Phân Tích Mushishi – Phần 2: Âm Thanh và Giấc Mộng

1. Sừng mềm (S1.Ep3)
“Ở 1 ngôi làng nọ chìm trong màu trắng của tuyết, người dân phải chịu đựng hai loại mushi khác nhau liên quan đến âm thanh, Ginko sẽ có cách nào để chữa lành cho họ?”
Ở tập này chúng ta không những được giới thiệu 1 mushi mà có đến 2 loại trái ngược nhau:
– Un là loại mushi ăn âm thanh khiến cho nạn nhân bị không thể nghe được 1 bên tai.
– Ah là loại ảnh hưởng lên cả 2 tai nhưng lại ăn sự tĩnh lặng làm cho nạn nhân lúc nào cũng nghe thấy tiếng ồn đầy khó chịu.
Đối với mushi loại Un thì Ginko đã chữa lành bằng cách rất là đơn giản đó là rửa sơ lỗ tai bằng nước muối. Còn với Ah thì lại không dễ một chút nào cả. Tại sao vậy? Un xem ra chỉ là đại diện cho 1 dạng bệnh nhiễm trùng tai bình thường thôi còn Ah nó ăn mất sự tĩnh lặng và gây nên những tiếng ồn. Nhưng mà bối cảnh là nơi tuyết rơi rất nhiều, các động vật đều đi ngủ đông, thực vật cằn cỗi, tác phẩm cũng đã có những câu thoại nhấn mạnh rằng nơi đây rất là yên ắng, bình lặng, vậy thì những âm thanh đó từ đâu mà ra? Theo tôi những tiếng ồn trên không phải từ môi trường mà đã phát ra từ trong chính thâm tâm của mẹ Maho và cả cậu.
Chúng ta được gợi ý rằng bố của Maho đã q.ua đ.ời và kể từ đó thì mẹ cậu bị mắc căn bệnh này, và cậu cũng gặp phải tình trạng tương tự sau khi chứng kiến sự ra đi của mẹ. Tôi khá là chắc chắc đây không phải là căn bệnh về thể xác mà hoàn toàn là “tâm bệnh” gây ra bởi những mất mát và đau buồn quá lớn để có thể chịu đựng nổi.
Đó là tiếng lòng thổn thức hằng đêm, những ý nghĩ tiêu cực cứ cuốn ta đi như những con sóng dữ làm mất đi động lực để sống của con người. Phật giáo gọi chúng là “tạp niệm” – tất cả những cảm xúc căng thẳng, bất an, lo âu, sợ hãi, giận dữ, buồn bã,… ngăn cản ta đến với bến bờ của hạnh phúc, an lạc. Trong một đêm thanh vắng, các bạn hãy thử ngồi yên, hướng mắt tập trung về phía trước, ta sẽ chợt nhận ra có bao nhiêu suy nghĩ lùa về, chuyện quá khứ, chuyện tương lai, chuyện mộng tưởng,… như hết đợt sóng này đến đợt sóng khác. Để mà có thể chế ngự và vượt qua chúng thì ta cần có 1 điểm tựa, điểm neo đậu chắc chắn và thứ gần gũi nhất mà ta có thể sử dụng được là cơ thể của chính mình.
Cách chữa bệnh mà Ginko đề ra đó là hãy bịt tai và cảm nhận âm thanh của cơ thể phát ra: tiếng lụp bụp rất nhỏ do chuyển động của những bắp cơ ở tay, tiếng tim đập, tiếng ta chậm rãi thở ra hít vào. Việc cảm nhận cơ thể đặc biệt là chú trọng vào nhịp thở là thứ cơ bản nhất trong thực tập Thiền định để có thể xua đuổi đi những “tạp niệm”.
Thế nhưng tác phẩm không những chỉ có vậy, khi mà mẹ Maho yêu cầu cậu để tay áp vào tai bà cũng là để bà cảm nhận được hơi ấm từ cậu. Trong một bối cảnh mùa đông đầy lạnh lẽo, con người ấy đã kiệt quệ vì thiếu vắng tình thương, sự bảo bọc, chở che của người chồng bên cạnh, giờ đây thứ mà cô cần nhất là được gần gũi bên con, được động viên, an ủi. Thế nhưng cậu vì còn nhỏ mà đã không hiểu được những lời nói từ mẹ, dẫn đến một kết cục đầy đáng tiếc.
Thế còn hình ảnh của những chiếc sừng, theo tôi thì tượng trưng cho “Oni” – qu.ỷ, yêu quái của Nhật Bản. Chúng ta xem anime thường liên tưởng Oni như là các sinh vật giả tưởng trong truyện kể dân gian. Thế nhưng nguồn gốc của “Oni” được cho là từ Phật giáo, tượng trưng cho “qu.ỷ trong tâm” – tất cả những cảm xúc tiêu cực đang quấy rối ta. Có thể trong tập này, hình ảnh trên thể hiện sự đấu tranh nội tâm của các nhân vật chống lại nỗi tuyệt vọng và đau buồn.
Với việc giới thiệu hai loại mushi đối lập nhau, bộ anime đã cho ta thấy sự quan trọng của âm thanh trong đời sống. Ta cần có thính giác để nghe, cảm nhận cuộc sống, thế nhưng khi những tiếng động bên ngoài (hoặc ở trong tâm) quá ồn ào, quá lớn thì đó là lúc nên hướng tới sự tĩnh lặng, tìm về chốn bình yên, để cảm nhận hơi thở, cảm nhận cơ thể và cảm thấy rằng còn được sống, được thấy sự ấm áp dễ chịu thôi, đã là một hạnh phúc lớn lao rồi.
2. Lối nhỏ dưới gối nằm (S1.Ep4)
“Một người đàn ông có thể biến giấc mơ của mình thành hiện thực! Nhờ sở hữu năng lực tiên tri biết trước tương lai mà anh đã giúp đỡ rất nhiều người khỏi kiếp nạn và được mọi người yêu mến. Thế nhưng, một ngày nọ, biến cố không may chợt ập đến…”
Đây là 1 trong những tập yêu thích của tôi, bởi vì sắc thái của tập này đen tối hơn ba tập đầu rất nhiều. Ta nhận thấy một sự chuyển biến ở đây, khi mà ở hai tập đầu Ginko giải quyết được hoàn toàn vấn đề, giúp đỡ thành công các nhân vật, xem như là cái kết có hậu, còn tập 3 thì kiểu “vừa ngọt vừa đắng” khi cứu chỉ được người con. Nhưng ở tập này, chỉ có sự bất lực thở dài của anh ta bởi vì cái kết là 100% “bad end”. Tôi nghĩ là từ tập 4, Mushishi đã thể hiện cho khán giả thấy sự khác biệt của mình trong thể loại “iyashikei” rằng tác phẩm này sẽ không lúc nào cũng có sự ấm lòng mà có thể tiến tới drama, bi kịch khi cần.
Sự thú vị của tập 4 là nằm ở việc tác giả liên tưởng, so sánh sự giống nhau giữa khái niệm tương lai và giấc mơ. Khi ngủ, giấc mơ của chúng ta được điều khiển bởi tiềm thức, hay vô thức, những ý thức của não bộ mà ta không điều khiển được. Điều đó khiến cho các giấc mơ có thể phản ánh những ký ức, ham muốn sâu thẳm bên trong con người nhưng vì sự hỗn loạn của tiềm thức nên việc mà ta mơ thấy những chuyện kỳ quặc, ngẫu nhiên cũng là thường xuyên. Đó là sự vô định của những giấc mơ, trước khi đi ngủ ta không thể nào đoán trước được rằng tối nay mình sẽ mơ gì.
Tương lai cũng có 1 sự vô định giống như vậy và nó làm cho người ta cảm thấy bồn chồn, lo lắng mỗi khi nghĩ về. Từ bao đời, con người lúc nào cũng muốn được nhìn thấy trước tương lai thông qua bói toán, chiêm tinh,… nhằm thỏa lấp nổi sợ hãi trong tâm. Thế nhưng kể cả nếu có năng lực tiên tri, biết trước được những gì sắp xảy ra, liệu rằng lúc nào cũng là điều tốt? Ginko không cho là vậy. Ta thấy ngay từ đầu tập, cậu ta đã cảnh báo trước rằng nếu cố giữ năng lực đó, sẽ có chuyện không hay xảy ra.
Nhưng mà vì ham muốn những lợi ích to lớn được đem lại cho gia đình, nhân vật Jin đã có sự chần chừ trong quyết định của mình. Thực ra cũng có lúc mà anh nghe theo lời của Ginko, thế rồi đột nhiên có 1 biến cố lớn ập đến, cơn sóng dữ kia đã cuốn đứa con của mình ra khơi vĩnh viễn. Trong cơn đau buồn, tuyệt vọng Jin đã đỗ lỗi cho Ginko và bản thân mình, nếu sử dụng khả năng của giấc mơ thì anh đã có thể biết trước sự việc mà cứu con mình kịp thời. Vì thế anh quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào giấc mơ để có thể biết trước hết mọi điều trong tương lai, tạo điều kiện cho mình có thể ngăn chặn những tai nạn tương tự.
Trớ trêu thay, định mệnh lại vô cùng nghiệt ngã với Jin, cả gia đình, cả ngôi làng anh ở đều bị 1 loại căn bệnh không rõ xóa sổ trong chốc lát. Cái cách mà bộ anime thể hiện giống như họ bị tan biến vào trong hư không liền vậy. Cho dù anh có biết trước đi chăng nữa, thì việc ngăn chặn lại là hoàn toàn không thể nào. Cho dù “lực bất tòng tâm” nhưng Jin lại tiếp tục tự đỗ lỗi cho bản thân mình, dần hình thành sự tự thù ghét. Anh ghét giấc mơ, ghét tương lai mà mình đang gánh chịu và muốn phá hủy nó ngay lập tức.
Giống như việc mà ta thích 1 giấc mơ đẹp, ghét những cơn ác mộng thì con người cũng mong muốn có 1 tương lai sáng lạng, có vật chất, hạnh phúc tinh thần đầy đủ. Thế nhưng, cuộc sống không bao giờ là như ý, cho dù những giấc mơ kia có thể tồi tệ đến thế nào đi chăng nữa, nó cũng thuộc về tiềm thức là 1 phần quan trọng trong ý thức và linh hồn của mỗi con người. Tương tự như vậy, còn tương lai thì mới còn có sự tiếp diễn, không có tương lai thì chỉ là cái chấm hết.
Trong tập này, ta cũng có 1 khung cảnh rất đẹp hiện lên trong mơ của Jin đó là ánh chiều tà, Jin ngước nhìn lên trời và thấy một đàn hàng vạn con mushi hình cánh chim đang bay lên trời. Một hình ảnh có phông màu vàng chủ đạo khá hiếm hoi trong một tác phẩm giàu màu xanh lá, xanh dương và trắng.
Thật đáng tiếc cho Jin, bi kịch gia đình, làng quê của anh là không thể cứu vãn thế nhưng nếu như không có năng lực biết trước tương lai đó, linh hồn của anh đã có thể thanh thản hơn, mà không dằn vặt đau khổ, tự oán trách bản thân cho đến cuối đời. “Ignorance is bliss”, có một số thứ có lẽ không biết sẽ tốt hơn, và Mushishi lại một lần nữa dạy cho ta rằng may mắn, sung sướng hay đau khổ bất hạnh, âu chỉ là vô thường của cuộc đời mà thôi.
-SUBA-
Designer: Hehe