Anime StudioIndustry

Shaft & Câu Chuyện Ít Người Biết – Cuộc Đại Di Tản 2017-2018.

Nếu bạn có hứng thích tìm hiểu về các studio nói chung, thì nghiễm nhiên sẽ có lúc bạn phải tự hỏi:” Chuyện gì đã và đang xảy ra với Shaft?”.

Shaft là một tên tuổi đại thụ trong ngành, khi nhắc đến thì hẳn đa phần người hâm mộ đã quá quen thuộc với 2 tác phẩm mang dấu ấn trong lịch sử hiện đại là series monogatari và Puella Magi Madoka Magica. Có thể nói giai đoạn 2009-2014 là thời đại hoàng kim của Shaft khi họ hội tụ một đội ngũ nhân sự xuất sắc và đông đảo, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của đạo diễn “đầu tàu” Akiyuki Shinbo. Shaft đã xây dựng cho mình một thương hiệu “không đụng hàng”, thế mạnh hình ảnh của họ chỉ cần nhìn vào là biết vì tính chất rất đặc thù, với những pha nghiêng đầu của nhân vật đã trở thành biểu tượng, xen lẫn nghệ thuật sử dụng hình ảnh siêu thực, dù đôi khi … hơi trừu tượng nhưng vẫn đủ sức làm mê hoặc người xem.

Trong năm 2009 và 2010, Shaft đã thực hiện 10 bộ anime, nổi bật trong số đó là Bakemonogatari, Zetsubou-Sensei, Arakawa Under the Bridge. Một con số có thể nói là cực kì ấn tượng, khi một lượng lớn những tác phẩm đều tạo được dấu ấn riêng. Nhìn vào những tác phẩm của Shaft trong giai đoạn này, bạn rất khó có thể nhận xét chúng chỉ mang tính “hàng đại trà” hay “mì ăn liền”, nói không ngoa thì những tác phẩm của họ đều có sự đầu tư tỉ mỉ về hình ảnh và nghệ thuật. Tuy Shinbo là người thầy chỉ dạy nhưng ông không chiếm hết phần học trò, do đó khả năng sáng tạo của đội ngũ thực hiện vẫn bộc toát được bản sắc riêng.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, hẳn bạn đã nhận ra cái tên Shaft không còn được nhắc đến nhiều như trong thời kì đỉnh cao. Và điều này cũng phản ánh qua “năng suất” của họ, số lượng những bộ họ thực hiện ít hơn hẳn. Cho bạn dễ hình dung thì từ 2016 đến 2020, khoảng thời gian 4 năm ròng, Shaft chỉ thực hiện được 7 bộ anime (nếu tính cả movie sẽ bao gồm 3 phần Kizu và Uchiage Hanabi, nâng tổng số lên 11), tất nhiên một số tác phẩm vẫn gây ấn tượng mạnh như Sangatsu no Lion, hay những phần tiếp theo của monogatari. Sau trilogy Kizumonogatari thì tình hình studio như chững lại, 2018 – 2019 đánh dấu một sự thoái trào của studio, 2 năm – chỉ với 2 tác phẩm anime duy nhất – có thể xem là những năm đại hạn kéo dài nhất kể từ khi Akiyuki Shinbo gia nhập, vì lí do rất đơn giản: nhiều thế hệ tài năng đóng vai trò trụ cột đã rời bỏ Shaft.

¤ 1/ Chiếc xuồng đang chìm.

Trên thực tế, vấn đề quản lý kém cỏi của studio đã rộ lên từ đầu thập kỷ trước, và chỉ trong giai đoạn 2018 trở lại đây ta mới thấy sự ảnh hưởng rõ nét lên tổng thể năng suất và cả chất lượng thực hiện của studio nói chung, sau cơn “đại di tản” diễn ra trong 2017-2018 khi một số lượng lớn đội ngũ nhân viên đồng loạt từ chức và ra đi.

Việc nhân sự rời studio để tìm kiếm cơ hội việc làm mới là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, với một studio đã tạo dựng nên tiếng tăm như Shaft, thì đây là chuyện rất bất thường, vì số lượng nhân sự từ khắp các phòng ban rời đi khá nhiều trong chỉ vỏn vẹn 2 năm chứ không phải chỉ 1-2 người chủ chốt, phần lớn là những người tài năng đã gắn bó với studio lâu năm, từ hoạt họa sĩ cho đến chỉ đạo hoạt họa, đạo diễn, và cả nhiều nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng trong bộ máy vận hành của Shaft. Nếu so sánh về tính trầm trọng, thì mình đánh giá quy mô của cuộc “di tản” này chỉ thua sự việc xảy ra với Gainax chút ít thôi.

Thông thường, nếu bất đồng về quan điểm thì một bộ phận nhân sự sẽ tách ra để lập thành studio riêng và cùng nhau theo đuổi chí hướng chung. Như trường hợp của Madhouse và Mappa, hay Gainax và Trigger, tuy nhiên trong trường hợp riêng biệt của Shaft, cuộc đại di tản này đã đẩy một số lượng lớn dàn nhân sự sang những studio sẵn có mà điển hình là David Production. Dự án Fire Force tuy được “đóng nhãn” David Production, nhưng nếu nói “Shaft” làm thì cũng chẳng sai, chính xác hơn thì đội ngũ thực hiện Fire Force đa phần là cựu nhân viên đã quá chán ngán với Shaft, một số ví dụ điển hình như đạo diễn Yuki Yase trong quá khứ đã từng thực hiện Hidamari, Mekakucity Actors, Nisekoi, Nisemonogatari và nhiều tác phẩm khác ở Shaft trước khi đầu quân cho David Production. Một số tên tuổi nổi bật khác bao gồm Kousuke Matsunaga (nhà sản xuất) đã từng gắn bó với Shaft trong nhiều dự án, trước khi đầu quân cho DaviPro vào đầu năm 2018. Bên cạnh đó, Reo Honjoya, Shou Sugawara là những cái tên khác trong vị trí sản xuất đã thường góp mặt nhiều vào những bộ của Shaft trong quá khứ.

Tất nhiên, David Production không phải là điểm dừng chân duy nhất. Shin Oonuma vốn là một đạo diễn trụ cột, lẫn là một thành viên chủ chốt trong “đội ngũ chỉ đạo Shinbo” với dấu ấn Ef: A Tale of Memories/Melodies (bộ này hay cực, mình rec xem nhé), Pani Poni Dash!. Ông đã gặt hái được thành công lớn khi rời Shaft để đầu quân cho Silver Link qua các tác phẩm tạo dấu ấn như Tasogare Otome×Amnesia và series Fate/Kaleid Illya.

Mất mát lớn nhất có lẽ là Tomoyuki Itamura, thành công của monogatari một phần không nhỏ là nhờ công đóng góp của Itamura sau khi anh đảm nhận chức vụ đạo diễn từ tay Tatsuya Oishi (tất nhiên là vẫn dưới trướng Shinbo). Itamura đã nhanh chóng tạo được sự nghiệp lẫy lừng trong vai trò đạo diễn của nhiều phần monogatari đình đám, điển hình như Nise, Mono mùa 2, Hana, Tsuki và Owari trước khi rời đi để thực hiện Vanitasu no Karute tại Bones, hay sắp đến là tác phẩm Yofukashi no Uta (Call of the Night) ở Liden Films.

Takeuchi Nobuyuki là một cái tên chủ chốt khác cần phải nhắc đến, ông tham gia Shaft cùng lúc với Shinbo, đồng thời đánh dấu sự debut của một triều đại Shaft lẫy lừng mở màn bằng Tsukuyomi: Moon Phase, một cộng sự và là cánh tay đắc lực trong việc truyền tải tầm nhìn nghệ thuật của Shinbo qua các tác phẩm. Nobuyuki đã góp mặt vào rất nhiều tác phẩm nổi trội trong quá trình tạo dựng nên thương hiệu Shaft như monogatari (nise, neko, hana, kizu … ), Maria Holic, Penguin Drum. Tác phẩm cuối cùng Nobuyuki thực hiện ở Shaft là Uchiage Hanabi (2017) trong vai trò đạo diễn, trước khi rời studio vào đầu 2018, chính thức nói lời tạm biệt với studio sau 14 năm đồng hành cùng nhau. Năm 2019 thì ta thấy ông xuất hiện ở Mappa để thực hiện Sarazanmai.

Và nhắc đến Tatsuya Oishi, ông là thành viên chủ lực trong hàng ngũ chỉ đạo của Shinbo, nếu như Shinbo là cây cột nhà quan trọng nhất, thì tầm quan trọng của Oishi trong việc mang lại dấu ấn đậm phong cách Shaft chỉ đứng thứ hai sau Shinbo mà thôi. Ông đồng chỉ đạo với Shinbo qua tác phẩm Bakemonogatari, là một nhân tố gắn liền với sự thành công của cả franchise monogatari, giúp đánh bật tên tuổi Shaft lên hàng ngũ các studio tiếng tăm nhất trong lịch sử. Sau khi chỉ đạo trilogy Kizu bên cạnh Shinbo trong 2017, lần cuối cùng ta thấy ông đóng góp ở Shaft là vào 2018 qua một đoạn anime ngắn quảng cáo cho game. Có quá ít thông tin về “tình hình” của Oishi hiện nay, nhưng đã 3 năm rồi Oishi không góp mặt vào bất kì tác phẩm nào ở studio thì mình cũng không ngạc nhiên nếu ông đã rời đi rồi. Đích đến của Oishi cho đến giờ vẫn còn là ẩn số lớn.

Vì sao mình phải liệt kê những cái tên bên trên lẫn sự đóng góp của họ cho Shaft, cả về thương hiệu lẫn các tác phẩm đã tham gia? Là để làm rõ rằng Shaft hiện nay đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất khi đa phần nhân sự chủ chốt gắn bó trong hàng chục năm, đã đồng loạt rời đi.

Nói như thế là có nghĩa, ở Shaft có một môi trường việc làm “bất thường” dẫn đến việc chảy máu chất xám trong thời gian quá ngắn, như thể “tức nước vỡ bờ”, chứng tỏ những vấn đề đã diễn ra và âm ỷ trong rất nhiều năm. Có quá ít thông tin trong ngành để quy chụp cái sự bất thường này về một nguyên do nhất định, nhưng những điều này phản ánh mạnh sự lỏng lẻo trong khâu quản lý nói chung tại Shaft nếu ta nhìn vào và so sánh với hướng phát triển hiện nay của những studio như Mappa, Trigger hay Ufotable. Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng với đường lối đúng đắn, các studio này vẫn là những nơi thu hút số lượng lớn nhân tài tìm đến đóng góp – chứ không phải bỏ đi.

¤ 2/ Shaft còn lại điều gì cho tương lai?

Mô hình đầu tàu đạo diễn với Shinbo dẫn dắt của Shaft đã tỏ ra cực kì hiệu quả trong việc dung dưỡng các thế hệ tài năng trẻ. Tuy vậy, đào tạo tài năng là một chuyện, giữ lại những tài năng này để gắn bó dài lâu với studio thì lại là chuyện khác hẳn. Shinbo đang có một vị thế rất lớn ở Shaft nên khó lòng đi đâu được, nhưng nếu Shaft muốn phát triển hơn trong tương lai thì họ sẽ phải cải tổ lại ngôi nhà vốn đã được xây dựng trên cái nền kiên cố. Thế mới nói, vai trò quản lý kiêm chủ tịch là rất quan trọng để vạch hướng đi quyết định nên sự thành bại của một studio. Trong quá khứ, ta đã thấy những quyết định … đâm vào lòng đất của đội ngũ quản lý ở Gainax khi họ đã quá tham lam mà tranh giành phần ăn với Anno, dẫn đến vụ kiện tụng kéo dài nhiều năm liền đòi quyền IP cho Neon Genesis Evangelion, và sự bất mãn của phần lớn dàn nhân sự chủ chốt, dẫn đến cuộc di dời của đại bộ phận mà thành lập nên studio Trigger.

Gainax hiện tại chỉ còn là cái vỏ ốc rỗng của một triều đại huy hoàng trong quá khứ. Shaft có khả năng rất cao cũng sẽ đâm vào vết xe đổ như vậy nếu như họ không cải thiện tình trạng quản lý, lẫn môi trường làm việc, hay ít nhất là làm cho “yên lòng” đội ngũ nhân sự nhà của mình để tiến tới quá trình hợp tác lâu dài.

Hiện nay, ta thấy một tín hiệu khả quan hơn khi chứng kiến Shinbo lần đầu tiên trong suốt 15 năm kể từ khi gia nhập Shaft, quyết định từ bỏ chức vụ “trưởng chỉ đạo” để nhường đất cho những thế hệ tài năng trẻ. Trong năm 2020 không có một dự án nào Shinbo tham gia, năm 2021 Shinbo chỉ góp mặt vào duy nhất một tác phẩm của tác giả Nisio Isin.

Những tài năng mới nổi ở Shaft trong thời gian gần đây cũng không phải ít (khi nào rảnh mình sẽ tiếp tục giới thiệu một số gương mặt nổi trội), nhưng Shaft đã có những bước như thế nào để thay đổi tình hình trì trệ, và hiệu quả sẽ ra sao, thì chỉ tương lai mới trả lời được. Shaft năm nay đang có sự trở lại mạnh mẽ với side story của Madoka kéo dài 3 phần, kèm theo movie bom tấn “Mahou Shoujo Madoka★Magica Movie: Walpurgis no Kaiten” đình đám đã được thông báo sẽ ra mắt trong thời gian tới. Mình hy vọng đây sẽ là bước đệm lớn để giúp họ lấy lại tên tuổi, lẫn sửa chữa những sai lầm trong mô hình quản lý và cải thiện hơn môi trường việc làm, góp phần dung dưỡng những nguồn lực tài giỏi mới nổi, đồng thời lôi kéo nhiều tài năng đã đánh mất về lại studio.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button