Slice of Life và Triết Lý Sống “Ichigo Ichie”.

“Qua ngụm nước trà ánh màu hổ phách đựng trong chiếc chén sứ tráng men ngà, người nghệ nhân có thể thưởng ngoạn đồng thời vị ngọt ung dung của Khổng tử, chất chát thâm trầm của Lão tử và mùi hương thanh khiết lâng lâng của đức Thích ca Mâu ni…”
Ichigo Ichie, hay Nhất kỳ Nhất hội, là một thành ngữ cổ bắt nguồn từ văn hóa Trà Đạo tinh tế có truyền thống gần một nghìn năm của người Nhật Bản. Nói đơn giản, Trà Đạo là sự thực hành quan niệm: hãy cố gắng nhìn đời cho đúng thực chất của nó và trân trọng khoảnh khắc của thực tại. Trong mỗi buổi trà, mỗi lần tiếp khách, chủ nhà phải tự coi đây là cơ hội duy nhất trong đời có được vinh dự này. Với khách, khi đón nhận chén trà từ chủ nhà, họ sẽ xoay chiếc chén đúng một vòng trong đôi bàn tay khum lại của mình để tỏ lòng kính trọng. Cả hai bên, trong tuần trà đó, tại trà thất đó, đều gạt bỏ mọi toan tính và bề bộn của cuộc đời bên ngoài, đắm mình trong niềm vui và vinh dự được thưởng trà như thể lần cuối cùng vậy.
Nhất kỳ – Một cuộc đời, một khoảnh khắc.
Nhất hội – Một cuộc gặp gỡ, một cơ duyên.
Cuộc đời này ngắn lắm. Hãy sống, hãy yêu, hãy coi trọng từng phút giây và mỗi người xung quanh như thể ngày mai bạn sẽ không có cơ hội được làm vậy nữa. Lời khuyên này vốn dĩ không mới, có khi ta đã nghe nhàm tai qua vị triết gia ảnh hưởng nhất thế kỷ 21 Kanye West và câu châm ngôn bất hủ của anh ta: “YOLO”. Tuy nhiên,vượt xa khỏi những lời sáo rỗng thường thấy trong sách self-help, Ichigo Ichie đạt được chiều sâu tư tưởng thâm trầm mà vẫn dễ hiểu bởi việc nhìn ra cái đẹp từ những thứ giản dị, đời thường nhất.
Và đã đề cập tới vấn đề này, có lẽ không genre nào khai thác và thể hiện tinh thần Ichigo Ichie tuyệt vời hơn Slice of Life được.
SoL vốn là một thể loại thường ít được đem ra bàn luận. Một phần vì sự phân hóa khá nhiều sang hai cực trong gu người xem đại chúng: hoặc rất thích nó hoặc không thể ngấm nổi. Một phần khác bởi nội dung của những tác phẩm này thường khó khơi gợi hứng thú phân tích. Ban đầu, mình thuộc nhóm những người chẳng mặn mà gì với SoL. Nhưng khi tuổi đời “wibu” càng lâu, mình lại càng thích tìm về những tác phẩm có yếu tố đời thường hơn. Nhiều người nói rằng SoL cần gái anime dễ thương hoặc phải có một bối cảnh độc đáo (như Girl’s Last Tour hay Delicious in Dungeon) mới hay được. Tuy nhiên, sau khi gặm nhấm kha khá SoL, mình kết luận rằng điều hấp dẫn (là cũng là nguyên nhân dẫn tới sự kém hấp dẫn) của thể loại này nằm ở tư tưởng Ichigo Ichie, cho dù nó cố tình khắc họa chúng hay không.
Mình từng có định kiến thiếu hiểu biết như thế này: Người Nhật là đám giả tạo làm màu, pha trà thôi mà cũng bày đặt bao nhiêu bước rườm rà rồi còn xuýt xoa khen bước này làm tốt, bước kia làm chuẩn chỉ. Cứ bỏ túi trà vào cốc rồi pha nước sôi, với mình, đó là đủ để phục vụ mục đích giải khát rồi.
Và đó là lý do tại sao mình từng không cảm thấy hạnh phúc, vì hạnh phúc là thứ ta tạo ra, không phải thứ ta phải đi kiếm tìm.
Từ khi nhận ra chân lý này, ừ thì, cốc trà của mình vẫn không thay đổi, ấy thế mà vị của nó lại thơm ngon đến lạ thường.
Với SoL, cuộc sống hàng ngày có thể vui nhộn (Nichijou), ấm áp (Kakushigoto), ngọt ngào (Horimiya), thú vị (Barakamon), năng động (Handa-kun),… Tất cả những hương vị của cuộc sống đều đáng trải nghiệm và chính việc không có ngày nào là giống nhau khiến cuộc đời của chúng ta đáng sống. Tuy nhiên, nếu chỉ tận hưởng những điều mới mẻ và khác lạ thì vẫn chưa phải Ichigo Ichie, chẳng bằng ta đi xem các thể loại adventure hay fantasy luôn rồi. Cốt tủy của SoL chính ở việc nó đã đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta vẫn thấy hạnh phúc khi ngày qua ngày làm những việc bình thường nhất?
Albert Camus, một vị triết gia người Pháp, cũng từng đề cập tới vấn đề này dưới góc nhìn khác trong cuốn “Thần thoại Sisyphus” của mình. Sisyphus là một vị thần bị kết án phải phải làm một công việc vô ích: Dành cả ngày đẩy một hòn đá to lên đỉnh núi, rồi chứng kiến nó trôi xuống và bắt đầu lại từ ngày hôm sau. Cứ thế. Ngày qua ngày. Suốt-dòng-thời-gian-vĩnh-cửu. Trước tình cảnh của vị thần đó, Camus kết luận rằng: “…il faut imaginer Sisyphe heureux.” hay “Chúng ta phải tin rằng Sisyphus dang hạnh phúc.”
Người sẽ nói, sao Sisyphus có thể hạnh phúc khi làm một điều như vậy? Chẳng thà ch.ết đi cho rồi.
Tôi nói: Còn sống vẫn hơn là ch.ết.
Ichigo Ichie không áp dụng trong những bối cảnh cực đoan đến như vậy, nhưng đôi khi trong cuộc sống, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái chán chường và mệt mỏi. Một người chồng mất hứng thú với cô vợ sau nhiều năm gắn bó, một môn sinh rệu rã khi cứ phải làm đi làm lại một bài tập, những thanh thiếu niên trẻ sống như cái xác vô hồn trước tương lai ảm đạm và mịt mờ,…Tuy nhiên, nếu ta thay đổi góc nhìn đi một chút, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như cố gắng pha một tách trà theo cách chuẩn chỉ hay đối xử với những người xung quanh chân thành như khi mới gặp, dần dần ta sẽ thấy trong từng hơi thở cũng có cái đẹp của riêng nó, vì dù ngày nào ta cũng thở đi chăng nữa, vẫn không có hơi thở nào là giống nhau.

Nếu đã hiểu về tinh thần của Ichigo Ichie, mình tin rằng các bạn, fan của SoL, sẽ không cảm thấy tủi thân khi thể loại ưa thích của mình không được bàn tán sôi nổi hay có thành công bùng nổ như các thể loại khác. Đối với những người vẫn còn nhiều định kiến, mình hi vọng bài viết nhỏ này có thể thuyết phục các bạn cho SoL thêm một cơ hội nữa. Và để kết thúc, mình xin phép trích lại toàn bộ cuộc đối thoại của một tập trong Honobono Log, top anime SoL ưa thích của mình.
– Em hỏi anh nè, đừng nói dối nhé.
– Ừ.
– Lúc 5:30 chiều, em để cái pudding của mình trong tủ lạnh. Nhưng lúc 6:25, cái bánh đã biến mất. Lần cuối cùng em thấy nó là lúc 6:15. Người duy nhất ở trong nhà này cùng em chỉ có…
– Này chờ đã, sao em bỗng đáng sợ thế…
– Hừmmmm….bánh pudding của em không biết ai ăn rồi ta?
– Không phải anh.
– Nói dối thì nghỉ ăn tối.
– Ừ là anh đó.
– Đi mua thêm đi.
– Mai anh mua đền cho.
– Không, bây giờ cơ.
– Thôi được.
– Loại nhiều kem nhé.
– Ừ.
– Không phải hộp nhựa, loại đựng bằng lọ thủy tinh ý.
– Rõ rồi.
– À mà, loại đó không bán ở cửa hàng tiện lợi đâu.
– …Thế nó ở đâu?
– Nhà ga.
– Chậc. Thế để mai anh đi được không?
– Hả? Chẳng có chút hối lỗi nào hết vậy? NGAY BÂY GIỜ!
Không hành động, không drama, không cao trào. Honobono Log chỉ có vậy thôi.
NGAY.
BÂY.
GIỜ.
-1q84-