AnimeNhững Vấn Đề Khác

Anime Với Mình Vẫn Còn Tuyệt Vời Lắm! Hãy Trân Trọng Những Giá Trị Đa Dạng Mà Anime Mang Lại!

Tết nhất năm nay drama có vẻ xôm hơn mọi năm nhỉ, tạm gác vụ fansub tố nhau thì hôm nay mình được một bạn tag đến drama “anime X bất ngờ leo lên BXH trong tuần và bị toxic fandom của 2 bộ Y Z nhảy vào dìm”, nhưng lướt qua cmt chút đỉnh thì trường hợp ngược lại cũng không phải hiếm.

Tuy nhiên, bài này mình sẽ không nhận xét về những drama trên, không phân biệt ai đúng sai làm gì, mà sẽ nêu chút ít suy nghĩ của riêng bản thân về anime nói chung, dưới tư cách là một khán giả “lâu năm”.

Nếu các bạn đã theo dõi page từ lâu, thì chắc cũng biết, mình là một người rất say mê hoạt họa Nhật Bản (anime). Đấy chẳng phải là điều bí mật hay gì.

Mình đến với anime từ giữa năm 2007 lúc mới bước chân vào cấp 3, đến giờ thì cũng hơn được 14 năm (đến với anime ở đây là xem một cách “nghiêm túc” hơn – đây là giai đoạn mà những bộ như Haruhi, Code Geass đang khuấy đảo cộng đồng mạng, chứ hồi nhỏ thì cũng đã tiếp cận với các bộ của Ghibli, hay Doraemon, Dragon Quest và vv … ). Anime đã là loại hình giải trí và nghệ thuật gắn liền với đời sống tinh thần của mình trong những năm đại học, đến lúc tốt nghiệp, có việc, và cho đến bây giờ. Tuy bận bịu, nhưng mình vẫn dành chút ít thời gian mỗi buổi tối để xem vài tập anime, nếu không biết xem bộ gì thì ngẫm nghĩ về chủ đề tiếp theo để viết, hay lướt tweet của những người trong ngành, vv …

Đã hơn 14 năm trôi qua, nhưng anime đối với mình là chưa bao giờ chán! Thế mạnh của anime (hay manga, LN VN nói chung) chính là sự đa dạng trong nghệ thuật, trong chủ đề, khi mọi thứ chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của tác giả, hay những người thực hiện mà thôi!

◆ Thế mới nói, anime với mình như một chân trời, một đại dương không có điểm dừng, mà nếu có dành cả đời thì mình cũng không thể nào trải nghiệm hết!

Mình thích những tác phẩm “thị hiếu”, cho đến những bộ “kén người xem”, từ những bộ drama não nề thấm nhuần ý nghĩa về gia đình, tình bạn như Clannad, cho đến những tác phẩm cần động não như Ergo Proxy, Serial Experiments Lain. Từ tác phẩm “space opera” kinh điển Legend of the Galactic Heroes (không phải bản remake của Production I.G đâu nha), cho đến thế giới đa sắc màu mang chủ đề cyberpunk như Ghost in the Shell, Akira … Đấy có thể là những thế giới thần tiên của Miyazaki qua các tác phẩm Ghibli, hay chỉ đơn giản là những câu chuyện tình cảm ngọt ngào bùi ngùi mà Shinkai đã tinh chạm nên. Thậm chí, những tác phẩm slice of life đời thường rất bình dị của hoạt họa Nhật Bản luôn có nét hấp dẫn với mình mà khó có thể tìm thấy ở bất kì loại hình nghệ thuật nào khác! Mình chỉ có thể trải nghiệm được cái cảm giác “tận hưởng cuộc sống”, hay “yêu đời hơn” khi chứng kiến hình ảnh Nadeshiko (Yuru Camp) mũm mĩm ngấu nghiến ly mì gói giữa khí trời đông lạnh!

Trong hơn 14 năm trời, chưa bao giờ gu mình lại “dừng hẳn” ở một thể loại, một tác phẩm, hay một chủ đề … mà luôn thay đổi không ngừng để có thể “trân trọng” hơn những giá trị mà loại hình nghệ thuật A-M mang lại (tất nhiên là vẫn có những nơi “comfort zone” luôn là chỗ mình có thể quay về để tận hưởng – như các tác phẩm của Kyoto Animation).

• Và đây là những gì mình muốn chia sẻ với các bạn: Hãy xem những gì bạn muốn, bạn thích!

Mỗi người chúng ta ai cũng có cách tiếp cận và tận hưởng khác nhau! Chính vì thế mình sẽ không bao giờ soi mói, hay dị nghị “gu” của bạn, vì “gu” – theo như kinh nghiệm của mình – không phải thứ bất biến, tuyệt đối – mà có thể thay đổi theo thời gian. Chìa khóa để chúng ta – mình và bạn – có thể chia sẻ sở thích cho nhau là sự tôn trọng từ hai bên. Mình không, và cũng sẽ chẳng bao giờ, ép buộc hay áp đặt “giá trị” của mình lên bạn, miễn là bạn cũng đừng làm vậy với mình!

Tại sao chúng ta cứ phải “cấu xé” lẫn nhau, thể hiện “gu” của bản thân để “dìm” đối thủ, hay những thứ mà bạn thích? Trong khi ta có thể cùng nhau ăn mừng và trân trọng những nét đa dạng mà anime mang lại!

Tại sao ta cứ phải so sánh “hoạt họa” của Ufo, Production I.G/WIT, Bones với nhau?

Khi ta có thể trân trọng và tận hưởng lối hoạt họa, phong cách hoạt họa của cả 3 studio? Ufo mang phong cách siêu thực với những kỹ xảo mãn nhãn thể hiện “uy lực” của tinh linh, hay thợ săn quỷ. Trái ngược lại, Bones luôn đề cao biên đạo võ thuật với lối hoạt họa 2D truyền thống, bám sát phong cách hiện thực, I.G/WIT lại mang phong cách “cân bằng” hơn, pha lẫn hiện thực với tưởng tượng – như những phân đoạn hành động tốc độ cao sử dụng 3D maneuver gear trong AoT tuy là công nghệ giả tưởng nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc vật lý thường thấy chẳng hạn.

Hay thậm chí, lối hoạt họa “diễn xuất” của Kyoto Animation luôn hớp hồn và tạo dấu ấn không phai trong con tim của mình trong suốt hơn 14 năm. Tại sao mình lại không thể thưởng thức lối hoạt họa của KyoAni như đã làm được với Bones, Ufo hay WIT? Tất cả đều có dấu ấn rất riêng, đều có thế mạnh riêng tạo sự đặc trưng và đa dạng trong anime, là lí do chính khiến mình đã yêu thích, đến với anime, và sẽ tiếp tục theo đuổi anime trong những năm tháng sau này.

Ngay cả chủ đề “isekai” vốn khiến những fan tự nhận “lâu năm” phải chau mày về chất lượng vẫn có những tác phẩm ghìm chặt mình trên ghế như Mushoku Tensei, Konosuba hay Grimgar of Fantasy & Ash … Tại sao ta lại cứ phải so sánh Shounen vs Seinen để dìm một bên, trong khi việc “phân loại” chỉ mang tính chất tương đối và vẫn có những tác phẩm từ 2 bên đủ sức thỏa mãn “gu” bạn? (Ad Suba có viết 1 bài về Shounen & Seinen khá hay, nếu bạn tò mò có thể đọc tại: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/235840141890046)

Mình tuy không đại diện cho toàn thể các ad của page, nhưng mình cảm thấy họ cũng chia sẻ phần lớn suy nghĩ với mình, đều là những người say mê hoạt họa Nhật và trân trọng giá trị của sự đa dạng mà loại hình nghệ thuật này mang lại.

Đến hiện giờ thì tình yêu mình dành cho A-M vẫn còn chưa dứt! Mình vẫn đang “tìm ra” những điều hâm nóng cho tình yêu này mỗi ngày như cảnh trong tập của hoạt họa sĩ nào, dấu ấn của họ trong từng đoạn cảnh ra sao, những khó khăn mà NSX, đạo diễn phải đối mặt trong quá trình sản xuất, hay những gì diễn ra đằng sau “cánh rèm”… Đây là những chân trời, những vùng biển dài vô tận mà mình mới chỉ trải nghiệm có một phần rất nhỏ.

Nếu bạn theo dõi page từ lâu thì cũng thấy rằng, mình rất hiếm khi phê bình bất kì tác phẩm nào (cả trăm bài thì mới có 1-2 bài “phê bình”), nhưng mình luôn giữ sự tôn trọng tuyệt đối đến với khán giả – những người yêu thích tác phẩm đấy – lẫn tác giả, đội ngũ thực hiện. Lí do vì sao trên page không có các bài “tế” hay “chỉ trích”, thì chỉ đơn giản vì mình muốn chia sẻ những điều tích cực mà mình cảm thấy trong A-M đến với cộng đồng, hay ít nhất là những bạn theo dõi page.

Và ngày hôm nay, đây là một post mình bày tỏ “tình yêu” đến với anime, lẫn ăn mừng về sự đa dạng trong nghệ thuật mà loại hình này mang lại. Nếu các bạn không biết, hay chưa theo anime đã lâu, thì bất kể tình hình đại dịch đã và đang diễn ra, năm vừa rồi (2021) là một trong những năm đáng liên hoan nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây vì số lượng lẫn chất lượng của các tác phẩm đã ra mắt, ít nhất thì cũng lọt vào top 3-4 các năm “tưng bừng nhất” kể từ lúc mình đến với anime theo mùa.

Anime với mình vẫn còn tuyệt vời lắm! Hãy trân trọng và tận hưởng cái sự đa dạng này khi bạn còn có thể! Và đừng ngại mà hãy khám phá những chân trời mới, vùng biển mới, vì biết đâu, bạn sẽ càng yêu thích hơn loại hình nghệ thuật giải trí này!

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button