AnimeĐạo Diễn & Hoạt Hoạ SĩIndustryPhân Tích & Cảm Nhận

Pompo: The Cinéphile – Tuyệt Tác Anime Điện Ảnh Dành Cho Những Tín Đồ Ghiền Phim 

Đây có lẽ là tác phẩm anime điện ảnh làm mình bất ngờ nhất trong những năm trở lại đây vì sự hàm chứa của rất nhiều thông điệp ý nghĩa và thú vị, lẫn niềm đam mê nghệ thuật từ người thực hiện gửi gắm vào đứa con tin thần này. Và quan trong nhất, đây là một bộ phim rất vui!

Bài viết khá dài, đi sâu vào phân tích nhiều khía cạnh trong tác phẩm, chia thành 4 mục nhỏ. Nếu bạn ngại bài dài, và chỉ muốn chút ít thông tin để giúp trải nghiệm bộ phim đầy đủ hơn thì chỉ cần đọc 2 mục đầu thôi.

Studio: CLAP
Genres: Comedy, Drama
Director: Takayuki Hirao
Source: Manga (Shougo Sugitani)
.
.

💬 Đôi nét về nội dung:

Ở kinh đô điện ảnh “Nyallywood”, Pompo đã thực hiện các bộ phim giải trí hạng “B” nhưng ai cũng có thể vui vẻ thưởng thức được. Vào ngày nọ, Gene – trợ lý của Pompo – phát hiện kịch bản Pompo đang viết dang dở trên bàn, kịch bản này hay đến nỗi đã làm anh lay động. Sau khi phát hiện ra sự việc thì ai cũng không ngờ rằng Pompo lại chọn Gene để chỉ đạo bộ phim. Từ đó câu chuyện về anh chàng chân ướt chân ráo đến với nghề chỉ đạo để thành danh bắt đầu. Cùng lúc đấy tại một góc trời khác, cô gái miền quê Natalie đặt chân lên thành phố với giấc mơ đổi đời làm diễn viên đã được Pompo phát hiện …

◆ 1/ Takayuki Hirao – Từ truyền nhân của Satoshi Kon cho đến cựu binh Ufotable.

Nếu bạn đã từng đọc qua bài về Ufotable của page thì hẳn sẽ không quá xa lạ với tên tuổi Takayuki Hirao. Ông là “lứa” thế hệ đạo diễn đầu tiên thiết lập nền móng phát triển cho Ufotable, tầm nhìn nghệ thuật của ông vẫn còn hiện hữu ở studio cho đến tận ngày nay. Vào năm 2016, Hirao đã phải nói lời chia tay với studio sau hơn một thập kỷ gắn bó để theo đuổi sự nghiệp riêng, ta có thể dễ dàng nhận định rằng hướng đi của Ufotable tách rời khá xa với những ý định và nguyện vọng của Hirao trên con đường nghệ thuật ông chọn lựa.

Việc Hirao rời Ufo là đúng hay sai? Sẽ không ai có thể trả lời được ngoại trừ ông! Tuy nhiên, qua movie Pompo, mình thấy ở ông không có chút nuối tiếc nào cả mà là một tình yêu dành cho nghệ thuật mãi cháy bỏng.

Đến với tác phẩm Pompo, ta thấy một sự chín muồi trong phong cách nghệ thuật Takayuki Hirao đã lựa chọn, đây là sự kết tinh, là thành quả của những gì ông theo đuổi bấy lâu. Dấu ấn của ông bộc phát mạnh mẽ qua nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh, và chính điều này tạo nên sự khác biệt so với những đạo diễn khác cùng trang lứa.

Vậy sự khác biệt ấy là gì?

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến một tên tuổi huyền thoại khác trong giới đạo diễn hoạt họa Nhật Bản, đấy là thiên tài yểu mệnh Satoshi Kon (Paprika, Perfect Blue, Millenium Actress … ). Đối với Kon, mỗi khung hình là một bức tranh nghệ thuật. Nếu một nhà văn có thể lôi cuốn người đọc bằng giọng điệu trôi chảy trong từ ngữ, bằng sự uyển chuyển trong cách sử dụng từ nối, dấu câu, phân đoạn hợp lý, thì với Kon, nghệ thuật phim ảnh chính là thứ ngôn ngữ rất riêng thể hiện cá tính bản thân. Ngoài phong cách “uốn cong hiện thực” vốn đã tạo dựng nên thương hiệu, “ngôn ngữ” làm phim của Kon còn thu hút khán giả qua sự lưu loát, uyển chuyển trong nghệ thuật “nối cảnh”.

Một “cảnh” được cấu thành bởi ba yếu tố chủ đạo: thời gian, địa điểm và nhân vật với sự kiện diễn ra. Khi một trong ba yếu tố trên thay đổi, thì cảnh đã thay đổi. Một phần câu chuyện sẽ được cấu thành bởi các cảnh, nếu sắp đặt không hợp lý, người xem rất dễ bị “loạn nhịp”, họ sẽ cần chút ít thời gian để “định hình” lại điều gì đang diễn ra trên màn ảnh vì không – thời gian đã thay đổi.

Và cái chất của nét “nối cảnh” trong ngôn ngữ Kon là ở đây, ông điêu luyện chuyển tiếp các cảnh mà vẫn đảm bảo tính liền mạch cho câu chuyện được kể. Lấy vd, khi một cảnh thay đổi về không – thời gian, nhưng vẫn có chung nhân vật, thì chính nhân vật sẽ là “trọng tâm” được sử dụng để nối cảnh, họ sẽ là “hằng số” bất biến trong các cảnh quay để giữ phương hướng cho khán giả, và sự thay đổi của những yếu tố còn lại được “chuyển tiếp” tự nhiên bằng các kỹ thuật chuyển cảnh đầy sáng tạo (khi camera lướt qua một bức tường, hay một thanh chắn, thì khung cảnh về không – thời gian đã thay đổi), tạo cảm giác cứ như thể toàn bộ các đoạn cảnh theo chân nhân vật chỉ diễn ra với một lần bấm máy, hay nói một cách khác, nhiều cảnh mà trông cứ như một!

Kon tuy đã không còn, nhưng thứ ngôn ngữ đẹp đẽ của ông không vì thế mà mất đi. Takayuki Hirao là số ít đạo diễn hiếm hoi – một môn đồ ruột của Kon – “thừa hưởng” được tinh hoa này để biến chúng thành thứ ngôn ngữ bản thân mang đầy nét cá tính, nhưng vẫn một mực giữ sự tôn trọng với người thầy quá cố. Nếu như Kon là một trong những người đi tiên phong trong công cuộc xóa mờ đi ranh giới giữa hoạt họa và phim nhựa bằng các kỹ thuật “mô phỏng” việc sử dụng ống kính trong anime, thì Hirao đã đẩy cái giới hạn mà phim hoạt họa có thể làm được lên một bậc nữa, khi mà sự chuyển tiếp – nối cảnh chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của người thực hiện. Bên cạnh đó, trước khi đầu quân cho Ufotable thì Hirao đã từng làm cùng với Kon qua 2 tác phẩm lớn là Paranoia Agent và Millenium Actress với vai trò sản xuất, lẫn trợ lý chỉ đạo.

• Mang theo nhiều kinh nghiệm từng trải qua nhiều lĩnh vực khác nhau đã cho phép Hirao sở hữu được góc nhìn đa chiều, từ vai trò của một nhà sản xuất lành nghề, cho đến tầm nhìn sáng tạo của một hoạt họa sĩ – đạo diễn theo đuổi hết mình vì nghệ thuật, và quan trọng nhất – là một khán giả yêu thích phim ảnh và hoạt họa.

Biết được số ít những điều trên về Hirao sẽ phần nào giúp bạn “cảm thấu” hơn khi xem Pompo. Tác phẩm không chỉ đơn thuần là câu chuyện “giả tưởng” của những con người theo đuổi khát vọng làm phim, mà còn như lời tự sự về nghệ thuật của Hirao. Một magnum opus, một “aria” Hirao dành tặng cho sự nghiệp và nghệ thuật, cũng như là với các khán giả say mê điện ảnh, yêu thích loại hình nghệ thuật thứ bảy.

Pompo là một bộ phim dễ thưởng thức. Nhưng lại khó “thẩm thấu” hết tinh hoa. Do “trải nghiệm” sẽ thay đổi tùy thuộc vào “phương diện” khán giả lựa chọn.

◆ 2/ Dưới phương diện của một khán giả phổ thông, tác phẩm là một bộ phim thú vị xoay dàn nhân vật đặc sắc, tuy số lượng khiêm tốn nhưng lại đa dạng trong tính cách với chung một khát vọng: muốn được làm phim.

Ta có Pompo, một nhà sản xuất tài giỏi với khả năng nhìn người tài siêu hạng. Một anh chàng tập sự, chân ướt chân ráo làm culi trong phim trường được giao trọng trách chỉ đạo lần đầu tiên nhưng lại là mọt phim lâu năm, và cuối cùng là cô gái làng quê lên kinh đô điện ảnh với khát vọng làm diễn viên đổi đời, được Pompo bắt gặp tuyển chọn …

Số phận đã dẫn dắt lối đi của cả ba giao nhau tại ngã rẽ trong cuộc đời. Nhưng liệu có nên ghi công mọi thứ cho số phận đưa đẩy? Đối với một người ít biết về phim trường, tác phẩm phần nào hé lộ về vai trò của một nhà sản xuất. Họ là những người thường ít được chú ý nhất đằng sau sự thành công của một tác phẩm điện ảnh, đằng sau ánh hào quang của một diễn viên tài giỏi, nhưng vai trò của họ cũng quan trọng không kém một đạo diễn là bao trong quá trình sản xuất các tác phẩm điện ảnh nói chung, và hoạt họa nói riêng.

Tất nhiên, tác phẩm đã “đơn giản hóa” phần nào vai trò của nhà sản xuất cho người xem phổ thông dễ nắm bắt, nhưng tầm quan trọng của họ được thể hiện rất rõ qua Pompo: tìm đúng người tài vào những vị trí thích hợp để quá trình thực hiện diễn ra suôn sẻ, điều chỉnh lịch trình, thương lượng nguồn kinh phí, tiềm kiếm đối tác góp vốn, và quan trọng nhất – là có niềm tin vào sự lựa chọn của mình, như khi Pompo đã đặt trọn niềm tin lên Gene với suy nghĩ chỉ anh mới có thể đảm nhận được tác phẩm cô mong muốn. Cũng như chính Pompo đã nhìn thấy ở Natalie là hình ảnh vai nữ chính, ngay cả một diễn viên hạng sang cũng không diễn tốt hơn được.

Đối với Gene, tác phẩm là chuyến hành trình khám phá bản thân, được tiếp sức bởi thứ tình yêu điện ảnh mãnh liệt có được từ lúc anh còn nhỏ. Về phần Natalie, cô là nhân vật đại diện cho khát vọng của tuổi trẻ, đi đến nơi đất lạ xứ người để lập nghiệp và mưu sinh. Họ phải chấp nhận hy sinh, đánh đổi nhiều thứ để dung dưỡng và theo đuổi giấc mơ. Chả có thành công nào đạt được mà không phải đánh đổi bằng công sức, mồ hôi nước mắt. Nhìn Natalie một thân ẵm đến 3-4 công việc khác nhau, rồi lủi thủi đơn thân cầm miếng bánh nhỏ nhâm nhi giữa đêm lạnh mà mình mủi lòng lắm chứ, vì bản thân mình cũng đã từng trải qua hoàn cảnh này rồi! Sao mà nó chân thật và xót xa quá!

Nhưng rồi cái sự xót xa này diễn ra cũng không lâu khi cả hai được Pompo trao cho cơ hội đổi đời. Cuộc sống là vậy! Cơ hội luôn hiện hữu xung quanh ta, quan trọng là bạn có đủ tự tin và quyết tâm để chớp lấy những quyết định mang tính hệ trọng trong cuộc đời không! Trước khi được Pompo tuyển chọn vào vai nữ chính thì Natalie đã bị từ chối đến 30 lần ở các cuộc thi ứng tuyển. Hay nếu Gene không qua được bài dự thi Pompo yêu cầu, thì vị trí đạo diễn trong tác phẩm mới nhất có chăng sẽ thuộc về tay người khác! Xuyên suốt tác phẩm là sự cố gắng không ngừng nghỉ, kể cả khi Gene phải đánh đổi sức khỏe để hoàn thành bộ phim kịp thời hạn. Cả hai không “ăn may”, mà tự đi lên bằng chính sức lực và tài năng của họ!

Tác phẩm là câu chuyện “thành danh” dễ đồng cảm của những con người trẻ tuổi tự thân vươn lên, không an vị với những gì đạt được, đầy ắp những nút thắt thú vị dẫn đến cái kết sẽ mang đến cho bạn cảm giác thỏa mãn và sản khoái. Tuy nhiên, tất cả những điều kể trên – ở phương diện của một khán giả phổ thông – chỉ là phần nhỏ tạo nên nét hấp dẫn của tác phẩm, là bề nổi của tản băng chìm!

◆ 3/ Sâu xa hơn, Eiga Daisuki Pompo-san còn là sự xung đột, là nét khai phá của những khái niệm, ý tưởng trong nghệ thuật sáng tạo!

Nếu bạn đã từng có chút ít kinh nghiệm về kỹ thuật điện ảnh, đã từng xử lý một đoạn video nào đấy, hay chỉ đơn giản là một người “sáng tác”, thì có lúc bạn sẽ phải đặt các câu hỏi thắc mắc về những “quyết định” đã chọn lựa để làm ra một thành phẩm, có là một một đoạn phim, bức minh họa, bài viết, hay đơn giản chỉ là một tấm ảnh chụp qua điện thoại … những quyết định tuy nhỏ nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Và trong tác phẩm, đây là chủ đề luôn được đặt lên hàng đầu, xuất hiện ở mọi ngóc ngách, từng sự kiện, hiện hữu trong từng quyết định Gene đưa ra. Eiga Daisuki Pompo-san về một mặt, là câu chuyện của nhà làm phim trên con đường tìm kiếm lối đi riêng trong nghệ thuật điện ảnh.

“Tôi yêu tất cả các thể loại phim ảnh. Mà …
Làm một tác phẩm ướt át để lay động khán giả là chuyện dễ dàng,
Nhưng làm một bộ phim ngớ ngẩn đủ sức lay động mới là thiên tài” – Pompo.

Pompo trong cương vị sản xuất là một người “thực dụng”, hiểu rõ khán giả thích xem gì, muốn xem gì, và làm cách nào để đạt được mục đích hiệu quả. Tuy cô chỉ sản xuất những phim hạng “B” – hiểu ở đây là các phim đặt nặng “giải trí” hơn khía cạnh nghệ thuật, nhưng tại sao chúng ta không thể nói rằng trong những phim dù hạng “B” này lại không có những khía cạnh làm nên những nét nghệ thuật rất riêng đủ để cuốn hút khán giả? Các bộ phim “thị trường” thường có sự cạnh tranh rất lớn với nhau, cá lớn nuốt cá bé, không phải bất kì tác phẩm “thị trường” nào cũng đạt được thành công nếu chúng nhàm chán, một màu giống nhau theo khuôn khổ định sẵn.

Không nói đi đâu xa, những năm gần đây cơn bão Kimetsu no Yaiba xuất hiện thâu tóm màn ảnh Nhật Bản. Cốt truyện tác phẩm quá không phức tạp hay đồ sộ so với những bậc tiền bối như Fullmetal Alchemist, Hunter x Hunter và vv … Nhưng vẫn đủ sức làm khán giả say mê qua cách thức Ufotable triển khai nguyên tác lên màn ảnh. Lấy vd, trong tập 19 ở season 1, khi Tanjiro đối đầu với Rui – Hạ Huyền Ngũ, trong đoạn cảnh hoạt họa hành động “thần sầu” nhất do chính tay Nozomu Abe đảm nhận, đạo diễn tập đã lựa chọn lồng ghép vào nhạc nền là bài “Kamado Tanjiro no Uta” dịu dàng và đầy cảm xúc – như điệu nhảy người cha khi xưa đã trình diễn cho Tanjiro – thay vì một bản nhạc điện tử với tiết tấu dồn dập hay hoành tráng. Đây là sự lựa chọn “nhỏ” nhưng đã hoàn toàn giúp “nâng tầm” phiên bản anime, thổi hồn vào đoạn cảnh hành động đáng nhớ nhất trong toàn thể series nói chung.

• Ngay cả khi một bộ phim được gắn nhãn mác “hạng B”, nhưng vẫn có những tác phẩm chứa đầy cái sự tinh túy trong nghệ thuật – của những con người muốn cống hiến – thực hiện.

Nếu như phương hướng tiếp cận của Pompo có toan tính nhất định, chi li hiệu quả để cung phụng khán giả, thì hình ảnh tương phản chính là Gene. Anh là đại diện còn lại của bộ phận “theo đuổi vì nghệ thuật”, lựa chọn lối tiếp cận khác thường mang nét biểu cảm cá nhân, không đụng hàng. Ta sẽ không thể nhận xét rằng cách làm nào là đúng, vì đơn giản trong nghệ thuật không có một thước đo nào, một hệ quy chiếu nào mang tính tuyệt đối cả! Rồi chuyện gì sẽ xảy ra nếu 2 con người, thuộc hai trường phái nghệ thuật khác nhau, cùng chung sức thực hiện một bộ phim? Và đây cũng chính là tiền đề tác phẩm!

Xuyên suốt Eiga Daisuki Pompo-san, tác phẩm sẽ giới thiệu với người xem các khái niệm và kĩ thuật thú vị trong nghệ thuật phim ảnh. Đan xen là những ý kiến “trái chiều” mà Gene sẽ phải chọn lựa để tạo ra được cái chất riêng cho phong cách của anh.

“Pompo ơi, cô có thể cho tôi mượn rạp chiếu được không?
Được, anh tính xem gì?
Cinema Paradiso.
À, tôi ghét bộ phim đó.
Nhưng … nó là tuyệt phẩm mà?
Nó là câu chuyện hay, mà dài quá!
Cô không thích những bộ phim dài sao?
Không! Tôi ghét chúng!
Nhưng chúng càng dài, ta sẽ càng thưởng thức được nhiều hơn!
Không, anh không hiểu, tôi nói nghe này.

Bắt khán giả tập trung xuyên suốt hơn 2 giờ đồng hồ, là “tàn nhẫn” với những khán giả hiện đại. Nhà làm phim phải lựa chọn khôn ngoan, khai triển tầm nhìn của họ một cách ngắn gọn nhất có thể. Một bộ phim bị thổi phồng ra sẽ không trông đẹp, phải không?
Nhưng tôi yêu điện ảnh! Một bộ phim dài đến 3 hay 4 giờ đồng hồ thì …
Pompo chen ngang – và đấy là vấn đề với những con nghiện phim!”

Đoạn hội thoại tưởng như đơn giản, một chiều giữa hai người, nhưng nó phản ánh nỗi trắc trở của không ít những nhà làm phim hiện nay. Phim ngắn hay dài? Đâu là thời lượng hợp lý? Trong đoạn hội thoại kể trên, có một đoạn mình lượt mất. Hồi còn nhỏ, cô kể rằng bố mẹ luôn bận bịu nên chỉ còn mỗi ông trông. Và ông thì … chả biết gì ngoài phim ảnh, cô thường bị bắt phải xem cùng. Trẻ con thường năng động nên chúng đâu thể ngồi yên nhiều tiếng liền! Đây cũng là vấn đề đáng cân nhắc với người làm phim! Thông thường các bộ phim gia đình sẽ có thời lượng ít hơn hai tiếng để trẻ con vẫn có thể xem được, hoặc ít nhất chúng không quấy rầy các bậc phụ huynh.

Bên cạnh đó, những bộ phim “hạng B” (như Pompo thực hiện) lại đề cao và khai thác các yếu tố “xã giao” trong bộ phận khán giả đại chúng. Một bộ phim ngắn có kết cấu hoàn chỉnh, cốt truyện không quá phức tạp nhưng vẫn đủ khả năng cuốn hút người xem, thì khi thưởng thức xong, ai cũng có thể đưa ra bình luận, nhận xét – đặc biệt hơn nếu đích đến tiếp theo sau khi xem phim là nơi ăn uống nào đó (vd khi xem xong 1 bộ 3-4 tiếng buổi tối thì đã quá trễ rồi, trong khi đó nếu bộ phim chỉ kéo dài 1 tiếng rưỡi cho đến 2 tiếng, ta vẫn còn kha khá thời gian ngồi uống nước bàn chuyện phím chẳng hạn). Đến đây, ta đã nhìn thấy rõ sự phân cực trong thứ nghệ thuật phục vụ từng nhóm khán giả khác nhau, giữa 1 bên là bộ phận ghiền phim ảnh (Gene), bên còn lại là những khán giả đại trà dễ tính (Pompo).

Bên trên chỉ là ví dụ nhỏ, tác phẩm còn giới thiệu đến những câu chuyện – sự việc thú vị thường diễn ra trong phim trường. Dù đạo diễn là người có tiếng nói quyền lực nhất quyết định mọi thứ, nhưng những đóng góp từ diễn viên, lẫn bộ phận ê kíp đều có thể tạo cảm hứng ý tưởng giúp nâng tầm cái chất của một cảnh quay. Nhóm diễn viên lẫn ê kíp chung tay góp ý để tạo nên một cảnh quay có thể nói là ấn tượng nhất trong tác phẩm – đoạn cảnh hai nhân vật chơi đùa dưới trời mưa (cảnh này được Tetsuya Takeuchi hoạt họa, diễn xuất thì ôi trời ơi luôn, hết sức ảo diệu mà lại chân thật). Chi tiết này cũng phần nào làm mình nhớ đến một câu chuyện về studio Ufotable, nơi đạo diễn Hirao đã gắn bó trong phần lớn sự nghiệp. Ở Ufotable thì ngay cả một animator với 1-2 năm kinh nghiệm cũng có thể đóng góp ý tưởng cho tác phẩm, và họ thường tổ chức những buổi họp nhóm để dàn nhân sự từ đủ mọi phân khu chia sẻ ý tưởng cho lẫn nhau – như các bạn đã biết thì bộ phận CGI và bên hoạt họa 2D đều có sự gắn khít rất chặt chẽ.

Và phần quan trọng nhất trong bất kì tác phẩm điện ảnh nào, đấy là phần xử lý phim ảnh (editing). Một trong những lí do mình đánh giá cao Eiga Daisuki Pompo-san, là việc tác phẩm đã hé lộ nên những vai trò, công việc quan trọng sau phim trường, từ vị trí sản xuất, cho đến công đoạn xử lý các thước phim lúc máy quay đã dừng chạy, đồng thời đề cao giá trị của những công việc / vai trò ít người biết. Để làm phim, cả đội ngũ đã phải bấm máy quay đến hàng chục giờ với các thước phim khác nhau (raw footages). Chính vì thế, khâu editing là khâu tối quan trọng để cấu thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Như Pompo đã nhận xét: “Biên tập chính là khán giả đầu tiên”.

Đây không chỉ đơn giản là công việc “chắp vá” những thước phim lại với nhau, mà còn tỉa gọn những đoạn cảnh thừa thãi, sắp xếp chính xác tất cả những thước phim vào “đúng” vị trí trong kịch bản để tạo nên bộ phim với câu chuyện hoàn chỉnh. Có rất nhiều điều để nói về khâu editing trong phim ảnh, lấy ví dụ như nhịp phim (pacing), nhịp phim nhanh hay chậm là do biên tập viên (editor) quyết định, họ có thể kiểm soát trữ lượng thông tin trong một cảnh quay, hay đơn giản nhất là hình thức “nối cảnh” bằng những kỹ thuật chuyển cảnh thú vị tạo tính mạch lạc cho câu chuyện. Như nếu bạn nào đã xem Birdman (2015) của đạo diễn Alejandro rồi thì sẽ nhận ra các cảnh trong tác phẩm được “nối” với nhau bằng những “invisible cut” (kỹ thuật cắt cảnh vô hình), tạo cảm giác cả bộ phim được quay chỉ với 1 lần bấm máy!

Nói về cinematography (nghệ thuật phim ảnh) và những điều liên quan, trước đây mình đã từng viết một bài chi tiết (khá dài), nếu tò mò bạn có thể tìm đọc qua.

Tác phẩm có cả một trường đoạn đi sâu vào quá trình xử lý phim ảnh, lẫn suy nghĩ nội tâm trong tầm nhìn nghệ thuật của Gene, khi mà những quyết định nhỏ của anh trong việc sử dụng, cắt, nối cảnh đều mang những ảnh hưởng nhất định đến thành phẩm cuối cùng (những cảnh wide, close-up, long, medium shot đều mang công dụng và trải nghiệm khác nhau) – “Tôi sẽ không chiếu hết cả bài hòa tấu, mà sẽ cắt giữa chừng để chuyển sang cảnh khác trước khi nó (bản hòa tấu ấy) làm người ta chán!”.

Thậm chí, có những sự kiện, mạch truyện anh quyết định không theo kịch bản sẵn có, mà đảo chiều và sắp xếp lại để tạo nên hiệu ứng mạnh hơn. Nếu bạn là một người có niềm đam mê phim ảnh, lẫn thường hay phải xử lý / làm những thước phim, thì mình tin tác phẩm sẽ có những lời khuyên thú vị để khiến bạn suy ngẫm về phương hướng tiếp cận trong nghệ thuật của bản thân.

Nhưng sau cùng thì, đây có lẽ là “lời khuyên” gây được ấn tượng, lẫn sự đồng cảm mãnh liệt nhất với mình trong toàn thể tác phẩm, và cũng là nơi mình sẽ khép lại phân đoạn này của bài viết.

“Phim ảnh được làm để cho ai?
Cho khán giả, tôi nghĩ vậy…
Thế thì cậu có yêu thích phim ảnh không? Cậu tìm thấy bản thân cậu trong phim ảnh, phải không? Qua những câu chuyện, cậu tìm thấy sự đồng cảm, ước mơ, khát vọng. Cậu nhìn thấy thực tại!
Vậy Gene, cậu đã nhìn ra bản thân mình trong tác phẩm của cậu chưa? Khi cậu đã tìm ra, thì hãy thổi hồn vào bộ phim chất “aria” của cậu!”

Aria là một bản “độc tấu” tuyệt tác để biểu lộ cảm xúc. Nhưng thứ cảm xúc ấy bắt nguồn từ đâu nếu không phải là tình yêu nghệ thuật mãnh liệt của người nghệ sĩ? Tác phẩm lồng ghép tài tình nét tương đồng trong hoàn cảnh qua những đoạn lặp cảnh giống nhau diễn ra song song. Dalbert – một nhạc sĩ thiên tài trong tác phẩm Gene đang thực hiện, cũng trải qua những gì Gene đang trải qua. Cả hai đều biết họ đang hy sinh, đánh đổi nhiều điều, không phải chỉ riêng những điều thuộc về bản thân, mà còn là thời gian, công sức, của cải người khác! Chính vì vậy, dù có phải đánh đổi cả sức khỏe thì họ cũng không thể bỏ cuộc giữa chừng! Dù cho, giả như, tác phẩm có thất bại, họ cũng sẽ cố gắng đến cùng.

“Nếu bạn ráng làm vừa lòng tất cả mọi người, thì bộ phim sẽ là thứ chắp vá chẳng ra gì!
Hãy làm bộ phim cho người bạn muốn trình chiếu nhất!”

Và người muốn trình chiếu ở đây, không ai khác ngoài bản thân của người nghệ sĩ! Tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật bộc phát từ con tim là những tình cảm chân thành nhất, không giả tạo. Nếu người nghệ sĩ, chân thành sáng tác và thổi hồn cảm xúc của họ vào tác phẩm, thì những tác phẩm ấy sẽ không chỉ dành riêng cho bản thân họ, mà còn đủ sức làm lay động những thế hệ khán giả khác nhau.

“Có bí quyết nào làm một bộ phim tuyệt vời không?”
“Không có con đường nhất định nào là đúng để làm phim cả!”.

Tác phẩm khép lại bằng câu trả lời của Gene khi được hỏi rằng điều gì anh thích nhất về tác phẩm của mình:
“Điều tôi thích nhất à? (Gene đắn đo một hồi rồi nhoẻn miệng cười) – nó dài đúng 90 phút”.

◆ Và không biết bạn đã nhận ra chưa? Eiga Daisuki Pompo-san cũng kết thúc với độ dài 90 phút. Phương diện cuối cùng, không phải trong vai khán giả thuần túy, không phải trong tư cách của một nhà sáng tác, mà chính là đạo diễn của bộ phim: Takayuki Hirao.

Cả tác phẩm là lời tự sự, là phong cách, là trải nghiệm, là những tinh hoa trong toàn bộ sự nghiệp của chính đạo diễn tác phẩm. Bạn hãy xem lại và để ý từng khung cảnh được sắp đặt, cắt và chuyển – nối tiếp ra sao, từng phân đoạn có nhịp độ, tiết tấu như thế nào. Thứ tự kể của tình tiết và diễn biến không thẳng tấp, hay xuôi một dòng như chiều kim đồng hồ mà đan xen những câu chuyện phi tuyến tính (ko theo thứ tự thời gian) để tạo hiệu quả hấp dẫn, làm người xem tò mò hơn. Ví như câu chuyện về Natalie và những gì xảy ra với cô chỉ được hé lộ khi chúng ta đã biết rằng cô sẽ nhận vai nữ chính trong bộ phim Gene chỉ đạo.

Làm phim tuy khó, nhưng để làm một bộ phim hoạt họa mà lại trông như phim nhựa, thì theo mình – sẽ càng khó hơn. Không như một editor có thể chỉnh sửa vừa ý những thước phim trong cả kho chứa đến vài chục giờ chiếu, thì một đạo diễn anime đã phải “sắp xếp” toàn bộ mọi thứ, ngay cả những khâu cắt – nối cảnh đơn giản nhất trong giai đoạn đầu lên bảng vẽ phân cảnh. Họ không có diễm phúc để làm “thừa” rồi tỉa cho gọn, vì bất kì thứ gì, dù là một đoạn chuyển cảnh đơn giản, cũng phải hoạt họa bằng tay.

Nếu bạn hỏi:” Vậy sau cùng, Hirao lựa chọn phong cách của Pompo, hay Gene?”.

Mình cho rằng, đấy là cả hai. Bộ phim là sự dung hòa hoàn hảo giữa góc nhìn từ nhiều bên, từ khán giả đại trà, hay dân ghiền phim cho đến người sáng tạo nghệ thuật. Cũng y như chính tác phẩm này vậy! Vừa giải trí, mà cũng có chiều sâu nghiền ngẫm. Chính quá khứ và trải nghiệm của Hirao – từng làm ở bộ phận sản xuất, lẫn hoạt họa, chỉ đạo – đã cho phép ông cân bằng được góc nhìn để tìm ra nơi giao thoa trong nghệ thuật của chính mình.

Eiga Daisuki Pompo-san chính là thứ phong cách tinh chạm, là một ngôn ngữ rất riêng mang đầy dấu ấn và bản sắc của Takayuki Hirao. Tác phẩm là bản “Aria” hoàn thiện và đẹp đẽ nhất của ông sau khi rời Ufotable. Và mình tin, Hirao sẽ là một trong những tên tuổi đạo diễn sáng giá nhất trong tương lai, bên cạnh những tài năng khác trong nghệ thuật chỉ đạo hoạt họa.

Một tuyệt phẩm anime điện ảnh dành cho tín đồ ghiền phim! Và đây là bộ hiếm hoi trong 2 năm trở lại đây mình cho con 10 tròn.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button