AnimeIndustryPhân Tích & Cảm Nhận

Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu – Nghệ Thuật Và Thị Trường Luôn Cần Song Hành Cùng Nhau.

Rakugo Shinjuu (Tên đầy đủ là Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu) là 1 bộ anime kể về cuộc đời của người nghệ sĩ tên là Kikuhiko của bộ môn sân khấu độc diễn truyền thống của Nhật là rakugo. Rakugo được hiểu đơn giản là nghệ thuật kể chuyện không những dùng lời nói mà còn cử chỉ, điệu bộ, biểu cảm trên gương mặt của người dẫn chuyện để khiến khán giả chú ý, nhập tâm vào câu chuyện.

Bộ anime ra mắt vào năm 2016, 2017 đã giành được rất nhiều sự tán dương của cộng đồng và được đánh giá rất cao bởi những giá trị nội dung và nghệ thuật sâu sắc. Thế nhưng cũng có nhiều người chưa hay ngại xem tác phẩm này vì nghĩ rằng bộ này chỉ liên quan đến cái nghệ thuật rakugo gì đó khá xa lạ đối với mình, xem chắc cũng không thu được cái gì đó dễ liên hệ được.

Cho nên tôi xin được viết bài này để kêu gọi mọi người hãy xem Rakugo shinjuu, bởi vì những giá trị thiết thực, những vấn đề nổi cộm mà của bộ anime này đề cập đã vượt xa ra khỏi bộ môn Rakugo mà có thể áp dụng đến bất kỳ loại hình văn hóa, nghệ thuật, giải trí nào đi chăng nữa, trong đó có cả loại hình anime-manga mà chúng ta đã và đang yêu mến.

Kikuhiko-san không chỉ là 1 người nghệ sĩ rakugo mà còn là 1 hình tượng nhân vật đầy tiêu biểu bị giằng xé trong cuộc đấu tranh không ngừng nghĩ giữa bản chất nghệ thuật và thị trường trong bất kỳ 1 ngành nghề văn hóa nào. Điều này được thể hiện rõ nét nhất ở mùa 2 của tác phẩm khi mà Kikuhiko-san lúc này đã về già và phải đấu tranh với sự cô đơn, với bao gánh nặng của quá khứ và sự dằn vặt lương tâm đầy đau đớn. Ông đã phải hy sinh cả tình bạn, tình yêu để mà dấn thân mình vào con đường nghệ thuật đầy chông gai. Để rồi sau bao nhiêu vất vả và sự đánh đổi, ông cuối cùng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, được mọi người ca tụng là nghệ nhân rakugo xuất sắc nhất. Thế nhưng, chính Rakugo đang chết dần chết mòn bởi những đổi thay của thời đại. Những năm 60s, 70s của thế kỷ trước, truyền hình, phim ảnh phát triển mạnh mẽ, sức hút của những thứ công nghệ mới làm cho những loại hình biểu diễn sân khấu truyền thống ngày càng mất đi chỗ đứng.

Kikuhiko-san đã phải nhận ra rằng thứ nghệ thuật đỉnh cao mà mình biết bao nhiêu năm dày công xây dựng có thể sẽ không thể cứu nổi rakugo. Ông đành phải nhận Yotarou làm học trò, một cậu thanh niên có phong cách kể rakugo đầy giải trí. Cậu lựa chọn những câu chuyện hài hước đơn giản, giúp trẻ em hay người lao động có tiếng cười đầy sảng khoái. So với câu chuyện đầy ma mị, sắc thái, biểu cảm đa dạng phong phú của Kikuhiko thì rakugo của Yotarou phải nói chỉ là thứ “nghệ thuật tầm thường”. Thế nhưng chính thứ nghệ thuật tầm thường đó lại cứu sống được rakugo.

Người nghệ sĩ có thể tự do thỏa sức bơi lội trong đại dương nghệ thuật của chính mình thế nhưng sau cùng họ vẫn cần có khán giả. Không có khán giả, người nghệ sĩ chẳng còn gì cả. Kikuhiko chắc hẳn đã thấy khó chịu vì màn trình diễn tệ hại của Yotarou theo tiêu chuẩn của ông. Thế nhưng sự khó chịu đó cũng không là gì so với việc ông nhìn thấy thứ nghệ thuật mà mình dành cả đời theo đuổi bị chết đi ngay trước mắt.

Đối với anime cũng vậy. Nhiều người có thể than phiền rằng tại sao anime càng ngày bị thiếu ý tưởng, nhai đi nhai lại hoài 1 thứ. Tôi dám cá với các bạn rằng trong ngành công nghiệp anime vẫn có nhiều người có những ý tưởng rất táo bạo trong đầu của mình. Ví dụ như tác giả Chiaki J Konaka là biên kịch của những bộ anime rất là khó hiểu, ý tưởng đầy độc đáo như là Serial experiment Lain hay Texhnolyze. Khi được phỏng vấn, ông bày tỏ ý muốn được viết kịch bản cho 1 bộ anime còn có ý tưởng còn đột phá hơn cả Lain thế nhưng vì nhiều vấn đề khác nhau mà không thể thành hiện thực.

• Để tạo thành 1 bộ anime dựa trên 1 ý tưởng mới không phải là chuyện đơn giản, cần phải huy động nguồn đầu tư, cần có nhân sự hứng thú với dự án và trên hết là cần có khán giả quan tâm đến chủ đề, ý tưởng đó.

Do đó, hướng đi an toàn hơn vẫn luôn là lựa chọn những chủ đề nào đã có sẵn nhiều người quan tâm và khai thác nó. Tức là anime chạy theo thị trường. Đến đây mình phải đề cập rằng, giữa nghệ thuật và thị trường không cần nhất thiết lúc nào cũng phải chọn 1 trong 2. Có nhiều người nghệ sĩ đang rất cố gắng dung hòa giữa hai yếu tố lại, tạo ra 1 tác phẩm vừa có thể giàu nghệ thuật, được đánh giá cao vừa thu hút khán giả rộng rãi. Điển hình có thể nói là studio nổi tiếng Ghibli với những bộ movie Spirited away, Howl moving castle đã không những nhận được nhiều giải thưởng lớn nhỏ mà còn đứng top doanh thu phòng vé mọi thời đại ở Nhật.

Thế nhưng không gì là mãi mãi, sau những thành công vang dội giúp cho studio trở thành 1 biểu trưng cho ngành công nghiệp như trên thì kể từ sau bộ “The wind rises”, những tác phẩm được Ghibli sản xuất sau này đã không còn được quá nhiều người chú ý như xưa nữa. Có lẽ là do thị hiếu của khán giả mỗi thời mỗi thay đổi.

Sự sụt giảm doanh số nghiêm trọng khiến nhiều người trong dàn nhân sự bỏ đi thành lập studio Ponoc. Về Miyazaki-san thì ông đang cố gắng thực hiện bộ movie được cho là cuối cùng của mình mang tên “How do you live?”, thế nhưng theo lời của producer tốc độ của dự án chỉ ở mức 1 năm trời chỉ sản xuất được 12 phút phim. Nó là cực chậm khi mà 1 số studio có thể hoàn thành cả 1 bộ TV series cũng trong thời gian đó, thể hiện rằng studio danh tiếng đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Còn con trai của ông Goro gần đây cũng ra mắt 1 bộ movie tên là Aya to Majo tuy nhiên không được đón nhận tốt, nếu không muốn nói là bị chê tơi tả. Có thể nói studio Ghibli chỉ còn là cái bóng của quá khứ.

• Qua câu chuyện của studio Ghibli ta thấy rằng việc dung hòa giữa mặt nghệ thuật và thị trường là có thể xảy ra, thế nhưng nó rất khó dễ giữ vững vì thị hiếu khán giả thay đổi liên tục, các tác phẩm làm được điều này là hiếm thấy. Do đó, sau cùng thì sự đấu tranh giữa nghệ thuật và thị trường vẫn là nguồn động lực lớn nhất để 1 loại hình văn hóa, giải trí được tồn tại và phát triển.

Nếu như những tác phẩm thị trường giúp thu hút những khán giả đại chúng mới tiếp xúc, làm quen, làm mở rộng cộng đồng người hâm mộ. Thì đối với những người fan lâu năm, chúng ta có những tác phẩm nghệ thuật mới lạ giúp giữ chân họ lại khi đã chán chường với những chủ đề thường thấy. Nghệ thuật và thị trường tuy bề ngoài đối lập nhưng thực ra không thể thiếu nhau. Nếu không thị trường, anime có lẽ đã chết từ lâu giống như cái cách mà nhân vật Kikuhiko đã từng mong muốn mang rakugo chết theo mình vậy. Còn nếu không có người theo đuổi nghệ thuật như Kikuhiko thì đã không thể truyền cảm hứng cho anh bạn tù nhân Yotarou quyết tâm theo đuổi được nối nghiệp từ ông. Cũng giống như vậy, tôi có lẽ đã không cần phải viết bài viết này cho các bạn làm gì cũng như tất cả các bài mà tôi đã từng viết về anime, manga.

Ở đây, tôi không nói là các bạn không được khen, chê mấy bộ mà các bạn cho là thị trường hay nghệ thuật, chuyện khen chê thì tùy vào sở thích cá nhân. Tôi chỉ muốn nói là không nên hở hở bộ nào mình không thích là cứ đòi cancel, đòi xóa bỏ nó đi, “không nên tồn tại” các kiểu.

Như tôi tuy không thích bộ Kimetsu no yaiba, nghĩ rằng nó overrated, nhưng mà khi bản nhạc OP của bộ này được phát tại buổi lễ thế vận hội Olympic, tôi đã thực sự vui mừng. Cho nên xin cảm ơn Kimetsu no yaiba vì đã tồn tại, vì đã đưa anime đến với nhiều người hơn và khiến cho 1 người hâm mộ lâu năm như tôi được vinh dự chứng kiến khoảnh khắc này.

Trở lại với bộ Rakugo Shinjuu, không những chủ đề “nghệ thuật và thị trường”, mà xuyên suốt bộ anime chúng ta còn bắt gặp nhiều chủ đề quan trọng khác nữa, đều rất dễ liên hệ với những người nghệ sĩ ở bất kỳ lĩnh vực nào. Ví dụ như chi tiết khi sân khấu bị cháy, người ta phải xây và tân trang lại. Các nhân vật đáng tiếc mà thốt lên rằng: liệu nó có còn là sân khấu đã lưu giữ biết bao kỹ niệm của các nghệ sĩ rakugo, hay là 1 thứ khác rồi. Đó là chủ đề về tân trang nghệ thuật để theo kịp thời đại cũng rất là nổi cộm và nóng hổi. Ví dụ như là việc trùng tu các công trình văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng có còn lưu giữ vẻ đẹp của công trình đó? Việc pha trộn giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại có làm phá hỏng đi âm nhạc truyền thống? Hay gần gũi với chúng ta hơn là anime ngày nay sử dụng 3d cgi có làm anime bị “mất chất”?

Về chủ đề này thì … hẹn các bạn vào những bài kỳ sau. Còn bây giờ thì … xem Rakugo Shinjuu đi chứ còn gì nữa!

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button