Anime StudioIndustry

Ufotable & Kimetsu no Yaiba – Câu Chuyện Muôn Thuở.

Tập cuối arc Hashira Geiko-hen khép lại với cảnh “Vô Hạn Thành” hết sức ấn tượng và mãn nhãn, một lần nữa khẳng định chỗ đứng và tên tuổi của đĩa bay, nhưng đồng thời cũng làm dấy lên những làn sóng “ý kiến” trái chiều từ nhiều bên.

“Kimetsu no Yaiba chả có gì, plot tệ hại, chỉ được studio Ufo gánh”. Đây vốn là câu nhận xét của không ít những người có ác cảm với tác phẩm, hoặc đơn giản là họ cảm thấy năng lực của Ufo quá phí phạm để làm Kimetsu no Yaiba (KnY) trong khi lại có những bộ mang chất lượng vượt trội hơn về mặt nội dung. Với họ, KnY không mang giá trị “xứng đáng” với sự ưu ái của một trong những studio nổi trội nhất trong ngành CN hoạt hoạ Nhật Bản.

Trong bài này, mình sẽ chia sẻ nhìn nhận của mình, trên phương diện là một người yêu thích anime – hoạt hoạ Nhật Bản, cũng như là người đã theo dõi Ufotable qua bao thăng trầm, say mê những tác phẩm của họ từ lúc Ufo vẫn còn là studio non trẻ.

Trước nhất, “Kimetsu no Yaiba được Ufotable gánh”. Không ai có thể phủ nhận sự thành công của KnY có yếu tố mấu chốt là do dàn nhân sự kì cựu, đội ngũ ưu tú từ bên phía Ufotable thực hiện. Nhưng đây chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh mà nhiều người đã bỏ qua.

Source dù có chất lượng cách mấy, nhưng vào tay studio tầm trung và không đủ khả năng đảm nhân thì cũng không thể cho ra một tác phẩm hay, chứ đừng nói là xuất sắc. Và đây là điều luôn đúng với bất kì tác phẩm nào. Lịch sử cũng đã chứng minh sự khác biệt khi đem cùng một tác phẩm cho 2 studio với tiềm lực khác nhau, mặt chất lượng giữa OPM S1 và S2 khi được Madhouse chuyển thể dưới sự dẫn dắt của tuyến sản xuất Fukushi, so với lúc được J.C Staff đảm nhận là như ngày và đêm. Thậm chí, ngay cả tác phẩm được cho là tượng đài của thể loại dark fantasy tại Nhật là Berserk cũng có bản chuyển thể full CGI không thể tệ hai hơn, bất kể source có được đánh giá cao đến mức nào.

Điều này có nghĩa là, “bộ X được studio Y gánh” luôn là câu nhận định đúng với bất kì những tác phẩm nào được chuyển thể xuất sắc, đạt thành công lớn. Như K-On, Clannad, Hyouka của Kyoto Animation, Attack on Titan của WIT Studio, Dress-up Darling, Bocchi the Rock của Cloverworks, Madoka, Monogatari của Shaft, 86 của A-1 Pictures và vv … Đây là những điều không chỉ Kimetsu no Yaiba mới “diễm phúc” có được.

Mặt khác, Ufotable trên thực tế không phải là studio “thần thánh”, không có bàn tay Midas chạm vào bất kì thứ gì cũng hoá thành vàng. Hơn nửa thập kỷ trước họ vẫn có những tác phẩm thất bại mà gần như chả ai nhớ, hoặc ráng để quên đi như Tales of Zestiria, God Eaters …

Franchise Fate, cũng như thế giới của Nasu và mối quan hệ hợp tác với Type-Moon có thể xem là phước lành, nhưng đồng thời cũng là lời nguyền dành cho Ufotable. Hình ảnh của Ufotable luôn gắn liền với Fate, thậm chí, sự thành công mà họ có được cùng với mô hình phát triển của họ ngày nay cũng được xây dựng và hình thành từ mối quan hệ hợp tác này. Hơn một thập kỷ kể từ lúc “sa lầy” vào thế giới của Nasu thì Ufotable vẫn đang vẫy vùng thoát khỏi nó trong … vô vọng. Việc một studio có hình ảnh gắn liền với duy nhất một IP là điều chẳng CEO nào muốn, vì họ sẽ rất khó để phát triển hình ảnh nhãn hiệu về lâu dài, Ufotable là Ufotable, chứ không phải “là studio đã sản xuất thành công Fate”! Điều này cũng ràng buộc nhãn hiệu của Ufo với Type-Moon, tạo nên sự lệ thuộc không cân xứng trong mối quan hệ cộng tác.

Ấy là cho đến khi Kimetsu no Yaiba xuất hiện.

Sự “cộng hưởng” là điều rất quan trọng để tạo ra một production “thần kì”. Một production sở huữ đội ngũ đầy tài năng có thể thực hiện một tác phẩm hay, nhưng nếu muốn làm một tác phẩm xuất sắc vượt kỳ vọng khán giả thì đòi hỏi họ phải có tình cảm, phải có sự yêu thích đến với tác phẩm đấy để cống hiến bằng hết khả năng. Và điều này đặc biệt quan trọng với những studio có mô hình “inhouse” đa phần như Ufotable (hay toàn phần như Kyoto Animation). Mọi người trong bộ phận sản xuất nếu có cùng tầm nhìn thống nhất, am hiểu tường tận và say mê với tác phẩm sẽ tô điểm thêm cho đặc tính nghệ thuật cho từng chi tiết hình ảnh, dù là nhỏ nhất. Ta cũng đã thấy điều này diễn ra qua những production “kín” – như Sousou no Frieren khi đội ngũ nhân sự được tuyển chọn rất khắt khe và phần lớn là dân lão làng đã từng có mối quan hệ lâu dài với tuyến sản xuất của Fukushi trong rất nhiều năm, cũng như rất nhiều staff là inhouse lão làng của studio Madhouse.

Đấy là điều đã diễn ra với Kimetsu no Yaiba, Ufotable đã tìm ra một tác phẩm họ thật sự muốn làm, lần đầu tiên trong suốt (gần) 2 thập kỷ họ đồng ý đảm nhận một tác phẩm shounen chuyển thể.

Ufotable như một tập thể đã nhìn thấy được “giá trị” của KnY, nhìn được cốt lõi của tác phẩm để sự cộng hưởng diễn ra. Trong một rừng tác phẩm, KnY chính là viên ngọc Ufotable lựa chọn để mài giũa, giúp họ tìm ra đích đến đã bấy lâu vẫy vùng vuột khỏi tầm với.

NSX của tác phẩm là Takahashi đã từng chia sẻ: “Để làm mọi người xem tác phẩm của bạn cần rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng yếu tố chủ chốt vẫn là sự hấp dẫn từ nguyên tác manga”. Thậm chí là trong quá trình thực hiện, KnY gợi nên nhiều niềm cảm hứng để đội ngũ thăng hoa, sáng tạo ra những kỹ thuật mới lạ để phát huy thêm chất tinh tuý của tác phẩm (ukiyo-e style CGI là kỹ thuật được sử dụng để phác hoạ nên hiệu ứng hình ảnh của hơi thở kiếm, là kỹ thuật xen giữa lối hoạt hoạ 2d truyền thống và CGI tái tạo nên hình dạng ngon sóng, lửa xoay quanh thanh gươm). Kimetsu no Yaiba đối với Ufotable không chỉ đơn thuần là bản chuyển thể từ manga, mà là phiên bản “hoàn thiện nhất và hay nhất” của chính tác phẩm.

Nếu Ufotable không đảm nhận KnY thì tác phẩm sẽ không thể đạt được thành công như ngày hôm nay, đúng chứ ko sai. Nhưng nếu Ufotable không đảm nhận KnY, thì họ đã chẳng thể tạo nên một tác phẩm gây chấn động lịch sử hoạt hoạ, điều mà trong 2 thập kỷ vừa qua có mơ họ cũng ko dám nghĩ tới. Sự thành công của Kimetsu no Yaiba đã mở nên trang mới trong lịch sử hoạt hoạ Nhật, làm thay đổi bộ mặt của ngành CN anime và những “mô hình” theo sau khi lần đầu tiên một studio anime tư nhân lại có thể bức phá BXH top 10 doanh thu trong lịch sử anime bên cạnh những gã khổng lồ, đại thụ như Ghibli, Toei. Đồng thời, Kimetsu no Yaiba đã giúp Ufotable bước sang trang mới, khi cuối cùng họ cũng đạt được giấc mơ bấy lâu họ theo đuổi: tạo nên được nhãn hiệu tầm cỡ thế giới chứ ko đơn thuần là studio “chỉ biết làm thành công mỗi Fate”, giúp xoá bỏ sợi xích ràng buộc họ với Type-Moon, đồng thời nâng cao vị thế là studio ngay đến những ông lớn trong uỷ ban sản xuất cũng phải kính nể.

Kimetsu no Yaiba đã làm được điều không phải tác phẩm nào cũng làm được: tạo nên sự cộng hưởng giúp Ufotable thăng hoa, phát huy hết mọi tiềm lực để làm nên một production thần kì. Và đây là sự lựa chọn, là quyết định rất riêng của toàn thể đội ngũ ở Ufotable mà nếu bạn thật sự là một anime fan thì hãy nên tôn trọng. Dưới tư cách là người say mê hoạt hoạ, cũng như một fan đã theo dõi Ufotable từ rất lâu, thì mình luôn hóng chờ những bất ngờ về hoạt hoạ Ufotable sẽ mang đến trong chặng đường sau này :3.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button