Sự Tinh Chạm Trong Công Đoạn “Xử Lý Ảnh” Của WIT Studio
Nếu từng biết đến WIT Studio thì cái tên Haruhiko Mikimoto hẳn cũng không phải quá xa lạ với nhiều người. Haruhiko là nhà thiết kế nhân vật với chất art cổ điển, đã một thời làm mưa làm gió qua Macross (1982), Top wo Nerae! Gunbuster hay gần đây nhất là Mobile Suit Gundam: Hathaway.
Ông tham gia cùng với WIT để thực hiện tác phẩm “Koutetsujou no Kabaneri” (2016), và trong bộ này, nếu đã có xem qua thì chắc bạn cũng để ý có một số ít đoạn cảnh trong mỗi tập khi nhân vật được ống kính tập trung, nét hoạt họa trở nên mềm mại, được chải chuốt hơn, ánh sáng và bóng râm trên nền nét cũng trở nên dịu dàng, tạo nên một cảm giác lung linh, huyền ảo. Không nói đi đâu xa, trong tác phẩm “bom tấn” mới gần đây nhất của WIT là Vivy: Fluorite Eye’s Song, bạn cũng sẽ thấy một số ít cảnh tương tự làm toát lên được tinh chất “lấp lánh” của nhân vật.
Và đây là kỹ thuật mới của WIT studio đã phát triển từ năm 2016, với mục đích làm toát nên được chất “tranh vẽ minh họa” của Haruhiko khi đem nét art của ông lên màn ảnh. Đây là công đoạn khác với xử lý hiệu ứng, đội ngũ “xử lý ảnh” đảm nhận lấy phần việc chỉ sau bước “gia công”, họ scan từng frame lên vi tính, đảm nhận luôn việc tô màu, lẫn sử dụng digital brush (chải số) để làm mềm mại nét art (linework), và tuân thủ nguyên tắc đổ bóng riêng biệt để đạt được thành quả chúng ta được chiêm ngưỡng. Dẫn đầu đội ngũ là Sachiko Matsumoto, trên thực tế ông đã có thời gian làm việc với Production I.G từ lúc thực hiện Guilty Crown và hiện nay ông là con át chủ bài của WIT về khâu xử lý ảnh.
Đây là công việc rất tốn kém, cả về nhân lực lẫn thời gian nên số cảnh tối đa nhóm “xử lý ảnh” đảm nhận trong mỗi tập là rất hạn chế, và chỉ được dùng trong những cảnh “ăn tiền” và thực sự quan trọng. Một thứ vũ khí, một kỹ thuật rất riêng của WIT studio khiến khán giả kinh ngạc và trầm trồ.
¤ Chú thích ảnh:
(1) – Key frame.
(2) – Tô màu và đổ bóng.
(3) – Tinh chạm và hoàn thiện.