Tenki no Ko – Nét Trưởng Thành “Nổi Loạn” Trong Phong Cách Nghệ Thuật Của Makoto Shinkai.
Với nhiều người, Tenki no Ko có lẽ là tác phẩm không được đánh giá cao và có phần “lép vế” nếu so sánh với những tác phẩm trước đó Shinkai thực hiện. Nhưng cá nhân mình thì không nghĩ như vậy, mà trái lại, Tenki no Ko chính là sự trưởng thành, là kết tinh trong con đường nghệ thuật của Shinkai. Tenki no Ko vẫn đứng được ngang hàng với các tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Bài cũng tương đối dài nên các bạn có thể nhâm nhi bài “Grand Escape” vừa nghe vừa đọc.
Nét đổi mới trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.
Các tác phẩm Shinkai thực hiện không chỉ có mặt hình ảnh tráng lệ, làm người xem phải mê mẩn trầm trồ, mà lại còn giàu ý nghĩa ẩn sâu. Trong 5cm/s, đấy là hình ảnh góc rộng của những cánh đồng trải dài vô tận, toát lên được sự cô đơn tột cùng của Takaki, hay đấy là hình ảnh của quả tên lửa với vệt khói xé đôi bầu trời, ẩn dụ nên chi tiết bị chia cắt lứa đôi với Akari. Trong Kotonoha no Niwa, hình ảnh mưa rơi được hoạt họa mĩ miều, từng giọt mưa trong suốt phản phất thứ ánh sáng lấp lánh huyền ảo trên từng tán cây, trên nền đất, trên mọi vật … như thể thay lời muốn nói mà gắn kết cặp đôi tri kỷ Takao và Yukari. Trong Kimi no Na Wa, thành phố Tokyo được miêu tả lộng lẫy, náo nhiệt và tràn đầy sức sống, tạo nên sự tương phản mạnh mẽ giữa nét “hiện đại” với lối kiến trúc “cổ xưa” tại khu làng Itomori cổ kính.
Hẳn bạn cũng không khó nhận ra. Gần như mọi hình ảnh Shinkai phác họa, tất cả đều được sử dụng để miêu tả “nét đẹp” của cuộc sống bình dị. Thế nhưng, đã là cuộc sống thì phải luôn có hai mặt, cái nét ảm đạm ấy vẫn chưa thật sự hữu hình cho đến khi Tenki no Ko ra mắt. Trước đây, mưa rất “hợp tình”, nhẹ nhàng và đẹp mắt, mưa gắn kết mọi người trong Kotonoha. Ai cũng có thể cảm nhận được sự chuyển mùa chậm rãi qua sắc màu của từng chiếc lá trong các cơn gió thoáng qua. Tuy vậy trong những năm gần đây, mùa màng thay đổi thường mang lại giông tố, cứ như thể chính sự đổi mùa đang “tấn công” chính chúng ta. Nhật Bản luôn phải đối mặt với giông bão, những cơn mưa kéo dài triền miên, không dứt (ở Việt Nam chúng ta cũng đối mặt với tình cảnh tương tự).
Trong Tenki ni Ko, Shinkai phản ánh hiện thực này qua cách ông phác họa nên cơn mưa. Những cơn mưa trong tác phẩm đã phần nào mất đi tính dịu dàng thường thấy, mà thay vào đó là mưa dồn dập, triền miên không dứt. Chưa dừng lại ở đấy, hình ảnh của những “con rồng” uốn lượn dữ tợn trong số ít đoạn cảnh trên các tầng mây đen, với sấm chớp giằng xé, che kín hết cả bầu trời, như những dấu hiệu cảnh tỉnh về sự thay đổi mãnh liệt của tự nhiên đang diễn ra.
Không chỉ vậy, sự đột phá về góc nhìn nghệ thuật của Shinkai còn thể hiện qua những “mặt tối” ở Tokyo mà ông lựa chọn để miêu tả. Trong những tác phẩm trước đó, Tokyo là thành phố mang nét đẹp lịch lãm, là nơi ấp ủ, ươm mầm nên những giấc mơ của những con người trẻ tuổi. Vẻ đẹp mĩ miều của Tokyo được phác họa qua hình ảnh của những tòa nhà chọc trời, với những ánh đèn đường, biển hiệu huyền ảo, đa màu sắc, với dòng người, xe cộ tấp nập qua lại … Nhắc đến đây, hẳn bạn cũng nhận ra sự khác biệt mà Tenki no Ko đem đến.
Trái ngược với vẻ bề ngoài hào nhoáng thường thấy, Tokyo trong Tenki no Ko toát lên một vẻ u sầu, ảm đạm. Hình ảnh tráng lệ của những tòa nhà cao tầng dần được thay đi bởi khu phố đèn đỏ, những con đường nhộn nhịp, không gian thoáng đãng dần nhường chỗ cho các con hẻm kín mít, đâu đấy là sự lẻ loi của những góc khuất nơi bảng hiệu, của những khu nhà chật chội, tối tăm và ẩm thấp. Sự tương phản càng mạnh mẽ hơn khi ta chứng kiến hình ảnh tòa nhà có ngôi đền bị bỏ hoang giữa một thành phố sầm uất hiện đại, một lần nữa nhấn mạnh chủ đề của tác phẩm.
Sự nổi loạn của tuổi trẻ.
Tokyo không đẹp như ta nghĩ! Ẩn đằng sau ánh hào quang chói lọi là cả cuộc đời khổ cực, đầy ấp những cạm bẫy, cám dỗ mà những con người trẻ tuổi hằng ngày phải đối mặt. Hodaka một mình tự lực lên thành phố phồn thị Tokyo để đổi đời. Nhưng cuộc sống đâu có đơn giản! Xã hội như một cơn sóng, một dòng chảy uốn lượn, khi thì bằng phẳng, lúc thì gập ghềnh cuốn đi những con người không thể hòa nhập. Khi ở nơi đất xa người lạ, mỗi ngày là một cuộc chiến, nào là sự chắt chiu từng đồng cho tiền nhà, tiền ăn, làm sao để lắp đầy cái bụng khi đến bữa … Hình ảnh Hodaka sao mà chân thật quá! Điểm hay ở tác phẩm mình nhìn nhận là việc Shinkai đã tận dụng một hình ảnh quen thuộc nơi Hodaka để ươm mầm cho giấc mơ của rất nhiều người trẻ tuổi: khát khao tìm ra chỗ đứng trong xã hội.
Thế nhưng cuộc đời đâu có đẹp như mơ được! Cuộc sống Hodaka ngộp ngạt, khó chịu. Hòn đảo như chính nhà tù giam cầm anh, Hodaka bỏ đi với mong muốn tìm ra mục đích sống cho bản thân, và quan trọng nhất là tìm ra nơi anh có thể gọi là ngôi nhà thật sự.
Shinkai thường lồng ghép các yếu tố ẩn dụ về định mệnh vào tác phẩm của ông, Tenki no Ko cũng không phải ngoại lệ. Hina có nghĩa là “mặt trời”, và được xem như là “hare-onna” (sunshine girl, cô gái mặt trời), người đem lại bầu trời xanh ở bất cứ đâu cô đi đến. Còn Hodaka được ví như “ame-otako”, chàng trai “mời gọi” những cơn mưa. Hai người họ đã được định mệnh gắn liền ngay khi gặp nhau, nếu tinh ý theo dõi, có lẽ bạn cũng nhận ra chính tia nắng từ ánh mặt trời đã tạo nên động lực giúp củng cố sự quyết tâm ra đi của Hodaka, thể hiện qua hình ảnh Hodaka trên chiếc xe đạp đuổi theo tia nắng đến rìa hòn đảo và tự hỏi có điều gì chờ đợi anh ở phía bên kia bờ.
Hina như ánh sáng mặt trời đem lại bầu trời xanh cho Hodaka. Hina là cô gái vị tha, luôn đặt hạnh phúc của người khác lên trên bản thân. Từ nhỏ cô đã phải tự bươn chải để nuôi sống đứa em, cô nói dối độ tuổi để được lao động, sẵn sàng đánh đổi ngay cả bản thân dù biết mình sẽ bị lừa. Việc Hina quan tâm và đem tặng miếng bánh Hamburger cho Hodaka sau 3 ngày cậu chưa ăn gì, tuy có thể cho rằng đấy là “định mệnh” do Shinkai sắp đặt, nhưng cũng đủ để khẳng định Hina sẽ làm điều tương tự với bất cứ ai! Theo chân tác phẩm, ta thấy Hina mỉm cười hạnh phúc khi cô đem lại bầu trời xanh cho tất cả mọi người, niềm vui của họ cũng như của chính cô. Một cô gái với trái tim thuần khiết!
Ấy thế mà cuộc sống lại quá sức tàn nhẫn! Hina luôn hy sinh vì người khác, cô không mong muốn bất kì điều gì cho bản thân. Thế mà giờ đây, chính cái xã hội này lại ràng buộc Hina với trách nhiệm nặng nề, buộc cô phải gánh chịu trên đôi bờ vai nhỏ bé. Chính cái xã hội ấy lại xem sự hy sinh của Hina như thứ gì đó rất “bình thường”, để đảm bảo lợi ích của cộng đồng.
Hina là tình yêu đầu đời của cậu, cả hai cùng nhau mưu sinh, trải qua những kỷ niệm thường ngày khó quên … Nên nhớ Hodaka và cả Hina còn chưa đến tuổi vị thành niên, nhưng sao họ lại có thể táo bạo đến vậy? Đơn giản vì Hodaka chính là hiện thân cho giấc mơ của những người còn trẻ – đó là sự TỰ DO theo đuổi điều mình muốn trong một xã hội ngộp ngạt, luôn đi theo lề lối cổ hữu, muốn áp bức lẽ sống. Hodaka cuối cùng đã tìm ra nơi cậu có thể gọi là nhà – cùng với Hina, anh đã tìm ra ý nghĩa cuộc đời.
Vậy mà “xã hội” lại muốn lấy đi tất cả của cậu, và của cả Hina, khi chưa cho cả hai bất kì điều gì!
Số phận đem hai người đến với nhau, nhưng cũng lại muốn tước đoạt đi một nửa. Nhưng sự lựa chọn của Hodaka liệu có ích kỷ? Cậu có thật sự là con người ích kỷ khi cậu muốn Hina phải trân trọng chính bản thân cô hơn? Sự ích kỷ của cậu hoàn toàn vì người khác. Hina đã dành suốt cuộc đời hy sinh vì mọi người, vì gia đình, sẽ là quá ác nghiệt nếu Hina “không được quyền” giữ lấy một chút hạnh phúc cho cá nhân. Chính sự ích kỷ của Hodaka đã giúp giải thoát Hina, mang lại sự tự do cô hằng mong ước, mang lại quyền lợi cho phép cô được giữ lấy thứ hạnh phúc của chính mình!
Thay vì đổ cái sự “ích kỷ” này lên Hodaka, sao chúng ta không đứng về phía Hina mà hỏi rằng, cái xã hội xem chuyện hy sinh một cô gái vị tha mang trái tim thuần khiết, như điều rất bình thường để đảm bảo lợi ích số đông, có là ích kỷ? Tác phẩm cũng nhấn mạnh rằng tục lệ “tế người” này đã tồn tại từ rất lâu (800 năm trước).
“Tôi không biết tôi nghĩ gì, khi nhìn Tokyo đổi thay, cũng như sẽ không biết nói với cô ấy những lời gì… “, những lời nói thật thà cứ như cắn rứt lương tâm cậu, Hodaka biết hậu quả hành động hai người gây ra. Nhưng khi gặp lại Hina thì anh chắc chắn, dù có phải làm lại điều đó cả nghìn lần, thì anh cũng sẽ làm.
“Tôi cần em hơn mọi bầu trời xanh!”. Một lời “tỏ tình” hết sức mãnh liệt, thâu tóm được cái hồn của tác phẩm.
Trong tác phẩm Hoshi no Koe, Mikako đã chấp nhận hy sinh bản thân để giải cứu Trái Đất. Ở 5cm/s, khoảng cách địa lý và góc nhìn xã hội đã chia cắt Takaki và Akari. Trong Kotonoha no Niwa, một lần nữa khoảng cách tuổi tác và địa vị xã hội đã ngăn cản không cho Takao và Yukari đến với nhau.
Ta đều nhìn thấy một motif tương đồng ở các tác phẩm trong quá khứ của Shinkai: con người phải tuân theo lề lối và luật lệ của xã hội, bảo toàn lợi ích chung. Chỉ đến khi Kimi no Na Wa xuất hiện, ta mới thấy chút ít của sự “nổi loạn” dần nhen nhóm, nhưng cũng chưa hiện hữu thật sự vì đơn giản “số mệnh” là một thế lực siêu nhiên, ít có sự liên tưởng đến hiện thực. Và đến Tenki no Ko thì sự “nổi loạn” này mới chính thức kết tinh, lần đầu tiên trong các tác phẩm của Makoto Shinkai, ông đã chất vấn khán giả qua sự lựa chọn của nhân vật trong tác phẩm. Nhật Bản là đất nước có xã hội đề cao nền văn hóa của tập thể, dẫn đến sự “đàn áp” về chủ nghĩa cá nhân và ham muốn của mỗi người, Tenki no Ko như lời ngỏ nhắn nhủ với thế hệ trẻ rằng: “Đôi khi có ích kỷ một chút cũng không sao!”.
Hình ảnh Tokyo chìm đắm trong mực nước biển cũng không hẳn là quá bi quan, mà trái lại, đó là lời nhắc nhở lạc quan rằng, đất nước và con người Nhật đã tồn tại qua hàng nghìn năm, trải qua bao mưa lũ, động đất và sóng thần, thì họ vẫn sẽ kiên trì bám trụ, cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn bất kể có thiên tai trước mắt.
Nhìn chung, Tenki no Ko là một tác phẩm đặc sắc của Shinkai, thể hiện nên sự trưởng thành, xen lẫn nét táo bạo của ông trên con đường nghệ thuật, khi tài năng và góc nhìn bản thân đã không còn “tuân theo” luật lệ của xã hội. Tenki no Ko đã mở ra một chương mới trong sự nghiệp của Shinkai, khi ông đạt được sự “tự do” theo đuổi bất kì chủ đề nào ông mong muốn, dù nó có trái ngược với “chuẩn mực” của tập thể, nhưng vẫn không mất đi tinh chất “tình yêu tuổi trẻ” với biết bao nốt thăng trầm trong cung đàn cảm xúc, vốn đã làm nên thương hiệu Shinkai. Cũng chính vì lẽ đó, Tenki no Ko với mình đủ sức đứng cạnh các tác phẩm xuất sắc khác của ông như Hoshi no Koe, Kotonoha, 5cm/s và Kimi no Na Wa.