AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Suzume no Tojimari – HAY! Nhưng Vẫn Chưa Khai Thác Hết Tiềm Năng! [spoiler nhẹ]

Khi nói đến một tác phẩm của “phù thủy của những nỗi buồn” – Shinkai Makoto, bạn luôn luôn sẽ nghĩ đến một tác phẩm mà sẽ rất giàu tính nghệ thuật về họa và âm.

Và với Suzume no Tojimari, nó luôn đúng, và còn có phần lộng lẫy hơn cả những tiền bối. Vì khi so với những tác phẩm gần đây nhất, khi mà tập trung chủ yếu ở Tokyo hay là một nơi nào đó “hư cấu” một chút, Suzume đưa bạn trên hành trình đi khắp đất nước Nhật Bản trong vòng hai tiếng đồng hồ thời lượng, à mà tất nhiên vẫn có Tokyo. Trong chuyến hành trình này, không chỉ Suzume, mà cả chính khán giả được hiểu thêm về văn hóa, tín ngưỡng, và cũng như cả cuộc sống thường ngày của người dân đất nước mặt trời mọc. Và cũng như, cách mà người dân đất nước ấy, đối mặt những mất mát, đau thương mà mỗi con người đã phải trải qua; và cũng như, cách người dân đất nước ấy vượt qua những niềm đau thương đó mà tiến lên phía trước, về một tương lai vô định nhưng đầy những điều bất ngờ và sẽ ngập tràn hạnh phúc đang chờ phía trước.

Có thể nói ngắn gọn, bộ phim là một chặng “phượt” xuyên Nhật, bất ngờ đưa bạn từ Miyazaki lên chuyến phà đến Ehime, rồi đi nhờ một chuyến xe trên suốt chặng đường dài qua những cây cầu bắt qua các hòn đảo đến Kobe, rồi lại háo hức lần đầu bước lên tàu siêu tốc shinkansen đến Tokyo. Và cuối cùng, ngắm nhìn khung cảnh yên bình trên đường đến Tohoku, nơi mà những ngày này 11 năm về trước, trận động đất và sóng thần kinh hoàng đã xảy ra cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và để lại nhiều đau thương còn đó cho đến tận ngày hôm nay.

Thật sự, người viết luôn cảm phục cách mà Shinkai luôn đưa vào những câu chuyện, những sẽ chia mà ông luôn muốn đồng cảm với những mất mát mả người dân Nhật Bản đã phải trải qua sau những thiên tai ập đến. Và không chỉ dừng lại ở giá trị nhân văn, thông qua những nét vẽ đã thực tả các khung cảnh trải dài khắp đất nước mặt trời mọc mà nhân vật chính đã đi qua, từ những nét đẹp đượm chút buồn ở những nơi bị bỏ hoang, cho đến những nét hào nhoáng, lỗng lẫy của những giá trị hiện đại, Shinkai Makoto muốn gửi gắm cho người xem thông điệp về một đất nước Nhật Bản đẹp đẽ đến chừng nào.

Về phần âm nhạc, vẫn là RADWIMPS đảm nhận toàn bộ soundtracks cho phim.

Và vẫn như thường lệ, họ đã không hề phụ lòng kì đợi của khán giả. Lần này, RADWIMPS mang một âm hưởng hoàn toàn mới, khi pha trộn với yếu tố thần thoại Nhật Bản bằng cách lồng ghép với nhạc cụ truyền thống vào trong những nốt nhạc. Sự pha trộn giữa những giá trị quá khứ và hiện đại khiến cho những giai điệu hòa vào và kết nối những cảm xúc của người xem với các khung cảnh hiện ra trên màn ảnh được trở nên sâu sắc hơn. Nhưng nếu như “Kanata Haluka”, ending do chính RADWIMPS thể hiện, có thể làm tốt hơn một chút thì album lần này có thể đạt được sự hoàn hảo trọn vẹn. Ồ các bạn đừng hiểu nhẩm, thực sự thì bài này vẫn rất hay, nhưng nó lại nằm trong cái vùng an toàn mà nhóm luôn thể hiện, nên thành ra có một chút lạc lỏng. Vì thực sự lần này, một theme song khác mang tên nhân vật chính của bộ phim – “Suzune” quá quá quá xuất sắc. Dịu dàng, nhưng ma mị. Nhẹ nhàng, nhưng mãnh liệt. Sâu lắng, nhưng vang vọng.

Nhưng…

Tuy lại có tiềm năng rất lớn, Suzume no Tojimari lại còn thiếu quá nhiều đều để vượt lên trên cái bóng của Kimi no Na wa. Vì sao lại so sánh như vậy, thì trong ba tác phẩm gần đây của Shinkai, cả ba đều có những nét gần như tương đồng nhau về mặt cấu trúc, nhưng mỗi tác phẩm lại có trong mình những câu chuyện và những cảm xúc khác nhau mà ông muốn gửi gắm. Nhưng tiếc thay, dù Suzume đã có rất nhiều những chi tiết hay và độc đáo với cách tiếp cận mới lạ, lại còn đó rất nhiều điểm yếu về mặt nội dung. Và điểm yếu nhất phải kể đến là phát triển nhân vật. Mặc dù cũng phải nói là cốt truyện của phim được triển khai nhanh chóng với diễn biến nhanh và dồn dập, nhưng đó lại là con dao hai lưỡi làm cho không gian riêng tư để phát triển tính cách của mỗi nhân vật gần như không có.

Và chính điểm yếu này đã gi.ết đi một yếu tố mộc mạc nhất trong các tác phẩm của Shinkai Makoto: sự lãng mạng.

Nếu như trong Kimi no Na wa, chỉ duy nhất một thứ thôi, đó chính là chiếc vòng tay đơn sơ, hay sợi chỉ hồng, là vật tượng trưng cho sự gắn kết giữa Taki và Mitsuha xuyên suốt mạch truyện từ đó người xem luôn cảm nhận được mối liên kết của cặp đôi này. Nhưng trong Suzune no Tojimari, tuy có đến hai thứ tượng trưng cho sự liên kết, một là chiếc ghế mà Souta bị hóa vào, và hai là chiếc chìa khóa để phong ấn các cảnh cửa của anh, nó đều lại thiếu đi chiều sâu cũng như tính tượng trưng cho cặp đôi nhân vật chính. Thành ra, những gì lãng mạng nhất, tiếc thay nó lại được truyền tải trong những ngôn từ của bài hát “Suzume”, chứ không ở trong chính câu chuyện. Chính vì thế, khi xem xong rất nhiều khán giả, trong đó có người viết, cảm thấy không thể hoàn toàn thấu hiểu hay đồng cảm được với các nhân vật trong phim. Và nhắc đến nhịp độ của phim, thì cũng vì diễn biến tương đối nhanh, nhưng lại đặt trong bối cảnh của thế giới thực hiện nay, nên các diễn biến nó có hơi quá “tiện lợi” cho nhân vật chính, cũng là một điểm trừ nho nhỏ nếu bạn cảm thấy khó chịu với lối dẫn truyện này.

Tổng kết lại, Suzume no Tojimari vẫn là một bộ phim rất đáng để thưởng thức với phần âm và hình xuất sắc, đưa người xem trải nghiệm một đất nước Nhật Bản của quá khứ, ở hiện tại, và hướng đến tương lai. Tuy nhiên, một chút tiếc nuối của người viết sau khi xem xong tác phẩm rằng, nếu như có thêm một chút thời gian, có thêm một chút về sự gắn kết giữa các nhân vật, có thêm một chút khoảng lặng để đồng cảm, thì nhất định đây có thể trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Shinkai Makoto. “Chỉ một chút thôi, nhỉ?”

Đánh giá của người viết: 8.0/10

『naoneene』

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button