Composition Là Gì Và Tại Sao Nó Lại Quan Trọng?

SHOT COMPOSITIONS LÀ GÌ VÀ TẠI SAO NÓ LẠI QUAN TRỌNG? .ft Kaizoku Oujo vs Tantei wa Mou, Shindeiru
Xin lỗi, biết là mình đang vả con ngựa ch.ết, so Production I.G với studio ENGI thì nó quá khập khiễng vì ENGI là studio mới mẻ chỉ được thành lập gần đây. Nhưng mình nghĩ đây là ví dụ tốt để minh họa được kỹ thuật và tay nghề của đội ngũ lão luyện, với bên “chưa có kinh nghiệm nhiều”.
Bên trái là sản phẩm của Production I.G trong tác phẩm Kaizoku Oujo – Tập 1), bên phải là trong Tantei wa Mou, Shindeiru (Tập 7).
Shot compositions dịch nôm na là “phối cảnh” trong một khung hình. Trên thực tế, nếu bạn ghiền phim ảnh và am hiểu (một chút) kỹ thuật dựng phim thì chỉ cần xem tập anime đầu tiên cũng dễ dàng đánh giá được chất lượng tay nghề của đội ngũ nhân sự.
1/ Nhìn vào hai tấm ảnh bạn sẽ đơn giản nhận ra, tấm ảnh bên trái đơn thuần là “đầy đặn” hơn. Mọi ngóc ngách trong khung hình đều được “tô lấp” kín. Thủ thuật DoF (sâu trường ảnh) được tận dụng để hướng sự tập trung của người xem lên cô gái tóc trắng, dù rằng cô chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong khung hình. Bên cạnh đó, nếu bạn để ý thì 2 cánh cửa sổ ở cạnh bên được ví như lồng sắt, cánh cửa tù ngục, như cái lồng chim đang giam cầm sự tự do của Fena. Ánh sáng mặt trời được cường điệu ở đây, cũng như hướng mà Fena nhìn về, như khao khát thoát khỏi nơi này. Không có cái gì thừa.
Còn tấm bên phải, cái lưng của Siesta đẹp lắm các bạn à!
2/ Nếu phóng to vào tấm bên trái thì bạn sẽ nhận ra ngay cả bóng của nhân vật cũng được phản chiếu xuống sàn nhà. Khung cảnh tạo nên cảm giác “cân bằng” vì chúng ta đang ngắm trực diện cái hành lang này, hai bên đều mang khoảng cách như nhau đến tâm điểm (là cánh cửa). Mặt khác, khi nhìn vào, chúng ta sẽ dễ dàng điều hướng mắt ngay vào tâm (từ thanh sắt chắn ngang cho đến ánh sáng đèn treo tường tạo nên đường kẻ chỉ thẳng vào tâm), và nhân vật đặt ngay tâm tạo nên sự nổi bật – họ là tiêu điểm (focal point) đội ngũ thực hiện muốn người xem tập trung.
Ảnh bên phải, điều cần tập trung ở đây là gì – cái đầu Kimi hay là tóc hai bím của em-gì-đó-mình-chẳng-nhớ-tên? Có lẽ là mình hơi nitpick quá nhưng tại sao thứ đập vào mắt mình đầu tiên là cái bức tường kẻ sọc đơn điệu và to đùng? Tại sao cảnh ở trên sử dụng DoF nhưng ở dưới lại không, nếu như muốn hướng sự tập trung của người xem lên em-gì-đó-tóc-hai-bím?
3/ Ảnh bên trái ta có thể thấy rõ độ sâu của cảnh nền với nhiều tầng khác nhau.
Tấm bên phải, nền đất hai nhân vật đang đứng bỗng dưng được cắt ngang, what? Rồi tòa nhà cảnh nền đằng sau lưng mọc thẳng đứng? Nếu nhân vật đang đứng trên đồi / nền đất cong, thì tại sao tòa nhà bên trái lại thẳng hàng thế? Nhìn vào ảnh thì ta thật sự không có một chút khái niệm nào về độ sâu của hậu cảnh. Hoặc cũng có thể là họ đã bước lên bậc thang – nhưng không thấy tay vịn ở đâu ?
4/ Bên trái là kính cửa sổ, nhìn xuyên thấu ra thành phố bên ngoài, lẫn đổ bóng của nhân vật lên trên, tạo nên một cảm giác chân thật, đồng thời nhấn mạnh sự tỉ mỉ của hoạt họa sĩ và nhiếp ảnh gia (photographer) để đảm bảo tính nhất quán trong phối cảnh của từng khung hình. Cách thức phối cảnh cũng tạo được sự cân bằng, khi thành phố chiếm một bên, và Fena chiếm bên còn lại.
Ảnh bên phải, không có bất kì cái bóng nào của nhân vật được phản chiếu / đổ lên. Nhưng tại sao cái kính này lại in hình được hậu cảnh? Bên cạnh đó, mình có cảm giác cái hậu cảnh này là hình ảnh của những tòa nhà chọc trời, có cả sân thượng? Là quá cao so với vị trí nhân vật đang đứng? Hay là một thứ gì đó khác? Và nếu không rõ ràng thì tại sao lại nhét vào khung hình để làm gì? … Shot bên này cũng ráng tỏ ra cân bằng khi đối lập với Kimi là … cây đèn đường, mất thẩm mỹ kinh khủng, mà lại còn quá trống.
Ta có thể thấy sự chăm chút và đầu tư kỹ lưỡng của Production I.G vào mảng phối cảnh của từng khung hình, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khán giả theo dõi, khiến câu chuyện họ truyền tải trở nên sống động và không đơn điệu. Hy vọng studio ENGI sẽ cải thiện mảng phối cảnh của họ hơn trong tương lai.