AnimePhân Tích & Cảm NhậnPhân Tích Nhiều Kì

Sousou no Frieren – Thời Gian & sự Vô Thường.

Đã lâu rồi mới có một tác phẩm khuấy đảo bao xúc cảm trong lòng mình. Sousou no Frieren (SnF) phần nào mang vibe rất giống với một bộ mình thích (hint: hãy nhìn ảnh đại diện và banner của page để đoán 🤣), mà ở đó nhân vật chính như tờ giấy trắng, phải trải qua cuộc hành trình khám phá bản thân để trưởng thành hơn.

Nhân dịp anime đang trình chiếu, thu hút không ít một lượng khán giả mới, thì mình cũng muốn chia sẻ thêm chút ít góc nhìn riêng của mình về tác phẩm, về những nét mình thích và hy vọng nếu bạn đọc qua sẽ tận hưởng trọn vẹn hơn tác phẩm này.

Có lẽ những yếu tố fantasy như phép màu và thế giới huyền ảo là điểm cuốn hút chính của tác phẩm – giả như bạn chưa biết đến nguyên tác, và điều này phần nào thiết lập nên một sự kỳ vọng “sai lệch” ở nhiều bạn theo dõi, phần đông là dạng người xem … phong trào, thấy truyền miệng nên chạy theo xem. Họ mong chờ SnF sẽ là tác phẩm đậm chất hành động, với những pha tỉ thí kịch tính mang nhịp độ nhanh và vv … Tất nhiên, sau 4 tập đầu đã được công chiếu thì ai cũng thấy, rất rõ là đằng khác, đây là sự kỳ vọng đặt không đúng chỗ, vì SnF không hề như vậy!

Trên thực tế, SnF cũng có những arc lớn kéo dài hàng chục chương, với những pha đấu phép đỉnh cao (thú thật là nguyên tác manga vẽ có hơi chán, Tsukasa-sensei không hợp để vẽ các cảnh hành động gây ấn tượng với mình), tuy nhiên đấy không phải là điểm làm mình say mê tác phẩm.

Đối với mình, SnF như một tách trà, một ly cà phê đậm vị! Chẳng ai thưởng thức tách trà, ly cà phê mà làm ngay một ngụm lớn cả. Ta phải nhấm nháp, thì mới cảm nhận được hương thơm, mới thưởng thức được vị đắng dễ chịu đọng nhẹ trên đầu lưỡi. Và Sousou no Frieren là như thế đó!

Tuy SnF là một tác phẩm fantasy, có bối cảnh trung cổ Châu Âu, nhưng lại đậm nét văn hoá Nhật Bản, thể hiện qua chủ đề bao trùm toàn bộ tác phẩm: “mono no aware” trong văn hoá người Nhật. Mình nghĩ tác phẩm đã thể hiện rất xuất sắc khái niệm này là đằng khác đến với khán giả theo dõi qua cách dẫn dắt lôi cuốn, đầy sự thông minh.

Nét độc đáo ở đây là việc tác phẩm phác hoạ nên dòng chảy thời gian, nhưng dưới góc nhìn của một người bất t.ử!

Ta chứng kiến câu chuyện bắt đầu chỉ khi ở cuối điểm hành trình của hội anh hùng. 10 năm trôi qua, dưới góc nhìn của một con người là thời gian rất lâu, mà những trải nghiệm đủ để làm thay đổi hoàn toàn con người họ, đấy là hơn một nửa quãng đời của Fern.

Nhưng với Frieren, thì đấy “chỉ là 10 năm thôi mà!”, chỉ là một phần của một phần trăm quãng thời gian Frieren đã từng sống. Đối với cô, thì 10 năm cũng chỉ như một tuần của người “bình thường”, hay thậm chí là một ngày, một giờ, hay một cái chớp mắt. Làm sao có thể cân đo đong đếm thứ gì vô nghĩa với Frieren?

Và điều này thể hiện mạnh mẽ qua mặt nội dung hình ảnh, khi Himmel từ chàng trai khoẻ mạnh lịch lãm ở độ tuổi hai mươi trong tích tắc trở thành ông già chống gậy với thân hình bé nhỏ. Từ lúc Frieren nói lời chào tạm biệt với 3 người họ, cho đến lúc gặp lại nhau, 50 năm đã trôi qua, nhưng đối với Frieren thì quãng thời gian ấy chỉ như một khoảnh khắc diễn ra chóng vánh, “một ngày như mọi ngày” mà thôi! Thậm chí, trải nghiệm của cô được đội ngũ thực hiện phác hoạ qua thước phim ngắn, ta thấy rõ sự vận động liên tục của thời gian, như một con sông với dòng nước chảy không bao giờ dừng, như quy luật tự nhiên. Ngày qua ngày, mặt trời mọc rồi lặn. Mùa qua mùa, Đông qua thì Xuân lại đến, với những tán cây dần ngả màu báo hiệu hình ảnh Hạ, Thu về … Những gì ta đang cảm thấy và chứng kiến, cũng y như những gì Frieren trải qua: sự chóng vánh của thời gian!

Hình ảnh Frieren bỗng dưng bật khóc trong ta.ng lễ Himmel đã làm mình bất ngờ dâng trào cảm xúc. Có những điều khi đã đánh mất đi, ta mới thấy được sự quan trọng của chúng.

“Dù tôi biết đời người ngắn ngủi. Nhưng tại sao suy nghĩ muốn tìm hiểu về anh ấy chưa bao giờ xảy ra với tôi?”. Những giọt nước mắt nuối tiếc lăn dài trên gương mặt Frieren. Tất cả đã quá trễ.

Trong cái lạnh giá buốt, những tia nắng từ bầu trời trở nên ấm áp hơn bao giờ hết. Con tim lạnh lẽo của Frieren được Himmel sưởi ấm (trong tiếng Đức, Frieren nghĩa là cái lạnh, còn Hemmel là bầu trời). Frieren đã nhận ra giá trị của những điều mang tính “nhất thời”, cô đã nhận ra giá trị của sự vô thường. Mà với cô, thì đấy là những ký ức hạnh phúc từ chuyến hành trình cùng đồng đội trong một thập kỷ, là mối quan hệ với Himmel, dù chỉ là khoảnh khắc thoáng qua trong cuộc đời.

Đoạn cảnh này anime đã thể hiện quá xuất sắc.

Trong manga, Frieren đã rơi lệ và hồi tưởng về ký ức khi vẫn còn trong nhà thờ.

Lên màn ảnh anime, đạo diễn Saitou đã mở rộng tình tiết này, thêm vào cảnh ch.ôn c.ất. Hội anh hùng bốn người vẫn bên nhau cho đến những giây phút cuối cùng đưa tiễn Himmel sang thế giới bên kia. Cái chất “bậc thầy” của đạo diễn Saitou ở đây, bạn hãy để ý, là không có một bản nhạc nền nào xuất hiện trong cả đoạn cảnh diễn ra! Dù phần âm nhạc là điểm nhấn của SnF do chính tay Evan Call soạn nhạc. Nhưng tất cả, chỉ là tiếng của hồi chuông và tiếng xới đất. Đây là bước đi táo bạo có chủ đích, Saitou muốn phác hoạ nên thứ cảm xúc thuần khiết mà Frieren đang trải qua ở chính giây phút này đây. Một thứ cảm xúc thình lình xảy đến, mãnh liệt và bùng nổ qua những giọt lệ tuôn trào không kìm nén được!

Không có tiếng kèn trống làm màu, không có những bản nhạc nền buồn bã da diết tác động lên khán giả, mà tất cả là thứ cảm xúc chân thật nhất, thuần khiết nhất qua phần diễn hoạt hết mực tinh tế của Frieren. (ở đây, cái hay nữa là đạo diễn đan xen những mảnh ký ức với những cảnh đất được đổ lên qu.an ta.ì, với những lần cuốc đất như vậy, cảm xúc của Frieren như được những mảnh ký ức lấp thêm một nấc đầy, và khi không chứa đựng được nữa rồi thì vỡ oà ra).

Khi Frieren thu nhận Fern làm đồ đệ, cô đã phần nào làm “ngưng đọng” thời gian của chính mình. Thời gian bây giờ đã không còn vô nghĩa với Frieren nữa, mà là điều mong manh, dễ vỡ, là thứ Frieren chia sẻ cùng Fern.

Có một cảnh mình rất tâm đắc ở tập 4.

“Chỉ là cảnh trời mọc thôi mà.
Dù vậy, Frieren-sama, nó dường như đã làm ngài vui vẻ trong lòng.
Đó là vì Fern đã mỉm cười đấy … Ta chẳng thể tự mình xem được bình minh.
Tất nhiên rồi, vì Frieren-sama sẽ không thể tự thức dậy được.”

Tuy chỉ là một đoạn thoại nhỏ, nhưng lại chứa đựng nhiều hàm ý ẩn sâu. Với một giống loài không có khái niệm về thời gian, Frieren đã thật sự thấu cảm được “khoảnh khắc” như một người bình thường khi lần đầu (trong hàng thế kỷ!) chứng kiến những tia nắng hừng đông chiếu rọi, mang lại hơi ấm phá tan đi cái lạnh của mùa Đông giá rét. Cô đã nhoẻn miệng cười cùng người học trò Fern. Niềm vui hân hoan nhen nhóm, tuy thoáng qua nhưng sẽ được khắc sâu trong ký ức. Một bước tiến lớn trong sự phát triển nhân vật.

Và đây cũng là lúc tinh thần “mono no aware” hiện hữu rõ hơn bao giờ hết ở phần hồn tác phẩm: Những khoảnh khắc hạnh phúc sẽ chóng tàn, chóng qua, nhưng cũng chính vì vậy ta mới càng phải trân trọng chúng.

50 năm được gói gọn chỉ trong thước phim ngắn chưa tới một phút.

Đoạn cảnh này không gây chỉ ấn tượng bởi đội ngũ thực hiện đã xuất sắc phác hoạ rõ nét dòng chảy thời gian qua sự thay đổi của mùa màng, qua màu sắc cảnh vật, ở sự luân chuyển của ngày đêm, vv … mà còn phần nào cho thấy những gì trải qua dưới góc nhìn của Frieren – thời gian mang tính chất chóng vánh như thế nào.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button