa so với cách ta thường thấy trong những anime khác: trở nên thù hằn, hay thu mình lại với xã hội, và sau đó thông qua một biến cố gì đó nhân vật chính lại tìm lại được đam mê của mình, … Mà ở đây Mahiru đã nhận ra “sự không phù hợp với cuộc sống, khó khăn trong việc hòa nhập” và đôi khi lại suy nghĩ về những đam mê mà mình đã từng theo đuổi, đứng trước tác phẩm mà mình đã muốn dấu nó thật sâu vào ký ức nhưng khi nhìn lại vào phần tác giả đã bị bôi đen thì Mahiro lại thấy cảm xúc ấy mình không thể nào có thể buông bỏ được.
Do đó ta có thể hiểu được quá trình phát triển cảm xúc của Mahiru là: níu giữ quá khứ, nhận ra được sự không phù hợp với cuộc sống giữa sự suy tư và bối rối, và dưới sự thúc đẩy cô ấy đã quyết định tìm hiểu chính bản thân mình để có thể bảo vệ được đam mê của cô ấy.
“Đừng làm bẩn bức tranh của tôi nữa!”. Qua đây ta có thể thấy nó không chỉ đơn giản là sự giận dữ mà nó là niềm tin vào nó, và không phải chỉ là để bảo vệ bản thân mà nó còn là bảo vệ những đam mê còn sót lại của cô ấy.
Bên cạnh nhân vật Mahiru thì chúng ta có thể thấy Shibuya được khắc họa rất đẹp, thể hiện rõ nét sự hiện đại, sự nhộn nhịp của ánh đèn, của màu sắc dưới màn đêm. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng ấy ta vẫn có thể nhận ra được sự lo âu của mỗi con người ở đây, họ không ngừng phát triển bản thân và cạnh tranh nhau để có thể lấy lòng được nhiều người hơn, và một nỗi sợ rằng sẽ bị đào thải ra khỏi nơi này, sẽ bị bỏ lại phía sau nếu bản thân mình không đủ thu hút.
Có một chi tiết cũng khá hay được lồng ghép vào đó chính là sự xuất hiện của Thiên Thần và Ác Quỷ. Và sự đảo ngược vị trí này cũng rất tinh tế khi nó chỉ thoáng qua vài giây. Mahiru ban đầu tính chọn bộ đồ ác quỷ, thể hiện được sự phai mờ về đam mê và ước mơ của cô ấy, nhưng Kano lại nhanh tay giành lấy nó trước, đây cũng có thể coi là hint khi Kano đang trao lại ánh sáng cho cô thiên thần Mahiru tìm lại được với con người của chính mình. Tiếp đến phân cảnh thiên thần và ác quỷ đứng dưới bức tranh con sứa, ác quỷ đã ghé vào tai thiên thần, thì thầm nhẹ nhàng vào tai cô ấy.
Đây có thể coi là bức tranh về sự cám dỗ của ác quỷ đối với thiên thần. Sau đó, ác quỷ đó đã nói to lên được suy nghĩ và mong muốn của thiên thần. Và sau đó, ác quỷ đã kéo thiên thần vào một thế giới mới, tượng trưng cho việc phá bỏ đi những luật lệ đang giam giữ cô ấy, cho phép thiên thần đang bị giam giữ trong nhà tù nội tâm mà dang rộng đôi cánh của mình, đối mặt với chúng với tất cả những gì mình có. Cô ấy tiến đến xé poster, dùng son để vẽ lên chính bức họa của mình. Sau khi đã biểu diễn xong, ác quỷ đã kéo thiên thần hòa vào nhịp sống của Shibuya với những ánh đèn đầy màu sắc, giúp thiên thần ấy thấy được một đêm ở Shibuya đang tỏa sáng rực rỡ như một con sứa, rất quen thuộc nhưng vô tình bị cô ấy lãng quên, đẹp đẽ và lấp lánh.
Cảnh 2 nhân vật chạy dưới ánh đèn Shibuya đối với mình rất tinh tế. Với việc loại bỏ hết tất cả, chỉ còn lại con đường và 2 con người nhỏ bé cùng với thành phố phía sau lấp lánh. Đây đúng thực sự là Shibuya, nơi đầy màu sắc rực rỡ, năng động, luôn mang tới ta những ngạc nhiên, bất ngờ.
“Mặc dù sứa là một loài không thể tự bơi, cũng không thể tỏa sáng rực rỡ, nhưng chỉ cần thu thập ánh sáng bên ngoài, chúng có thể tự tỏa sáng. Nếu ở bên Kano, liệu tôi có thể tỏa sáng rực rỡ không?”