Đạo Diễn & Hoạt Hoạ SĩIndustry

Ufotable – Tất Cả Những Gì Một Fan Nên Biết

Ufotable hẳn không phải là cái tên quá xa lạ với những ai say mê anime trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là sau những siêu phẩm hành động làm dậy sóng phòng vé như Demon Slayer Mugen Train và trilogy Fate/stay night: Heaven’s Feel. Những tác phẩm của Ufotable luôn làm người xem choáng ngộp bởi những cảnh hành động với biên đạo đẹp mắt, góc quay độc đáo và đặc biệt là mảng hiệu ứng luôn khiến khán giả trầm trồ, kinh ngạc. Thành công của Ufotable tuy đã là điều được dự đoán trước, nhưng con đường đi đến đỉnh vinh quang của Ufotable cũng không kém phần gập ghềnh và lắm chông gai họ đã phải vượt qua.

Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích và mổ xẻ (gần như) tất cả mọi thứ của chiếc đĩa bay, được chia nhỏ thành 6 mục cho bạn dễ theo dõi.

• Sự hình thành của Ufotable.
• Giai đoạn thử nghiệm.
• Bước đi thế kỷ.
• Ngả rẽ của Ufotable.
• Khẳng định chỗ đứng.
• Phân khu CG và phong cách làm việc của Ufotable.

¤ 1/ Sự hình thành của Ufotable.

Ufotable được thành lập vào tháng 10 năm 2000. So với những anime studio “kì cựu” và tên tuổi khác như Madhouse, Sunrise … thì Ufotable chỉ trông như một đứa trẻ ở thời điểm bấy giờ mà thôi. Vậy điều gì đã khiến họ đi lên như diều gặp gió trong chỉ vỏn vẹn chưa đến một thập kỷ?

Trên thực tế thì trong năm đầu, các dự án của Ufotable rất ít khi dính dáng đến anime. Họ thực hiện mọi thứ, từ sản xuất các đoạn video quảng cáo cho những chương trình truyền hình, phim người đóng, cho đến quảng cáo game và thậm chí là góp mặt gia công mảng CG cho Gundam SEED và Sonic X. Sang năm thứ 2, studio dần đảm nhận nhiều hơn những công việc gia công anime qua hợp đồng phụ. Thành quả cũng được đền đáp vào cuối 2002, cơ hội rộng mở đối với Ufotable khi họ chính thức là studio “trúng thầu” đảm nhận sản xuất hoạt họa cho tác phẩm Weiß Kreuz Glühen (Knight Hunters Eternity).

Năm 2002 có thể xem như cột mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình từ một studio gia công nhỏ lẻ, sang hàng ngũ những studio “chính tông” có thể tự sản xuất hoạt họa. Ufotable đã nhanh tay chớp lấy cơ hội mà quá trình sản xuất Weiß Kreuz Glühen mang đến, một mảnh ghép còn thiếu cuối cùng giúp họ đạt được bước tiến nhiệm màu.

Để hiểu rõ hơn về Ufotable thì ta cần phải nhắc đến các thành viên sáng lập – những trụ cột đã xây dựng nền tảng cho studio. Trong số đó phải kể đến Takuya Nonaka với kinh nghiệm làm đạo diễn sẵn có trước đó, nhà thiết kế Emi Chiba – những năm sau này trở thành trưởng chỉ đạo thiết kế màu sắc tại Ufotable, hoạt họa sĩ kiêm kỹ thuật viên CG Takeshi Nagata, hay trưởng chỉ đạo hoạt họa Kazuo Ebisawa – một huyền thoại đã 51 năm trong ngành CN anime và vẫn còn tiếp tục … Ta có thể thấy quy mô và bề thế của Ufotable tại thời điểm bấy giờ tuy không phải lớn, nhưng họ đã sở hữu cho mình một đội ngũ nhân sự đầy tài năng và dàn trải lẫn chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, điều mà bất kì studio nào mới thành lập cũng đều mơ ước.

Thế mảnh ghép còn thiếu của họ là gì? Đó chính là đạo diễn Hitoyuki Matsui, người đã gắn bó với studio qua series Weiß Kreuz Glühen. Matsui và Nonaka là hai trụ cột đã gồng gánh và định hình nên “phong cách” của Ufotable chúng ta đã biết đến ngày hôm nay. Những tác phẩm của họ trong 2 năm kế tiếp như Dokkoida và Ninja Nonsense đều có sự “bùng nổ” về mặt thị giác và hoạt họa hành động, với nhiều đoạn cảnh thể hiện sự trẻ trung và năng động của đội ngũ hoạt họa. Cần phải nói thêm, để đạt được sự “bùng nổ” này thì những mối quan hệ liên kết của Ufotable trong ngành CN cũng đóng vai trò quan trọng không kém, góp phần thu hút nhiều tài năng thời bấy giờ tham gia như Go Kimura, Haruo Sotozaki, Akira Matsushima, Mitsuru Obunai …

Trong quá trình mình tìm hiểu thì biết được một thú vị nho nhỏ ở đây, đạo diễn Nonaka là bạn học của Obunai, và cả 2 đều là bạn cùng lớp của … huyền thoại hoạt họa Yutaka Nakamura (studio Bones). Sẽ như thế nào nếu trong giai đoạn này, Nonaka lôi kéo cả luôn Yutapon tham gia vào Ufotable … ? Có lẽ ta sẽ chứng kiến một phong cách hành động “trông như Bones nhưng mang hiệu ứng của Ufo” rất khác với phong cách hiện tại, mà thôi, tạm gác lại giả thuyết khiến sakuga fan … chảy dãi. Kimura và Obunai là hai trong nhiều tài năng hoạt họa trụ cột nổi bật vẫn còn gắn bó với Ufotable cho đến tận bây giờ. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy tên hai người họ ở credit các tác phẩm mới nhất của Ufotable như Demon Slayer và Fate Heaven’s Feel.

Dokkoida và Ninja Nonsense có số lượng bản vẽ trung bình ở mỗi tập gần gấp đôi so với một bộ anime thông thường, chứng tỏ tham vọng không nhỏ của Ufotable, cũng như tạo nên một sân chơi cho các hoạt họa sĩ – tài năng trẻ mau muốn chứng tỏ bản thân – thỏa trí tưởng tượng và sáng tác bằng hết khả năng. Hitoyuki Matsui góp phần xây dựng nền móng, nhưng rồi ông cũng phải nói lời chia tay. Tuy nhiên, Ufotable qua hai tác phẩm đầu tay đã nhanh chóng tạo nên tiếng vang, gây ấn tượng khiến nhiều tài năng khác mong muốn gia nhập studio. Trong số đó phải kể đến Takayuki Hirao.

¤ 2/ Giai đoạn thử nghiệm.

Trong lịch sử của studio Ufotable thì Takayuki Hirao là một tên tuổi quan trọng, bên cạnh Hitoyuki Matsui và Takuya Nonaka. Hirao là cựu nhân viên của studio Madhouse (Madhouse thời điểm bấy giờ vẫn là cái tên rất đáng gờm, tài năng chưa chia năm xẻ bảy như hiện nay), ông có điều kiện học hỏi từ những người tài giỏi nhất trong ngành công nghiệp anime mà nổi bật là làm trợ lý cho huyền thoại yểu mệnh Satoshi Kon lúc thực hiện tác phẩm Millennium Actress. Bên cạnh đó, Hirao nhanh chóng khẳng định bản thân qua TEXHNOLYZE và Paranoia Agent. Với bề dày kinh nghiệm trong vai trò đạo diễn và phong cách “bẻ cong hiện thực” (mà ông học được từ Satoshi Kon), Hirao đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của Ufotable. Không lâu sau thì ông được “thăng chức” trở thành nhà lãnh đạo sáng tạo của studio, góp phần chia sẻ lẫn uốn nắn góc nhìn nghệ thuật của không ít con người nghệ sĩ tại nơi đây.

Thực hiện anime nguyên tác vốn là giấc mơ không chỉ của riêng ai, Ufotable cũng không phải ngoại lệ. Với sự gia nhập của Hirao, Ufotable như chú chim đã đủ lông, trổ cánh mà bay xa. Trong giai đoạn này, Hirao được giao vai trò làm đầu tàu bẻ lái hai tác phẩm nguyên tác “Futakoi Alternative” và “Gakuen Utopia Manabi Straight!”. Futakoi Alternative thoạt nhìn trông có vẻ như một bộ rom-com bình thường, nhưng dưới sự chỉ đạo của Hirao, Futakoi Alternative là sự biến tấu độc đáo của thể loại hài hước, lãng mạn lẫn … hành động. Bên cạnh đó, Manabi Straight không đơn thuần theo motif CGDCT lúc bấy giờ mà còn lồng ghép nét sáng tạo vào cách thức tác phẩm xây dựng bối cảnh, nếu như KyoAni có trích đoạn “God Knows” của Haruhi Suzumiya, thì Manabi Straight chính là câu trả lời của Ufotable qua bài hát “Seioh Gakuen Kouka” được trình bày bởi seiyuu Yui Horie đình đám thời bấy giờ (Hanekawa trong Monogatari, Minori trong Toradora).

Nhưng tiếc thay, trong cùng giai đoạn này thì cái bóng của Kyoto Animation và sự thành công từ series LN Haruhi Suzumiya của gã xuất bản khổng lồ Kadokawa là quá lớn, cũng như là danh tiếng của seiyuu Aya Hirano (trước khi diễn ra scandal ăn nằm với ban nhạc), đã dập tắt đi giấc mộng thực hiện nguyên tác để “đổi đời” của Ufotable. Nếu bạn là “fan” anime trong giai đoạn này như mình, hoặc không lâu sau đó, hẳn là bạn sẽ không xa lạ gì với thuật ngữ huyền thoại “Manabi Line” trong giới sản xuất anime. Lúc bấy giờ, thị trường streaming (chiếu trực tuyến) chỉ như một hạt giống chưa đâm chồi nảy lộc, thì đối với tác phẩm nguyên tác (original works), lợi nhuận thu về từ đĩa vẫn đóng vai trò thành bại đối với một studio độc lập. Và Manabi Straight của Ufotable có số đĩa tiêu thụ không đủ để hoàn vốn, con số chính xác của “Manabi Line” cần để hồi lại chi phí sản xuất là “2,899” (tất nhiên con số này chỉ mang tính tham khảo thôi).

Sự thành công của Haruhi Suzumiya lúc bấy giờ như cơn bão cuốn phăng đi tất cả mọi thứ và phần nào định hình lại guồng máy vận hành của ngành công nghiệp anime. Mở đường cho xu hướng chuyển thể các tác phẩm LN lên màn ảnh, cũng như đặt nặng hơn các mối quan hệ hợp tác với những bên nắm IP (bản quyền) có tiếng. Chính vì vậy, trong cái rủi lại có cái may.

¤ 3/ Bước đi thế kỷ.

Ufotable đã gây được sự chú ý trong giới anime với lối hoạt họa năng động và bùng nổ, thu hút không ít lượng người hâm mộ cuồng nhiệt, trong số đó có nhà sản xuất Atsuhiro Iwakami của Aniplex. Iwakami đã có lời đề nghị đến với Ufotable và TYPE-MOON để hợp tác chuyển thể series LN “The Garden of Sinners” của Kinoko Nasu thành 3 tập phim chiếu rạp. Tất nhiên, chủ tịch Kondo của Ufotable đã không ngại chớp ngay lấy cơ hội, đồng thời thuyết phục cả Aniplex lẫn TYPE-MOON rằng họ sẽ “kéo dài” Kara no Kyoukai thành 7 tập phim, hơn với số tập phim dự tính ban đầu. Nếu có một nước đi có thể làm thay đổi số phận của cả một studio, thì chính là đây! Nước đi hợp tác này là bước đi của thế kỷ, góp phần ghi tên cả Ufotable lẫn TYPE-MOON vào lịch sử ngành công nghiệp anime nói riêng, và ngành giải trí nói chung.

Cũng cần phải nói sơ qua, TYPE-MOON, Nasu và Fate/Stay Night là những cái tên tuy nổi trong cộng đồng visual novel lúc bấy giờ, nhưng đối với phần còn lại của thế giới, họ vẫn là những cái tên khá xa lạ với thị trường đại chúng. F/SN đã có một phiên bản chuyển thể do studio DEEN thực hiện vào năm 2006, anime cũng đạt được sự thành công nhất định – nhưng so với những hit lớn khác thì sự thành công này vẫn còn rất khiêm tốn. Tác phẩm làm day dứt không ít một bộ phận fan cuồng của VN nguyên tác. F/SN của DEEN đảm nhận không thật sự toát lên được cái chất của thế giới Nasu mà fan hằng mong mỏi, và với những người không biết gì, thì F/SN cũng chỉ như một tác phẩm có ý tưởng, khái niệm thú vị nhưng chẳng đặc sắc lắm là bao – như bao mì ăn liền chuyển thể khác mà thôi!

Bước đi thế kỷ: Kara no Kyoukai

Đấy là cho đến khi Kara no Kyoukai Dai-Isshou: Fukan Fuukei ra mắt vào tháng 12/2007, tròn một năm sau F/SN (DEEN) trình chiếu. Bộ phim đầu tiên như loạt đạn khởi đầu tạo nền tảng cho một trong những tựa franchise đình đám bậc nhất trong lịch sử ngành giải trí tại Nhật. Lần đầu tiên, thế giới của Nasu qua lăng kính Ufotable được khai thác một cách trọn vẹn, hết mọi tiềm năng. Lối triển khai câu chuyện phi tuyến tính độc đáo, phác họa nên một thế giới ẩm thấp, tối tăm huyền bí, đan xen với những truyền thuyết được thêu dệt tỉ mỉ, với những đoạn cảnh hành động “ảo diệu” ghìm chặt người xem trên ghế. Khỏi phải nói, Kara no Kyoukai chính là bữa tiệc màn ảnh thịnh soạn mà bất kì khán giả yêu thích anime nói chung, và fan sakuga lẫn TYPE-MOON/Nasu nói riêng, đều mong mỏi bấy lâu. Loạt phim Kara no Kyoukai có sự góp mặt của 7 vị đạo diễn khác nhau, mà 4 trong số đó (Nonaka, Obunai, Takiguchi, Miura) đều trở thành lực lượng nòng cốt trong đội ngũ sản xuất hoạt họa của Ufotable cho đến tận ngày nay.

Bên cạnh loạt phim Kara no Kyoukai, Ufotable trong giai đoạn này còn đảm nhận rất nhiều, phải nói là rất nhiều hợp đồng gia công cho các anime và studio khác với mục đích giúp nâng cao tay nghề dàn nhân sự nhà. Có lẽ Ufotable đã nhận ra được tầm quan trọng trong việc sở hữu một đội ngũ lành nghề của riêng họ – điều mà Kyoto Animation đã thực hiện hơn một thập kỷ vừa qua. Vào năm 2009 thì họ mở chi nhánh tại Tokushima, dưới sự dẫn dắt của Nonaka, nhằm huấn luyện thế hệ hoạt họa sĩ trẻ mới gia nhập studio, phần nào đặt nền móng cho quyết tâm tự-lực-sản-xuất.

¤ 4/ Ngả rẽ của Ufotable.

Takayuki Hirao là vị đạo diễn thứ 5, đảm nhận tập 5 của series phim Kara no Kyoukai. Một lần nữa, phong cách “bẻ cong hiện thực” và tài năng của Hirao được phát huy tối đa qua sự chỉ đạo trong tập. Ông vận dụng lối kể phi tuyến tính để đan xen tình tiết, thi triển kịch bản thành hình dạng “xoắn ốc” hệt như tiêu đề của tập: Kara no Kyoukai Dai-Goshou: Mujun Rasen (The Garden of Sinners: Paradox Spiral). Tài năng và sự chỉ dẫn của Hirao đã góp phần không nhỏ để dẫn dắt hướng nhìn nghệ thuật của Ufotable. Thế nhưng tại sao Hirao lại không có tên trong “lực lượng nòng cốt” mình vừa kể đến? Chẳng phải sự ảnh hưởng của ông vẫn còn hiện diện rõ rệt đến bây giờ?

Để trả lời câu hỏi này, ta phải tiếp tục đi theo dòng chảy thời gian của studio. Ufotable là studio hoàn hảo nhất để đánh bóng tất cả mọi thứ của TYPE-MOON. Sự thành công của Kara no Kyoukai đã giúp Ufotable đạt được một vị thế không tưởng thời bấy giờ, thay vì là kẻ làm thuê theo hợp đồng, thì cả TYPE-MOON và Aniplex đều xem Ufotable như một đối tác làm ăn ngang hàng. Mặt khác, Ufotable từ lúc thực hiện Kara no Kyoukai, đã thương lượng được với TYPE-MOON/Aniplex một ghế trong ủy ban sản xuất, đồng nghĩa với việc họ “chính thức” sở hữu một phần lợi nhuận của mối quan hệ hợp tác này. Nếu TYPE-MOON x Ufotable như cặp uyên ương gắn bó khăn khít, thì Aniplex như vị cha xứ đứng cạnh bên chúc phúc cho “2 người”. Mối quan hệ bền chặt đã tạo cơ hội cho tác phẩm tiếp theo – làm đòn bẩy đánh bật tên tuổi của một franchise.

Hẳn là bạn cũng biết mình đang nói đến tác phẩm nào. Fate/Zero quá thành công! Thành công đến không ngờ! Sự thành công này đã giúp TYPE-MOON, Nasu và Ufotable ghi tên lên bản đồ thế giới … anime. Fate/Zero đã góp phần tạo nên một làn sóng văn hóa – một bộ phận fan ăn, năm, ngủ, nghĩ về Fate. Ufotable, TYPE-MOON/Nasu đã bứt phá được thị hiếu đại chúng, không một ai là fan của anime mà không nghe qua Fate, hay những cái tên kể trên. Trên thực tế, F/SN VN đã ra mắt từ 2004, nhưng chỉ đến khi Fate/Zero của Ufotable chính thức xuất hiện thì franchise Fate mới đạt được sự bùng nổ trong thị trường đại chúng, là yếu tố chính đặt nền tảng cho kỷ nguyên với vô số những thứ ăn theo mà lợi nhuận chỉ có thể tính bằng tiền tỉ đô, tất nhiên là có cả tựa game mà hình ảnh gắn liền với mobile gacha Nhật Bản.

Thực hiện anime nguyên tác (original works) luôn là giấc mơ với mọi studio. Nếu như Kyoto Animation đã kiên trì theo đuổi giấc mộng trong một thập kỷ để thấy ngày thành quả kết trái. Thì đối với Ufotable, họ đã tìm ra lối đi trái ngược hẳn. “Majokko Shimai no Yoyo to Nene” là anime nguyên tác cuối cùng mà Hirao thực hiện ở Ufotable, đánh dấu sự khép lại của một thập kỷ “tìm kiếm” anime nguyên tác.

Sự thành công của Fate/Zero đã định hình lại guồng máy hoạt động của studio, cũng như giúp họ củng cố hơn cho hướng đi mới. Ufotable dẹp bỏ hết mọi nỗ lực thực hiện anime nguyên tác, tại sao phải tiếp tục theo đuổi cái sự may rủi này khi con đường thành công sáng chói ánh hào quang đang quá rõ ràng trước mắt? Bên cạnh TYPE-MOON, Aniplex, Ufotable dần mở rộng mối quan hệ hợp tác với Bandai Namco để chuyển thể hai tựa game đình đám là God Eater và Tales of Zestiria lên màn ảnh.

Với vị thế có được từ hai thành công lớn trong quá khứ, giờ đây Ufotable có thể thương lượng cái ghế trong ủy ban sản xuất để trực tiếp nắm phần ăn chia, chứ không đơn thuần chỉ là kẻ làm thuê! Nói không ngoa thì được Ufotable chuyển thể anime là một diễm phúc không phải ai muốn cũng có được! Từ lúc thực hiện Kara no Kyoukai đến hiện tại, bạn sẽ thấy họ luôn xuất hiện trong vị trí sản xuất (production), từ F/SN UBW, God Eater cho đến Tales of Zestiria the X, series Fate Heaven’s Feel và cả Demon Slayer (TVs lẫn phiên bản movie).

Nói như thế không có nghĩa mọi việc trở nên suôn sẻ, sau thành công của Fate/Zero thì Ufotable dần “ôm sô”, và God Eater là minh chứng rõ nhất cho thảm họa sản xuất “ôm quá nhiều nhưng nhai không kịp”. Với một studio đã có nền tảng tự-lực-sản-xuất (in-house production) nhưng chỉ mới đến tập 3 của God Eater thôi, Ufotable đã phải kéo đến 11 chỉ đạo hoạt họa, 72 hoạt họa sĩ chính, 55 người kiểm tra bản vẽ chính (2nd KA check) từ 8 công ty khác nhau vào phụ. Đơn giản là họ có những ưu tiên cao hơn: quá trình thực hiện F/SN UBW gần như diễn ra song song, với Tales of Zestiria the X ra mắt ngay sau đó, cũng như là chuẩn bị cho quả bom tấn Fate/stay night: Heaven’s Feel I. Xui xẻo thay, thảm họa này rơi trúng trên đôi vai của Takayuki Hirao – đạo diễn đảm nhận God Eater.

Là một con người của nghệ thuật, Hirao yêu thích sự tự do thể hiện. Hướng đi mới của Ufotable như cái lồng chim giết chết khả năng sáng tạo, sự tự do trong nghệ thuật của một người tìm kiếm niềm vui trong sáng tác. Và thảm họa sản xuất của God Eater như giọt nước làm tràn ly, chấm dứt mối quan hệ hợp tác của Hirao với Ufotable đã tồn tại trong một thập kỷ. Vào năm 2016 thì Hirao chính thức nói lời chia tay với studio để theo đuổi sự nghiệp riêng, sắp đến ông sẽ cho ra mắt bộ phim “Pompo: The Cinéphile”, nếu bạn tò mò muốn biết phong cách ông thay đổi như thế nào từ lúc rời khỏi Ufotable thì đây là tác phẩm đáng để mắt đến.

Sự ra đi của Hirao phần nào gây ảnh hưởng ít nhiều lên tầm nhìn nghệ thuật ở Ufotable, nhưng bạn cũng không cần quá lo lắng vì vẫn còn đấy là đội ngũ nhân sự lão làng, chinh chiến biết bao trận mạc. Học hỏi được sai lầm từ God Eater, Ufotable trở về sau cẩn thận hơn, dàn trải lịch làm việc hợp lý và có thời gian chuẩn bị lâu hơn – đủ để đảm bảo chất lượng một tác phẩm. Ví dụ rõ nhất là Demon Slayer – quá trình sản xuất đã bắt đầu vào đầu năm 2018, hơn trước một năm so với lịch dự tính công chiếu (04/2019).

¤ 5/ Khẳng định chỗ đứng.

Sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không nhắc đến Hikaru Kondo – nhà sáng lập và cũng là chủ tịch của Ufotable. Những quyết định Kondo đưa ra mang yếu tố quan trọng và sống còn – giúp Ufotable đạt được sự thành công mang tính lịch sử như ngày hôm nay. Nói không ngoa thì Kondo chính là hiện thân của Ufotable, góp mặt trong tất cả những thay đổi và quyết định nhỏ nhất, từ quá trình sản xuất, thương lượng IPs (bản quyền) cho đến mở rộng khuynh hướng kinh doanh của studio như mở tiệm cà phê và rạp chiếu phim, giúp Ufotable có một nguồn thu đều đặn mà không cần phải tìm đến nhiều hợp đồng mới. Kondo là nhà chiến lược kiêm đầu tư cực kì giỏi (ngoài trừ vụ né thuế bị phanh phui), ông có lòng tin tưởng và đặt trọn niềm tin lên đội ngũ nhân viên trong studio một cách tuyệt đối.

Ufotable hiện nay là một cỗ máy sản xuất hoạt họa, một thế lực đáng gờm trong ngành công nghiệp anime. Họ cũng phần nào đó bớt lệ thuộc TYPE-MOON hơn trong việc tìm kiếm IPs để sản xuất, minh chứng rõ nhất được thể hiện qua Demon Slayer: Mugen Train đã lật đổ tất cả mọi kỷ lục về doanh thu phòng vé trong lịch sử anime, một lần nữa khẳng định vị thế của Ufotable ngay cả đối với những gã khổng lồ như NXB Shueisha. Do góp mặt trong ủy ban sản xuất bên cạnh Aniplex và Shueisha, thành công của Mugen Train tại phòng vé cũng mang lại cho họ không ít lợi nhuận thu về. Tất nhiên mối quan hệ “vợ chồng” với TYPE-MOON vẫn được gìn giữ qua trilogy Fate HF công phá phòng vé, nhưng Ufotable hiện nay có nhiều sự lựa chọn hơn.

Nếu như Kyoto Animation đã đạt được thành công lớn khi kiên trì đeo bám các tác phẩm anime nguyên tác. Thì Ufotable có câu trả lời hoàn toàn ngược lại, chuyển thể tác phẩm tốt đến nỗi bất kì đối tác nào cũng muốn một lần ăn nằm cùng. “Nếu đánh không lại, thì hãy theo họ”.

¤ 6/ Phân khu CG và phong cách làm việc của Ufotable.

Nếu bạn thật sự là fan cuồng của Ufotable, thì chắc chắn sẽ nhận ra ai đó bị bỏ sót. Đây là điều mình chủ ý để nhấn mạnh tầm quan trọng của một cái tên: Yuichi Terao. Yuichi Terao tuy không nằm trong nhóm thành viên sáng lập, nhưng ông là thành viên tối quan trọng mà sự ảnh hưởng lên Ufotable thật sự chỉ đứng sau chủ tịch Kondo mà thôi! Vậy ông là ai?

Yuichi Terao tham gia vào Ufotable từ năm 2003, và hiện đang giữ chức vụ chỉ đạo nhiếp ảnh, lẫn là người đứng đầu bộ phận kỹ thuật số toàn năng của Ufotable. Trước khi bàn sâu về Terao và vai trò của ông trong studio thì ta cần phải nắm được công việc ông làm là gì.

Đạo diễn nhiếp ảnh trong hoạt họa có vai trò tương đương với chức vụ cùng tên trong phim người đóng, đó là đưa ra quyết định cuối cùng về ánh sáng và phối cảnh (composition). Hiện nay thì “nhiếp ảnh” trong hoạt họa được thực hiện qua vi tính, bao gồm việc kết hợp nhiều yếu tố và thành phần khác nhau như nhân vật và hậu cảnh làm thành một bức tranh hoàn chỉnh (ở đây bạn có thể hiểu là khung hình). Một phần công đoạn kể trên là việc pha trộn các hiệu chỉnh về màu sắc với nhiều hiệu ứng đặc biệt khác nhau như sương mù và pháo hoa. Đây là công việc đặt nặng tính sáng tạo trong nghệ thuật và góc nhìn cá nhân, nên nét đặc trưng của một đạo diễn nhiếp ảnh rất dễ nhận ra, như trường hợp của Yuichi Terao.

¤ Terao là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự thành công của loạt phim Kara no Kyoukai, và kể từ đó thì bàn tay ma thuật của ông xuất hiện trong tất cả các tác phẩm Ufotable sản xuất về sau.

Phong cách Ufotable trong nghệ thuật hình ảnh – chính là phong cách mang đậm dấu ấn của Terao, một phong cách thẩm mỹ mang hơi hướng “ảnh hiện thực” (photorealism) nhưng có nét phóng đại vào hiệu ứng hạt (particle effects) trong từng khoảnh khắc để làm toát nên vẻ đẹp của những cảnh quay riêng biệt. Một ví dụ là đoạn cảnh tung Noble Phantasm của Saber trong Fate/Zero, bạn sẽ thấy trên nền ảnh thật là những đốm sáng huyền ảo, bay lơ lửng khắp nơi để rồi hội tụ về thanh Excalibur của Saber. Không dừng ở đó, trong Kara no Kyoukai và Fate/Zero, bạn sẽ dễ dàng nhận ra một bộ lọc với tông màu xanh nhẹ (blue tone) bao phủ khắp màn ảnh, góp phần phụ họa nên không khí mang đậm tinh chất của TYPE-MOON/Nasu nói chung, đồng thời lồng ghép cảm giác hiện thực vào tác phẩm nói riêng làm người hâm mộ mê mẩn. Thủ thuật sử dụng bộ lọc tông màu cũng thường xuất hiện trong rất nhiều các tác phẩm điện ảnh live-action.

Thông thường thì kỹ thuật số được vận dụng để xử lý công đoạn hậu cảnh, nhưng dưới sự dẫn dắt của Terao, Ufotable đi bước tiến xa hơn khi dung hợp giữa phông nền 3D, kĩ xảo đồ họa và hoạt họa 2D để tạo nên những cảnh quay ấn tượng vượt xa so với việc sử dụng từng kĩ thuật riêng lẻ.

Những họa sĩ vẽ cảnh nền phối hợp nhịp nhàng với bộ phận phối cảnh, họ giúp nhau khắc họa được ánh sáng và bóng râm lên mọi chi tiết, ngóc ngách của từng khung hình, mang lại phong cách hiện thực đến với thế giới 2D truyền thống. Bên cạnh đó, Terao còn sử dụng kỹ thuật 3D để thiết lập nhiều bản vẽ phân cảnh hành động với những góc quay xoay chuyển đặc sắc, góp phần giảm tải công việc của hoạt họa sĩ chính, lẫn sáng tạo nên những pha hành động trong mơ vốn không thể thực hiện được nếu chỉ sử dụng cách làm truyền thống với giấy và bút viết. Ví dụ rõ nhất có lẽ là đoạn cảnh rượt đuổi của Lancer trên đường cao tốc trong tập phim đầu tiên Fate Heaven’s Feel, mô hình và phân cảnh 3D được đội ngũ kĩ thuật số của Terao dàn dựng trước, khiến cho công đoạn hoạt họa trở nên dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn do hoạt họa sĩ chỉ cần vẽ “đè” lên những gì xảy ra trước mắt. Cũng cần phải nói là trong trụ sở chính của Ufotable thì đội ngũ 3D và 2D nằm trên dưới lầu nhau, giúp cho việc cộng tác và liên lạc trở nên rất dễ dàng.

Một nét đặc trưng nữa của Ufotable là tất cả đội ngũ sản xuất – bất kể bộ phận hoạt họa hay kĩ thuật số, nhiếp ảnh, etc … đều làm việc cùng nhau, đưa ra những ý tưởng vun đắp cho các tác phẩm, vượt qua mọi rào cản về chức vụ, hay vai trò trong studio. Như Terao chia sẻ trong một bài phỏng vấn thì ở Ufotable, bạn sẽ thấy đội ngũ nhân viên thường xuyên qua lại giữa các phân khu, trò chuyện, hỏi han và thảo luận với nhau. Ngay cả đến một thành viên của đội kĩ thuật số mới gia nhập 2-3 năm cũng có thể đưa ra ý kiến thảo luận, góp phần hoàn thiện hơn cho tác phẩm. Năm 2016, Ufotable thành lập “đội ngũ chuyên vẽ cảnh nền 3D” càng làm lu mờ đi ranh giới giữa kỹ thuật 3D và lối hoạt họa 2D truyền thống trong sản xuất anime. Demon Slayer tập 2 (phiên bản truyền hình) đánh dấu lần đầu tiên Ufotable tự lực thực hiện một tập anime – bao gồm đảm nhận cả công đoạn gia công – bằng chính nguồn lực trong nhà mà không phải nhờ đến bất kì studio bên ngoài nào trợ giúp. Đây là một bước tiến xa, giúp Kondo – cũng như Ufotable – chạm tay gần hơn đến vạch đích trở thành một studio độc lập trên mọi phương diện.

¤ Đôi lời khép lại.

Tất nhiên là để đạt được mô hình tự-lực-sản-xuất hoàn chỉnh như Kyoto Animation thì Ufotable vẫn cần thêm thời gian. Nhưng với những gì Ufotable đã đạt được, việc tìm kiếm nhân tài và nguồn lực giỏi là không thiếu. Chỉ là vấn đề sớm muộn để họ hoàn thiện mô hình này. Thành công của Demon Slayer cũng mở ra nhiều dự định hơn trong tương lai, ngoài những tựa IP khác của TYPE-MOON thì mình hy vọng sẽ có một ngày, Ufotable sẽ quay trở lại con đường thực hiện một tác phẩm nguyên tác (original work) của riêng họ. Mà thôi, ngày đó vẫn còn xa.

Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ tsukikan, ANN, wiki, cũng như website của Ufotable, @Yuyucow (sakugablog), forum neogaf và kinh nghiệm bản thân. Nếu thấy bài viết giá trị thì hãy nhớ bấm nút follow page, cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài đến đây, bài về studio Ufotable mình dự tính đã lâu mà nay mới có dịp hoàn thành :3.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button