Summer 2021 Anime Recommendations

List mang tính chủ quan khá cao, đánh giá của mình cũng sẽ không thay đổi gì nhiều so với những gì các bộ đã thể hiện (nếu như còn 1-2 tập nữa mới kết thúc hẳn). Nhìn chung thì mùa Summer Anime 2021 tương đối “ổn”, có nhiều sự lựa chọn cho khán giả theo dõi.
• Xanh lá cây: Đáng xem.
• Xanh dương: Xem tốt, có thể bạn sẽ thích.
• Cam: Trung bình.
• Đỏ: Tệ.
1/ Kobayashi-san Chi no Maidragon S
Mở đầu với AotS của mình, Dragon Maid S đánh dấu sự trở lại đầy ngoạn mục từ KyoAni sau 2 năm vắng bóng trên sóng truyền hình. Tác phẩm vẫn giữ được cái “chất” vốn có của studio mà mình luôn yêu thích, đó là sự tinh chạm và mài giũa về mặt hình ảnh, dù có là cho những chi tiết đời thường bình dị nhất. Dragon Maid S mùa 2 cũng mang đến những câu chuyện nhỏ phác họa một phần sự khác nhau trong xã hội hiện đại giữa con người và loài rồng. Tuy nhiên, những mẩu drama này không quá nặng nề mà chỉ giúp đào sâu thêm phần nội tâm của những nhân vật trong câu chuyện, đan xen với những khoảnh khắc sâu lắng nhưng cũng không kém phần hài hước về cuộc sống đời thường xoay quanh “gia đình” Kobayashi. Dragon Maid S với mình như một tách trà đậm vị, càng nhâm nhi, càng ngon.
Đánh giá: 8.5/10
2/ Shiroi Suna no Aquatope
Hai cô gái, hai mảnh đời, nhưng số phận đã dẫn dắt họ lại với nhau. P.A Works lần này đã quay trở lại thế mạnh của họ: SoL, drama đời thường và coming of age ở những con người trẻ tuổi. Bên cạnh đó dấu ấn “thương hiệu” của họ thể hiện khá rõ – so với những bộ cùng thể loại – khi tác phẩm ít nhiều tập trung vào yếu tố công việc để qua đó làm bàn đạp xây dựng nên nhân vật (Hanasaku Iroha với mình vẫn là tác phẩm SoL, drama kèm công việc hay nhất mà P.A từng thực hiện). Đạo diễn và người viết kịch bản từng có cơ hội làm cùng Mari Okada nên ta có thể thấy sự khéo léo trong phát triển nhân vật qua từng tình tiết, mẩu chuyện nhỏ xuyên suốt tác phẩm, rất tự nhiên và không gượng gạo! Tác phẩm còn chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa như nhắc nhở chúng ta nên chấp nhận mất mát để tiến lên phía trước. Về phần hình ảnh, P.A Works trước giờ hiếm khi làm mình thất vọng, cùng với Ufotable, I.G và KyoAni thì họ là số hiếm những studio vận dụng tốt kỹ thuật CGI vào cảnh nền, tạo nên những phong cảnh làm người xem trầm trồ. Tuy có độ dài 2-cour nhưng với một người yêu thích SoL và drama như mình thì Aquatope chắc chắn là bộ mình sẽ mạnh tay rec nếu bạn yêu thích hai thể loại trên.
Đánh giá: 8.3/10
3/ Heion Sedai no Idaten-tachi
Một bộ lạc khỏi radar của nhiều người dù có chiếc nhãn to đùng của MAPPA. Câu chuyện xoay quanh chủng người Idaten (sức mạnh ngang hàng thần) trong cuộc đối đầu với loài quỷ dữ. Một tác phẩm thuần hành động, xen lẫn nhiều chủ đề “tăm tối” xoay quanh con người và “chuẩn mực” đạo đức, vd như cả Idaten và loài quỷ chỉ xem con người như thứ “công cụ” để đạt được mục đích, đơn giản vì họ là thực thể cấp bậc cao hơn. Cốt truyện không rối rắm hay quá phức tạp, những gì bạn mong đợi sẽ là những gì bạn xem thấy, đôi khi để thư giãn đầu óc thì bạn chỉ cần như thế! Tác phẩm không ngại dành nhiều thời gian để thiết lập sự việc – sẽ diễn ra – từ cả hai phía, tạo nên cán cân quyền lực thú vị nghiêng hẳn về phía chủng tộc Idaten, nhưng không vì vậy mà lấy đi sự hấp dẫn của loài quỷ dữ, chúng vẫn có những thủ đoạn khiến bạn phải kinh tởm. Tác phẩm có khá nhiều pha hành động hấp dẫn, thể hiện độ chịu chơi của MAPPA và đội ngũ thực hiện, một bộ hành động đơn giản nhưng đầy “chất” riêng.
Đánh giá: 8.2/10
4/ Kaizoku Oujo
Lịch công chiếu hơi dị của Kaizoku Oujo có lẽ là lí do chính khiến nhiều người chưa nghe qua tác phẩm. Câu chuyện xoay quanh Fena và những người bạn trong chuyến hành trình tìm kiếm bí ẩn đằng sau manh mối “Eden”. Cốt truyện rành mạch và rõ ràng, tuy không mới lạ nhưng vẫn đủ sức giữ được nét thú vị, nhất là khi về sau, quá khứ Fena được hé lộ tạo nên nút thắt lớn về thân thế của nhân vật phản diện trong tác phẩm. Tuy vậy, thế mạnh của bộ mình đánh giá cao là ở các yếu tố phiêu lưu và sự kì công của Production I.G trong việc xây dựng thế giới. Từng tòa thành, ngôi nhà, con đường đều mang đậm dấu ấn kiến trúc của thời kì phục hưng, và cả trong chi tiết của các dãy hành lang, hay vật dụng nhỏ trong từng căn phòng. Bên cạnh đó, theo chân Fena, ta đi đến nhiều vùng miền mới lạ, có thể là góc khuất của khu cảng sầm uất, hay là không gian chật hẹp dưới khu mỏ bỏ hoang chứa đầy những câu đố, cạm bẫy … tạo nên cảm giác phiêu lưu ly kì (nếu không có production mạnh như I.G thì cũng khó khắc họa tốt được vậy). Tác phẩm còn rất mạnh về kĩ thuật dựng phim (cinematography), với một đứa ghiền phim ảnh như mình thì ngoài Dragon Maid S, Kaizoku Oujo cũng là bộ mình phải xem kĩ từng đoạn cảnh để chiêm ngưỡng công sức I.G dồn vào bố cục từng cảnh quay (frame composition).
Đánh giá: 8.0/10
5/ Love Live! Superstar!!
Với mình thì đây là series Love Live hay nhất trong toàn thể franchise. Điều khiến Superstar tách biệt với các Love Live khác là những trắc trở của các cô gái khá gần gũi với “đời thường” khiến người xem dễ đồng cảm. Lấy vd như Kanon, giọng ca chính của nhóm, ban đầu đã không thể hát được trước đám đông vì lo sợ và thiếu tự tin – điều mà bạn sẽ không thấy ở Honoka hay Chika. Bên cạnh đó thì số lượng nhân vật trong Superstar cũng ít hơn so với các series khác cùng franchise, điều này tạo nên tính chất cá nhân rõ nét hơn ở từng nhân vật vì ai cũng được dành đủ đất diễn. Điểm mình ưng nhất ở Superstar là những pha tương tác tấu hài giữa các thành viên trong nhóm, như cặp bài trùng Keke – Sumire, tạo nên sự hài hước và sinh động, vốn là điều cả franchise Love Live đang còn thiếu. Ngoài ra thì phần hoạt họa của Superstar cũng được Sunrise đầu tư mạnh tay hơn, bạn sẽ thấy sự năng động của nhân vật qua từng frame, từng shot, chuyển động mượt, giàu biểu cảm và ngôn ngữ hình thể. Superstar là series Love Live thích hợp dành cho người mới bước chân vào franchise, cũng như là hâm nóng lại ngọn lửa dành cho những ai đã yêu thích Love Live từ lâu.
Đánh giá: 8.0/10
Danh dự: Heike Monogatari
Tuy chỉ mới ra tập 1 (vài ngày nữa sẽ chiếu tập 2) nhưng với mình thì Heike lại có một vị trí quan trọng trong con tim: tác phẩm là ngã rẻ đánh dấu chặng đường mới sau khi rời Kyoto Animation, một hướng đi mới trên con đường nghệ thuật của nữ đạo diễn tên tuổi nhất hiện nay trong ngành CN anime: Naoko Yamada. Theo chân cô gái trẻ Biwa, ta sẽ chứng kiến thời khắc huy hoàng trong lịch sử, cũng như sự suy tàn của tộc Taira dưới thời Heian. Một tác phẩm đậm tính nhân sinh về xã hội cổ xưa, khi người dân phải sống cuộc đời khổ cực dưới gọng kìm sắt của tầng lớp cai trị. Heike có lồng ghép khá nhiều chi tiết ẩn dụ thú vị trong mặt hình ảnh (như hình ảnh xoáy nước gắn liền với tộc Taira vì kinh tế của họ lệ thuộc vào hàng hải, hay các chi tiết về loài hoa, etc), với các shot tinh tế mang đậm dấu ấn riêng, tất cả được thể hiện hết sức tuyệt vời qua đôi tay nhào nặn tài tình của nữ đạo diễn Yamada.
Đánh giá: 8.5/10
6/ Kageki Shoujo!!
Tác phẩm lấy bối cảnh ở ngôi trường Âm Nhạc và Nghệ Thuật Sân Khấu Kouka. Kageki Shoujo sở hữu dàng nhân vật đa dạng, ai cũng có giấc mơ riêng và những nỗi bất trắc lẫn ám ảnh trong quá khứ họ cần vượt qua. Điều mình đánh giá cao là tác phẩm không ngại phơi bày ra sự trần trụi của nhiều vấn đề nóng bỏng trong xã hội đã theo đuổi các cô gái trẻ bấy lâu, như nạn bạo hành gia đình, và chính điều này làm tăng mức độ chân thật trong việc thiết lập, lẫn xây dựng và phát triển nhân vật về sau. Vd như Ai ghét cay đắng đàn ông – không phải vì cô theo một nguyên mẫu đã được dựng sẵn – mà vì lí do khác sâu xa hơn gắn liền với đề tài xã hội kể trên. Ngoài việc giải quyết vấn đề cá nhân, họ còn phải tỉ thí với nhau để dành từng vai diễn mà dấn thân vào sự nghiệp nghệ thuật, tạo nên các mối quan hệ đa sắc màu (đến chị em song sinh mà cũng chơi bẩn vì ghen ghét, hay đơn giản hơn là sự nể phục từ “kình địch” của một nhân vật). Một tác phẩm hấp dẫn đặt nhân vật làm trọng tâm, có thể bạn sẽ thích.
Đánh giá: 7.8/10
7/ Sonny Boy
Một nguyên tác (original work) từ Shingo Natsume và Madhouse, nhưng cá nhân mình thì không thật sự ấn tượng lắm với những gì Sonny Boy đã thể hiện. Tất nhiên mình vẫn khâm phục đạo diễn Natsume vì tâm huyết và tầm nhìn ông đổ vào tác phẩm, từ sự thiết lập nên một xã hội thu nhỏ (năng lực nhân vật cũng rất hợp với khát vọng của họ), cho đến chủ đề “cô lập” tái xuất xuyên suốt tác phẩm – các nhân vật không ít thì nhiều đều trải qua cảm giác cô đơn, lạc lõng dù họ sinh sống cùng nhau – bất kể họ có tài năng xuất chúng như Asakaze hay chỉ là nhân vật nền sống thu mình trong góc khuất của thế giới. Chất hình ảnh trong Sonny Boy cũng khá đặc biệt, một số cảnh trông như tranh sơn dầu với linearts bị xóa nhòa đi, tạo nên sự thú vị về mặt thị giác. Nhưng mà, vấn đề cốt lõi ở Sonny Boy là cho đến hiện giờ, mình vẫn chưa cảm nhận được bất kì yếu tố nào tạo nên sự gắn kết sâu đậm trong tác phẩm để làm mình “muốn” tìm hiểu thêm, để diễn giải thêm được cái chất “trừu tượng” trong từng frame hình mà Natsume dày công phối cảnh. Có thể bạn sẽ thấy Sonny Boy hấp dẫn hơn mình.
Đánh giá: 7.5/10
8/ Tensei Shitara Slime Datta Ken 2nd Season (2nd cour)
Phần nối tiếp của Slime, số ít những bộ isekai giữ được cái chất “simp city” xuyên suốt và “vui” để xem. Phần này thì tác phẩm dành không ít thời lượng để sắp đặt kế hoạch lật tẩy Clayman của Rimuru, đến lúc “gặt hái thành quả” thì cũng làm mình thỏa mãn phần nào. Nói chung là xem ổn để chờ mùa sau của Mushoku Tensei.
Đánh giá: 7.4/10
9/ Bokutachi no Remake
Đầu mùa mình có đánh giá cao BokuRe, một phần cũng vì studio feel vốn luôn ổn định và chắc tay khi chuyển thể những tác phẩm có yếu tố drama/romance. Nhưng cho đến hiện tại, mình có hơi thất vọng. BokuRe không tệ, nhưng cốt truyện và các twist lại không có gì quá đặc biệt để đủ sức tạo điểm nhấn. Tình tiết thì dễ đoán khi Kyouya luôn là người tìm ra mọi giải pháp và giải quyết được mọi vấn đề. Ít nhất là tác phẩm vẫn tạo được một số tình tiết khiến cái sự “hoàn hảo” của Kyouya “phản tác dụng”, nhưng có lẽ là vẫn chưa đủ. Chi tiết khiến mình khó chịu nhất là sau quả timeleap (nhảy cóc thời gian), Kyouya như người dưng nước lã sống cùng với ShinoAki dù cả hai cưới nhau và đã có con rồi, ít nhất cũng nên thể hiện một tí tình cảm sống chung với nhau đi chứ.
Đánh giá: 7.3/10
10/ Vanitas no Carte
Một bộ “split-cour”, vừa kết thúc thì đã thông báo ss2. Vanitas có lẽ là dự án Bones sẽ dốc sức theo đuổi sau thành công của Bungo Stray Dogs, Vanitas cũng mang không ít phong cách và chịu sự ảnh hưởng từ Bungo, nhất là ở chất art (art director – chỉ đạo thẩm mỹ của Vanitas – cũng đã từng tham gia vào Bungo). Cũng không thể trách họ được vì Bungou đã quá thành công, điều mình tiếc là chất art của tác giả Mochizuki (đồng tác giả với Pandora Hearts) đủ sức tạo sự riêng biệt, nhưng khi Bones đem lên màn ảnh thì lại chả khác gì nhân bản Bungo. Cốt truyện Vanitas đến hiện tại cũng không có gì đặc sắc, đám nhân vật phản diện tỏ ra nguy hiểm cũng chỉ xuất hiện chút chút, có thể Vanitas vẫn đang trong giai đoạn xây dựng cuộc đối đầu lớn giữa hai bên nên ta vẫn cần trông chờ vào diễn biến của phần tiếp theo. Hoạt họa hành động ở Vanitas cũng chỉ ở mức trung bình so với tiêu chuẩn “mong chờ” ở Bones. Điều duy nhất hiện giờ làm mình tò mò theo tiếp Vanitas là đạo diễn Itamura (ex-director của Shaft) sẽ ẩn những chiêu bài gì để cải thiện Vanitas ở mùa thứ 2.
Đánh giá: 7.2/10
11/ Shinigami Bocchan to Kuro Maid
Một bộ ngọt như đường của J.C Staff. Tuy thực hiện bằng full CGI đấy nhưng lại tương đối mượt, xem tạm chứ không cứng đờ (tất nhiên so với tiêu chuẩn của Orange với Houseki thì vẫn còn kém nhiều bậc). Thiết nghĩ nếu Kuro Maid được hoạt họa bằng lối 2d truyền thống thì tác phẩm sẽ có cơ hội lôi kéo khán giả nhiều hơn vì không phải ai cũng dễ tính chấp nhận xem thử một bộ thuần CGI để đưa ra nhận định riêng.
Đánh giá: 7.0/10
12/ Jahy-sama wa Kujikenai!
Một bộ giải khuây ổn từ Silver Link, nhưng mình không đánh giá cao được Jahy-sama vì khoảng hài có phần hơi trùng lặp và gượng, dàn cast cũng nhỏ, đa phần quá phụ thuộc vào màn độc thoại của Jahy. Hit or miss.
Đánh giá: 7.0/10
13/ Kanojo mo kanojo
So với hồi thực hiện bún ss1 thì Tezuka Productions đã có cải thiện khá nhiều về mảng hình ảnh. Nhìn chung KnK cũng thuộc dạng “tắt não” giải trí tốt, nếu bạn không thấy khó chịu với cái thiết lập ban đầu (một anh thật thà đi bắt cá 2 tay).
Đánh giá: 7.0/10
14/ Magia Record: Mahou Shoujo Madoka☆Magica Gaiden
Mùa cuối của Magia Record có phần cốt truyện hơi mông lung, villain tất nhiên là không thể đặc sắc bằng series gốc dưới ngòi bút của Gen Butcher. Thứ cứu cánh duy nhất trong Magia Record là những đoạn xuất hiện của dàn nhân vật cũ (nhóm 5 người Madoka, Homura, Sayaka, Kyouko, Mami) và số ít các pha sakuga hành động hiếm hoi có chất lượng vượt trội. Có một sự thật mà ai cũng nên chấp nhận là Shaft hiện nay đã quá khác so với quá khứ khi phần lớn tài năng đều rời bỏ studio, điều này cũng phần nào ảnh hưởng lên khâu sản xuất và chất lượng tác phẩm, rõ nhất là sự trồi sụt thất thường về mặt hình ảnh và khâu dàn xếp nội dung ngay trong Magia Record, có những tập tình tiết hấp dẫn, nhưng lại có những tập khá chán với nhịp độ tứ tung. Có thể là bộ phận nhân sự tay nghề cao (còn sót lại) đang dồn lực để thực hiện movie cuối cùng của series Madoka gốc, thời gian sẽ trả lời vậy.
Đánh giá: 6.7/10
15/ Tantei wa mou, Shindeiru.
Ngay đầu mùa thì Tantei là bộ khá nổi do được Kadokawa quảng cáo tưng bừng, nhưng đến giờ thì Tantei cũng hết lực để giữ sóng vì giao vào tay đội ngũ thiếu kinh nghiệm để chuyển thể. Đội ngũ thực hiện non tay nghề, dễ thấy nhất là qua phối cảnh, dàn trải nội dung không hợp lý, lời thoại thì gượng gạo – nhất là mấy pha đá nhau giữa Kimi với Siesta nghe cringe kinh khủng (không biết có phải lỗi xếp thoại của kịch bản, hay là do nguyên tác nó vậy rồi). Thôi thì cũng xem như đây là dự án giúp ENGI có chút ít kinh nghiệm đi vậy.
Đánh giá: 6.0/10
16/ Genjitsu Shugi Yuusha no Oukoku Saikenki
Một bộ mình thấy có khả năng cạnh tranh với Slime, nhưng rất tiếc, J.C Staff không phải là studio có thể đảm bảo chất lượng cho một tác phẩm bất kì. Manga chuyển thể tốt từ LN với chất art đủ tạo điểm nhấn riêng, nội dung phân đoạn hợp lý với nhiều nút thắt được tiết lộ bài bản (nhất là vụ làm phản của Georg). Sang anime thì tất cả mọi thứ đều quá chung chung, từ cái art như của 10 năm trước cho đến model lính lác trong những trận chiến lớn khiến người xem đau mắt. Đây không phải là một bộ tệ, nhưng J.C Staff chuyển thể dở quá. Tốt nhất là nên đọc manga nếu bạn tò mò.
Đánh giá: 5.5/10
Viết mỗi thứ chút chút, chợt nhận ra chưa gì đã mấy trang words rồi, nên thôi ngưng vậy. Những bộ còn lại thì mình cũng không có gì nhiều để nói ngoài trừ phê bình, các bộ không có trong list thì đã drop hoặc do chưa xem. Vậy nên nếu bạn thấy bộ nào chưa có trong list và muốn rec thì hãy cmt lại. Anw, sắp tới mình sẽ làm anime list dự tính xem dành cho mùa sau .