AnimePhân Tích Nhiều Kì

Phân Tích & Bình Luận 86: Eighty Six Final Episode – Dấu Ấn Chuyển Thể Xuất Sắc Khó Có Thể Quên!

Mình tiếc một điều, rằng nếu 2 tập cuối của 86 mà hoàn thành trong năm ngoái, thì có lẽ 86 đã chiếm một phần spotlight bên cạnh những tác phẩm sáng giá khác – hơn là một bộ “hay nhưng lưng chừng” vẫn còn phải chờ ngóng để xem phần hạ màn.

Nhưng sau 3 tháng mòn mỏi chờ đợi (chính xác hơn là đúng 86 ngày), với niềm tin tuyệt đối mà Aniplex lẫn Kadokawa đã đặt vào đội ngũ của Toshimasa Ishii, ta mới có dịp thưởng thức 2 tập khép lại mà mình chỉ có thể dùng từ tuyệt mỹ để diễn tả. 86 có một trong những phần hạ màn hay nhất, ấn tượng nhất, giàu xúc cảm nhất mình đã từng được xem qua! Khi mọi thành quả, công sức lẫn sự cống hiến từ đội ngũ thực hiện đều được đền đáp! Tác phẩm không đơn thuần là một bộ chuyển thể cốt chỉ tiếp thị cho nguyên tác LN, ta còn có thể thấy sự tham vọng và tầm nhìn đội ngũ nhân sự gửi gắm vào, để tạo ra một điều gì đó rất đặc biệt, chung tầm nhìn, một kiệt tác!

Và cũng phải nói luôn, theo trí nhớ của mình, đây có lẽ là tác phẩm được ưu ái bậc nhất trong lịch sử A-1 Pictures khi họ cho phép chiếu theo hình thức split-cour (chiếu cách mùa), lẫn chấp nhận thời gian trì hoãn đến 3 tháng rưỡi, đặc biệt hơn khi điều này lại đến từ lời thỉnh cầu của một đạo diễn non trẻ – lần đầu đảm nhận một dự án tầm cỡ! Có lẽ tác giả LN là Asato Asato cũng phần nào góp chung tiếng nói với Ishii, chính bản thân cô cũng tham gia tận tình vào công đoạn sản xuất để đóng góp ý kiến – Asato đã gặp gỡ với đội ngũ thực hiện gần như là thường trực luôn!

Một trường hợp rất hiếm hoi khi những ông lớn phải xìu lòng trước tình yêu nghệ thuật của đội ngũ thực hiện mà cho họ toàn bộ thời gian họ đề nghị!

Quay trở lại tác phẩm, tập 22 và 23 do đích thân Toshimasa Ishii đảm nhận bảng vẽ phân cảnh nên nghiễm nhiên bạn cũng nắm được tầm quan trọng rồi (tập 23 còn có sự giúp đỡ của Tomohiko Ito – một trụ cột chỉ đạo chủ lực ở A-1 Pictures, và cũng là người “thầy” của Ishii)!

Tuy nhiên, có thể thấy phong cách chỉ đạo của Ishii là thứ ngôn ngữ của riêng bản thân anh đã tự phát triển và hoàn thiện: anh để đôi mắt dẫn đường! Từ các chi tiết hình ảnh ẩn dụ báo hiệu sự kiện (nhưng không quá trừu tượng mà lại dễ liên tưởng), cho đến những đoạn chuyển cảnh “mượt như lụa” giúp cho tổng thể câu chuyện được truyền tải trôi chảy hơn, cũng như là khả năng kiểm soát nhịp độ, tiết tấu để tạo cao trào và vv …

Điều mình ưng nhất, là khả năng sử dụng những đoạn cảnh tái lập – tương đồng xuyên suốt tác phẩm. Cùng một đoạn cảnh, nhưng lại mang ý nghĩa khác nhau! Hoặc cùng phân cảnh, đoạn cảnh, nhưng lại có những chi tiết khác biệt phản ánh sự tương phản mãnh liệt của quá khứ và hiện tại.

Lấy vd, mở đầu tập là một “amv” nhỏ của cả đội Spearhead tận hưởng cuộc sống bình thường. Trái lập với hình ảnh lần đầu tiên cả nhóm đến liên bang, ta cũng có một đoạn cảnh tương tự nhưng trầm và bi quan hơn khi họ – những con người 86 – không biết cách tận hưởng sự “bình thường” này như thế nào – Kurena lúc đấy chỉ biết nhìn qua lăng kính cửa hàng, nhưng lần này cô đã tự tay tậu bộ đồ với đôi giày mới toanh, tung tăng bước đi như cô gái trẻ “bình thường”, hoặc như Anju được các cô gái khác vây quanh vì nấu ăn ngon mà không bị dị nghị về thân thế và nguồn gốc. Các chi tiết tuy nhỏ nhưng thể hiện sự phát triển rõ ràng, không chỉ Shin mà cả đội dường như ai cũng trút bỏ được gánh nặng riêng, học cách tiếp tục bước đi để tiến lên phía trước.

Khung cảnh rõ ràng nhất có lẽ là của Shin, nhưng dưới lối dẫn dắt hình ảnh của Ishii thì còn nhiều chi tiết thú vị ẩn ý khác. Lúc Shin nói xong lời từ biệt với Rei, anh bước đi trên thảm vàng của loài hoa Daisy. Daisy vàng tượng trưng cho niềm vui, sự hạnh phúc và tình bạn “chân chính” – khi giờ đây Shin không còn bị dày vò, không còn cô đơn một mình mà đã có những người khác cạnh bên. Đặc biệt hơn là chi tiết hình ảnh con chim bồ câu thoát khỏi vòng vây của cả bầy Eintagsfliege, thoát khỏi bầu trời đen kịt để đến “phía bên kia” là một màu xanh tươi sáng, hòa cánh cùng 5 con chim bồ câu khác. Một lần nữa, chim bồ câu tượng trưng cho sự tự do – khi Shin, cùng với đội Spearhead – tự chọn và quyết định cho mình lối đi riêng, và nếu bạn để ý, sẽ đếm ra có đến tận 6 con chim bồ câu! Chà chà, hình như là thừa 1 con chim, hoặc con chim còn lại tượng trưng cho ai đây.

Sang nửa sau, cái hay ở đây là Ishii khai triển khoảng “giải bày” rất tinh tế – qua góc nhìn của Lena. Không có những đoạn thoại với mớ thông tin chằng chịt ngập mặt khán giả, mà Ishii thể hiện qua phân cảnh – bằng hình ảnh – của những gì diễn ra. Trên đống tan hoang đổ nát của nền cộng hòa thối nát San Magnolia thì tàn dư của xã hội cũ vẫn còn, ta thấy những công dân của xã hội cũ vẫn chưa thật sự “thích nghi” với những gì đã xảy ra, khi bỗng một phát họ bị cuốn vào sự hỗn loạn do sự yếu kém của tầng lớp cai trị. Nhưng liệu bạn có thể trách móc họ khi họ là những người không thể trông xa, đã bị tẩy não bởi xã hội ngay từ lúc mới sinh ra? Hoàn cảnh cũng có tác động lớn đến với cách mà con người sinh ra và nhìn nhận sự việc. Không ai sinh ra mà biết tất cả, họ chỉ như tờ giấy trắng ai cũng như ai mà thôi!

Sau đó là pha chuyển cảnh vào văn phòng của ông chỉ huy. Chỉ với một frame hình mà ta cũng đủ biết tính cách thối nát của gã này ra sao. Gã chỉ huy làm mọi cách để giữ chiếc ghế quyền lực, thể hiện rõ nhất qua 2 tấm hình đóng khung trưng trước bàn làm việc. 1 tấm gã chụp với 2 đứa trẻ 86, một tấm thì là hình kết hôn với gia đình đa sắc tộc (để ý ngón tay đeo nhẫn cưới của gã, lẫn màu sắc tóc vợ và đứa con), và đây chỉ là gia đình “bình phong” gã lập để đánh lừa dư luận mà thôi (đến con mèo còn xù lông)! Chỉ trong một đoạn cảnh nhỏ, không cần giải thích hay bất kì gì mà qua chi tiết hình ảnh, người xem cũng nắm được tình hình đang diễn ra.

Như đã nói trước đó, hoàn cảnh cũng có tác động cấu thành tính cách của một con người! Và trong đống hoang tàn của San Magnolia, thì đâu đó là những mầm non dần chớm nở, dần nhận thức được sự đổi thay.

Lúc Lena viếng thăm bia tưởng niệm của đội 86, ta thấy những hình ảnh tương đồng với Shin trước đó, cô đã hoàn thành được ước nguyện – đến nơi mà những đồng đội 86 đã tới, đã ngã xuống. Nhưng đây chưa phải là đích đến của Lena, mà chỉ là nơi khởi đầu, là nơi cô tiếp tục bước đi để thực hiện hóa khát vọng đã theo đuổi bấy lâu. Cùng phân cảnh cũng giúp giúp nhấn mạnh sự tương đồng trong phát triển. Hai người họ đã tìm ra mục đích để theo đuổi, lẫn chấp nhận mất mát, bỏ quá khứ lại phía sau mà tiến lên phía trước.

Và cái đoạn chêm thêm góc nhìn Fido vào thì nó lại sáng tạo vô cùng! Đây có lẽ là chi tiết “nâng tầm” nguyên tác tinh chạm nhất của Ishii! (20/03/2150 – cùng với ngày lên sóng lol). Fido đã cùng Shin trải qua biết bao ký ức, từ lúc nhỏ, cho đến trường thành, qua giai đoạn tăm tối, mất mát, đau khổ lẫn tuyệt vọng … Nếu các bạn còn nhớ, thì cuối cour đầu tiên, tác phẩm khép lại cũng bằng hình ảnh Fido, qua góc nhìn Fido, trên chiến trường tan hoang đổ nát, chẳng ai rõ số mệnh, sinh mạng của những người còn sống. Thế nhưng giờ đây, cũng qua Fido, trong khoảnh khắc hạnh phúc và vui sướng nhất, thì Fido vẫn còn đó, sát cánh bên cạnh Shin để lưu giữ niềm hạnh phúc mỏng manh này! Từ một cỗ máy vô tri vô giác, được nhân tính hóa để trở thành “người bảo hộ” cạnh bên Shin, trông theo từng thời khắc của anh có lẽ là thay đổi xuất sắc nhất mà Ishii thêm thắt vào! Lúc ống kính Fido phản chiếu ánh mặt trời, lóa sáng trong khoảnh khắc, như thể chính Fido cũng rơi lệ vậy!

Xuyên suốt tập cuối thì đã có nhiều lần Ishii chơi đùa với cảm xúc khán giả – như chêm bài ED vào trước cuộc gặp khiến mình phải mò đi xem lại thời lượng coi sắp hết chưa, và cuối cùng thì cuộc gặp gỡ “chính thức” cũng diễn ra. Mình phải suýt xoa xem đi xem lại nhiều lần phân cảnh này, Lena từ bất ngờ, cho đến vui sướng không thể kìm được nước mắt, diễn hoạt xuất sắc quá (và trông cũng cute nữa)! Ngay cả Shin – vốn sắt đá, ít biểu cảm, đặc biệt là khi đứng trước mặt người khác – đôi mắt anh cũng có chút viền đỏ biểu lộ sự xúc động. Và còn pha xoay máy quay qua góc nhìn từng thành viên của đội Spearhead đến với Lena cũng khiến mình không thốt nên lời được vì làm tốt quá, khi ai cũng có thời lượng như nhau (tất nhiên tâm điểm vẫn được đội ngũ ưu ái dành cho Shin và Lena).

Mở đầu tác phẩm bằng hình ảnh đường tàu sắt tăm tối trước mắt, kết thúc vẫn bằng hình ảnh đường rây đó, mà lại là một bầu trời tràn ngập sắc xanh của niềm hy vọng, của sự đoàn tụ, với một cú suýt-nắm-tay hé lộ nên tiêu đề tác phẩm.

Toshimasa Ishii đã chính thức vào hàng ngũ đạo diễn mình yêu thích nhất qua lối kể chuyện hình ảnh giàu cảm xúc và độc đáo của anh, đặc biệt hơn khi đây là tác phẩm Ishii “debut” trong vai trò chỉ đạo chính, là gương mặt mới toanh trong ngành! Một tác phẩm LN chuyển thể đỉnh cao tuyệt cú mèo, có dành bao nhiêu lời khen cũng không kể hết! Cũng phải cảm ơn đội ngũ A-1 Pictures cùng Ishii, lẫn sự ưu ái từ ban sản xuất đã cùng một tầm nhìn để cùng chung tay tạo ra một kiệt tác với đầy niềm nhiệt huyết và sự cống hiến tận tâm!

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button