Sousou no Frieren – Cinematography Analysis (Nghệ Thuật Điện Ảnh)
Kỳ lạ thay, Frieren tuy là một tác phẩm mình đã đọc qua nguyên tác manga rồi nhưng anime vẫn mang lại hương vị mới mẻ, cuốn hút đến lạ thường. Thậm chí với mình thì anime còn là phiên bản “thăng hoa” hơn của tác phẩm, vốn là điều không tưởng với một nguyên tác đã rất chất lượng rồi.
Một phần cũng vì anime là loại hình nghệ thuật rất khác so với hình thức truyện tranh manga, để là một tác phẩm xuất sắc thì cần phải phối hợp ăn ý nhiều những yếu tố khác nhau – như hình ảnh, góc độ, sự chuyển động trong hoạt hoạ, sắc màu, phối cảnh, nhịp độ câu chuyện, cho đến những bản nhạc nền phù hợp với hoàn cảnh cảm xúc.
Lấy vd trong manga, đoạn Frieren lần đầu tiên tìm thấy loài hoa Anh Thảo, tuy cảm động đấy vì mạch truyện có sự liên tưởng đến ký ức khi xưa bên cạnh Himmel cùng hội anh hùng, nhưng khi lên màn ảnh, đoạn cảnh này lại khiến mình cảm động hơn đến những 2, 3 lần mặc cho biết trước nó sẽ diễn ra.
Vì sao vậy? Vì đây là lần đầu tiên, khán giả mới thấy được vẻ đẹp lộng lẫy nhất của loài hoa mang sắc xanh này, điều mà những khung truyện không thể lột tả được hết chỉ bằng màu trắng đen.
Chưa dừng ở đó, đoạn cảnh này trong anime cũng được dàn dựng hoàn toàn tinh tế hơn!
Trong manga, lúc Frieren tìm ra loài hoa, đây chỉ là một panel lớn trên ngọn tháp.
Anime đi sâu hơn vào chi tiết, thể hiện ở phần hình ảnh khá tinh tế, vận dụng gần như trọn vẹn thế mạnh của loại hình nghệ thuật hoạt hoạ và màn ảnh.
Mở đầu bằng shot cận mặt Frieren nhoẻn miệng cười! Đây là chi tiết không có trong manga, thể hiện rõ cảm xúc vui mừng như thể đã gặp lại người bạn lâu năm.
Tiếp đến là một cảnh quay góc rộng với camera lia ngang, mang lại cho người xem cái nhìn bán phần của toà tháp đầy ắp các cánh hoa Anh Thảo. Âm nhạc nổi lên cùng những ngọn gió đưa đẩy, tạo ra cảm giác thanh bình trong con tim. Và hãy để ý kỹ, trong vài giây, của khoảnh khắc này đây, độ sâu trường ảnh của camera thay đổi!
Cảnh ban đầu, ta chỉ nhìn rõ các cánh hoa tầm trung và xa, phần nào phác hoạ nên sự bạt ngàn của toàn khung cảnh. Nhưng những đoá hoa gần nhất camera thì lại khá mờ.
Chỉ vài giây sau, camera thay đổi trường ảnh, hướng sự tập trung vào những cánh hoa gần ống kính nhất để lấy nét (đồng nghĩa với việc những cảnh xa hơn bị mờ đi), hé lộ nên những chi tiết lộng lẫy của từng cánh hoa Anh Thảo.
Một chi tiết tuy nhỏ, nhưng lại có tác động rất lớn lên “tiềm thức” người xem khi điều hướng sự chú ý của họ một cách tự nhiên lên những điều đạo diễn muốn họ nhìn thấy và cảm thấy! Mà ở đây là vẻ đẹp đặc sắc của loài hoa những tưởng chỉ tồn tại trong ký ức một người đã kh.uất.
Cut kế tiếp mới là cut trong manga, nhưng những chi tiết trước đó về hình ảnh bán phần của toà tháp, về chi tiết của từng cánh hoa khiến sự hé lộ toàn vẹn khung cảnh trở nên bạt ngàn, hùng vĩ hơn, mang lại cảm xúc mạnh mẽ và thoả mãn hơn (đặc biệt là khi xen kẽ với nốt ngân dài của bài nhạc nền).
Và có lẽ, cut mình mãn nguyện nhất, một cut rất “original”, được đội ngũ thực hiện tinh chạm thêm vào, là cut Frieren đưa bàn tay mềm mại vuốt dịu đoá hoa Anh Thảo, như thể cô đang nâng niu, trân trọng niềm vui và ký ức chợt ùa về với Himmel. Hết xẩy các bạn ơi , sao mà nó tinh tế hết sức! Quá cảm xúc luôn.
Những chi tiết được thêm thắt tuy nhỏ, nhưng cùng nhau, tất cả đã góp phần nâng cao thêm trải nghiệm về mặt cảm xúc của người xem.
Một tác phẩm mà khi đã đọc qua nguyên tác manga rồi, mình lại càng trân trọng giá trị mà anime mang lại.