AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Phân Tích Mushishi – Phần 1: Học Cách Chấp Nhận Cuộc Sống.

1. Lời dẫn.

Trong những post trên page này hoặc là page AR2D mà trước kia tôi đã cộng tác, tôi thường đề cập nhiều về Mushishi và Sangatsu no Lion như là 2 bộ anime mà tôi yêu thích cũng như đã phân tích một số yếu tố của các tác phẩm trên. Thế nhưng vẫn chưa có 1 bài viết thực sự chuyên sâu và toàn diện, bởi vì sự rộng lớn về mặt chủ đề được truyền tải. Đối với Sangatsu no Lion là sự mở rộng chủ đề từ những xung đột nội tâm và cách để vượt qua mất mát trong cuộc sống của cậu trai tên Rei Kiriyama đã ngày càng phát triển, mở rộng sang câu chuyện của các nhân vật khác và đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống như là vấn nạn bạo lực học đường, khắc họa tâm lý nhân vật trong môi trường thể thao chuyên nghiệp,… Còn Mushishi thì “điên rồ” hơn nữa, toàn bộ tác phẩm có đến tổng cộng 50 tập (cả 3 phần +OVA), mỗi tập đều mang một chủ đề khác nhau, giá trị nội dung và nghệ thuật khác nhau, xứng đáng để viết bài phân tích. Tôi không nói là mình không thể viết hết tất cả những tập trên nhưng mà dám cá rằng các bạn độc giả cũng không muốn phải đọc 50 bài viết của chỉ 1 bộ anime. :v

Cho nên đó là lý do mà tôi còn có nhiều sự chần chừ trong việc thực hiện lời hứa của mình từ tận hơn 3 năm trước. Nhưng mà “nếu bây giờ không làm thì chờ đến bao giờ”, tôi đã quyết định xem lại Mushishi và thực hiện loạt bài viết này. Dĩ nhiên là sẽ không phân tích hết các tập đâu mà sẽ có sự chọn lọc ra những tập mà bản thân ấn tượng nhất, cho nên nếu tập yêu thích của bạn không có trong series thì cũng đừng nên buồn nhé. Biết đâu ta lại có dịp khác trong tương lai.

2. Mushi là gì?

“Nguyên thủy và kỳ dị, chúng là thứ không hề giống với bất kỳ loài động thực vật nào mà chúng ta đã biết. Theo dòng thời gian, cùng vời nỗi sợ hãi dành cho chúng, con người bắt đầu gọi chúng bằng 1 cái tên: Mushi.” Đó là những câu thoại đầu tiên của bộ anime để giới thiệu cho chúng ta về những thứ gọi là mushi có hình dạng giống với các loài trùng mà chỉ có một số người thấy được, và Ginko là 1 một số đó. Anh đi qua các vùng đất khác nhau, có nhiệm vụ “chữa lành”, giúp đỡ người khác khi bị tác động của những con mushi gây hại.

Tác phẩm có ý tưởng khá giống với những bộ anime về chủ đề trừ tà, hay khắc họa những yokai, thế giới của linh hồn… mà ta thường thấy như Inuyasha, Natsume Yuujinchou, xxxHolic, Mononoke,… Giống như việc tôi đã từng tìm xem Mushishi vì thích Natsume và muốn tìm 1 bộ tương tự.

Thế nhưng khi càng xem nhiều tập thì tôi lại càng nhận ra Mushishi không phải là một bộ anime về yokai. Chúng ta hãy xem lại miêu tả của nhân vật Ginko ở ngay tập đầu: “Giả sử 4 ngón tay này là động vật, và ngón tay cái là thực vật. Con người nằm ở đây, cách xa tim nhất, chính là vị trí đầu ngón giữa. Càng thấp xuống dưới cánh tay thì lại càng nguyên thủy bấy nhiêu…Theo cánh tay, theo bả vai, và đây là mushi”. Lúc này Ginko chỉ thẳng vào ngực mình, tức mushi chính là trái tim, thứ đã mang máu đi nuôi tất cả sinh vật trên cánh tay. Mushi không phải sinh vật cũng không phải hồn ma mà chúng chính là biểu trưng của cuộc sống! Tất cả mọi thứ xung quanh ta: môi trường sống và phát triển, những người thân quen hoặc không thân, những sự xui rủi hoặc may mắn đều là một phần của điều kiện cuộc sống mà mỗi người phải chịu đựng. Cho dù các mushi là do hệ quả hành động của nhân vật hay chỉ là sự cố ngẫu nhiên nằm ngoài sự kiểm soát của họ thì cũng không hề quan trọng. Điều quan trọng là nằm ở sự phản ứng của con người trước từng biến cố đã xảy ra.

Về thiết kế nhân vật thì bài viết trước tôi cũng đã có đề cập. Việc nhân vật Ginko ăn mặc áo sơ mi phong cách hiện đại cốt là làm khán giả có thể tự đặt mình vào, Ginko chính là khán giả. Với vai trò “trùng sư” chữa lành của mình thì Ginko luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác thế nhưng ở nhiều câu chuyện nếu cái kết định sẵn không có hậu, nhân vật không chịu nghe lời khuyên của cậu ta thì Ginko cũng hoàn toàn không thể cứu vãn tình thế, từ đó trở về vai trò của 1 người quan sát, cung cấp góc nhìn cho khán giả.

Còn đối với những nhân vật còn lại, thiết kế đơn giản giống nhau cũng là một biện pháp nghệ thuật làm tăng trải nghiệm chân thật cho khán giả. Giống như khi ta đi du hành, phần lớn người mà ta sẽ gặp đều là dân thường, những người nhìn giống nhau. Thế nhưng khi được tiếp xúc với họ, tìm hiểu câu chuyện của từng người thì giá trị của mỗi cá nhân mới dần được tỏa sáng lên, hiện hữu rõ ràng trong mắt nhà lữ hành (khán giả) là vẻ đẹp của những con người chân chất, mộc mạc đầy gần gũi.

Trong một loại hình nghệ thuật, giải trí phục vụ chủ yếu cho giới trẻ với những tác phẩm shounen đầy cảnh hành động bùng nổ, ồn ào, náo nhiệt, sự hiện hữu của Mushishi như là 1 khoảng lặng bình yên quý giá. Đồng ý là ta cũng có nhiều bộ “iyashikei” có tính chất nhẹ nhàng, thư giãn. Thế nhưng sự khác biệt của Mushishi nằm ở việc, tác phẩm này không cố gắng đong đầy hạnh phúc niềm vui, dùng nó để thỏa lắp những mất mát mà luôn phản ánh thực chất cuộc sống. Có một số tập hoàn toàn bi kịch với cái kết có thể đau buồn đến nghẹn lòng, thế nhưng Mushishi vẫn không để lại những cảm xúc tiêu cực cho khán giả. Bởi vì tác phẩm đã sử dụng rất tốt nhịp phim đầy chậm rãi để xua tan bớt những cảm xúc muộn phiền, để chúng ta giống như Ginko có thể tiếp tục bước đi cuộc hành trình dài của mình.

Việc tạo dựng 1 nhịp phim riêng biệt như vậy phải có sự đóng góp của nhiều yếu tố, như hình ảnh cảnh quang (background) tuyệt đẹp giúp thu hút sự chú ý của khán giả, âm nhạc có giai điệu đơn giản, nhẹ nhàng, chuyển động đầy chậm rãi của nhân vật giúp cho người xem dễ dàng để tâm đến từng chi tiết nhỏ. Những khán giả mới xem, chưa làm quen được với nhịp phim như trên có thể than chán, buồn ngủ, nhưng một khi đã cảm được thì ta lại không muốn rời xa cái bầu không khí tĩnh lặng, trầm mặc và thanh tao mà tác phẩm đem lại.

Thế thì câu hỏi đặt ra là tại sao tác phẩm lại mang một nhịp phim cực chậm và bầu không khí đặc trưng đến như vậy? Mushishi muốn truyền tải đến ta điều gì?

3. Văn hóa thiền định trong Mushishi

Có thể là văn hóa thiền định hoặc chủ nghĩa khắc kỷ, bởi vì hai loại tư tưởng này có nhiều điểm rất giống nhau. Thiền định bắt nguồn từ Phật giáo còn Chủ nghĩa khắc kỷ bắt nguồn từ nhà triết học Hy lạp “Zeno xứ Citium”. Vì tác giả là người Nhật nên tôi nghĩ văn hóa thiền định sẽ phù hợp hơn nhưng mà nếu bạn nghĩ Mushishi như là một tác phẩm mang hơi hướng của chủ nghĩa khắc kỷ thì cũng không có vấn đề gì cả.

Cụ thể thì người thực tập thiền định là người có thể giữ được sự bình yên trong lòng, với thái độ sống điềm tĩnh cho dù cuộc đời có sóng gió dập dìu đến thế nào đi chăng nữa. Chúng ta có thể đạt được sự bình yên trên nếu biết cách chấp nhận cuộc sống. Cuộc sống luôn mang đến những niềm vui và nỗi buồn, những điều như ý và những điều bất như ý. Nếu như ta có thể dễ dàng chấp nhận được niềm vui và hạnh phúc thì cũng phải có bổn phận chấp nhận những nỗi buồn, những biến cố, ngã rẽ của cuộc sống mà không theo ý nguyện.

Ngoài việc rèn luyện, chăm lo cho tâm của mình thì người tu thiền còn phải có thái độ sống tốt, chú trọng tinh thần tương thân tương ái và bình đẳng. Điều này đã được thể hiện rõ ràng thông qua nhân vật Ginko, anh sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần thế nhưng khi sự việc vượt quá tầm tay, không thể cứu vãn thì anh vẫn giữ sự kiên cường, dịu êm trong tâm, gạt bỏ những đau buồn ở phía sau mà bước đi từng bước chân chậm rãi hướng về phía trước.

Văn hóa thiền cũng rất chú trọng đến giây phút hiện tại. Như lời khuyên của Đức Phật: “Không nghĩ về quá khứ, đừng tưởng tới tương lai mà hãy an trú trong hiện tại.” Bởi vì quá khứ của mỗi người chỉ đầy những sự nuối tiếc, “giá mà tôi có thể quay ngược thời gian để sửa chữa những lỗi lầm, để có được lựa chọn đúng đắn hơn”. Còn đối với tương lai thì cũng nhiều mối lo lắng, sợ hãi rằng sự vô định sẽ mang ta đến chốn nào? Chỉ có giây phút hiện tại mới là nơi mà con người tìm được niềm vui, hạnh phúc chân thật. Cho nên triết lý nhà Phật khuyên từng người hãy sống chậm để có thể cảm nhận thực tại xung quanh ta nhiều hơn. Và câu châm ngôn “sống chậm” đó đã được lan tỏa, truyền đạt xuyên suốt tác phẩm Mushishi cũng là nguyên nhân cho nhịp phim và bầu không khí đầy độc đáo, có một không hai này.

Việc khai thác bối cảnh của Mushishi cũng ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn, trong một thế giới mà con người phải lọt thỏm giữa thiên nhiên rộng lớn với màu xanh mướt như vô tận, sinh vật sinh sôi nảy nở khắp mọi nơi. Tác phẩm làm cho ta có cảm giác về sự nhỏ bé của con người, chỉ là một phần nhỏ trong một hệ thống phức tạp và vĩ đại. Từ đó Mushishi cũng đã truyền tải thông điệp coi trọng và bảo vệ môi trường thiên nhiên thông qua những vẻ đẹp kỳ ảo, làm kích thích trí tò mò từ việc xây dựng thế giới đem lại.

Việc giữ vững được sự ổn định trong chất lượng sản xuất và tạo dựng bầu không khí của Mushishi là rất đáng nể vì phần 1 và phần 2 công chiếu cách nhau đến gần 10 năm. Thế nhưng nếu bạn lo lắng rằng sự “ổn định” trên có thể dẫn đến việc lặp đi lặp nội dung làm cho người xem buồn chán thì hãy yên tâm. Bởi vì từng tập anime mặc dù cảm giác chúng mang lại nhìn chung gần giống nhau thế nhưng giá trị nội dung và nghệ thuật thì lại khác biệt hoàn toàn. Tất cả là nhờ vào “thế giới quan” đầy phong phú và đa dạng của tác giả mà có thể sử dụng các loài mushi khác nhau như là những “symbolism” (hình ảnh biểu tượng) để ám chỉ những điều kiện khác nhau của cuộc sống tác động đến từng nhân vật.

Để hiểu rõ, cụ thể hơn cách vận dụng của tác giả như thế nào, ta hãy đến ngay phân tích tập đầu tiên

4. Màu xanh tụ hội (S1.Ep1)

Ở vùng đất nọ bị cô lập bởi thiên nhiên, có một cậu bé có năng lực “thổi hồn” vào bất cứ thứ gì mà cậu vẽ, và người bà có nhiệm vụ trông cháu ngay cả sau khi đã chết, mối liên hệ giữa họ tại sao lại bền chặt?

Tập này làm tôi nhớ đến truyện cổ tích “Cây bút thần của Mã Lương” mà hồi nhỏ được học nhỉ. :v Đầu tiên thì chi tiết cậu bé Shinra có năng lực “thổi hồn” vào bất cứ thứ gì mà cậu vẽ, biến chúng thành những sinh vật sống làm tôi có liên tưởng mạnh mẽ đến những người trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, giống như nghề magaka của tác giả.

Người bà của Shinra là Renzu theo ký ức của cậu là một người đầy khắt khe, khó tính, không cho cậu dùng tay trái để vẽ vì sợ năng lực siêu việt trên sẽ gây ra nhiều tác hại. Thế nhưng sau khi tìm hiểu câu chuyện của Renzu, ta cũng cảm nhận bà đã phải chịu đựng nhiều sự thiệt thòi.

Khi còn nhỏ Renzu được mời vào bữa tiệc của các Mushi. Hình ảnh mà bà phải đi cùng 1 hàng với những người mặc áo trắng, từ đó mà nhận thức bản thân ngày càng bị lu mờ đã gợi nhớ cho ta về bước chân của các thế hệ, những quy tắc, truyền thống, văn hóa mà những người đi trước, ông bà tổ tiên đặt lên ta, làm giới hạn sự tự do của mỗi người và khiến họ không thể bộc lộ tính cá nhân của mình. Tại đây bà được giao nhiệm vụ phải chăm sóc, lo cho con cái đặc biệt là người cháu đầy tài năng. Thêm vào đó là hình ảnh 1 con quạ, có thể tượng trưng cho điều xui rủi, biến cố trong cuộc sống đã hoàn toàn khiến cho Renzu phải hy sinh, từ bỏ nhiều thứ của riêng mình để mà an phận thủ thường, lệ thuộc vào truyền thống của gia đình. Điều này đã được thể hiện qua hình ảnh Renzu bị tách làm hai và “linh hồn” non trẻ nhiều sáng tạo, nhiều ước mơ và hoài bão đã bị bỏ rơi.

Ngay từ tập đầu, Mushishi đã thể hiện rõ ràng những giá trị cốt lõi của mình, Shinra tuy chịu sự quản lý chặt chẽ của bà những cậu không hề tức giận, chống đối muốn thoát ra. Hay chi tiết mà cậu vẽ nên chiếc chén (bát) uống rượu chỉ có 1 nửa là của cậu tạo ra, một nửa còn lại là từ người bà. Bởi vì cậu không những chấp nhận văn hóa truyền thống bị áp đặt lên người mà còn muốn dung hòa giữa sự sáng tạo cá nhân và những giá trị lâu đời có sẵn trong tác phẩm của mình.

Cả hai bà cháu cùng nhau thưởng thức chén rượu (kouki) làm tôi nhớ tới truyền thống văn hóa quen thuộc “thưởng rượu, ngắm trăng để cùng nhau tâm tình, bàn chuyện thế sự” của các nước Á Đông. Chi tiết này truyền tải thông điệp mạnh mẽ về sự cảm thông, thấu hiểu lẫn nhau giữa 2 thế hệ cách biệt. Đối với Shinra, cậu nhận ra việc chăm sóc cậu không những chỉ vì bổn phận mà còn vì tình thương mà người bà giành cho mình. Còn đối với Renzu, bà nhận ra lợi ích từ tài năng của cậu bé, giúp thực hiện những ước vọng còn dang dở mà khi xưa bà chẳng thể làm được cũng như giúp con người gắn kết, xích lại gần nhau hơn.

Không những thế ta còn thấy mối quan hệ giữa cậu bé và Ginko cũng tượng trưng cho mối liên hệ giữa tác giả và khán giả, độc giả. Nếu không có Ginko (độc giả) thì cậu bé (tác giả) đã không có động lực để có thể tạo ra tác phẩm, và nhờ có tác phẩm đó mà cậu hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa truyền thống cũng như hiểu rõ hơn về chính bản thân mình. Ngược lại thì Ginko cũng nhận được 1 món quà tuyệt đẹp để thưởng thức nữa. Nói chung là 1 mối quan hệ “win-win” cả hai cùng có lợi.

Tụ chung lại thì tập 1 của Mushishi đã đem lại cho ta 1 khởi đầu khá là chắc chắn, truyền tải được những giá trị cốt lõi của tác phẩm về sự chấp nhận những điều kiện của cuộc sống, một câu chuyện mang nhiều tính cá nhân của tác giả cũng như giới thiệu những khái niệm sẽ trở nên quen thuộc với khán giả sau này.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button