AnimePhân Tích Nhiều Kì

Phân Tích & Bình Luận 86: Eighty Six Tập 22 (11 cour 2) – Kiệt Tác Đầu Tay Của Toshimasa Ishii, Giàu Cảm Xúc & Đầy Ấn Tượng!

Cái cảm giác mòn mỏi chờ đợi một tập anime, với mức kì vọng cao vút trời, để rồi tập anime này bằng một cách màu nhiệm nào đó, bứt phá mức kì vọng (đã vốn không tưởng) của mình để nâng nó lên hẳn một tầm cao mới, tạo ra một cảm giác thỏa mãn cùng cực sau khi xem xong. Và cái cảm giác thỏa mãn này luôn là điều gì đó mình tìm kiếm – lúc đến với anime, và luôn trân trọng khi được trải nghiệm. Ngày hôm nay, 86 đã làm được điều này.

Tất cả mọi thứ của tập, từ mặt hình ảnh, âm thanh, lồng giọng, cho đến nghệ thuật phối cảnh đầy tinh tế, các góc quay, kỹ thuật phim ảnh được sử dụng độc đáo … hòa quyện với nhau để giúp cho cảm xúc thăng hoa. Có thể nói tập 11 (2nd cour) của 86 là một trong những tập gây ấn tượng mạnh nhất với mình trong những năm gần đây, qua thứ ngôn ngữ màn ảnh điêu luyện của thiên tài đạo diễn Toshimasa Ishii, đặc biệt hơn nữa khi 86 chính là bộ debut “đầu tay” của Ishii trong vai trò đạo diễn chính.

Trước nhất, tác phẩm khắc họa rõ nét diễn biến trong tâm lý Shin. Shin – như chúng ta đã biết và theo dõi từ đầu đến giờ – là nhân vật trầm tính, kiệm lời, ít biểu lộ cảm xúc. Những chi tiết về con người thật của anh như những mẩu bánh mì vụn rải rác xuyên suốt tác phẩm, chúng không hề rõ ràng, mà chỉ chút chút, nhỏ giọt. Nếu bạn tinh ý trong chi tiết và mổ xẻ chúng ra, thì cũng phần nào nắm được tính cách của Shin. Tuy nhiên, cái sự “nhỏ giọt” này – xuyên suốt toàn thể tác phẩm – là hoàn toàn có chủ đích. Tự bản thân Shin đã tạo ra một bức tường ngăn anh với những người còn lại. Khán giả – và những người bên cạnh Shin – luôn thấy ở anh là một tinh thần sắt đá, chai sạn về mặt cảm xúc (không đau vì … quá đau), là hình ảnh của một người thủ lĩnh kiên cường trên chiến tuyến luôn lăn xả với kẻ địch, mạnh mẽ và không lung lay.

Nhưng, hình ảnh này đã “nhường chỗ” cho một bộ mặt khác của Shin khi tâm lý anh đã được vạch trần trước khán giả. Ta thấy ở anh là hình ảnh của một con người đã bị dồn ép đến bức đường cùng, đến hố sâu cùng cực của sự tuyệt vọng – chứ không còn là hình ảnh lạnh lùng nhẫn tâm của gã tử thần khiến kẻ địch khiếp sợ trên chiến tuyến! Shin đã ngã quỵ, đã đổ vỡ, bị tổn thương, cả về thể xác lẫn tinh thần vì anh chẳng còn lại gì! Người thân? Không! Đồng đội? Không! Mục đích chiến đấu? Cũng không! Anh chiến đầu vì cái gì? Vì lẽ gì? Điều gì? Lí do gì?

Tất cả mọi thứ đã rời bỏ Shin. Trước mặt anh là khoảng không vô tận, một màn đêm vĩnh cữu không có chỗ cho thứ ánh sáng ấm áp của mặt trời!

Hạnh phúc? Tự do? Hoàn toàn vô nghĩa! Đây là những điều mà một đứa trẻ như Shin chưa từng nếm trải. Cả cuộc đời anh chỉ biết chiến tranh, bị chà đạp, nghe theo mệnh lệnh kẻ khác … Còn có ai – bên cạnh anh – dạy cho anh, chỉ cho anh cách nếm trải hạnh phúc hay tự do?

Ch.ết! Chỉ có cái ch.ết mới là sự giải thoát! Và với những gì Shin đã trải qua, thì đấy cũng là con đường, là sự lựa chọn duy nhất mà anh biết! Tiếng thét, tiếng rên của Shin trong buồng lái như cứa mạnh vào da thịt khán giả vậy! (lúc nghe Shin gào lên ta còn cảm nhận được sự đứt gãy trong giọng la, seiyuu Chiba có màn trình diễn xuất thần ghê gớm). Nó hàm chứa sự uất ức, bất lực, tuyệt vọng và đổ vỡ của một con người chẳng còn lại gì.

Cái nét tinh tế ở đây, là Ishii – tất nhiên ngoài khoảng chỉ đạo và phối cảnh ưu việt – còn sử dụng thứ ngôn ngữ màn ảnh rất riêng của bản thân để diễn tả tâm trạng lẫn hoàn cảnh, khắc họa chính xác những gì nhân vật đang trải qua.

Và hẳn bạn cũng nhận ra, đó chi tiết VIỀN ĐEN xuyên suốt nửa đầu tập 11 mà mình đang nói đến! Ban đầu thì cứ nghĩ, chà chà cái viền đen này nó giúp tạo thêm cảm giác “phim xi nê màn ảnh rộng” cho một tập anime truyền hình, cho đến khi viền đen ngày càng thu nhỏ theo chiều diễn biến trong tâm trạng của Shin! Thậm chí, cái “viền đen” này, vừa là một biện pháp kể chuyện hình ảnh, nhưng cũng lại vừa như một NHÂN VẬT riêng đầy cá tính, à, nhân vật cũng không đúng lắm để diễn tả, mà nó tượng trưng cho một thế lực với quyền lực tuyệt đối – đó chính là số mệnh.

Viền đen ngày càng thu nhỏ thể hiện sự cùng cực, bị chèn ép của Shin. Viền đen có thể được ví như bất kì hình ảnh gì – từ chiếc lồng sắt, cho đến cái sự mịt mù vô vọng và vv … – để giam cầm, cũng như tước đoạt đi “khoảng không gian” của Shin.

Ở đây, Ishii đã vận dụng viền đen như một biện pháp kể chuyện hình ảnh, để truyền tải cảm giác mịt mù, vô vọng lẫn ngộp ngạt khó thở đến với khán giả. Nhưng không chỉ có vậy, Ishii đã đi thêm một bước nữa khi khắc họa cái viền đen này như một thế lực riêng, có ý chí riêng. Lúc Shin vươn tay ra những đồng đội cũ, viền đen khép lại chém phăng đi cánh tay Shin và bao phủ anh trong bóng tối vĩnh cữu. Ở đây, chiếc viền đen đã không còn là biện pháp kể chuyện hình ảnh thông thường, mà còn là một thứ hữu hình tượng trưng cho số mệnh, trực tiếp gây tác động lên cả nhân vật!

Mình … không biết rằng viền đen có thể được sử dụng như vậy! Phải ngã mũ thán phục đạo diễn Ishii, quả là tinh tế và hết sức ấn tượng, lẫn đầy sáng tạo trong nghệ thuật hình ảnh.

.

Và rồi Lena xuất hiện. Đây là khoảnh khắc mà ai cũng mong chờ. Phải nói là mình rất tâm đắc, cực kì tâm đắc cách mà Ishii dàn dựng phần hội ngộ của cả hai. Không biết source đã như vậy không? (nếu bạn nào đọc rồi thì phiền cmt giúp để mình biết) nhưng lúc Lena xuất hiện và trò chuyện với Shin, ngay ban đầu tất cả chỉ diễn ra dưới góc nhìn của Shin, ta vẫn chưa được nghe giọng nói Lena.

Màn “kịch câm” từ phía Lena có đôi nét thú vị, đây là sự chủ ý để phần nào … kìm hãm cái sự phấn khích của khán giả lúc Lena xuất hiện (lẫn hình ảnh của cô trông không rõ ràng qua cam trong buồng lái của Shin). Ishii vẫn muốn khán giả tập trung lên Shin – chứ không phải Lena, cô chỉ là nhân vật … qua đường mà thôi.

Điều này còn phản ánh cái sự “xa rời với thực tại” của Shin. Anh đã không còn thiết sống, đã mất đi hết tất cả động lực, nghĩa là cảm giác về thế giới quan của anh – trong thời điểm hiện tại, sau những gì trải qua – không được như người bình thường. Người đứng trước mặt anh, anh không nhìn ra đấy là Lena mà chỉ đơn giản là một người qua đường anh tình cờ gặp. Anh đã hoàn toàn mất kết nối với thực tại!

“Kịch câm” phục vụ 2 mục đích: phác họa cái sự mất kết nối này của Shin với mọi thứ xung quanh, cũng như là để … kìm hãm cảm giác của khán giả khi được gặp lại Lena.

“Chiến đấu? Vì điều gì?

Cô không chờ ch.ết nổi à?

Thế sao không bỏ cuộc hẳn đi? …”

.

Để rồi, lúc Lena cất lên chất giọng, tiếng nói của cô đến tai nghe Shin, thì mọi cảm xúc mới được tuôn trào, vỡ òa trong vui sướng trên nền nhạc của bài “Voices of the Chord” (drop của Sawano chưa bao giờ làm mình thất vọng).

“Cho đến khi tôi trút hơi thở cuối cùng, tôi sẽ không ngừng chiến đấu và không bỏ cuộc.

Có những người tin tưởng ở tôi, giữ cùng niềm tin với tôi. Chính vì vậy tôi phải chiến đấu để bắt kịp họ, để dẫn dắt họ tiến lên phía trước. Tôi sẽ không bao giờ chạy trốn khỏi cuộc chiến này!”

Trước khi Lena dõng dạc nói lên những điều trên, có một cảnh rất hay, là vẫn chiếc viền đen ấy xuất hiện xuyên suốt diễn biến nội tâm của Shin, như số mệnh, vực thẳm, bóng đêm mịt mù mà anh không thể thoát ra. Nhưng Lena đã BƯỚC LÊN chiếc viền đen đó! Mình tâm đắc thực sự! Số mệnh à? Nực cười! Số mệnh là do chính tay con người tạo ra, chứ không phải là thế lực với quyền lực tuyệt đối, không phải là thứ có thể tự định đoạt tương lai của con người!

Lena – từ một cô tiểu thư đài cát với cái thứ lí tưởng trong mơ về sự bình đẳng hão huyền – nay đã là một thủ lĩnh mạnh mẽ, ương bướng, cứng đầu, dày dặn kinh nghiệm trận mạc và hiên ngang dám chống lại cả số phận. Viền đen dần mất màu, trở nên mờ căm, và biến mất hẳn dưới mỗi bước tiến của Lena. Nếu có một người kéo được Shin ra khỏi vực sâu của sự tuyệt vọng, có thể phá vỡ được bức tường xung quanh con tim của Shin, thì người ấy chỉ có thể là Lena mà thôi!

.

“Vì anh ấy từng nói với tôi rằng: Đừng quên tôi!”

Vì anh ấy mong ước tôi sẽ tiếp tục sống

Vì anh ấy nói anh ấy muốn gặp lại tôi vào một ngày nào đó

Chính vì vậy tôi muốn ở đây vì anh ấy.

Mọi người có lẽ đã ra đi cả rồi,

Nhưng tôi vẫn muốn ở nơi họ muốn đi

Để đuổi kịp những người đã chiến đấu đến cùng

Lần này, tôi phải cùng chiến đấu với họ, vì tôi muốn dẫn họ đến phía bên kia chiến tuyến.”

.

Phía bên kia chiến tuyến … không những Lena – đến giờ phút này – đã đuổi kịp Shin và những đồng đội của anh, mà cô còn có tham vọng vươn xa hơn, là chấm dứt hẳn cuộc chiến để dẫn dắt những người còn lại đến “phía bên kia chiến tuyến” – nơi không còn chiến tranh hay sự dị nghị giữa sắc tộc, mà tất cả đều là sự bình đẳng, bác ái, như giấc mơ tưởng chừng quá viễn vong của Lena đã dần trở thành hiện thực. Chi tiết này, “phía bên kia chiến tuyến” còn thể hiện rằng, cô không chỉ bắt kịp Shin, mà đã vượt xa cậu!

.

“Cậu cũng nghĩ như vậy chứ? Chính vì cậu đã chiến đấu không mệt mỏi mà cậu đã sống, đã tồn tại ở đây. Tôi nghĩ cậu nên tự hào về bản thân hơn”.

.

Khúc này đúng là mình không kìm được cảm xúc! Sống mũi bỗng thấy cay cay. Mất đến 22 tập MỚI CÓ NGƯỜI NÓI VỚI SHIN CÂU NÀY!!!! Và người đó không ai khác ngoài Lena! Shin luôn bị “mặc cảm tội lỗi của người sống sót” dằn vặt. Tại sao không phải là anh mà người khác phải ra đi? Anh có xứng đáng với cuộc sống này không? Anh bất lực nhìn đồng đội mất đi mà không thể cứu sống họ. Chính vì sự vô dụng của bản thân mà anh đã mất đi tất cả. Những suy nghĩ tiêu cực này đã đeo bám dai dẳng Shin không biết trong bao lâu.

Cho đến khi có người nói với anh rằng:” hãy tự hào vì mình đã chiến đấu không mỏi mệt để tồn tại”.

Đôi khi, chỉ một lời khen nhỏ lại có thể xóa tan đi gánh nặng trên đôi vai cả cuộc đời của một con người. Những nỗ lực, công sức của Shin đã được thừa nhận! Dưới góc nhìn của người khác, những gì Shin đã làm, đã trải qua là không hề vô nghĩa! Và chính cái sự công nhận này nó như tia sáng tuy nhỏ nhoi nhưng lại ấm áp giữa màn đêm mịt mù giá lạnh, để sưởi ấm con tim và trao cho Shin một tia hy vọng, một động lực với mục đích để tồn tại.

Viền đen như một nhân vật thứ 3 đc sử dụng để miêu tả định mệnh

Lần đầu tiên, ta thấy một Shin biểu lộ quá nhiều khung bậc cảm xúc, ôm mặt khóc ngon lành như đứa trẻ thơ. Chi tiết Shin dùng dao cắt sợi dây an toàn thoát khỏi buồng lái, như là anh cắt đi chính cái sợi xích đã ghìm chặt anh bấy lâu trong cỗ máy chiến tranh. Đấy là lần đầu tiên, Shin nếm trải được sự tự do trong quyết định, muốn thoát khỏi vỏ ốc, gánh nặng, những thứ đã giam cầm anh để đi thêm bước nữa. Anh đưa tay lên bầu trời, trông theo hình ảnh của Lena đã đi xa. Giờ đây, chính bản thân anh phải là người đuổi kịp Lena, để giúp cô đạt được ước vọng đem mọi người qua “phía bên kia chiến tuyến” của mình, anh sẽ – bằng tất cả khả năng của bản thân – xây nên con đường cho Lena bước lên phía trước. Tất cả mọi người (mà Shin biết) đều sống sót qua cuộc chiến. Một phép nhiệm màu hiếm hoi mà ai cũng “xứng đáng” được hưởng.

Mặt khác, cuộc hội ngộ này cũng phần nào phản ánh tính cách rất kiên định của Lena xuyên suốt tác phẩm, khắc họa nên hình ảnh của cô gái mà hẳn ai cũng yêu thích! Lena hoàn toàn không hay biết Shin đang ở trước mặt. Đối với cô, thì anh cũng chỉ như một người lính bình thường của liên bang Giad. Cô luôn hết lòng, lo lắng và quan tâm đến tình cảnh người khác, không phân biệt đối xử, kể cả khi đấy là một người lạ mặt, hay là một tên “lính quèn” của đất nước xa lạ. Nếu Lena biết đấy là Shin, thì cái cách đối xử này của Lena sẽ bị gán cho chữ “đặc biệt” – tất nhiên người xem thừa biết tính cách Lena nếu theo dõi ngay từ đầu – nhưng mà chi tiết này một lần nữa củng cố cho sự nhất quán trong tính cách của Lena xuyên suốt chiều dài tác phẩm, và là điều về phát triển nhân vật mình đánh giá rất cao trong bất kì tác phẩm nào.

.

Cảm xúc quá! Vẫn còn muốn viết tiếp mà thôi mình nghĩ bài quá dài rồi, tập này có thể nói là sự hòa quyện tuyệt hảo của gần như mọi yếu tố, từ kỹ thuật phim ảnh, cho đến phối và phân cảnh, cách kể chuyện, diễn biến tâm trạng của nhân vật, lồng tiếng, âm thanh, âm nhạc và vv … để mang lại một trải nghiệm khó có thể quên đến với khán giả. Khi mà tất cả chi tiết qua đôi tay điêu luyện của Ishii được sắp xếp đúng vị trí để nâng tầm cảm xúc người xem: từ màn kịch câm để nhấn mạnh chất giọng quen thuộc, mạnh mẽ của Lena tạo ảnh hưởng lớn lên người Shin, viền đen góp phần phụ họa lẫn tác động trực tiếp lên tâm lí của cậu, bài nhạc nền “Voices of the Chord” xuất hiện đúng lúc để làm cảm xúc thăng hoa …

Một tập tuyệt vời, hết xẩy, và là kiệt tác đầu tay khó tin được của đạo diễn Toshimasa Ishii! Nếu tập này của 86 mà chiếu năm ngoái thì phải nói luôn là bộ sẽ ăn nhiều giải trên page mình. Mà thôi, với chất lượng tuyệt cú mèo như vầy thì 3 tháng chờ đợi cũng đáng giá lắm!

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button