AnimePhân Tích Nhiều Kì

Sousou no Frieren – Phân Tích & Bình Luận Tuần 5.

Càng xem thì mình càng ấn tượng về sự đầu tư đến tỉ mỉ từ đội ngũ thực hiện.

Frieren có thể nói là một trong những tác phẩm hiếm hoi mà mình phải xem đi, xem lại nhiều lần để chiêm ngưỡng từng frame hình, ta có thể thấy rõ công sức của người thực hiện thổi hồn vào tác phẩm, để giúp dựng nên một thế giới trung cổ huyền bí lộng lẫy và chân thật.

Sự cầu kì và đầu tư của Sousou no Frieren không chỉ nằm ở những tình tiết được thêm vào diễn biến sự kiện ở mỗi chương, mà còn qua cách họ phác hoạ các chi tiết về bối cảnh, kiến trúc, con người và bản sắc văn hoá từng vùng. Đặc biệt hơn là sự thống nhất về chất art, đảm bảo tính xuyên suốt ở tác phẩm (các thiết kế về môi trường, kiến trúc không lạc quẻ nhau), mà công lớn nhờ sự đóng góp từ Seiko Yoshioka (người đảm nhận concept art của tác phẩm), cũng như sự giúp đỡ của Sawako Takagi đến từ studio Wyeth. Thậm chí, NSX Taguchi còn cho biết Yoshioka có thể giải bày và lên ý tưởng hình ảnh về những giống cây, giống hoa xuất hiện ở từng ngõ ngách trong thế giới của Frieren, hay đời sống sinh hoạt (và công cụ sử dụng) thường ngày của người dân, ngay cả đến từng bữa ăn cũng được chăm chút tỉ mỉ và kì công qua hình ảnh những món ăn xuất hiện trên đĩa!

Cho dù những cảnh nền nhiều lúc chỉ xuất hiện vỏn vẹn trong vài giây, hay thoáng qua ở những cut nhỏ, nhưng chúng cũng đóng góp không nhỏ trong việc phác hoạ nên một thế giới tuy giả tưởng mà lại chân thật, làm người xem dễ đắm mình hơn vào một thế giới nhiệm màu.

Sang đến tập tuần này, bản chuyển thể đang diễn ra với tốc độ 2 chương / 1 tập. Những chương khó nhất đã được chuyển thể khá hoàn hảo qua 4 tập đầu, tạo tiền đề cũng như sắp đặt cho bầu không khí xuyên suốt về sau. Sang tập 5 thì có phần chill hơn, mà cũng không khỏi làm mình phì cười bởi nhiều chi tiết sắc xảo được thêm vào.

Ở chương “bóng ma” khi Himmel xuất hiện, uy lực công phá từ đòn phép của Frieren hoàn toàn ấn tượng và trội hơn hẳn panel trong manga, phần nào đó thể hiện rõ nét sự “bực tức” của Frieren qua hình ảnh cả cánh rừng bị công phá tan tành (chắc cũng phải ngang pha huỷ diệt Qual ở tập 3). Ở manga thì cảnh này có phần ít cảm xúc hơn. Và đây cũng là lí do – một lần nữa – với mình bản chuyển thể quá xuất sắc và vượt trội nguyên tác, đoạn cảnh trong anime diễn ra buồn bã với bản nhạc nền da diết, giai điệu như c.ứa vào lòng người gợi lại quá khứ u sầu, và rồi khi Frieren thi triển đòn phép thì bản nhạc dừng hẳn, tất cả ta nghe được là âm thanh vụ nổ lấn át đi mọi thứ, chỉ lúc khí trời “bình thường” thì âm nhạc mới quay trở lại lộ diện hình hài con ác ma, tô đậm nên cái chất “giả tạo”.

Sang đến chương gặp Stark, điều mình không thích ở nguyên tác là nhiều lúc biểu cảm nhân vật cứ “đơ đơ”, lên anime thì đội ngũ phần nào nắm được điểm này nên rất nhiệt tình diễn hoạt biểu cảm nhân vật, và đây là điểm cộng riêng khá lớn với mình. Từ đoạn Fern mặt ngỡ ngàng vì bị “bà thầy” bỏ lại, đến lúc co giò chạy khỏi rừng, ôm đất thở hổn hển, mức độ hài hước phải nói là vượt xa manga (nhìn Fern lúc này mà tội). Rồi cả đoạn hồi tưởng về quá khứ, trong manga chỉ đúng một panel triệu hồi golem, mà anime thì diễn hoạt cả đội anh hùng cổ vũ reo hò nhiệt tình (nhất là Himmel nhãy cẫn lên nhìn hề hết sức 🤣), mấy giây sau con golem nằm xuống đá chân flex nhẹ phát breakdance luôn, bảo sao từ đó Frieren siêng đi lùng mấy phép thuật dị dị.

Tuy chỉ là những đoạn rất nhỏ được thêm vào nhưng lại mang đậm phong cách và nét cá tính từ những người thực hiện, cho thấy rằng họ rất quan tâm, từng li từng tí, cẩn thận, tỉ mỉ và tâm huyết nhào nặn nên bản chuyển thể chất lượng nhất trong khả năng.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button