Chủ Nghĩa Hiện Sinh (Existentialism) và Hư Vô (Nihilism) Trong Anime Manga.

◆ 1. Nguồn gốc
Cả chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa hư vô bắt nguồn từ một nhà triết học có bộ râu đầy ấn tượng, Friedrich Nietzsche. Ông có lẽ là 1 trong những nhà triết học nổi tiếng và gây tranh cãi nhiều nhất bởi vì những ý tưởng đầy tính đột phá của mình và cả việc ông thường xuyên bị người ta hiểu lầm, “misquoted”- bị trích dẫn lời nói sai lệch.
Trong đó, câu nói nổi tiếng nhất của ông đó là “God is dead. God remains dead. And we have killed him”. Trong thời kỳ châu Âu bị ảnh hưởng mạnh bởi Thiên chúa giáo, cho rằng con người chỉ là con chiên trung thành của Chúa, làm theo những gì Chúa đã sắp đặt trước, thì Chúa trời còn tượng trưng cho mục đích của cuộc sống. Câu “God is dead” của ông đã chỉ ra rằng thứ mục đích của cuộc sống kia thật ra đã chết. Cộng với việc trong một công trình trình triết học chưa được ấn bản, Nietzsche cho rằng xã hội tương lai sẽ trở nên càng ngày “nihilist” – hư vô. Mặc dù thuật ngữ “hư vô” đã được sử dụng trước đó thế nhưng ông đã khiến cho khái niệm này phổ biến nên người ta cho rằng Nietzsche là cha đẻ của chủ nghĩa hư vô, cho rằng cuộc sống vốn không có mục đích, giá trị, là hư vô.
Thế nhưng nhà văn, nhà triết học Jean-Paul Sartre cho rằng mọi người đã hiểu sai về Nietzsche. Người ta thường chỉ chú ý đến câu đầu “God is dead”, mà bỏ qua câu “And we have killed him”. Không ai khác mà chính chúng ta đã giết chúa và trở thành chúa của chính cuộc đời mình! Đúng là bản chất của cuộc đời là vô nghĩa, nhưng chính ta có thể tự tạo ý nghĩa cho nó! Nietzsche cũng đề cập đến việc ví con người như là 1 người nghệ sĩ (vì bản thân ông cũng là 1 nhà soạn nhạc). Khi họ trình diễn trên sân khấu phải theo tổng phổ (music sheet), theo một sự sắp đặt trước, tuy nhiên con người lúc nào cũng phải phạm sai lầm hoặc là sự cố gì đó không như ý muốn khiến họ không thể chơi bản nhạc cách hoàn hảo đến từng nốt nhạc được. Thì ông cho rằng cái sự thú vị không nằm ở bản nhạc mà nằm ở cách xử lý tình huống của từng nhạc công hay ca sĩ để vẫn cho ta một tác phẩm âm nhạc hay.
Trong cuộc sống cũng vậy, ta lúc nào cũng phải gặp vô số điều này điều kia và những lựa chọn trước từng điều kiện “absurd” – phi lý của cuộc sống chính là thứ mà ông cho rằng là thú vị, đặt cao hơn cả Chúa trời. Và Sartre đã phát triển những tư tưởng kể trên của Nietzsche thành chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism) khiến ông trở thành người đi tiên phong phải kể đến mỗi khi ta nhắc về thuyết này.
◆ 2. Chủ nghĩa hiện sinh vs chủ nghĩa hư vô (Existentialism vs Nihilism)
Chủ nghĩa hiện sinh cũng có trường phái hữu thần, thế nhưng trong bài viết này, tôi sẽ chỉ đề cập đến hiện sinh vô thần của Nietzsche và Sartre cho đơn giản hóa.
Về điểm giống nhau giữa 2 thuyết (hiện sinh và hư vô) thì ta đều thấy cả 2 cho rằng bản chất của cuộc đời là vô nghĩa, thế nhưng khác biệt ở đây đó là về góc nhìn và thái độ tiếp nhận. Hư vô chủ nghĩa theo hướng tiêu cực, rằng ta chẳng thể làm được gì về sự vô nghĩa đó. Còn ở hiện sinh thì tích cực hơn, rằng ta có thể thay đổi sự hư vô trên bằng cách tự tạo ra ý nghĩa, thông qua những quyết định và lựa chọn trong suốt cuộc đời của mình.
• Điều này khiến cho ta có thể mường tượng rằng chủ nghĩa hiện sinh và hư vô giống như 2 mặt của cùng 1 đồng xu, và 1 số người còn gọi hiện sinh là hư vô theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, sự so sánh, nó không đơn giản như vậy. Còn có 1 yếu tố rất quan trọng tạo nên chủ nghĩa hiện sinh mà ta đã bỏ qua đó là tinh thần trách nhiệm của mỗi con người. Theo Sartre, con người muốn có “radical freedom” (tự do tuyệt đối) để làm chủ cuộc đời mình thì đối với mỗi hành động bản thân tự đưa ra, chính ta điều phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước mọi hậu quả mà nó đem lại. Khác với chủ nghĩa hư vô vì cho rằng ta có làm gì, cuộc đời cũng không có ý nghĩa nên đã chối bỏ mọi trách nhiệm trong cuộc sống. Điều này lý giải tại sao ta nên tránh chủ nghĩa hư vô bởi vì nó có thể là lý do cho lối sống vô trách nhiệm, sự trốn chạy khỏi những áp lực của cuộc sống hay thậm chí muốn tự kết thúc cuộc đời của chính mình, rất là nguy hiểm.
Bản thân chủ nghĩa hiện sinh của Sartre và Nietzsche cũng có sự khác biệt. Theo Sartre, ông ví dụ trường hợp của 1 người bồi bàn, làm mọi việc hoàn hảo đúng với tác phong của người bồi bàn. Do đó, hành động của người bồi bàn là 1 việc đã được định sẵn trước bởi những người bồi bàn khác và anh ta chỉ bắt chước theo, ông cho đó là “bad faith” – thiếu tin tưởng vào bản thân vì đã chối bỏ trách nhiệm tự quyết định hành động của mình mà làm 1 việc đã được định sẵn từ trước. Để có được “radical freedom” thì người bồi bàn kia chỉ nên làm những gì mình thích và mình muốn thôi, không chịu ảnh hưởng bởi người khác, để có thể gánh vác mọi trách nhiệm lên mình. Tức là nếu ghét làm nghề bồi bàn thì từ bỏ nó.
Quan điểm này của Sartre là có phần thái quá theo nhiều người, trong xã hội lúc nào cũng có những vai trò định trước mà ta phải thực hiện, nên kiểu “radical freedom”, muốn làm gì làm, rất khó để có được. Do đó, ta có Nietzsche, cân bằng hơn, giống như việc ông ví con người như 1 người nhạc công có thể đàn theo 1 bản nhạc đã định trước sẵn, nhưng mỗi lỗi lầm, mỗi sự thay đổi, khác biệt với nhạc phổ là sự “sáng tạo” của riêng nhạc công đó, và họ có thể tự chịu trách nhiệm trước những sự sáng tạo của mình, mặc dù công việc của họ cũng có phần định sẵn. Như thế, với trường hợp của bồi bàn trên, theo Nietzsche, anh ta tuy không thích nghề mình làm, nhưng không cần phải bỏ nghề mà có thể biến hóa cách phục vụ theo hướng mà mình thích thôi.
Việc bàn luận về chủ nghĩa hiện sinh là đầy phức tạp, khi mà ta chưa đề cập đến hiện sinh hữu thần và nhiều nhà triết học hiện sinh khác nữa. Nhưng mà mình viết bài viết này không phải kiểu làm triết gia phân tích sâu, nên ta sẽ vào phần chính trong bài đó là việc ứng dụng chủ nghĩa hiện sinh (và cả hư vô) vào loại hình anime, manga là như thế nào nhé!
◆ 3. Các tác phẩm hiện sinh
• Cuộc đấu tranh giữa người và thần
Để thể hiện câu nói “God is dead and we have killed him”, 1 số tác phẩm đã dùng việc chiến đấu giữa con người và đấng toàn năng làm chủ đề chính. Tiêu biểu nhất đó chính là Gurren Lagann. Bằng việc sử dụng “năng lượng xoắn ốc” tượng trưng cho sức mạnh của tự do ý chí, mà các nhân vật chính đã ngày càng mạnh lên và có thể đánh nhau với chủng tộc ngoài hành tinh có sức mạnh toàn năng như Chúa. Họ đã phá vỡ mọi giới hạn, sự kiềm kẹp, biến không thể thành có thể, tất cả là nhờ vào sự tinh tưởng vào bản thân để cuối cùng đạt được “radical freedom” – tự do tuyệt đối. Quan điểm của bộ này khá là gần gũi với Sartre, bởi vì để có được sự tự do ấy cũng có không ít hy sinh đánh đổi nhưng những nhân vật không hề hối hận, trốn chạy mà dũng cảm gánh vác mọi trách nhiệm, hy sinh đó vào người.
Hay ta có Chainsaw man, cụ thể thì mình đã có bài phân tích rồi, nên cũng không muốn nhắc lại. Trong Chainsaw-man thì hướng đến sự cân bằng giữa tự do ý chí và kiểm soát, nên theo quan điểm của Nietzsche hơn là Sartre.
• Thái độ sống lạc quan trong bất kỳ hoàn cảnh
Có khá nhiều bộ về chủ đề này Made In Abyss, Kino no tabi, Girls last tour, Hành trình đến tận cùng thế giới,… Điểm chung đó là việc khắc họa thế giới đen tối hoặc hậu tận thế đầy buồn bã gợi cho ta cảm giác đầy bi kịch, nhiều sự chịu đựng mất mát, đau khổ, hư vô. Thế nhưng vượt lên tất cả điều trên đó là thái độ sống lạc quan, đầy tích cực của nhân vật, tiếp tục tiến lên phía trước.
Tiêu biểu như là Made In Abyss, cái hay của bộ này không nằm ở những chi tiết suffering, dark gore mà nằm ở thái độ của cô bé Riko, sao mỗi arc lại nở 1 nụ cười, xách ba lô lên và đi tiếp. Cô bé đã biết cái hố sâu tăm tối kia có biết bao nguy hiểm mà vẫn muốn khám phá nó bởi vì em yêu việc này bằng cả trái tim mình. Đó là quyết định của chính bản thân em không dựa vào ai hết, cho nên em phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì nó, cho dù có chịu đựng đau khổ đến đâu cũng không được từ bỏ hay trốn chạy.
• “You’re gonna to carry that weight”
Yếu tố quan trọng nhất của chủ nghĩa hiện sinh đó là việc chịu trách nhiệm trước những hành động trong quá khứ của bản thân. Cho dù nó có là gánh nặng đến thế nào ta cũng phải mang theo.
Thế nhưng phi hành đoàn Cowboy Bebop đã không làm được như vậy, họ đã phải trốn chạy quá khứ của mình. Dùng vẻ ngoài cool, mạnh mẽ để che đấu sự yếu đuối, vụn vỡ bên trong. Nhưng mà họ có chạy đến đâu thì quá khứ cũng sẽ mãi đuổi theo, và cuối cùng, đến 1 ngày họ cũng phải đối diện với nó. Do đó, chủ đề đối diện và gánh lấy trách nhiệm của quá khứ cũng là 1 chủ đề khá phổ biến có thể khai thác để thể hiện tinh thần hiện sinh mạnh mẽ.
Trong Berserk, Guts – The Black Swordman đầy đáng sợ, hủy diệt mọi kẻ ngáng đường, cũng phải đối diện với tất cả những gì mà mình đã gây ra và gánh lấy trách nhiệm. Đó là trách nhiệm bảo vệ người yêu Casca, dẫn dắt Schierke, Puck, Serpico, Farnese, Isidro những người đã được cậu làm thay đổi và tin tưởng theo cậu, đó là những hồn ma từ những người mà cậu đã giết đến đòi mạng hằng đêm, đó là con sói cuồng nộ ở bên trong mà cậu phải khống chế, thanh Dragon Slayer khổng lồ ở trên lưng,… Một gánh nặng lớn đến không tưởng nhưng cậu vẫn chấp nhận nó và bước tiếp đúng với danh hiệu “The Struggler” của mình. Và bộ Berserk không những chỉ có vậy mà còn chứa đựng rất nhiều triết lý khác nhau của Nietzsche, thể hiện tác giả rất chuộng triết gia này trong đó có cả chủ nghĩa hiện sinh. (Đang đợi bài viết từ ai đó. )
◆ 4. Các tác phẩm hư vô
Trái ngược với các tác phẩm hiện sinh thì trong những bộ về chủ đề nihilism, các nhân vật chính thường trốn chạy khỏi mọi trách nhiệm, cái cái nhìn tiêu cực về thế giới và có thể muốn tự kết thúc cả cuộc đời mình.
Đó chính là “Ningen Shikaku” (Nhân gian thất cách) của tác giả Osamu Dazai đại diện cho dòng văn học tự hủy của Nhật Bản. Ningen Shikaku có thể là tác phẩm đau khổ, trầm cảm nhất mà mình từng đọc. Khi xem chuyển thể anime (4 tập đầu của bộ Aoi Bungaku) thì mình còn có thể chịu được. Chứ khi đọc tác phẩm gốc thì mình chỉ có thể đọc được 1 nửa mà không dám đọc tiếp.
Là bởi vì khác với những bộ hiện sinh bên trên, Ningen Shikaku không hề có bất kỳ hạnh phúc hay hy vọng nào, tất cả dường như ngày càng chìm sâu trong vòng xoáy của sự hư vô. Một phần là do những điều không may đã xảy ra trong cuộc đời của nhân vật nhưng thiết nghĩ phần lớn chính là vì bản thân anh ta có cái nhìn đầy tiêu cực về thế giới và suốt ngày cố gắng trốn chạy khỏi nó. Cũng không trách được vì câu chuyện trong tác phẩm cũng chính dựa trên cuộc đời của tác giả. Một người đã để sự trầm cảm của mình vượt quá giới hạn, nhiều lần tìm đến cái chết.
Đối diện với những tác phẩm đầy hư vô như trên, liệu ta có tìm được giá trị của nó? Nghệ thuật không nhất thiết phải dạy ta những điều hay mà còn có thể khai thác những gì tiêu cực nhất để ta tránh né chúng. Hãy đừng như nhân vật chính của Ningen Shikaku! Chính tựa đề không còn là người, cảm thấy lạc loài giữa xã hội loài người là thứ mà tôi cảm thấy rất đồng cảm mỗi khi buồn tủi, cô đơn, thì đã chứng minh quan điểm của tác giả cho rằng chỉ mình ông ta đặc biệt, cảm thấy vậy là hoàn toàn sai rồi.
Chủ nghĩa hiện sinh đúng là đáng sợ khi mà nó ép người ta phải gánh chịu mọi trách nhiệm đầy nặng nề trước những sự lựa chọn trong cuộc đời. Làm ta nhiều khi muốn trốn chạy, từ bỏ để làm bạn với hư vô. Thế nhưng có khó khăn thì mới thấy thành công là ý nghĩa. Có đau khổ mới thấy hạnh phúc đầy đáng giá. Như tựa đề cuốn sách của Sartre: “Existentialism Is a Humanism”, nhờ vào những tác phẩm hiện sinh ta mới thấy được giá trị của tình người, niềm tin và hy vọng nó tỏa sáng đến nhường nào!