AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Sự Tương Quan Giữa Nhân Vật & Cốt Truyện – Hyouka (Kem Đá).

Cốt truyện hay nhân vật? Điều nào quan trọng hơn?

Đây là một cuộc tranh luận đã xuất hiện từ rất lâu, ngay khi con người biết đến khái niệm nghệ thuật. Trong quá khứ, Aristotle đã cho rằng cốt truyện là thứ chính yếu, nhân vật chỉ là phụ. Góc nhìn của Aristotle được xem như chuẩn mực cho đến khi loại hình tiểu thuyết phát triển mạnh mẽ. Và đến thế kỷ thứ 19, nhiều nhà văn cho rằng cốt truyện chỉ là thứ “kết cấu” được thiết lập để phô diễn tính cách nhân vật. Điều mà người đọc muốn, là nhân vật phức tạp và thú vị. Cho đến ngày nay thì cuộc tranh luận này vẫn chưa ngã ngủ. Lí do rất đơn giản, lập luận của người trong cuộc rất phiến diện và một chiều.

Ta không thể hỏi rằng điều nào quan trọng hơn, nhân vật hay cốt truyện. Nhân vật chính là kết cấu, cũng như cốt truyện vậy, trong một tác phẩm bất kì. Cả hai đều là kết cấu, không thể tách rời nhau. Vậy nên không có điều nào quan trọng hơn điều còn lại. Bài viết này mình sẽ giới thiệu đến các bạn hai khái niệm, “character” (nhân vật) và “characterization” (đặc điểm nhân vật). Đây là hai khái niệm nhiều người vẫn còn nhầm lẫn, mà nếu hiểu rõ, bạn sẽ có một cái nhìn rõ ràng hơn về tổng thể cấu trúc của một tác phẩm, và lí do vì sao, ta không nên tách rời cốt truyện với nhân vật. Bài kì này, mình sẽ lấy một tác phẩm tâm đắc của mình làm ví dụ và phân tích, mà có lẽ cũng thân quen với rất nhiều bạn: Hyouka (Kem Đá) do KyoAni thực hiện.

¤ 1/ Nhân Vật (Character) và Sự Biểu Thị Đặc Điểm Nhân Vật (Characterization).

Characterization là tất cả những gì ta có thể quan sát kỹ lưỡng ở một con người, từ độ tuổi, giới tính, cho đến IQ, điệu bộ cử chỉ, tính tình … qua sinh hoạt thường ngày. Tổng hợp các yếu tố kể trên sẽ tạo nên đặc tính riêng biệt cho từng nhân vật khác nhau, không ai giống ai. Lí do đơn giản thôi, mỗi người chúng ta là tập hợp khác nhau của các kiểu hình genes và vốn sống. Oreki ban đầu được phác họa là cậu học sinh chán chường, lề mề với phương châm “kiệm năng lượng”. Cậu không muốn đụng tay vào việc gì nếu như nó tốn quá nhiều sức, bên cạnh đó Oreki rất thông minh, luôn suy nghĩ hướng logic để giải quyết các vấn đề một cách nhanh nhất cho xong, để không phải tốn thêm năng lượng, góp phần phụ họa thêm cho phương châm ta đã biết của anh. Tuy vậy, những điều kể trên, chỉ là những “đặc tính” của Oreki chúng ta quan sát thấy. Chúng không thể hiện hay tượng trưng cho con người thật (True Character) của anh.

• Con người thật (true character) sẽ được hé lộ qua sự lựa chọn mà nhân vật phải thực hiện lúc đang bị áp lực đè nặng trên vai! Áp lực càng cao, thì sự tiết lộ sẽ càng sâu, càng làm ta gần hơn với bản chất tự nhiên của nhân vật.

Ẩn sâu đằng sau vẻ bề ngoài của họ, người này là ai? Trong con tim người này, ta sẽ tìm thấy điều gì? Họ có đáng yêu hay độc ác? Phóng khoáng hay ích kỷ? Chân thật hay dối trá? Can đảm hay hèn nhát? Chúng ta chỉ có thể biết được sự thật này khi chứng kiến sự lựa chọn họ phải làm, dưới áp lực, để theo đuổi mong muốn của bản thân. Khi họ chọn lựa, đấy chính là họ!

Áp lực rất quan trọng. Sự lựa chọn khi không có gì được đặt trên bàn cân, chẳng mang nghĩa lý gì cả. Nếu một nhân vật chọn nói thật trong tình huống nói dối không giúp anh đạt thêm được điều gì, đây là sự lựa chọn vô ích. Trái lại, nếu một nhân vật lựa chọn nói thật dù nói dối có thể giúp họ đạt được mục đích, ta sẽ nhận ra thật thà chính là cốt lõi tự nhiên của họ.

Trong arc bí ẩn phim trường (8-11), bạn còn nhớ? Oreki đã giúp Irisu giải mã được câu trả lời còn dang dở trong kịch bản Hongou viết nên. Nhờ sự giúp đỡ của Oreki, bộ phim được hoàn thành êm ả. Ở buổi công chiếu thử, ai cũng hạnh phúc tươi cười. Oreki trong mắt mọi người là thiên tài, là nhà thám tử đáng tin tưởng. Ấy là cho đến khi Mayaka đến gặp mặt trực tiếp Oreki và hỏi cậu vì sao, Hongou trong kịch bản lại yêu cầu sợi dây thừng? – vốn là một vật cần thiết trong kịch bản của Hongou, mà những câu trả lời giải đáp của Oreki lại không nhắc đến. Liệu những giải đáp của Oreki có thực sự như Hongou suy diễn? Hay do anh thay đổi cho phù hợp với suy nghĩ của mình? Tuy nhiên, bộ phim đã quay xong hết, ta không thể quay lại để sửa đổi cái kết phải không?

Chính xác là như vậy! Dù hiện tại có tìm ra câu trả lời “thật sự” đúng với ý đồ Hongou, ta cũng không thay đổi được kết quả! Thậm chí, theo phương châm kiệm năng lượng của Oreki, tại sao phải tốn thêm sức để đi tìm kết quả cuối cùng, khi nó chẳng để làm gì? Cậu được lợi ích gì? Nhưng mà, Oreki VẪN LÀM, dù nó trái với phương châm của cậu, trái với “đặc tính” vốn đã được thiết lập từ trước – là bất cần đời, không muốn tốn sức, không muốn dính đến bất kì điều gì phiền phức. Tuy Oreki không đạt được ích lợi gì khi tiếp tục theo đuổi câu trả lời cuối cùng, nhưng sự lựa chọn của anh hé lộ nên rằng, Oreki là một con người có sự quyết tâm rất cao, có niềm kiêu hãnh mãnh liệt về tài năng của mình, Oreki sẽ theo đuổi đến cùng bất kì việc gì một khi anh đã chú tâm thực hiện. Anh không phải là kẻ từ bỏ!

Bạn sẽ thấy cả Satoshi, Mayaka và Eru cũng một phần tạo áp lực lên sự lựa chọn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời thật sự của Hongou mà Oreki quyết tâm theo đuổi. Với Satoshi và Mayaka, thì đấy là niềm kiêu hãnh Oreki đang đặt cược, còn với Eru, quyết định của anh mang tính “cá nhân” hơn. Hoàn cảnh Hongou trong arc phim trường có phần nào giống với hình ảnh người chú của Eru ở arc vừa rồi, và chi tiết này cũng chứng tỏ rằng, Oreki đã bắt đầu “quan tâm” đến Eru hơn. Việc anh quyết tâm theo đuổi câu trả lời, không chỉ riêng cho bản thân mình, mà còn cho cả Eru nữa!

Nếu bạn đã nắm được True Character (bản chất con người thật) của Oreki, thì bạn sẽ nhận ra, cái kết của Hyouka không thật sự “mở”. Một khi Oreki đã quyết tâm điều gì, thì chắc chắn anh sẽ làm đến cùng, kể cả khi điều đó là … ở bên cạnh Eru và giúp cô quản lý kinh doanh.

¤ 2/ Tiết Lộ Nhân Vật (Character Revelation).

Sự tiết lộ True Character tương phản hoặc trái ngược với Characterization (đặc điểm nhân vật), là chìa khóa cơ bản tạo nên sự cuốn hút trong nghệ thuật kể chuyện. Cuộc sống đã dạy chúng ta một nguyên tắc lớn lao rằng: “trông thế mà không phải vậy!”. Con người không giống như vẻ bề ngoài của họ. Cốt lõi tự nhiên của con người được ẩn giấu đằng sau những đặc tính bề ngoài. Bất kể họ có nói gì, hay chải chuốt ra sao, hoàn cảnh thế nào, con đường duy nhất mà ta có thể hiểu rõ về True Character của họ là qua những lựa chọn họ thực hiện khi bị áp lực đè nặng lên vai. Nếu như sự tiết lộ về True Character không quá khác biệt với Characterization, họ không có những hành động “khác thường” so với đặc tính đã được định sẵn, không có bí mật, không niềm đam mê giấu kín, thì nhân vật sẽ rất nhàm chán, dễ đoán và một màu.

• Lối viết truyện hay, không chỉ tiết lộ về True Character, mà còn làm ảnh hưởng và thay đổi cốt lõi tự nhiên của nhân vật, không tốt thì xấu, xuyên suốt quá trình kể chuyện.

Trước nhất, câu chuyện sẽ “trưng bày” hết đặc tính bề ngoài của nhân vật đến khán giả theo dõi. Vào đầu tác phẩm, Oreki được phác họa đến người xem là cậu học sinh cao-trung có cuộc sống xám xịt, buồn chán và tẻ nhạt, luôn giữ phương châm “kiệm năng lượng” bên người.

Thứ hai, ta sẽ nhanh chóng được dẫn dắt đến “trái tim” nhân vật. True Character (bản chất thật) của Oreki được hé lộ qua hành động cậu thực hiện. Oreki “chấp nhận” lời đề nghị của Eru vì một phần trong thâm tâm, cậu muốn thoát khỏi cuộc sống nhàm chán này. Mặc cho phương châm kiệm năng lượng được giới thiệu qua đặc tính, cậu luôn dứt khoát, quyết đoán, bằng mọi giá theo đuổi đến cùng điều gì cậu đã quyết tâm thực hiện.

Thứ ba, True Character của Oreki tương phản và mâu thuẫn với Characterization (đặc tính nhân vật) ban đầu. Oreki dần mở lòng hơn và lo lắng cho Eru. Cậu không phải là kẻ vô tâm, không phải là kẻ không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, trái lại, Oreki lại rất chu đáo và tinh tế đấy chứ! Cậu thậm chí còn biết tức giận vì Hongou khi đối mặt trực tiếp trước Irisu.

Thứ tư, khi chúng ta đã quen với bản chất bên trong của Oreki. Cốt truyện sẽ đặt lên vai cậu những sự lựa chọn khó khăn hơn, nguồn áp lực cũng lớn và hệ trong hơn. Oreki sẽ làm gì khi nghe những lời Eru chia sẻ từ tận đáy lòng? Cậu còn trẻ, thậm chí chưa tốt nghiệp trường cao-trung, chưa từng trải trong cuộc đời. Liệu cậu có thể đảm đương trọng trách gánh vác phần nửa cuộc đời còn lại của Eru?

Thứ năm, khi câu chuyện đã đến đỉnh điểm (climax), những sự lựa chọn đã thay đổi cốt lõi của nhân vật. Oreki giờ đây là một người trưởng thành hơn, đã không nhìn đời bằng cặp mắt “xám xịt” nữa, cậu đã tìm ra mục đích và quyết tâm riêng. Cậu muốn quan tâm, muốn hiểu rõ hơn để giúp đỡ Eru, cậu muốn được bên cạnh cô, là một phần cuộc đời của Eru. Ta thấy hình ảnh một Oreki “năng động”, như chiếc xe đạp anh dẫn dắt ở tập cuối, có thể tự do đi đến bất kì đâu, như tuổi trẻ hoài bão.

Và nếu bạn tò mò, muốn hiểu rõ hơn về kết thúc của Hyouka, mình đã viết bài phân tích và giải thích khá đầy đủ ở đây [https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/189438229863571]. Hãy đọc qua!

¤ 3/ Vai Trò của Cốt Truyện và Nhân Vật.

Cốt truyện tạo dựng những tình tiết gây áp lực lớn lên nhân vật, buộc họ phải lựa chọn hành động. Mức độ hệ trọng càng cao, bản chất tự nhiên của nhân vật (True Character) cũng dần được hé lộ rõ hơn, ngay đến cả tiềm thức. Bên cạnh đó, vai trò của nhân vật là trong câu chuyện là tạo ra những giá trị cần thiết từ Characterization để thuyết phục với khán giả rằng, những hành động mà nhân vật thực hiện là thuyết phục và đáng tin.

Lấy ví dụ, Eru được phác họa (characterization) là cô gái năng động, tò mò và thân thiện, muốn làm bạn với tất cả mọi người, muốn biết về mọi thứ và luôn không ngừng lôi kéo Oreki vào các câu chuyện diễn ra. Nhưng khi tác phẩm hé lộ rằng cô là con gái của một dòng dõi nghề nông uy quyền, với gánh nặng dòng tộc trên vai, khiến Eru trở nên “ưu sầu” và trầm tính hơn hẳn trong tập cuối tác phẩm. Tuy đây là sự hé lộ nhân vật tương phản và mâu thuẫn với hình ảnh Eru ta đã biết, nhưng đấy lại chính là bản chất thật của cô! Một cô gái có trách nhiệm, tư duy và suy nghĩ sâu sắc về tương lai gia tộc, về trọng trách của mình với gia đình.

Sự hé lộ này không hề phi logic, mà lại rất thuyết phục và tạo nên chiều sâu cho Eru. Eru muốn được tự do, muốn làm một cô gái bình thường, qua vẻ bề ngoài năng động và hoạt bát chỉ khi cô ở trường, xa lánh mọi ưu phiền về gia đình. Cái hay của Hyouka, là những sự hé lộ thế này được tác giả triển khai rất tinh tế, từng chút, từng chút một, như khi Eru bất ngờ than phiền “mệt mỏi quá” ở tập 15, ám chỉ rằng cô đã phải chịu đựng với thứ trách nhiệm nặng nề này từ rất lâu, ngay khi còn nhỏ. Nếu người xem tinh ý thì có lẽ họ cũng không quá ngỡ ngàng trước hình ảnh một Eru rất khác trong cái kết tác phẩm.

Cốt truyện và nhân vật quấn bện vào nhau, cấu trúc sự kiện của một câu chuyện được tạo thành nhờ vào sự lựa chọn mà các nhân vật quyết định dưới áp lực. Bản chất thật của nhân vật được hé lộ, phát triển và thay đổi qua hành động họ thực hiện. Nếu bạn thay đổi một điều, điều còn lại cũng sẽ thay đổi. Nếu bạn thay đổi thiết kế cốt truyện, thì nhân vật cũng sẽ bị thay đổi. Cốt truyện không đổi, nhân vật không đổi. Nếu bạn muốn thay đổi nhân vật, thì bạn sẽ phải nghĩ lại tình tiết cho câu chuyện. Chính vì vậy, cốt truyện và nhân vật đều quan trọng, đều bổ sung cho nhau, tạo thành cấu trúc. Chiều sâu của nhân vật không thể tự diễn đạt nếu không nhờ vào tình tiết được thiết kế trong cốt truyện tác phẩm.

Chìa khóa là sự phù hợp! Mức độ phức tạp của nhân vật nên mang tính tương đối theo thể loại của tác phẩm. Lấy vd như trong một tác phẩm thuần slice of life hoặc comedy, nhân vật không nhất thiết phải được xây dựng hoặc phát triển phức tạp, vì sự phức tạp sẽ dễ khiến người xem sao nhãng hoặc không phù hợp với mục đích của thể loại (lấy vd như Nichijou, Yuru Camp, Mushishi … ). Và ngược lại, trong những tác phẩm trọng bản tính và đấu tranh nội tâm của nhân vật, thì nhân vật cần phải phức tạp để thể hiện được bản chất tự nhiên của con người (vd như Monster, Death Note …).

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button