Anime StudioIndustry

WIT Studio & Những Hiểu Lầm – Thiếu Vốn Nên Không Thể Làm Attack on Titan? Nguy Kịch Vì Nợ Nần Lớn?

Hôm nay đi cãi nhau với một anh nước ngoài mới thấy góc nhìn của một số người cũng có phần sai lệch vì họ tìm hiểu chưa sâu.

Tuy nhiên, có một số ý của anh này cũng tương đối … “hay” vì ảnh tự suy luận dựa vào những số liệu và tin tức sẵn có, nhưng không dùng đúng hoàn cảnh dẫn đến những hiểu lầm về nhìn nhận.

“What do you mean ? has nothing to do with Great Pretender. “Kensuke Tateishi” Wit Studio producer expressed their will to continue working on attack on titan season 4 but said that Wit studio didn’t have the resources to maintain the animation quality for a 4th season – “as creators we wanted the anime to escalate even further. Through many talks with Wit Studio, we understood that the continuation would be difficult” – which later Wit studio announced that they are in debt meaning the allocated budget would not be enough, It’s why they passed the project to Studio MAPPA, a studio in a much better financial situation that could afford to overwork their staff It even lead to the team behind Vinlad Sage that was formed under Wit Studio to probably move to MAPPA (which is yet to be confirmed & is just rumours), because Wit studio cannot afford to pay them.”

Dịch tóm gọn: anh này cho rằng WIT không tiếp tục thực hiện Attack on Titan mùa 4 là do họ thiếu vốn, phải tự bỏ tiền túi ra để đảm bảo chất lượng. Bị nợ nần, không thể trả công cho đội ngũ nhân sự nên từ chối thực hiện.

Sai hoàn toàn!

Trước nhất, NSX Tateishi đúng là có nói “WIT sẽ khó có thể tiếp tục thực hiện AoT”. Nhưng nhiêu đây hoàn toàn không đủ cơ sở để kết luận đấy là do … thiếu tiền, và nó chả liên quan gì đến chuyện nợ nần của họ cả!

Dự án AoT là một dự án siêu nóng và lớn, với vị thế vốn có của WIT studio – yếu tố đại quan trọng đóng góp vào sự thành công cho tên tuổi AoT – thì không thể có chuyện hội đồng sản xuất lại bần tiện mà cho nguồn vốn (theo hợp đồng) ít ỏi, không đủ để trả lương nhân công được! Mặt khác, ta vẫn thấy Production I.G góp mặt trong ủy ban sản xuất của AoT S4 do Mappa thực hiện, thì có nghĩa, doanh thu & lợi nhuận của dự án Attack on Titan vẫn chảy về túi của I.G Port (vốn là ông chủ của cả I.G và WIT, như Aniplex với A-1/Clover vậy).

Production I.G và WIT studio là cùng một giuộc – tuy hoạt động độc lập nhưng lưu thông nguồn tiền các thứ vẫn phải qua I.G Port, nghĩa là những gì WIT và Production I.G đạt được (vd doanh thu hay lỗ lãi, etc … ) đều quay trở về I.G Port. Nên không thể có chuyện nhân sự của WIT phải nhịn ăn trầy trật trong khi nhân sự của Production I.G lại no nê căn bụng.

Điều này có nghĩa, nếu thất thoát về mặt doanh thu, thì I.G Port/WIT chỉ bị thất thoát về khoảng kinh phí nguồn vốn mà hội đồng sản xuất sẽ chi ra để thực hiện anime (WIT sẽ sử dụng số tiền này trong sản xuất anime, như chi trả cho nhân sự và vv … ). Còn tiền bản quyền, do Production I.G có ghế trong hội đồng sản xuất thì số lợi nhuận thu được này vẫn sẽ chảy ngược về túi của I.G Port.

Và với vị thế vốn có của studio WIT, họ có thể dễ dàng thương lượng và yêu cầu được nguồn kinh phí nhiều hơn từ bên phía hội đồng sản xuất – như trường hợp của MAPPA là leo lên hẳn chiếc ghế trong hội đồng sản xuất để ngồi luôn và nắm quyền lợi ăn chia. WIT Studio hoàn toàn có thể sử dụng vị trí nổi trội của họ – dưới tư cách là một studio tên tuổi trong ngành công nghiệp – để thương lượng bản hợp đồng tốt hơn. Tuy nhiên, WIT không làm vậy thì kết luận logic nhất là lí do liên quan đến bên nhân sự thực hiện.

Attack on Titan là một dự án cực kì “an toàn” để WIT đầu tư nhân lực thực hiện, nhưng họ không làm! Nếu họ muốn chạy theo lợi nhuận dễ dàng nhất, thì không gì thích hợp hơn bằng việc thực hiện tiếp dự án Attack on Titan. Ta có thể thấy, “lợi nhuận” tuy là điều quan trọng nhưng không phải là yếu tố chính mà WIT đã và đang theo đuổi. Và thất thoát về mảng doanh thu cũng không thật sự lớn lắm do Production I.G vẫn có ghế trong ủy ban sản xuất để giữ một phần tiền bản quyền phát sinh (lợi nhuận kiểu gì cũng sẽ chảy ngược về I.G Port mà thôi).

Như một bài viết trước đây mình đã phân tích trên page về WIT studio, mục đích họ lập ra studio này (nhân sự chủ lực của I.G) là cốt để thực hiện các tác phẩm original (nguyên tác) anime. Và cái mục đích này từ xưa đến nay vẫn không thay đổi! Bạn có thể đọc bài này để nắm rõ hơn: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/252067873600606

WIT là studio “nhỏ” về bề thế và nhân sự, đội ngũ số lượng có hạn, không lớn như MAPPA nên tất nhiên họ sẽ không thể nào kham nổi nhiều dự án song song cùng lúc, và khi quyết định giữa Attack on Titan lẫn giấc mơ & mục đích ban đầu của studio thì họ đã lựa chọn cái sau.

Ta thấy Araki – đạo diễn của Attack on Titan ở WIT – sẽ có màn ra mắt với tác phẩm “Bubble” bom tấn sắp tới công chiếu trên Netflix (ăn cái streaming deal siêu ngon). Arifumi Imai (key animator nổi trội nhất của WIT và AoT, vd như màn Levi rượt đuổi và đập nhau với băng nhóm của Kenny do 1 tay Imai thực hiện) thì lại có màn debut siêu ấn tượng trong vai trò hỗ trợ chỉ đạo (assistant director) qua tác phẩm Ousama Ranking đang làm mưa làm gió trong cộng đồng và trên sóng truyền hình Nhật hiện nay.

Điều này chứng tỏ, cả Araki, Imai và đội ngũ nhỏ ở WIT đã quá chán ngán với Attack on Titan, họ muốn tìm kiếm điều gì đó mới mẻ hơn trong chặng đường sự nghiệp! Và đây là điều mà đồng tiền không giải quyết được: WIT không có khả năng tiếp tục Attack on Titan do nhân sự chán ngán, và do giới hạn về nguồn lực, lẫn khả năng quản lý và lịch trùng với những dự án nguyên tác họ muốn làm (vd như Vivy, Great Pretender, hoặc Ousama Ranking – không phải nguyên tác nhé nhưng là bộ họ thích).

Sẽ là rất vô lí nếu như WIT không đủ tiền để tiếp tục Attack on Titan, nhưng lại … đủ tiền để tự tay chi trả cho cả Vivy lẫn Great Pretender và góp mặt trong hội đồng sản xuất – vốn là điều đòi hỏi nguồn kinh phí nhiều hơn từ WIT – giả như WIT có thực sự tự bỏ tiền túi để làm Attack on Titan có chất lượng tốt hơn, thì số tiền đó cũng sẽ ít hơn do họ vẫn có nguồn vốn từ hợp đồng, so với số tiền phải bỏ ra để đầu tư cho một tác phẩm nguyên tác.

Và lí do “phải tự bỏ tiền ra để đảm bảo chất lượng cho Attack on Titan” nghe rất nhảm nhí, nói như thế thì khác nào những bộ original WIT thực hiện lại không đảm bảo ở mặt chất lượng? Vivy, Great Pretender, Ousama Ranking vẫn có chất lượng ổn định và vượt trội, đúng nhãn mác chất lượng với tiêu chuẩn vàng của WIT đấy thôi!

Cuối cùng, thông tin WIT ôm nợ là thông tin gây rất nhiều hiểu lầm trong cộng đồng anime về tình trạng của WIT nếu bạn không nắm vững hiện trạng đã diễn ra của ngành CN.

Thông tin “nợ nần” lấy khoảng thời gian trong năm 2020. Và 2020 thì điều gì xảy ra? Đại dịch! Đại dịch không chỉ ảnh hưởng lên WIT mà còn lên rất nhiều các studio khác nhau, nói như thế có nghĩa, rất nhiều studio cũng ôm lỗ chứ không chỉ riêng WIT khi mà phần lớn tiến trình sản xuất anime trong ngành CN phải bị trì hoãn, để các studio có thời gian “thích nghi” với điều kiện mới đang diễn ra (lí do vì sao đầu năm 2021 ta chứng kiến sự “bùng nổ” của rất nhiều dự án nóng do quá trình sản xuất bị ngưng đọng trước đó được tiếp tục).

Và trong năm 2020 thì WIT làm dự án gì lớn? Great Pretender! Lẫn Vivy và cuối năm 2020 thì họ thông báo đảm nhận tác phẩm Ousama Ranking. Great Pretender là tác phẩm original, nên trong năm 2020 do số tiền đầu tư, lẫn các dự án bị ngưng đọng và tình hình đại dịch đang diễn ra, số tiền WIT chi cho Great Pretender cũng được tính vào “khoảng nợ” họ phải ôm, nhưng phần lợi nhuận phải đến năm 2021 họ mới gặt hái được thành quả – Great Pretender là tựa IP (Intellectual Property – ở đây bạn có thể hiểu là sở hữu bản quyền) mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho I.G Port (ông chủ của cả WIT/I.G) trong năm 2021.

Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian họ phải gánh luôn nguồn kinh phí đầu tư cho Vivy. Tuy Vivy đến tháng 01/2021 mới được thông báo dự án anime (sau thông báo về khoảng nợ), nhưng thời gian công chiếu là tháng 04/2021 cùng năm thì chứng tỏ WIT đã có sự chuẩn bị từ trước. WIT là studio với quy mô nhỏ nên không thể có chuyện họ thực hiện Vivy trong 3 tháng ngắn ngủn kể từ lúc thông báo được! Và điều này được củng cố thêm khi Eiji và Tappei (2 người viết kịch bản chính cho tác phẩm) cho biết họ mất thời gian rất lâu để chuẩn bị cho Vivy, từ tận 2016, và đến 2018 thì kịch bản mới hoàn thành, và cũng phải mất khá nhiều thời gian để thương lượng, thuyết phục WIT thực hiện dự án nguyên tác này, biến ý tưởng thành hiện thực. Trong 3 tháng đó mà vừa thương lượng, lẫn lên kế hoạch sản xuất và bố trí lịch làm việc là chuyện bất khả thi đối với WIT, thế nên Vivy nghiễm nhiên là dự án đã được WIT triển khai trong năm 2020 sau khi thực hiện xong Great Pretender, lẫn ăn vào nguồn kinh phí họ phải chi trong năm 2020, gây thêm gánh nặng lên khoản nợ của WIT mà phải đến năm 2021 thì Vivy, cũng như Great Pretender, mới bắt đầu mang lại lợi nhuận cho WIT (và I.G Port).

Nhìn chung, WIT chấp nhận rủi ro, vay số tiền lớn để đầu tư original thay vì tiếp tục thực hiện những dự án lớn nhưng an toàn, và họ đã gặt hái được thành quả cho sự lựa chọn của mình.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button