AnimePhân Tích Nhiều Kì

Sousou no Frieren – Tối Thượng của Phép Thuật (& Animation).

Đúng như những gì đạo diễn Saitou đã chia sẻ trước đó, tập ngày hôm qua chính là thành quả của những gì mà ông đã “tích luỹ được” cho đến nay. Saitou cùng Iwazawa (chỉ đạo hành động đảm nhận sb của trận đấu giữa Frieren, Fern với nhân bản) và đội ngũ tại Madhouse đã đem đến một tập tuyệt cú mèo.

Dù mình đã đặt kì vọng rất cao, đặt biệt hơn khi biết trước được dàn nhân sự “máu mặt” tham gia hoạt hoạ, và chất lượng thượng thừa của production dưới trướng Fukushi – một trong những dây chuyền sản xuất uy tín nhất trong ngành CN từ studio Madhouse. Nhưng lâu lắm rồi mình mới có cảm giác, khi mà một tập anime phá bỏ hết những gì mình “nghĩ” tác phẩm có thể chạm đến, chứng minh mình sai hoàn toàn, và mang nó lên một tầm cao “không thể ngờ tới”. Có lẽ lần gần nhất mình có được cảm giác như vậy là khi thưởng thức xong 2 tập cuối đỉnh cao của tác phẩm 86 (A-1 Pictures, Ishii chỉ đạo).

Thậm chí, mình đã đọc cả manga, biết trước nội dung sẽ diễn ra của Frieren. Nhưng chưa bao giờ “nội dung” là điều gì đó khiến mình bận tâm. Vì lí do đơn giản, cả hai đều là các hình thức nghệ thuật mang cách thể hiện và triển khai khác nhau, do vậy tuy cùng một câu chuyện nhưng sẽ mang lại trải nghiệm không giống nhau. Và với những chi tiết được nhào nặn thêm bằng tâm huyết của những người yêu thích nguyên tác, thì tác phẩm sẽ trở nên mới mẻ và sản khoái hơn.

Những gì trên màn ảnh trong suốt 24 phút đó là trải nghiệm khó có thể quên. Mình chỉ muốn quên đi tất cả mọi thứ xung quanh để chìm đắm vào khoảnh khắc kỳ diệu mà hoạt hoạ có thể mang lại.

Rồi, đến tiết mục chính của tập, post này mình sẽ phân tích đoạn hành động cảnh sáng giá nhất trong năm: Frieren, Fern và nhân bản.

Những cut nhỏ như vầy tuy thoáng qua có giây mấy thôi, nhưng cũng góp phần phác hoạ được uy lực và sức mạnh của những phép thuật được Frieren sử dụng. Ở cut bên dưới, nhân bản phải dùng chân trụ và nghiêng người để hoá phép, thể hiện “sức nặng” tỉ lệ thuận với sự huỷ diệt của phép thuật. Một chi tiết nhỏ mà mình thích của tác phẩm.

Trong những giây đầu tiên, đập vào mắt người xem là phép “trông như lỗ đen vũ trụ”. Một chiêu thức chưa từng thấy ở manga, hay ít nhất đấy giống như là phép chỉ xuất hiện ở một arc … xa xôi nào đó trong nguyên tác. Có nhiều lí do giải thích về sự lựa chọn này từ Iwazawa – mà tất cả đều phải qua sự đồng thuận của tác giả. Tuy vẫn chưa ngang hàng Serie nhưng Frieren là một “đại pháp sư” còn sống cuối cùng, là pháp sư “huyền thoại” trong tổ đội anh hùng đã từng đánh bại quỷ vương, và trận chiến với nhân bản là cơ hội quá tốt để thể hiện nên sức mạnh tuyệt đối của Frieren – khi lần đầu tiên cô chạm trán với một đối thủ ngang sức ngang tài. Nội dung của tập là “tối thượng của phép thuật”, không có gì khó hiểu khi Iwazawa lại vặn tẹt ga những ý tưởng có thể triển khai dù có hơi … phản khoa học một tí.

Ở đây ta có thể hình dung, Frieren đã dành một nghìn năm tập luyện, vốn phép thuật – những gì cô biết – đã vượt xa giới hạn hiểu biết của con người ở thời đại bấy giờ. Việc tung ra phép “trông như lỗ đen” cũng không phải vô lý – xét đến thiết lập của thế giới tác phẩm. Tuy nhiên, phép được tạo ra vẫn còn bị giới hạn bởi “trí tưởng tượng” của thời kì trung cổ, nên sẽ không mang uy lực, tính thực tế hay khoa học bằng những gì chúng ta đã biết về lỗ đen vũ trụ ngày nay. Hay nói một cách khác, ta có thể hiểu rằng đây là phép “tạo ra khoảng không mang sức hút tác động đến mọi thứ xung quanh”, hình ảnh lỗ đen được sử dụng vì đơn giản là trông nó … ngầu quá thôi.

Mặt khác, điều mình ưng ý nhất là cách đội ngũ miêu tả “uy lực” của các phép thuật qua hoạt hoạ hình ảnh. Phép thuật Frieren sử dụng không chỉ đẹp mắt, mà còn mang uy lực “khủng khiếp”. Điều gì thể hiện nên sự khủng khiếp này? Là môi trường xung quanh bị tác động và tàn phá! Bạn sẽ thấy những “chi tiết” như hiệu ứng, thậm chí là từng mảnh đá vỡ đều được hoạt hoạ chăm chút. Trong số ít cut camera xoay chuyển mãnh liệt theo quỹ đạo đường đi của phép, cũng như các cut góc rộng bao quát tầm nhìn của toàn đoạn cảnh, góp phần tăng thêm sự kịch tính và quy mô cho trận chiến đỉnh cao.

Anime đã biến điểm yếu nhất của manga thành nét đặc trưng rất riêng, chưa bao giờ chúng ta được chiêm ngưỡng một trận đấu phép mãn nhãn, giằng co qua lại giữa hai pháp sư ngang tài trong một bộ fantasy, như những gì Madhouse đã thể hiện với tác phẩm. Điểm tuyệt vời nữa, góp phần tô đậm tinh chất đặc trưng này, là qua cách họ chêm thêm các cut rất “hình tượng”, thể hiện những mặt siêu ngầu của nhân vật, cũng như là những nét biểu cảm “đậm đà” chỉ anime mới có. Vd như là cut catwalk của Fern trong trận Lugner, phác hoạ một lối đánh uyển chuyển, thanh tao. Đối với Frieren, đấy là phong cách “chỉ có tiến chứ ko lùi, là pháp sư nhưng thích chơi cận chiến” với những bước đi đầy tự tin trong tập vừa rồi. Hay ở tập mới nhất là ánh nhìn nghiêng đầu “nhà ngươi là nhân bản của ta mà chỉ có vậy thôi sao? Thất vọng quá!” rồi sử dụng chính những mãnh đá vỡ từ phép của nhân bản để tạo nên golem, phản công ở vị trí cao hơn (ai cũng biết người đứng cao hơn sẽ mang lợi thế nhiều hơn 🐧 ). Tất nhiên, cái nhìn sắc xảo của nhân bản lúc thi triển “tuyệt kĩ cuối cùng” cũng được chuyển thể một cách tuyệt vời. Sau quỷ vương thì Fern là người thứ hai nếm được tuyệt kĩ này, một tuyệt kĩ “không còn gọi là phép thuật được nữa”, là gì cũng chả ai biết, không bị ràng buộc bởi bất kì quy tắc nào của thế giới – như chiêu thức của Thất Hiền của Sự Huỷ Diệt vậy, thậm chí có thể còn ở tầm cao hơn (trong manga đến giờ cũng chưa thấy tác giả nhắc lại).

Và hẳn đến đây bạn cũng nhận ra, trận chiến giữa Frieren và nguyên bản lấy đề tài và nguồn cảm hứng từ vũ trụ. Những chiêu thức như lỗ đen, hay như nửa sau trận đấu có những phép trông như các tiểu hành tinh va nhau, tạo ra những mảnh vụn làm vỡ cả không gian, và chiêu thức tấn công “giống Zoltraak nhưng đen tuyền” của nhân bản (phần nào đó liên hệ với vật chất tối – dark matter) góp phần thể hiện nên cảnh giới tối thượng mà Frieren đã đạt được so với các pháp sư khác, khi sức mạnh và kiến thức là thành quả trong 1000 năm tích luỹ, điều không con người nào tưởng tượng được. Hoàn toàn thích hợp với tiêu đề của tập này.

Có thể nhiều bạn, đặc biệt là fan của manga quan ngại về việc buff sức mạnh quá tay cho Frieren, nhưng nên nhớ, đây là dịp cực kì hiếm hoi mà một tác phẩm chuyển thể có thể quy tụ được đội ngũ tài giỏi nhất trong ngành CN anime, là cơ hội 5 năm mới có một. Không nắm lấy bây giờ thì bao giờ? Chẳng có gì cam đoan tác phẩm sẽ có S2, cũng như được cùng đội ngũ đảm nhận làm tiếp cả! Nhưng có một điều ai cũng chắc chắn công nhận, là tác phẩm đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người hâm mộ qua những đoạn sakuga đấu phép đỉnh cao, điều mà hiếm có một bộ fantasy nào thực hiện tốt được.

Cut này khá thú vị khi sử dụng góc nhìn thứ nhất từ Frieren trong đoạn cảnh bàn luận chiến thuật với Fern. Đặc biệt là khi Frieren chạm vai Fern và vỗ vỗ để trấn an Fern rằng mọi thứ sẽ ổn thôi. Cut này thể hiện sự thân mật nhất định, cũng như nhấn mạnh lòng tin tuyệt đối lên Fern trong mối quan hệ hai người, ko chỉ là thầy trò mà còn như người thân thương trong gia đình vậy. Yêu quá đoạn này 🥰.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button