AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Suzume no Tojimari sẽ là một bộ phim hay, nếu như…

Và thế là tôi cũng đã lết thân ra rạp để xem bộ Suzume. Tính ra cũng đã lâu kể từ khi ra trường mà tôi mới có dịp để đi xem phim ở rạp trở lại, do phần thì công việc bận, phần thì lười đến tối chỉ muốn nằm trên chiếc giường ấm cúm của mình mà thôi. Lúc đầu tôi cũng không có dự định đi nhưng mà do thấy nhiều sự bàn tán sôi nổi trên mạng nên đành “đánh liều” 1 phen, và quả thật cảm giác được xem ở rạp, cảm nhận cái dàn âm thanh hoành tráng vẫn là quá “phê”, hết sức khác biệt với khi xem ở nhà.

Chắc cũng không cần giới thiệu gì nhiều về tác phẩm này bởi vì cái tên của vị đạo diễn Makoto Shinkai là quá nổi tiếng và đã được đón nhận rộng rãi rồi. Cá nhân tôi cũng không gọi là fan của ông nhưng mà cũng đã xem qua hết tất cả những bộ anime mà ông từng kinh qua ngay cả những bộ có thời lượng ngắn, “đời đầu” như là Hoshi no Koe. Trong số những bộ đó, có bộ tôi thích có bộ không nhưng nhìn chung tôi vẫn cảm thấy ấn tượng với những phong cách riêng về mặt đạo diễn, hình ảnh và âm thanh mà Shinkai-san đem lại cho anime. Thực sự đối với Makoto Shinkai, không ai là có thể phủ nhận tài năng đạo diễn xuất chúng của ông ta, người đã tự mình thực hiện tất cả mọi công đoạn từ lên ý tưởng, vẽ animation cho đến lồng tiếng cho một bộ anime tận 24 phút. Mặc dù chất lượng hình ảnh của tác phẩm đầu tay “Hoshi no koe” là còn nhiều khuyết điểm nhưng mà vẫn là một việc khá điên rồ mà ông làm được khi còn trẻ. Cho nên đối với bộ Suzume no Tojimari này, chuyện về chất lượng art, animation hay âm nhạc thì có lẽ tôi không cần đề cập gì thêm nhiều, bài viết này chỉ chủ yếu đánh giá về phần nội dung (writing) mà thôi.

Cảm nhận đầu tiên của tôi đối với Suzume đó chính là cái cảm giác tác phẩm như là một sự hòa trộn của những bộ phim mà Shinkai-san từng thực hiện lại với nhau vậy. Chúng ta có những cảnh rơi từ trên trời xuống như trong Tenki no ko, yếu tố biến đổi cơ thể trong Kimi no na wa, ngay cả sự du hành vào thế giới vĩnh hằng của người ch. ết cũng làm tôi nhớ đến bộ “Những đứa trẻ đuổi theo tinh tú”, và dĩ nhiên là còn phải có “báo thủ” từng được làm nhân vật chính trong tác phẩm ngắn “Nàng và Con mèo của Nàng”…

Cho nên với một người xem lâu năm như tôi cũng thấy được đôi chút sự thú vị được nhìn lại những yếu tố trong các bộ phim làm nên tên tuổi của Shinkai-san. Một yếu tố quan trọng khác mà ta cần phải đề cập trong bất cứ tác phẩm nào của Shinkai-san đó chính là tình cảm. Đây là yếu tố mà trong bộ movie lần này tôi đánh giá là điểm … yếu nhất.

Cá nhân tôi hơi bị “kén cá chọn canh” đối với thể loại tình cảm, trong thời đại có quá nhiều những bộ anime tình cảm, học đường, romcom mà thậm chí bảo hòa cũng không thua gì isekai như hiện nay, thì tôi chỉ chọn ra một vài bộ nhất định vào danh sách yêu thích. Đối với tôi, để một bộ tình cảm hay thật sự thì phải có cảm tình với cả nhân vật nam và nữ chứ không phải chỉ có 1 nhân vật là đủ, bên cạnh đó thì mối quan hệ giữa họ cũng phải đóng góp một vai trò quan trọng tác động lên những biến chuyển bên trong của nhân vật, giúp họ trưởng thành hơn. Đối với Suzume một phần vì nhân vật nam chính bị biến thành cái ghế trong phần lớn thời gian, một phần vì khai thác một mạch truyện tương tự như với 2 bộ movie trước đó là Tenki no ko và Kimi no na wa cho nên sau khi xem xong tôi thú thật chả thể cảm nhận được gì từ yếu tố tình cảm. Việc khai thác một mạch truyện dễ đoán như 2 movie trước cũng tạo ra những tình tiết hiểu lầm có phần ngượng nghịu không đáng có giữa nhân vật dì của Suzume và cô bé. Tôi nghĩ nếu cô bé nói rằng mình muốn tìm về quê nhà khi xưa để nhớ lại những ký ức của cha mẹ ruột thì người dì sẽ dễ dàng thông cảm thôi.

Những tưởng Suzume sẽ là một sự thất vọng hoàn toàn khi yếu tố tình cảm không đọng lại bất cứ thứ gì trong tôi thì lại có một yếu tố khác được thể hiện rất tốt để bù lại đó chính là chủ đề nhân vật chính vượt qua những đau thương mất mát do thảm họa tự nhiên để lại. Việc lựa chọn loại thiên tai trong movie lần này là hoàn toàn hợp lý khi mà so với thiên thạch rơi hay mưa bão thì động đất vẫn là mối nguy lớn nhất từ ngàn đời đối với nước Nhật. Đối với một người Việt như tôi chỉ được thấy thảm họa kép năm 2011 qua những thước video quay lại thôi nhưng đã cảm thấy một sự khiếp sợ không thể diễn tả được nên lời rồi. Cho nên đối với những người Nhật thì movie này có thể nói đã đánh động trực tiếp đến ký ức đau thương của năm xưa cho dù 12 năm đã trôi qua vẫn khó có thể nào quên được. Qua cả bộ movie chúng ta thấy nhân vật chính đã đi qua những thành phố lớn xuyên suốt chiều dài của đất nước Nhật Bản lúc đầu tôi thấy khá lạ tại sao không tua qua cho nhanh? Thế nhưng bây giờ tôi có giả thuyết rằng những thành phố trên có thể là những địa điểm đã xảy ra những trận động đất lớn trong lịch sử, và cánh cổng mà Suzume đóng lại tượng trưng cho cánh cổng mở ra ký ức về những thảm họa kinh hoàng mà người dân Nhật đã từng chịu đựng. Shinkai-san đã nhắc nhớ cho chúng ta rằng bên dưới nước Nhật xinh đẹp ẩn chứa một nguồn năng lượng khổng lồ luôn luôn lúc nào cũng chờ chực để làm mọi thứ rung chuyển và đảo lộn. Suzume không còn có những cơn mưa lãng mạn hay cảnh thiên thạch rơi cực đẹp mà đó là một sự hồi hợp căng thẳng đáng sợ mỗi khi con “giun đất” chui ra và những tiếng chuông báo động động đất vang lên dồn dập. Việc lồng ghép những chi tiết hình ảnh mang tính biểu tượng tôi nghĩ cũng làm khán giả cảm nhận tốt hơn những vết thương tâm lý mà Suzume đã phải chịu đựng từ nhỏ khi cô bé bị mất đi cha mẹ trong đợt thảm họa kép. Ví dụ như việc em bôi đen hoàn toàn trang nhật ký của ngày định mệnh ấy thể hiện sự ngăn chặn, muốn quên đi những ký ức tuổi thơ. Hay chiếc ghế mà mẹ tặng cho em bị gãy đi một chân cũng tượng trưng cho những phần kỷ niệm ấm cúng bên gia đình bị mất đi vì việc shock tâm lý.

Do đó hành trình của Suzume tôi cho rằng là đầy ý nghĩa, thể hiện sự dũng cảm ở em dám đương đầu, tìm lại những ký ức đau thương của mình. Bởi vì nhờ có việc chấp nhận quá khứ, thì con người ta mới có thể tiến về phía trước, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Cho nên tôi cho rằng, cái kết của tác phẩm cùng với những thông điệp truyền tải đã chứa đựng được nhiều giá trị đẹp đẽ.

Tóm lại thì Suzume no Tomari sẽ là một bộ phim hay nếu như mà bạn không đặt nặng hay trông đợi nhiều vào yếu tố tình cảm. Cá nhân tôi nghĩ nếu đạo diễn Makoto Shinkai bỏ đi mấy chi tiết tình yêu tuổi teen mà tập trung vào việc khắc họa tâm lý nhân vật nữ chính cũng như biến tác phẩm thành một bộ phim chủ đề thảm họa hoàn toàn thì sẽ rất là phá cách và làm tôi cảm động nhiều hơn. Đó là ý kiến của tôi, còn các bạn thì sao?

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button