AnimePhân Tích Nhiều Kì

Tổng kết anime mùa đông 2023

Đây là bài viết để chúng ta cùng nhìn lại và có sự đánh giá sau cùng về những bộ anime trong mùa đông 2023 vừa qua. Tôi chỉ đề cập đến những bộ mà bản thân đã xem xong trong mùa vừa rồi, tổng cộng là 6 bộ, nếu cái tên của những bộ anime khác không thấy được đề cập thì các bạn tự hiểu là tôi chưa xem, không quan tâm hoặc đã dropped. Do đó 6 cái tên nêu ra dưới đây là những bộ mà tôi đã đánh giá ở mức từ khá, okay trở lên nên mới xem hết được.
Nhìn chung thì cảm nhận của tôi cũng không nhiều sự thay đổi so với đợt podcast nêu ra cảm nhận ban đầu cho lắm. Bởi vì mùa đông này cũng chỉ mang tính chất làm nền, khởi động cho năm mới để anime có thể tăng tốc và bức phá trong những mùa tiếp theo nên cũng không có những bất ngờ gì quá lớn.

Về mặt xếp hạng thì tôi sẽ chia thành 3 tier. Tier đầu tiên đó là những bộ có nhiều tiềm năng nhưng mà vẫn chưa khai thác tốt hết được. Đó là 3 bộ: Hikari no Ou, MagiRevo và Nier:Automata.

– Hikari no Ou: Tác phẩm này thu hút nhất với tôi là về yếu tố world building có nhiều sự mới lạ, phức tạp và phong cách art tả thực hơn so với anime truyền thống giống như là một làn gió mới trong thị trường hiện nay. Với nhiều tình tiết bí ẩn hấp dẫn đan xen, chúng ta có một thế giới hậu tận thế kết hợp giữa xã hội Nhật Bản của thế kỷ trước và những vị thần mang đậm tính sử thi truyền thống, tôi nghĩ là một thế giới mang nhiều yếu tố độc đáo và thú vị. Thế nhưng bộ anime cũng gặp phải vấn đề về phần animation, nhiều lúc chuyển động nhân vật kỳ quái, bị “off-model”. Bên cạnh đó thì có những chi tiết chưa được giải thích rõ ràng lắm. Ví dụ như việc phân biệt giữa các loại lửa: lửa tự nhiên là loại lửa rất nguy hiểm làm con người ta bùng cháy, lửa trời thì là từ m. áu của những con quái vật thu thập được thông qua các thợ săn lửa, còn lửa sét hay còn gọi là sét đóng chai thì do nhân vật Koushi chế tạo ra nhưng mà tôi chưa thấy có sự giải thích rõ là cậu ta đã tạo ra thứ sét đóng chai đó như thế nào, có gì khác với thứ lửa trời? Nhìn chung vẫn còn nhiều chi tiết bị bỏ ngỏ thế nhưng tin vui là chúng ta còn có mùa 2 cho nên hy vọng mùa sau sẽ giải thích tốt hơn cho khán giả những thắc mắc đồng thời cho ta chất lượng sản xuất ổn định hơn. Tôi vẫn sẽ tiếp tục xem tiếp mùa 2 vì còn có hứng thú muốn tìm hiểu bí mật đằng sau của thế giới và số phận của nhân vật chính sẽ đi theo hướng nào.

– Tensei Oujo to Tensai Reijou no Mahou Kakumei: Còn nhớ vào đợt podcast tôi đã rất đề cao bộ anime này cho rằng nó có nhiều tiềm năng về mặt nhân vật và thế giới. Thế nhưng những tập gần cuối và cái kết lại làm tôi khá là hụt hẫng. Ví dụ như nhân vật hoàng tử ban đầu tôi có thể hiểu được là vì lòng ganh tỵ với sự tự do thoải mái của người chị nên mới tỏ ra nổi loạn từ chối hôn sự để thể hiện sự tự lập của mình. Rốt cuộc thì đó chỉ là kế hoạch của cậu ta để đoạt lấy năng lực vampire hiếm có từ người khác, có được sức mạnh mà thôi. Tôi muốn nhân vật hoàng tử như là kiểu nhân vật cạnh tranh (rival) với nhân vật chính thôi chứ không phải biến thành nhân vật phản diện hoàn toàn để rồi bị “tống cổ” chỉ sau hai tập. Bên cạnh đó thì những xung đột về sau được giải quyết một cách dễ dàng thông qua những trận tỉ thí đơn giản trong khi việc xây dựng thế giới lại bị bỏ bê nhiều. Còn nhớ có tập mà Anis giới thiệu ý tưởng về chiếc máy bay chạy bằng đá ma thạch tôi đã kiểu phải trầm trồ mà thốt lên: “Wow, thật là một sáng kiến đầy thú vị, cô ấy sẽ chế tạo nó như thế nào?” Để rồi ở tập cuối chỉ là một số hình ảnh sơ qua về chiếc máy bay mà chẳng hề đi vào chi tiết gì cả. Có được nhân vật chính tuyệt vời, tràn đầy năng lượng, và khác biệt so với những MC trong những bộ fantasy thường thấy, đồng thời là một ý tưởng kết hợp những công cụ của thế giới hiện đại với năng lượng phép thuật thì tác phẩm này đã có thể là 1 một trong những bộ fantasy hay nhất của năm nay. Thế nhưng thật đáng tiếc vì chỉ có một cour 12 tập và có vẻ về mạch truyện studio diomedea cũng muốn đóng lại, hoàn thành trong 1 mùa cho nên tôi cũng không biết sẽ có khả năng của mùa thứ 2 để bù đắp những yếu tố bị “rush” và thiếu thốn không nữa. Nhìn chung thì các bạn vẫn có thể xem và thích bộ này chỉ vì độ dễ thương, đáng yêu của cặp nhân vật chính tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng tác phẩm đáng lẽ phải có nhiều sự hấp dẫn hơn nhiều, không chỉ có như vậy thôi.

– Nier Automata: Tựa game Nier: Automata có thể nói là một tuyệt tác từ nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh, âm nhạc cho đến những thông điệp triết lý sâu sắc về bản chất của con người và cuộc sống. Thế nhưng bản thân tôi lại không mong chờ quá nhiều vào tác phẩm chuyển thể lần này bởi vì xác suất thành công của dạng chuyển thể từ game thường là thấp và cộng thêm việc Nier Automata là một con game rất khó để chuyển thể một cách toàn diện được. Bởi vì có nhiều cơ chế chơi rất thú vị, ví dụ như việc chuyển đổi một cách mượt mà từ thể loại ch. ặt ch. ém 3d sang thể loại platformer, né đ. ạn 2d và ngược lại là không thể nào truyền tải được dưới dạng hoạt hình. Bên cạnh đó thì còn có việc có nhiều cái kết khác nhau cũng gây khó khăn cho dàn staff A1 pictures quyết định phần nội dung nào giữ lại hay phải lượt bỏ.
Tôi có thể thấy được nỗ lực từ A1 pictures cho bộ anime này thông qua việc họ cho ta những tập có nội dung “ngoài lề” so với tác phẩm gốc giúp làm bổ sung những giá trị về mặt xây dựng nhân vật và tạo ra trải nghiệm tươi mới hơn cho khán giả. Thế nhưng vẫn có một số cảnh chứa đựng ý nghĩa đặc biệt đối với tôi trong tác phẩm gốc đã bị cắt đi một cách đáng tiếc. Ví dụ như trong đoạn công viên giải trí thì có cảnh 2B và 9S đứng trên đoàn tàu lượn siêu tốc vòng quanh toàn bộ công viên, cho ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến mức huyền ảo của địa điểm này, chính cái cảnh này đã làm tôi xác định chắn chắn rằng Nier: Automata là một trong những tựa game mà mình yêu thích nhất.
Cho dù còn nhiều thiếu sót so với bản game năm 2017 thì tôi vẫn đánh giá bộ anime dưới góc nhìn của một tác phẩm độc lập là hay, đáng để xem. Tuy nhiên, nó lại bị dính vào một vấn đề khác đó là việc bị delay không thời hạn.
Còn nhớ 4, 5 năm trước tôi đã từng cho rằng vấn đề ngành công nghiệp anime bị “outsourced” ra nước ngoài là không đáng để phải quan tâm nhiều bởi vì không chỉ riêng ngành này mà còn rất nhiều lĩnh vực khác của các nước phát triển cũng phải đầu tư qua các nước đang phát triển để tận dụng được nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ từ họ. Ai sao thì mình vậy mà thôi. Thế nhưng bây giờ tôi phải thừa nhận rằng mình đã sai. Việc bị “outsourced” và phụ thuộc nhiều vào lực lượng gia công từ Trung Quốc đã khiến cho khi bên Trung gặp vấn đề vì dị. c h thì đã làm trì trệ toàn bộ quy trình sản xuất. Đưa đến tình trạng hàng loạt bộ anime cứ bị hoãn rất là khó chịu. Công bằng mà nói thì không ai cũng có thể biết trước được những sự kiện điên rồ mà thế giới đã trải qua kể từ năm 2020.
Nguyên nhân của việc anime bị “outsourced” là vì sự thiếu thốn nguồn nhân lực trẻ, tình trạng già hóa, suy giảm dân số tại Nhật, là một vấn đề mà mặc cho nhà nước, chính phủ đã ra nhiều điều luật, chính sách để khắc phục, thì vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà đang ngày càng tệ hơn. Cho nên thiết nghĩ việc anime bị outsourced hay delay vẫn sẽ là chuyện mà fan anime chúng ta phải chịu đựng trong một khoảng thời gian dài nữa, tập “sống chung với lũ” dần dần vậy.

Rồi bây giờ tier 2 là mấy bộ hay, đáng xem đó là Revenger và Buddy Daddies.

– Revenger: Tôi cho rằng đây là tác phẩm underrated nhất trong mùa Đông vừa rồi. “Thánh” Gen Urobuchi nhà ta cũng đã quay trở lại thực hiện kịch bản cho một bộ truyền hình nhiều tập sau một khoảng thời gian dài đi làm show múa rối, hay những bộ movie. So với những bộ anime đã làm nên tên tuổi của lão như Madoka Magica, Fate zero hay Psycho pass thì Revenger không có được nhiều chiều sâu và tính triết lý. Thế nhưng đây vẫn là một tác phẩm chứa đựng rất nhiều giá trị về mặt giải trí để khán giả vẫn thưởng thức tốt được. Đầu tiên phải nói về mặt hình ảnh thì Revenger có phần thiết kế nhân vật tôi cho là ấn tượng nhất trong mùa vừa rồi, cộng với bối cảnh Nhật Bản vào thế kỷ 19 đã cho ta những bộ trang phục đẹp đẽ, nhiều màu sắc phù hợp với tính cách của từng nhân vật. Chất lượng animation, âm thanh cũng khá là tốt khiến cho tôi khá thắc mắc tại sao bộ anime này không thể nổi tiếng hơn được. Bên cạnh đó thì đây cũng là một tác phẩm khá là thẳng thừng, có tên gọi những kẻ trả thù và nó cho khán giả chính xác cái mà họ cần đó là những cuộc trả thù “ngầu bá cháy”. Giây phút yêu thích của tôi là khi biệt đội trả thù nói rằng “Tới giờ trả thù rồi!” và rồi họ đắp mặt nạ vàng lên mặt hay dùng giáo siêu to khổng lồ chỉ để b. ắn h. ạ mục tiêu. :v Thực sự những pha trả thù trong bộ anime này nhìn rất là lố bịch, nực cười nhưng mà tôi lại thích chúng.
Trong dàn nhân vật thì chỉ có nhân vật chính Raizou là có sự xây dựng tính đa chiều và nội tâm kỹ hơn, các nhân vật còn lại trong đội như Nio, Yuuen, Souji và Teppa tuy không được sâu sắc bằng nhưng vì cá tính độc đáo, thú vị của họ thì vẫn đem lại cảm tình cho khán giả.
Thông điệp được tác phẩm truyền tải tôi nghĩ cũng khá là phù hợp với phong cách viết truyện của lão Gen Urobuchi. Chúng ta đều biết kẻ có biệt danh là « Urobut. cher » kia luôn có những chi tiết dark nổi danh trong những tác phẩm của mình. Vậy thì vẻ đẹp của những chi tiết dark kia đến từ đâu ? Tên phản diện đứng sau mọi việc cho rằng cái ch. ết và sự đau khổ của người khác là vẻ đẹp thuần khiết nhất, thế nhưng quan niệm đó lại đến từ ham muốn (S) của bản thân hắn ta, trong khi đó việc nhân vật chính thể hiện sự hối hận, buồn bã thông qua những bức tranh của mình, tôi nghĩ đã bộc lộ đầy chân thực tình cảm sâu đậm của mình dành cho hôn thê. Dùng b. ạo l ực, sự đen tối chi để như là 1 thú vui hay còn là một thứ nghệ thuật tương phản để đề cao, tôn lên giá trị của tình người? Sau khi xem qua tác phẩm này chắc hẳn các bạn sẽ tìm được câu trả lời cho mình.

– Buddy Daddies : Đây tiếp tục là tác phẩm thứ 3 liên tiếp mà tôi đánh giá cao từ studio P.A Works. Kể từ năm rồi thì PA Works liên tục đem đến cho tôi nhiều sự hứng thú. Buddy Daddies không có ý tưởng quá đỗi mới lạ, điên rồ như là Ya boy Kongming hay Akiba maid sen.sou nhưng vẫn có chất riêng của mình, để đem lại ấn tượng sâu đậm cho khán giả. Tôi thấy nhiều người so sánh bộ này với một tác phẩm nổi tiếng của năm trước là Spy x family. Tuy nhiên tôi lại thấy Buddy Daddies tập trung vào chủ đề gia đình nhiều hơn cả Spy x Fam bởi vì SxF giống như một nồi lẩu thập cẩm nơi nhiều yếu tố khác như trinh thám, hài hước, học đường diễn ra nữa. Nếu để so sánh thì vì bộ anime này mở đầu cũng như kết thúc bằng cảnh giáng sinh cho nên tôi lại thấy giống như là một sự mở rộng của bộ phim classic Tokyo Godfathers của đạo diễn Satoshi Kon vậy.
Mặc dù việc hai sá. t th. ủ chăm sóc, nuôi dạy đứa trẻ là con của người mà mình đã gi. ết nghe có vẻ rất phi thực tế nhưng trong bộ anime cũng có nhiều tình tiết mà bất cứ một bậc cha mẹ nào cũng có thể dễ dàng đồng cảm được. Ví dụ như việc phải đi tìm trường mẫu giáo cho con, thức đêm thêu tên con lên khăn tay để bé dùng ở trường,… Bên cạnh đó thì cô bé Miri cũng được khắc họa rất giống với trẻ em ngoài đời tuy dễ thương, hồn nhiên nhưng cũng rất là tinh nghịch và thậm chí là gây ồn ào, khó chịu. Những điều trên đã nhấn mạnh những công lao vất vả của các bậc phụ huynh trong quá trình nuôi dạy trẻ nhưng vì tiếng cười của trẻ thơ thì mọi công sức, sự cố gắng họ đều cảm thấy xứng đáng.
Tôi cũng rất thích cái cách mà bộ anime xây dựng hai nhân vật chính Kazuki và Rei. Họ tuy có cá tính hoàn toàn trái ngược nhau nhưng vì chuyện quá khứ không tốt đẹp với nhiều lỗi lầm và bất hạnh mà trở thành nguồn động lực để cả hai hình thành mong muốn được trở thành 1 gia đình với bé Miri. Kazuki vì công việc nguy hiểm của mình mà để vợ bị liên lụy, hạnh phúc vụt mất qua tầm tay. Còn Rei thì ngay từ nhỏ đã không nhận được bất kỳ tình cảm gì từ cha của mình, chỉ được xem như là 1 công cụ. Và bé Miri đã đến như là nguồn sống mới, làm thay đổi hoàn toàn con người họ. Sau cùng tôi rất đề cao thông điệp nhân văn mà tác phẩm muốn gửi đến khán giả về sức mạnh của tình thân gia đình giúp cho những kẻ lầm đường lạc lối thay đổi bản thân, trở thành một con người có trách nhiệm và sống tốt hơn.

– Và tier cuối cùng đó là bộ anime mà tôi thích nhất trong mùa không gì khác chính là Vinland saga mùa 2 :
Vinland saga s2 hiện vẫn còn đang công chiếu nhưng mà dựa trên cour 1 – 12 tập của mùa xuân thì tôi đã hiểu được rằng tại sao tác phẩm này lại là một trong những bộ anime seinen – dành cho người trưởng thành được đánh giá cao nhất. Đó là nhờ vào việc xây dựng nhân vật quá đỗi tuyệt vời ! Tuy Askeladd của mùa 1 vẫn là nhân vật mà tôi thích nhất trong toàn bộ tác phẩm thì vẫn có thể nói rằng mùa 2 của Vinland saga đã đẩy chiều sâu, giá trị của nghệ thuật tạo dựng, khắc họa nhân vật lên một tầm cao mới. Thorfinn từ một cậu bé một chiều, đơn giản chỉ biết có mỗi hận thù đã trở thành một người đàn ông đích thực và tìm lại được nhân đạo, tình thương trong tâm mình. Có thể nói chủ đề về những cuộc hành trình chuộc tội là chủ đề làm cho tôi cảm động nhiều nhất, bởi vì cuộc sống lúc nào cũng sẽ có những lỗi lầm và sự thất bại, chúng ta không thể nào tìm được 1 cuộc đời hoàn hảo trọn vẹn, vạn sự đều theo ý mình cho nên việc dứng dậy được khi có vấp ngã, chấp nhận những gánh nặng của quá khứ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đặc biệt, đối với Thorfinn, một nhân vật đã phải trải qua biết bao đau khổ, chấn thương tâm lý và đánh mất tất cả những gì mà mình có thì việc mà cậu có thể từ đáy vực thẳm từ từ để mà ngoi lên là điều hết sức dũng cảm và đáng khâm phục.
Trong video Gigguk phỏng vấn tác giả Makoto Yukimura thì anh ta đã tóm gọn thông điệp của Vinland saga trong 3 từ « sự sống, cái ch. ết và tình yêu ». Có thể nói thông qua một chủ đề đầy chi. ến tr. anh bạ.o lự.c thì Vinland saga lại cho ta một câu chuyện về tình yêu tuyệt vời nhất. Bởi vì trong mùa 2, Thorfinn đã học cách yêu 2 người khó nhất để yêu đó chính là kẻ thù và chính bản thân của mình. Cuối cùng cậu đã hoàn toàn bỏ qua mối thù với Askeladd và chấp nhận những bài học mà ông ta mang lại như là một người thầy, người cha thứ 2 của mình, và cậu cũng dần dần học cách chấp nhận bản thân của mình.
Bên cạnh Thorfinn thì những nhân vật mới của phần 2 đều đóng góp được một vai trò nhất định, không có ai là cảm thấy thừa thải. Ví dụ như Ketil ban đầu chỉ là 1 ông chủ đồn điền có vẻ là tốt bụng nhưng thông qua tập anime tập trung vào ông ta thì ta lại thấy được nhiều điều rất là thú vị về nhân vật này, trong đó có cảnh mà ông ta khóc cầu xin sự che chở của Arnheid làm tôi rất là ấn tượng. Thế quái nào mà một kẻ dường như có tất cả trong tay mình lại tỏ ra đáng thương hại trước một người không có gì ? Có lẽ những thứ như sự phân chia giai cấp, tầng lớp trong xã hội mà con người tạo dựng ra chỉ là những sự ảo tưởng của chúng ta mà thôi ? Chỉ một tập về một nhân vật phụ bình thường nhưng mà cũng thể hiện khả năng viết truyện đầy tài ba của tác giả Yukimura rồi. Cho nên tôi sẽ rất hào hứng mong chờ những chi tiết tiếp theo của Vinland saga và hành trình của Thorfinn trở thành một trong những nhân vật chính có chiều sâu và ấn tượng nhất trong seinen anime.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button