Những Bất Cập của Mô Hình Kyoto Animation. [ Phần 1 ]

Có một câu hỏi thú vị từ một bạn ở group: làm ít nhưng “chất lượng” thì chẳng phải tốt hơn làm nhiều nhưng “ít chất lượng”, cũng như mang lại nhiều lợi nhuận hơn?
Mình đoán không ít người đã từng suy nghĩ về điều này. Nếu làm ít mà chất lượng, tạo được nhiều lợi nhuận hơn thì tại sao cả ngành công nghiệp anime lại không chọn hình thức này làm quy chuẩn? Đây sẽ là bài viết dài 2 phần.
Phần 1: Điểm bất cập của một studio “lý tưởng”.
Mình sẽ lấy Kyoto Animation ra làm hình mẫu lý tưởng để phân tích. Nếu bạn đã theo dõi page thì chắc chắn không xa lạ gì với cái tên Kyoto Animation rồi. KyoAni luôn là studio trứ danh về chất lượng hoạt hoạ, các tác phẩm của họ luôn mang rất nhiều sự cống hiến và tâm huyết của những người thực hiện, là ví dụ rõ nhất cho cái “tâm” của người nghệ sĩ trong cả rừng những tác phẩm và studio chạy theo “thị trường” hiện nay, là minh chứng cho việc “làm ít nhưng chất lượng”. Mình đã có viết một bài từ A-Z về Kyoto Animation nên sẽ chỉ tóm gọn lại những ý quan trọng.
Kyoto Animation tuy là studio có mô hình hoàn hảo, nhưng lại mang nhiều bất cập nếu muốn áp dụng rộng rãi mô hình này với toàn bộ ngành công nghiệp. Hay nói một cách khác, nó hoàn hảo đến mức viễn vông.
Đây là một mô hình chỉ DUY NHẤT KyoAni là hoàn thiện được trong hàng chục năm kể từ khi ngành công nghiệp anime ra đời và phát triển. Một mô hình cần hội đủ các yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hoà” và cả chút ít sự may mắn để biến nó thành hiện thực.
Trước nhất là họ đã có hàng chục năm chuẩn bị, đến mức đã thiết lập nên một nét văn hoá công sở chỉ tìm thấy được ở KyoAni. Vào thập niên 2000, khi KyoAni chuyển mình từ studio chuyên gia công sang một studio trực tiếp đảm nhận thực hiện những tác phẩm, thì họ đã có gần 20 năm trong ngành với một đội ngũ animator lành nghề dày dặn kinh nghiệm, với những khoá học được thiết kế tinh chạm tỉ mỉ từ bàn tay của những animator ưu tú nhất ngành công nghiệp. Ta thấy rõ sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng của KyoAni. Dục tốc bất đạt, trồng người là bước tối quan trọng, là phương châm hàng đầu của KyoAni, là công đoạn không thể nào đi nước rút. Vậy nên việc đòi hỏi những studio hiện nay “tái cấu trúc” toàn bộ mà đầu tư hết cho nhân lực và mở những khoá huấn luyện một cách “đại trà” là chuyện không tưởng. Nhất là khi phần lớn nguồn lực của các studio lớn phụ thuộc vào outsource. Việc quá phụ thuộc vào outsource, bỗng chuyển hết về inhouse (inhouse nghĩa là chỉ dùng staff nhà) sẽ tạo ra một gánh nặng không tưởng có thể đánh sập bất cứ production nào.
Cho dễ hình dung thì ngành công nghiệp hiện tại vận hành như những bánh răng cưa liên kết chặt chẽ với nhau, một khi các con bánh đã lăn chạy, thì không thể dừng được cả guồng máy vận hành. Cách làm duy nhất là tháo từng con bánh nhỏ, thay đổi, rồi trám chúng về chỗ cũ. Và đây là những gì đang diễn ra. Các studio tên tuổi đã dần nhận ra được tầm quan trọng của việc sở hữu đội ngũ “nhà trồng”, và họ đang từng bước triển khai những mô hình huấn luyện như của KyoAni. Lấy vd, với White Fox thì họ có Izukougen studio, Mappa thì có Annex (mới thành lập trong những năm gần đây), ufotable thì có Tokushima studio và vv … vốn là những studio đảm nhận gia công để mang lại kinh nghiệm cho lực lượng nhân sự trẻ của riêng họ (riêng Annex thì đã triển khai sản xuất luôn, thế mới thấy Mappa chạy tốc độ đến mức nào).
Nhưng như thế vẫn chưa đủ!
Quay trở lại thập niên 2000, KyoAni đã “may mắn” chuyển thể những hit lớn để tạo nên tiếng vang thị trường. Bắt đầu với Haruhi và K-on, họ nhanh chóng thâu tóm được một lực lượng fan hâm mộ hùng hậu, mở đầu cho sự bùng nổ của kỷ nguyên LN xâm nhập thị trường anime và làn sóng “moe-show” kéo theo sau. Hay nói một cách khác, họ đã có những tác phẩm ra mắt “đúng thời điểm”, cũng như chút ít may mắn được chọn thầu (tất nhiên không thể phủ nhận những công sức trước đó của họ) để tạo ra nhiều hit lớn “thống lĩnh” thị trường, xây dựng nên lực lượng fan cuồng nhiệt – những con người sẵn sàng “ăn ngủ nghỉ” với KyoAni, và luôn nhẫn nhịn hóng chờ những tác phẩm về sau của KyoAni (và lực lượng fan này sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận bị động từ nhiều hình thức nguồn thu khác của studio, giúp họ duy trì mô hình này năm qua năm).
Mặt khác, đây là thời điểm ngành CN chỉ ở giai đoạn “sơ khai” của sự bùng nổ, nên sự cạnh tranh thương hiệu không “tàn khốc” như hiện nay. 20 năm sau, muốn tạo nên tiếng vang giữa cả rừng những studio tên tuổi khác là chuyện không tưởng (người ta sẽ nhớ đến Mappa, Clover, Ufo … chứ ko ai nhớ studio vô danh nào đó mới thành lập). Tất nhiên, vẫn có số ít các trường hợp hiếm hoi muốn tạo nên ấn tượng mạnh với khán giả bằng dự án lâu dài, và studio Bind với Mushoku Tensei là ví dụ rõ nhất của việc cố gắng xây dựng lực lượng fan nòng cốt cho riêng mình qua một tác phẩm chất lượng.
Và cuối cùng, KyoAni có một chủ tịch với tầm nhìn chiến lược lâu dài đúng đắn! Vị chủ tịch Hatta đã lèo lái đầu tàu định hướng cho studio gần 40 năm, với tầm nhìn, phương châm và lập trường không thay đổi xuyên suốt bao thế hệ animator và khán giả! Họ biết cách vận hành, mở rộng đa dạng các lĩnh vực nhờ vào kinh nghiệm của một “tướng lĩnh” kì cựu. Một bạn chuyên gia của group Sakuga tụi mình đã có bài cover kĩ về cách thức KyoAni kiếm thêm thu nhập, cũng như chia sẻ thêm về khoá học tại KyoAni rất thú vị, mình sẽ để link bài viết ở bình luận. Ta không thể kiếm ra một Hatta thứ 2! Cũng như chỉ có duy nhất một Kyoto Animation mà thôi – dù sau hàng chục năm cũng không thể có một studio nào tái lập được kì tích như KyoAni đã làm được. Lấy vd, KyoAni chấp nhận rủi ro lớn khi từ đối tác thành kẻ cạnh tranh đối đầu trực tiếp với những ông xuất bản lớn như Kadokawa, Kodansha, vv … khi tự tay tổ chức giải thưởng LN thường niên và thành lập nên bộ phận xuất bản của riêng họ (mình đã phân tích khá kỹ qua bài KyoAni – tất cả những gì fan nên biết). Nhưng không vì thế mà ngành CN lại không có những nhân tài khác với lối đi riêng của họ, vd như Kondo – CEO của ufotable – người ta thường biết đến ông qua tin … trốn thuế, nhưng không thể phủ nhận đường lối tư duy của Kondo là rất chuẩn xác với góc nhìn rộng (mở tiệm café, rạp chiếu phim kiếm thêm thu nhập), góp mặt thương lượng vào những dự án lớn giúp ufotable đạt được vị thế như ngày hôm nay!
Thiên thời – địa lợi – nhân hoà, và cả chút ít may mắn nữa để tạo ra mô hình “lý tưởng” mà KyoAni có được ở ngày hôm nay!
Một so sánh thú vị nho nhỏ để bạn nhận ra sự kỳ công đến mức “vi diệu” mà KyoAni đã làm được. Ufotable là studio – theo mình đánh giá – là studio có mô hình “gần giống” nhất với KyoAni khi sở hữu cho riêng mình một lực lượng nhân sự nòng cốt “nhà trồng” tài giỏi. Thành tích lớn nhất mà Ufotable từng đạt được – là tự tay sản xuất hoàn chỉnh một tập anime (tập 2 của Kimetsu no Yaiba season 1) mà không cần nhờ bất kì studio hỗ trợ nào khác. Thế còn Kyoto Animation? Họ có thể đảm nhận sản xuất đến 99% mọi công đoạn chính! Từ vẽ cảnh nền, cho đến gia công, KA, chỉ đạo … tất cả mọi thứ (có số ít những khâu hiếm hoi phải thuê nhân sự bên ngoài như soạn nhạc chẳng hạn). Không một studio nào trong ngành CN có thể tái lập lại được kì tích Kyoto Animation đã làm được. Đến cả Toei, Pierrot, Ufotable, Mappa, Madhouse … hay thậm chí là Ghibli – cũng phải nhờ đến những studio hỗ trợ khác (lấy vd, với The Wind Rises thì Ghibli phải nhận hỗ trợ từ 5 studio vệ tinh khác nhau).
Chỉ duy nhất Kyoto Animation mà thôi, là studio có thể toàn lực thực hiện từ A-Z (bằng nhân sự nhà), mọi công đoạn cho một tác phẩm anime điện ảnh và truyền hình. Thế mới thấy Kyoto Animation như một studio “độc lập” với mô hình đóng kín và tách rời khỏi ngành công nghiệp anime. Một trường hợp đặc biệt (nếu ko muốn nói là hy hữu) trong toàn bộ những studio hiện nay.
Mở rộng ý này chút ít để tránh hiểu lầm, Kyoto Animation trên thực tế vẫn có nhờ studio hỗ trợ, nhưng phần công việc đem đi outsource là cực kì thấp so với các studio khác. Và họ có thể tự FULL inhouse mà không cần nhờ đến bất kì studio vệ tinh nào – vd như qua Maid Dragon S là một tác phẩm 100% hình ảnh của KyoAni.
Sẽ thật là viễn vông và bất khả thi nếu bạn mong muốn một studio nào đó “được như Kyoto Animation”. Công sức – thời gian – của cải – vật chất – và cả chút ít sự may mắn, vốn là những điều … xa xỉ trong thế giới hiện nay.
Bài phần 2 mình sẽ phân tích bình luận về “lợi nhuận” giữa “làm nhiều nhưng ít chất lượng” so với “làm ít nhưng chất lượng cao”.