Những Bộ Anime Tôi Yêu Thích Trong Năm 2023 (Phần 1)
Đến hẹn lại lên, bước sang một năm mới 2024, quý bạn đọc hãy cùng tôi 1 lần nữa nhìn lại chặng đường mà ngành công nghiệp anime-manga đã trải qua trong năm vừa rồi. Năm 2023, tôi cho rằng là 1 năm đầy đáng nhớ trong lĩnh vực anime, chúng ta đã được chứng kiến những khoảnh khắc, cột mốc hết sức thú vị. Ví dụ như ‘Idol’ trở thành bản Opening anime cũng như là bản nhạc Nhật đầu tiên chiếm lĩnh ngôi đầu của bản xếp hạng âm nhạc Billboard toàn cầu, bên cạnh đó thì hai tên tuổi huyền thoại lớn nhất trong ngành công nghiệp anime còn sống hiện nay đó là producer Masao Maruyama và đạo diễn Hayao Miyazaki cũng cho ra mắt 2 tác phẩm mới nhất, được xem như là ‘last dance’ của họ: PLUTO và The Boy and the Heron.
Đối với TV series, bên cạnh sự trở lại của những bộ anime shounen với những cái tên quen thuộc như là Jujutsu Kaisen, Kimetsu no Yaiba thì những tác phẩm mới như là Sousou no Frieren hay là Oshi no ko cũng đã ‘làm mưa làm gió’, gây khuấy động cộng đồng fan và góp phần tạo nên sự tươi mới phấn khích cho khán giả đại chúng. Còn đối với anime chiếu rạp thì những bộ phim như là The First Slamdunk, Suzume hay là The Boy and the Heron đều đạt được những thành công nhất định về mặt doanh thu ở thị trường Nhật Bản và quốc tế. Đặc biệt thì The Boy and the Heron có cơ hội để làm nên lịch sử tại lần trao giải Oscar sắp tới đây. Tôi hy vọng lần này Miyazaki-san sẽ đem về thêm 1 tượng vàng không những cho studio Ghibli mà cho cả loại hình anime nói chung.
Và sau cùng thì một trong những tác phẩm phổ biến và quen thuộc nhất với khán giả trong suốt 10 năm qua – Attack on titan cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết. Damn, những điều trên làm tôi có cảm giác năm rồi giống như là năm kết thúc 1 thời kỳ của anime để mở ra 1 chương mới vậy.
Thôi thì để xem như tổng kết lại năm 2023, sau đây là danh sách những bộ anime mà tôi yêu thích, ấn tượng nhất trong cả 1 năm. Các bạn nếu có những tác phẩm nào để lại dấu ấn sâu đậm nhất thì cũng hãy để lại bình luận nhé!
.
19. Revenger
Mở đầu danh sách là 1 tác phẩm mà chắc hẳn là rất ít người biết. Đây có lẽ là bộ anime TV series đầu tiên mà Gen Urobuchi trở lại làm biên kịch sau 1 khoảng thời gian khá dài vắng bóng để thực hiện những dự án anime movies và show múa rối. Cho bạn nào chưa biết thì Gen Urobuchi là người đã tạo nên kịch bản cho những bộ anime có chủ đề đen tối nổi tiếng của thập kỷ trước như là Madoka Magica, Fate/zero và Psycho Pass. Trở lại với Revenger thì đây không phải là 1 tác phẩm phức tạp ‘dark, deep fantasy’ như là những bộ trước đó của lão Urobuchi nhưng mà tôi cho rằng vẫn có độ giải trí cao và khán giả hoàn toàn có thể thưởng thức tốt những cảnh hành động báo thù mang tính chất ngầu, edgy và có cả độ lố bịch trong đó nữa. Điểm mạnh của tác phẩm cũng nằm ở phần hình ảnh đẹp đẽ, đặc biệt là thiết kế nhân vật được tôi đánh giá là đẹp nhất trong năm 2023. Còn phần nội dung thì cũng đơn giản thẳng thừng nên được cô động, gói gọn tốt trong 12 tập. Well, bộ anime tên là Revenger và nó cho ta những cuộc trả thù đúng với tên gọi thì còn đòi hỏi gì nữa chứ!
.
18. Kimetsu no Yaiba: Swordsmith Village Arc
Kimetsu no yaiba cũng đã trở lại trong năm rồi với mùa thứ 3. Đầu tiên thì điểm mạnh của phần 3 so với những phần trước, tôi cho rằng là nằm ở nhân vật phản diện. Vai trò của những nhân vật phản diện thông thường như là những kẻ gây ra rắc rối, tạo nên thử thách để mà nhân vật chính phải vượt qua. Do đó, một trong những cách để tạo nên phản diện thú vị đó là khiến hắn ta tạo cảm giác bối rối cho cả những nhân vật chính diện và khán giả. Và arc làng rèn kiếm tôi cho rằng đã thể hiện tốt điều trên thông qua nhân vật thượng huyền tứ. Hắn ta có khả năng phân thân ra thành nhiều bản thể đa dạng với ngoại hình, kỹ năng, và sức mạnh khác nhau, việc phải đối đấu với từng bản thể 1 đã là khó nhằn rồi mà đằng này còn phải phòng chống khả năng phối hợp lẫn nhau giữa chúng nữa chứ. Nhìn chung thì thượng huyền tứ đã trở thành 1 thử thách tôi đánh giá là thú vị nhất trong những phần anime đã công chiếu. Còn về thượng huyền ngũ thì chỉ để làm nền mà thôi, nhưng mà cũng đã trở thành 1 ‘cây hài’ sáng giá, việc mà 1 con quỷ đã sống nhiều trăm năm bị một cậu nhóc 14 tuổi ‘sấy’ không thương tiếc thật ra đã làm tôi bật cười khá nhiều. Kimetsu no yaiba cuối cùng thì cũng đem lại sự hài hước cho tôi mà không phải thông qua những chi tiết nhân vật hét vào mặt nhau, và Zenitsu không có trong phần này nên đôi tai của tôi cũng được thư giản đôi chút.
Tuy nhiên thì đây vẫn là Kimetsu no yaiba với những vấn đề quen thuộc như là việc ‘infodump’ giữa trận đánh làm tôi cảm thấy phiền phức, Tanjiro vẫn kiểu kể lể dài dòng về cảm giác đau đớn, mệt mỏi hay bị gãy bao nhiêu cái xương, …bla bla trong khi tôi hoàn toàn có thể thấy được rõ ràng thông qua hình ảnh cậu bị ‘nện’ tơi tả như cái mền rách rồi. Và về backstory nhân vật, ví dụ như Hà trụ – Muichiro, chỉ cần kể tới chi tiết cha cậu lên núi hái thuốc là tôi liền đoán ra tất cả luôn, mặc dù chưa từng đọc qua manga, thật quá là dễ đoán luôn. Cho nên tụ chung lại thì tôi đã có được những giây phút giải trí thú vị cùng arc này, nhưng mà vẫn là Kimetsu no yaiba mà thôi.
.
17. Heavenly Delusion
Ở vị trí 17 là Heavenly Delusion mà tôi nghĩ là đáng lẽ có thể nằm ở một vị trí cao hơn nhiều. Bộ anime này chứa đựng rất nhiều tiềm năng với ý tưởng sáng tạo, xây dựng thế giới hấp dẫn và đặc biệt là chất lượng sản xuất cực tốt từ studio Production I.G với animation mượt mà và phần background art (cảnh nền) rất là đẹp nữa. Có thể nói là tôi đã khá là kết tác phẩm này, cho đến 2 tập cuối. Về mặt cốt truyện thì tác phẩm có 2 mạch truyện song song với nhau, mạch truyện chính là về hành trình của Kiriko và Maru đi qua các vùng đất của nước Nhật hoang tàn, khám phá thế giới hậu tận thế đồng thời tìm kiếm 1 nơi gọi là ‘thiên đường’. Mạch truyện chính trong bộ anime tạm khép lại với 1 cảnh có thể nói là ‘gây sốc’ mà tôi cho rằng là nên có những sự giải thích nhiều hơn, trong khi tôi có thể đoán được lý do ở đằng sau, thế nhưng mà với chi tiết gây sốc như vậy mà bắt khán giả phải đoán mò tôi thấy cũng không được công bằng cho lắm. Còn đối với mạch truyện phụ về việc những đứa trẻ tìm hiểu bí mật đằng sau trường học bất thường bị cách ly với thế giới bên ngoài mà chúng đang sống, thì bộ anime đã dùng nhiều thời gian để miêu tả từng nhân vật cũng như tạo dựng bầu không khí hồi hộp bí ẩn thế nhưng ở tập cuối khi mà plot twist vừa mới xảy ra thì lại kết thúc quá nhanh và lưng chừng làm cho tôi khá bị lạc lõng. Nhìn chung thì trải nghiệm xem của tôi đối với bộ anime này đó là tôi rất là tò mò, hứng thú để xem từng tập nhưng mà sau cùng lại không thể mãn nguyện hoàn toàn được. Tôi có nghe một số tin rằng bộ anime có thể có phần hai, nên đành hy vọng rằng tác phẩm có thể cải thiện về mặt cốt truyện giải thích rõ ràng chi tiết và triển khai những plot twist được trọn vẹn hơn vậy.
.
16. Kaminaki Sekai no Kamisama Katsudou (KamiKatsu)
Ở vị trí 16 là một bộ anime, tôi cho rằng là minh chứng cho tính chủ quan hoàn toàn của những bộ anime thuộc thể loại hài hước. Đánh giá khách quan mà nói thì đây là 1 tác phẩm có chất lượng tệ hại, 3D CGI ‘xấu đau xấu đớn’, nội dung thì đầy những ‘dirty jokes’, ‘fan services’ của dạng ecchi anime mà người ta hay than phiền. Và bằng một cách thần kỳ nào đó thì đây lại là bộ anime gây cười nhiều nhất trong năm rồi đối với tôi, có thể nói là tôi đã có những khoảng thời gian giải trí tuyệt vời cùng với ‘rác phẩm’ này. Thứ mà khiến cho bộ anime hài hước đến như vậy là nằm ở tinh thần yêu thích ‘sh*t post’ của những người đã thực hiện dự án này, dàn staff đã xác định trước là nếu họ nghiêm túc tạo ra 1 tác phẩm có chất lượng tốt hơn thì với khả năng hạn hẹp của mình, khi trình chiếu cũng chẳng ai thèm quan tâm. Cho nên họ đã tập trung 100% năng lượng cho những nội dung animation chất lượng thấp như là 8-bit animation của những con game cổ điển, quái vật CGI và ngay cả việc ‘đắp’ filter anime lên 1 cảnh làm nông ngoài đời thật. Ngoài ra thì nội dung cốt truyện của bộ anime cũng khá là kỳ quái, lúc đầu tôi tưởng chỉ là dạng isekai fantasy thông thường thì về sau lại chuyển thành dạng du hành thành thời gian, sci-fi, siêu thiên,… đủ thứ yếu tố khác nhau pha trộn vào. Những điều trên đã khiến cho khán giả khó có thể tỏ ra nghiêm túc khi xem, tôi nghĩ là đã khiến cho sự tập trung vào những tình tiết vui nhộn gây cười được hiệu quả hơn. Nói chung thì tôi cũng không thể hiểu được cái ‘sense of humour’ –óc khôi hài của mình nữa, ví dụ như: ‘Bocchi the Rock!’ về mặt chất lượng sản xuất, khách quan thì chắc chắn là hay hơn gấp rất nhiều lần thế nhưng mà tôi khi xem vẫn thấy chán chán sao đó. Cho nên nếu các bạn không đồng ý thì hãy xem đây là danh sách của riêng tôi, tôi muốn đặt 1 bộ ngẫu nhiên gì lên đây cũng được vậy.
.
15. Undead Girl Murder Farce
Tiếp theo là 1 bộ anime có cái tên khá là kỳ lạ, nhưng lại hấp dẫn đầy bất ngờ. Được đạo diễn bởi Mamoru Hatakeyama, một vị đạo diễn đầy tài năng trong vài năm trở lại đây, được người ta biết đến thông qua Kaguya-sama tại A1-Pictures và Shouwa Genroku Rakugo Shinjuu tại studio Deen. Đối với tác phẩm lần này, do được sản xuất bởi Lapin Track, một studio còn mới mẻ và ít có tiếng tăm nên Hatakeyama-san chưa có cơ hội để ‘bộc phát’ hết năng lực của mình vươn lên tới đỉnh cao như là 2 tác phẩm trước đó nhưng mà tôi vẫn đánh giá đây là 1 bộ anime thuộc thể loại bí ẩn, trinh thám rất thú vị và đáng xem. Nhìn chung thì những tình tiết trinh thám trong bộ anime có sự phức tạp nhất định và khá là khó đoán, cộng với việc có sự tham gia của những nhân vật kinh điển, quen thuộc nhất trong thế giới truyện trinh thám là Sherlock Homes, Jack, Lupin, Moriarty chắc chắn sẽ đem lại những sự hào hứng cho khán giả. Ngoài ra tôi cũng khá là thích thú trước sự tương tác giữa 2 nhân vật chính, cô nàng thám tử ‘nhỏ hơn 1 mình’ và anh chàng diễn viên xiếc hay pha trò trêu chọc, cả 2 đều là những nhân vật có nét tính cách độc đáo và cuốn hút đủ lớn để giữ chân người xem. Mặc dù arc cuối trong bộ anime (làng người sói) hơi bị thất vọng, không hay bằng so với 2 arc đầu, thì nhìn chung tôi vẫn sẽ xem đây là một trong những ‘hidden gems’ của năm 2023.
.
14. Migi to Dali
Nói đến chủ đề ‘hidden gems’, thì Migi to Dali có lẽ là tác phẩm mà tôi cho rằng xứng đáng với cụm từ này nhất trong năm 2023 vừa qua. Đây có thể nói là bộ anime kỳ lạ nhất trong mùa thu 2023, kể về 2 cậu bé sinh đôi Migi và Dali phải đóng giả thành 1 người để được nhận nuôi vào gia đình nhà Sonoyama, từ đó mà 2 cậu có thể tìm hiểu, điều tra về cái chết bí ẩn của mẹ ruột, cũng tại ngôi làng này. Về nội dung thì bộ anime cũng không có gì là khó hiểu thế nhưng thứ khiến cho khán giả cảm thấy thực sự kỳ quái đó là hành động của những nhân vật. Tác phẩm là sự pha trộn độc đáo giữa sự hài hước và đáng sợ, tùy vào từng tình huống mà chúng ta có thể bật cười hay là rợn người bởi những hành động, vẻ mặt khác thường của những nhân vật. Có lẽ người ta xem mấy tập đầu của bộ này rồi kiểu: ‘Cái quái gì thế?!’ rồi từ bỏ không tiếp tục nữa. Nhưng mà các bạn hãy tin tôi, càng về sau những ‘plot twist’ trong bộ anime ngày càng hấp dẫn, làm tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, có thể cho rằng yếu tố bí ẩn trong tác phẩm được dẫn dắt rất tốt luôn. Trước khi bộ anime được trình chiếu thì đáng tiếc thay tác giả manga là Nami Sano đã phải qua đời sớm vì bạo bệnh, cho nên có thể xem Migi to Dali như là lời tiễn biệt của cô đến với khán giả. Cùng với 1 tác phẩm khác là ‘Sagamoto Desu ga?’ mà tôi cũng đánh giá là một bộ anime hài hước có nhiều điểm độc đáo và thú vị, cho nên tôi xin được ‘recommend’ bạn đọc 2 tác phẩm này như là cách để tưởng nhớ đến 1 nữ mangaka đầy tài năng, phá cách và sáng tạo.
.
13. Shangri-La Frontier
Cũng tại mùa thu 2023, tiếp tục là 1 bất ngờ lớn khác đối với tôi, đó chính là Shangri-La Frontier. Lúc đầu nhìn vào bộ anime này cảm tưởng của tôi kiểu như: ‘lại là dạng VR-MMO, 1 copy-paste của SAO nữa chứ gì’. Thế nhưng có thể nói tác phẩm này đã đánh tan mọi nghi ngờ của tôi, thậm chí bộ anime này còn làm được 1 số thứ mà cả bản gốc của SAO đã bỏ lỡ nữa chứ. Yếu tố quan trọng nhất mà Shangri-La Frontier đã đem đến cho tôi mà nhiều con hàng anime về game, VR-MMO các kiểu khác hiếm bộ làm được đó chính là ‘fun’- tính giải trí, hào hứng. Lý do mà người ta thích xem người khác, những streamers chơi game trên mạng là để được nhìn thấy biểu cảm của những game thủ trước các thử thách khó nhằn đến mức phẫn nộ, la hét trong tuyệt vọng, hay vẻ mặt thích thú của họ khi khám phá ra những cơ chế hiếm gặp, hoặc là để chiêm ngưỡng kỹ năng ‘thượng thừa’ của những người đã đạt tới trình độ ‘pro’. Tất cả những điều trên phần lớn bộ anime về thế giới game mà tôi đã xem đều thất bại hoàn toàn trong việc tái dựng lại. Chỉ đơn giản là nhân vật chính trở nên bá đạo nhanh chóng, spam những phép thuật mạnh mẽ và lập harem gì đó. Và tác phẩm này đã chứng minh được điều ngược lại rằng tiềm năng của những thế giới game khi khai thác đúng sẽ phát huy tính hiệu quả đến thế nào. Thứ nhất về mặt xây dựng thế giới thì tôi hoàn toàn có thể cảm nhận được sự nhiệt huyết, đam mê của tác giả với những tựa game RPG ‘hardcore’, còn nhớ đến những ‘dungeon’ ẩn trong các bức tường của franchise game Darksoul hay Elden ring làm cho người ta phải há hốc mồm, bất ngờ, thì cũng được tạo dựng thành công bên trong thế giới của Shangri-La Frontier với vô vàn cơ chế ẩn thú vị chờ được người chơi khám phá. Thứ hai đó là về nhân vật chính Sunraku, cứ làm tôi liên tưởng đến những gamer dạng ‘speed runner’ cứ build đồ kiểu full dame, full crit, với tư tưởng là bạn không cần build máu, giáp nếu bạn không có kế hoạch bị dính đòn mà sẽ cố gắng để né chiêu toàn bộ, cách chơi game trên của Sunraku tôi nghĩ cũng là những tình tiết đem đến nhiều sự độc đáo, nổi bật cho tác phẩm. Một số người có thể bảo bộ anime này nội dung quá là đơn giản, thiếu chiều sâu gì đó thì tôi cho rằng bản thân mình chỉ mong đợi 1 thứ duy nhất đó chính là ‘fun’ -sự giải trí từ tác phẩm và nó đã đáp ứng 1 cách tuyệt vời là được rồi.
.
12. Buddy Daddies
Trong những bài viết trước đây thì tôi có đề cập chủ đề về tình cảm gia đình như là 1 trong những loại chủ đề mà tôi yêu thích. Trùng hợp thay thì studio PA Works, với sự trở lại mạnh mẽ trong 2 năm trở lại đây của mình cũng đã tạo ra được 1 tác phẩm hoàn toàn phù hợp với tôi, đó chính là ‘Buddy Daddies’. Người ta thường so sánh tác phẩm này với bộ anime nổi tiếng Spy x Family. Tôi thì cho rằng Spy x Family truyền tải đa dạng nhiều loại chủ đề hơn về hành động điệp viên, cùng với những chi tiết hài hước liên quan đến cô bé Anya ở trường học,… còn đối với bộ anime này thì tập trung vào yếu tố gia đình nhiều hơn. Thế nhưng có 1 thứ mà tôi cho rằng Buddy Daddies đã làm rất tốt đó là thể hiện 1 cách chân thật những khó khăn, thử thách mà các bậc phụ huynh phải vượt qua trong quá trình nuôi dạy trẻ nhỏ. So với Anya thì cô bé Miri còn có nét giống với trẻ em ngoài đời thật bội phần hơn nữa, Miri thường xuyên khóc nhòe, cũng như tỏ ra phiền phức, nhưng mà vì nụ cười đáng yêu của cô bé mà đối với Kazuki và Rei, tất cả những sự quản nhọc, vất vả, phiền muộn đều được tan biến hết. Nhìn chung thì đây là một tác phẩm mà tôi cho rằng có sự cân bằng tốt giữa yếu tố hài hước và drama và truyền tải thông điệp đầy ý nghĩa về tình cảm gia đình, giúp cho những kẻ lầm đường lạc lối thay đổi bản thân, trở thành một con người có trách nhiệm và sống tốt hơn.
.
11. The Eminence in Shadow Season 2
‘Chúa hề’ isekai Cid Kagenou cũng đã trở lại trong năm vừa rồi với phần 2 của The Eminence in Shadow. Trước khi phần này công chiếu thì tôi cũng bày tỏ một chút quan ngại về việc mà bộ anime dựa quá nhiều vào nhân vật chính, và có vẻ những cái jokes sẽ bị lặp lại làm cho yếu tố hài hước thiếu đi độ hiệu quả. Bởi vì có quá nhiều nhân vật nữ trong tác phẩm này, đến mức mà tôi quên đi việc đếm số lượng là bao nhiêu luôn rồi. Đúng là mỗi cô nàng đều có nét ngầu, thú vị riêng ví dụ như Alexia, tôi khá là thích tương tác giữa cô ta và Cid trong những tập đầu của mùa 1, thế nhưng về sau thì nhân vật này có quá ít thời lượng lên hình để khán giả có thể hoàn toàn quan tâm đến. Cho nên có thể nói trọng tâm của bộ anime hoàn toàn dồn vào chàng nhân vật chính của chúng ta. Thế nhưng, sau khi xem xong thì những lo lắng của tôi đã phải biến mất, có thể nói rằng phần 2 vẫn giữ nguyên chất lượng của mùa 1. Thứ tôi thích ở The Eminence in Shadow đó là sự tận tâm của tác phẩm này vào những cái ‘jokes’ của mình. Ví dụ như ở arc về vampire, Cid sau khi học được 1 vài câu nói ngầu từ 1 nhân vật giống như Lady Maria trong game Bloodborne thì cậu ta liền lặp lại nó, phần lớn khán giả chúng ta đều nghĩ rằng cùng lắm thì cậu sẽ chỉ ‘spam’ câu trên đến cuối tập đó thôi. Thế nhưng không, bộ anime đã lặp đi lặp lại 1 joke trong nguyên cả 1 arc luôn, đến mức mà những gì mà tôi nhớ được từ arc đó chỉ là câu nói trên mà thôi.
Thế còn arc tiếp theo là về kinh tế học và sự lạm phát, vẫn dựa tên cái joke hiểu lầm quen thuộc khi mà những thuộc hạ tưởng rằng Cid là bậc ‘quân sư’ thần thánh đã dự tính hết trước mọi chuyện thì bản thân cậu ta thực ra chỉ là muốn thỏa mãn mong ước từ thuở nhỏ của mình được in tiền thoải mái mà thôi. Và điều mà tôi thích là bộ anime đã nối dài cái joke trên ra ‘vạn dặm’ luôn, làm cho toàn bộ arc từ đầu đến tận những phút cuối chỉ là hiểu lầm nối tiếp hiểu lầm.
Từ đó mà tác phẩm đã xây dựng được 1 nhân vật chính có tính cách chunnibyou, ảo tưởng lx max, nhiều sự thú vị hơn hẵn những nhân vật buồn chán self-insert thông thường của thể loại isekai. Tôi thậm chí đánh giá Cid là một trong 3 nhân vật chính ấn tượng nhất trong những bộ isekai đã xem qua (cùng với Rudeus và Kazuma). Ngoài ra thì phần 2 cũng được nối tiếp chất lượng animation tốt từ phần 1 giống như trường hợp của One punch man khi mà chỉ là một bộ anime mang tính chất ‘parody’ nhưng mà lại có những cảnh hành động cũng phải được gọi là cực cháy đó. Tóm lại thì tôi sẽ rất là háo hức mong chờ vào bộ movie tiếp theo, sau 1 plot twist đầy bất ngờ ở cuối mùa này.
.
10. [Oshi No Ko]
Tiếp theo là một bộ anime không cần phải giới thiệu gì nhiều, khi mà đã là cái tên càn quét những bảng xếp hạng độ nổi tiếng và doanh số của mùa hè 2023, cùng với 1 bản Opening siêu nổi tiếng và 1 tập đầu bị overhyped (hyped quá mức). Thú thật thì tôi có lẽ nằm trong thiểu số những người nghĩ rằng tập 1 của Oshi no ko đã bị đánh giá cao quá mức.
(Đoạn này tôi sẽ spoil về tập 1 nên cảnh báo trước cho các bạn) Ví dụ như là nhân vật Ai Hoshino thì theo kiểu điển hình quá là vui tươi, quá là tích cực để mà có cái kết đẹp, đặc biệt là trong một bộ anime mà bạn đã biết trước là sẽ dark, giây phút mà cô ta xuất hiện thì tôi liền kiểu như: yeah lại là trường hợp của ‘bộ số 4’ nữa rồi. Hay là những plot twist trong tập này đều mang lại sự lạ lẫm với tôi, bởi vì tôi nghĩ rằng mình sẽ xem 1 tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội chứ không phải là 1 bộ fantasy có yếu tố luân hồi và những đứa trẻ sơ sinh biết nói. Cũng như chi tiết mà nhân vật chính đột ngột ‘ngủm’ ngay từ những phút đầu mà chẳng có ai thèm đi tìm hung thủ hay là mảy may quan tâm đến cũng làm tôi khá là chấm hỏi.
Đối với tôi thì tác phẩm này còn màu hường chán so với hiện thực khi mà các bạn có thể tìm thấy vô vàn tin tức chấn động thể hiện mặt tối của ngành công nghiệp giải trí trên khắp thế giới đến mức mà tác giả hoàn toàn có thể phơi bày trần trụi sự thật để trở thành bộ anime đáng sợ, gây ám ảnh nhất (giống như bộ phim Perfect Blue của Satoshi Kon). Thế nhưng sau khi trải nghiệm xong Oshi no ko thì có thể nói rằng không phải vì những ‘plot twist’ hay vì sự ‘dark’ mà thứ khiến cho tôi ngày càng đánh giá cao bộ anime này chính lại là nằm ở cái ‘màu hường’ nói trên.
Những chi tiết như là cảnh mà vị mangaka nức nở cảm ơn Kana vì cô bé đã cố gắng hết mình diễn xuất, và tôn trọng giá trị của tác phẩm gốc ; cảnh mà mọi người cùng chung tay giúp đỡ Akane vượt qua khó khăn, tuy ban đầu họ chỉ diễn xuất với nhau theo kịch bản của chương trình nhưng càng ngày tình bạn và cả tình yêu thật được ‘đâm chồi, nảy nở’ ; hay là cảnh mà Aqua với vẻ ngoài lạnh lùng thường thấy của mình đột nhiên nhảy lại điệu nhảy quen thuộc lúc còn nhỏ để cổ vũ cho cô em gái của mình. Tôi cho rằng những chi tiết trên cũng chính là lúc mà Oshi no ko tỏa sáng nhất, nó thể hiện một sự hy vọng mãnh liệt được chính tác giả gửi gắm vào ngành công nghiệp giải trí, rằng cho dù có bao nhiêu sự dối trá ở đằng sau ánh hào quang, thì vẫn sẽ luôn còn những giá trị chân thật đáng để trân trọng. Akasaka Aka đã cho khán giả 1 góc nhìn đa chiều không những chỉ có sự phê phán, nhìn vào mặt trái của ngành cộng nghiệp giải trí, mà trên hết còn là 1 thái độ lạc quan, 1 bức thư tình rằng cho dù nhận thức được những mảng tối kia, anh ta vẫn sẽ quý trọng những bạn trẻ dám dấn thân vào, dối diện với thử thách. Và tôi nghĩ chính góc nhìn lạc quan trên là giá trị đặc sắc nhất khiến đây là 1 tác phẩm rất đáng xem trong năm rồi đối với tôi.