AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Tết Này Xem Gì? – Chikyuugai Shounen Shoujo (The Orbital Children) của Mitsuo Iso.

Cốt truyện: Vào năm 2045, Internet và A.I có sự phát triển vượt bậc, phổ biến trong cuộc sống, và đây cũng là thời đại khi tham quan vũ trụ không còn là thứ xa xỉ với phần đông nhân loại. Câu chuyện theo chân một nhóm trẻ em bị kẹt trên trạm vũ trụ sau tai nạn bất ngờ, phải tìm cách thoát ra, đồng thời vén bước màn bí mật hé lộ âm mưu của một siêu máy tính tưởng như đã bị phá hủy vào nhiều năm trước.

<Staff>

Original / Screenplay / Director: Mitsuo Iso (“Denno Coil”)

Character design: Kenichi Yoshida (“Symphonic Psalm Eureka Seven” series, “Gundam Reconguista in G”, etc.)

Main animator: Toshiyuki Inoue (“Denno Coil”, “GHOST IN THE SHELL”, etc.)

Art Director: Yusuke Ikeda

Color design: Miho Tanaka

Music: Ishidzuka Rei

Sound Director: Yoji Shimizu

Production: Production + h.

Phân tích ngắn về nhân sự tại đây: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/257923323015061

Nếu bạn là người đam mê hoạt họa thì ít nhất đã nghe đến cái tên Mitsuo Iso ở đâu đó rồi phải không? Ông là một huyền thoại sống trong giới hoạt họa và là một trong những animator có sự ảnh hưởng lớn nhất trong kỷ nguyên công nghiệp và hiện đại hóa anime.

Dấu ấn của Iso in đậm trong giới hoạt họa qua trích đoạn Asuka đối đầu với lũ Eva series ở gần cuối tác phẩm End of Evangelion. Ta có thể thấy rõ phong cách và nét đặc trưng đã làm nên thương hiệu cho ông: biên đạo võ thuật đẹp mắt, hoạt họa mượt mà uyển chuyển, đặc biệt hơn là ta có thể cảm giác được “sức nặng” và tính chất chân thực ở từng cảnh hành động nhờ vào sự am hiểu kĩ lưỡng trong cơ thể học của Iso. Iso còn thể hiện khả năng “nghiên cứu” thần sầu khi tham gia góp mặt vào Ghost in the Shell của Production I.G, ông đã ngồi chiêm nghiệm chuyển động của loài nhện hàng tháng trời chỉ để hoạt họa cho đúng động tác mô phỏng loài nhện của các “Tachikoma”.

Nhưng ít người biết đến ông dưới tư cách là một “người kể chuyện”, một đạo diễn vì lí do đơn giản, đã 15 năm trôi qua kể từ khi tác phẩm duy nhất – và cũng là cuối cùng – được Iso đảm nhận xuất hiện, cho đến khi Orbital Children ra mắt.

Mitsuo Iso không chỉ là một animator giỏi, mà còn là người đi tiên phong và đón đầu công nghệ, lẫn là một đạo diễn với tầm nhìn rộng, mới lạ. Chỉ tiếc rằng, ông đã đi trước hơi xa với thời đại.

Dennou Coil hồi ấy đã thu hút một lượng fan hâm mộ sci-fi cuồng nhiệt, không chỉ vì kỹ thuật hoạt họa của ông, mà còn vì tầm nhìn và những “dự đoán” về tương lai khi “thực tế ảo” sẽ dần có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống ta hiện nay (như cách mà Serial Experiments Lain đã dự đoán về sức ảnh hưởng của Internet và MXH vậy). Tuy nhiên, Dennou Coil không đạt nhiều thành công về mặt thương mại, và điều này đã làm Iso nản lòng cho đến ngày nay: những dự án của ông đều bị những NSX và các studio từ chối.

Lần này đến với The Orbital Children, đây là dự án, là tác phẩm Iso đã ấp ủ đến 10 năm. Ước mơ thực hiện nên một tác phẩm tiếp theo – đúng với tầm nhìn của mình – cuối cùng cũng thành hiện thực vì vẫn còn những cá nhân, những người đã tin tưởng ở Iso.

Cũng như Dennou Coil, phong cách dung hợp “hiện thực” với “giả tưởng” một lần nữa trở nên rõ ràng hơn. Những công nghệ từ các dịch vụ trực tuyến, MXH cho đến Internet, trí tuệ nhân tạo đều khá quen thuộc, làm nền tảng xây dựng cho câu chuyện, trước khi Iso giới thiệu đến khán giả những khái niệm phức tạp và bí ẩn hơn như thuật toán lượng tử, và một A.I với chỉ số thông minh gần như vô hạn để có thể dự đoán trước số phận của nhân loại và vv …

Chủ đề về vũ trụ và không gian tuy không phải mới mẻ gì, nhưng hiện nay rất khan hiếm, ít nhất là ở ngành hoạt họa Nhật nói riêng. Các tác phẩm về vũ trụ trong quá khứ thường mang chủ đề về chiến tranh, chính trị, chạy đua vũ trang và vv … The Orbital Children như một làn gió sản khoái mà Iso muốn thực hiện để “đổi mới không khí”, tiếp cận chủ đề vũ trụ – không gian ở một góc độ khác so với các tác phẩm trước đây, để phù hợp và cuốn hút hơn với giới trẻ hiện tại.

The Orbital Children là tác phẩm hấp dẫn nếu bạn yêu thích thể loại sci-fi, thích tìm hiểu về những điều “bí ẩn” trong công nghệ, vũ trụ, đan xen với các nút thắt thú vị về tình tiết, lẫn hòa quyện một chút dư vị “coming of age” khi số ít những đứa trẻ phải tự tìm ra chỗ đứng bản thân chỉ vì lúc sinh ra họ đã là những kẻ bên ngoài xã hội. Một tác phẩm không quá ngắn, cũng chẳng dài với độ sâu hợp lý để “nhâm nhi” trong những ngày Tết.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button