AnimeIndustryNhững Vấn Đề Khác

Nhập Môn Sakuga – Nét Nhiệm Màu Của Hoạt Hoạ Nhật Bản.

Đây có lẽ là thuật ngữ không còn xa lạ gì với những bạn là fan của anime lâu năm, nhưng nếu bạn là người mới xem hoặc tò mò và muốn tìm hiểu sâu thêm về sakuga, thì mình hy vọng bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan hơn, cũng như giúp bạn xây dựng nên những cơ sở cần thiết để tự bản thân đánh giá.

Bài viết này không phải là một “bảng chỉ dẫn” với những thước đo đánh giá tuyệt đối, mà là bài dẫn dắt để bạn tham khảo, mà từ đó nhận ra những gì bạn có thể đã bỏ qua khi nói đến anime. Bài viết chia làm 3 phần nên bạn cứ nhâm nhi từ từ.

1/ Vậy trước nhất, Sakuga nghĩa là gì?

Nếu dịch theo nghĩa đen thì có nghĩa là “vẽ tranh”, mà cụ thể là “hoạt hoạ”. Nhưng từ lúc anime trở thành làn sóng văn hoá bao phủ toàn cầu, thì nghĩa sử dụng cũng được thay đổi. Cộng đồng anime từ lâu đã công nhận đây là thuật ngữ dùng để chỉ những đoạn hoạt hoạ có chất lượng hình ảnh vượt trội so với các cảnh thông thường.

Và nếu sử dụng theo định nghĩa kể trên, mình tin bạn đã hình dung ra ngay những đoạn cảnh ấn tượng ở bộ anime nào đấy bạn từng xem qua. Đấy thường là những đoạn cảnh quan trọng nhất trong một tập, là những khoảnh khắc kịch tính nhất trong câu chuyện mà thông qua sự đầu tư mạnh mẽ về mặt hoạt hoạ và hình ảnh sẽ mang đến các cảm xúc khác nhau nơi khán giả theo dõi, khiến họ say mê và trầm trồ. Khái niệm sakuga cũng không chỉ gói gọn ở những đoạn cảnh hành động làm “lác mắt” người xem, mà còn qua những cảnh “diễn xuất” đầy sự tinh tế, giàu biểu cảm của các nhân vật qua bàn tay điêu luyện từ hoạt hoạ sĩ.

Và để tìm hiểu sâu hơn về sakuga, thì bạn sẽ cần hiểu sơ qua một cách khái quát về ngành công nghiệp anime hiện nay.

Với số lượng anime được sản xuất rất lớn mỗi năm, thì chuyện studio phải chạy theo lịch làm việc khắc nghiệt là việc thường xảy ra với bất kì studio lớn nhỏ nào, từ Mappa, WIT cho đến Cloverworks, Sunrise, Bones và v.v… – ngoại lệ là Kyoto Animation và Ufotable, ta không nên lấy 2 studio này làm tiêu chuẩn vì họ đã là phần tách biệt trong cả ngành CN, và mô hình của họ cũng mang đến nhiều sự bất cập khác nhau, nếu bạn tò mò muốn biết thì mình đã đính kèm đường link bàn sâu về mô hình KyoAni ở phần bình luận. Chính vì vậy, theo mình thì ta nên cân nhắc 3 tiêu chí ban đầu trước khi đánh giá để thiết lập nên mức “kỳ vọng” sao cho hợp lý đối với một đoạn sakuga bất kì: thời gian – chi tiết trong hình ảnh – mức độ mượt mà của hoạt hoạ.

Nghĩa là sao? Với những đoạn sakuga kéo dài (tầm 2 phút hơn, con số ước lượng tuỳ vào mật độ chi tiết trong thiết kế gốc của mỗi dự án) thì chi tiết hình ảnh phải được tối giản để đảm bảo số lượng frames cần thiết, cho phép hoàn thành kịp tiến độ, cũng như giữ sự ổn định xuyên suốt. Mặt khác, những đoạn sakuga chỉn chu hình ảnh với mật độ chi tiết nhiều, thì thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Vậy nên ta không thể “đòi hỏi” một đoạn sakuga kéo dài đến hơn 2-3 phút mà lại mang những hình ảnh sắc nét, góc cạnh đến từng chi tiết trong từng frame, đây là chuyện viễn vông ngoài trừ những dự án movie lớn.

Ý này của một bạn nhắc mình trong nhóm sakuga, thấy cũng rất hợp lý (mà lúc viết mình chưa nghĩ đến) nên sẽ thêm vào đây. Bất kì dự án nào cũng có một nguồn kinh phí nhất định từ bên uỷ ban sản xuất, studio chỉ là bên được thuê để thực hiện anime nên họ thường bị gò bó trong nguồn kinh phí được định sẵn, phải dàn trải và chi tiêu hợp lý. Lí do vì sao ta có các tập ưu tiên thấp và cao. Mặt khác, tối giản chi tiết là việc phải làm trong các đoạn sakuga để giảm thiểu rủi ro và retake, vì retake cũng tốn chi phí và thời gian, cũng như số lượng frames cần thực hiện (vd cut được gửi đến nhưng thiếu chi tiết, phải làm lại theo yêu cầu đạo diễn, thì điều này cũng tốn thêm chi phí và thời gian sản xuất).

2/ Hoạt hoạ cũng là một hình thức nghệ thuật, với nghệ sĩ là những animator.

Nếu theo dõi page thì hẳn bạn đã nghe qua các tên tuổi animator hành động có tiếng trong ngành như Arifumi Imai – nổi bật qua các đoạn sakuga bay nhảy của Levi trong series Attack on Titan. Nozomu Abe – đoạn Saber vs Berserker trong loạt phim Fate Heaven’s Feel, hay series Demon Slayer. Yutaka Nakamura – huyền thoại của Bones, góp mặt trong những tác phẩm kinh điển như Cowboy Bebop, Sword of the Stranger …

Imai có khả năng cảm thụ thần sầu về hoạt hoạ không gian, Abe mang phong cách cầu kì trong chi tiết với những đường nét smear đầy nội lực, Nakamura hớp hồn khán giả với những pha hand-to-hand combat đan xen biên đạo phức tạp, cùng với phong cách hoạt hoạ thể khối đậm thương hiệu riêng. Ba người họ mang phong cách hoạt hoạ hành động rất khác nhau, và là xuất phát điểm tốt giúp bạn bắt đầu làm quen với sakuga.

Cut của Yamashita trong Naruto, nhân vật không tuân theo tỉ lệ để cách điệu chuyển động siêu thực. Nhiều người ko quen mắt thì lại chê là xấu và dở 😔

Thêm vào đó, thế giới sakuga là rất rộng lớn, với mỗi hoạt hoạ sĩ mang phong cách đặc trưng, không ai giống ai, có những đại kì cựu, huyền thoại animator đã để lại dấu ấn riêng trong bề dày lịch sử hoạt hoạ, chẳng hạn như Ichiro Itano với thuật ngữ “Itano circus” – gánh xiếc Itano – dùng để chỉ những đoạn sakuga diễn tả các vệt tên lửa che kín bầu trời và đuổi theo mục tiêu.

Mỗi một đoạn cảnh sakuga đều có khả năng bộc toát lên phong cách của người thực hiện chúng, về một mặt điều này mang lại sự đa dạng và phong phú trong sakuga nói chung, nhưng mặt còn lại, sẽ tạo ra những phong cách “khác người” mà nếu bạn không “quen mắt”, hoặc chưa cảm thụ được chúng, thì sẽ có ấn tượng xấu và góc nhìn sai lệch. Và đây là điều anime fandom hiện nay thường chưa phân biệt được rõ, ta sẽ bàn đến ở mục tiếp theo.

3/ Một trong những đặc tính của hoạt hoạ là phác hoạ nên phong cách siêu thực của chuyển động.

Hoạt hoạ có thể diễn tả những gì chỉ có ở trí tưởng tượng! Kể cả khi đấy là những điều không thể dưới góc nhìn thực tế. Lấy vd như gần đây nhất, ta được chứng kiến một tập Jujutsu Kaisen (S2 – tập 16, hoặc là tập 40 nếu tính luôn số tập của S1) xuất sắc với những pha tỉ thí đấu phép đẹp mắt từ Jogo và Sukuna, họ là những con quái vật với sức mạnh không tưởng, và để phác hoạ nên sự “không tưởng” này thì Miso (đạo diễn tập) cùng team thực hiện đã quyết định tối giản chi tiết để đẩy mạnh “tốc độ” hoạt hoạ với số lượng frames khủng khiếp, ngay đến nhiều animator kinh nghiệm còn phải bất ngờ về số lượng bảng vẽ trong tập. Chưa dừng lại đó, trong số ít đoạn cảnh sakuga chuyển động nhanh, Miso muốn nhấn mạnh sự bộc phát của chuyển động nên nhân vật không cần được giữ nguyên hình dạng thiết kế, hay được vẽ đúng tỉ lệ để tô đậm nên sự cách điệu này.

Cũng không cần phải nói, tập JJK kể trên đã nhận được rất nhiều lời tán dương từ các animator lão luyện. Nhưng với một bộ phận fan mới, những người chưa có nền tảng vững về sakuga, hay chưa cảm thụ được phong cách này, thì họ cho rằng nó lạ lẫm, khác biệt quá. Do không quen mắt nên là dở, điều này khiến họ dễ nhầm tưởng rằng tập này không được đầu tư, thiếu kinh phí và vv … và đây là một nhìn nhận hết sức sai lầm (trên thực tế thì Mappa đã cho Miso cùng đội ngũ thời gian vừa đủ để chuẩn bị và thực hiện tập đặc biệt này). Một số vd khác như là phong cách siêu thực của đạo diễn thiên tài Masaaki Yuasa trong Ping Pong, hay như các phân cảnh solo KA do lão làng Shingo Yamashita đảm nhận trong Naruto 168, Fate/Apocrypha … ta sẽ thấy nhân vật hay bị méo model, không phải do tập kém chất lượng, mà là do phong cách Yamashita nó như thế.

Để đánh giá bất kì đoạn cảnh sakuga nào một cách tổng quan nhất, nếu bạn thật sự yêu thích hoạt hoạ, thì hãy đánh giá chúng dưới góc nhìn đa chiều hơn, không chỉ về chi tiết đường nét của nhân vật trong mỗi khung hình, mà phải cảm thụ được sự chuyển động của những “chủ thể” trên màn ảnh, cách mà nhân vật di chuyển, cử động, diễn xuất, hoặc phối cảnh như thế nào, từng động tác tạo nên biên đạo có tính liên kết nhau ra sao, có mục đích gì, hay chỉ đơn giản là những cảm xúc đôi khi trần trụi của những animator đã gửi gắm hết mình vào trong từng đoạn cảnh sakuga, được bộc phát thình lình qua tinh chất art “thô” mà không cần chỉnh sửa.

Và đã gọi là sakuga, thì cũng không nên bấm nút dừng để “soi mói” xem coi từng đường nét có chuẩn xác không, nếu đấy là những đoạn cảnh sakuga có mặt hoạt hoạ bùng nổ với hàng trăm frame mỗi cut. Điều này đi ngược với “tinh thần” sakuga, vì thứ mà bạn đang đánh giá chỉ là frame hình “tĩnh”, chứ không phải hoạt hoạ. Và hãy tránh xa những “60fps” sakuga video trên mạng, đây là những thứ được thuật toán đẻ ra thêm frames tạo sự mượt mà giả tạo, đừng để bị lừa, sự mượt mà đấy thường phải trả giá với những frame mờ căm, nhoè nhoẹt. Một cảnh sakuga chất lượng thường có số frame nhất định ở mỗi cut (và không đồng đều) để diễn tả chủ ý nghệ thuật của người thực hiện. Thứ 60fps bạn đang thưởng thức nó cũng vô hồn như thưởng thức tranh AI vậy.

Một trích đoạn sakuga trong Violet Evergarden (KyoAni thực hiện), nhưng bạn thấy đấy, trong cut Violet đáp xuống mặt nước thì ngay cả KyoAni cũng phải “tối giản” chi tiết so với thiết kế ban đầu để đáp ứng được số frame cần thiết của cảnh, tạo ra sự mượt mà.

Bài đã dài quá rồi, thì có lẽ mình cũng chốt thêm một ý cuối. Lí do mà bạn thấy những bài phân tích bình luận trên page có kèm theo tên tuổi và phong cách animator, thì đấy không phải là do mình muốn “loè” thiên hạ với vốn hiểu biết bản thân (trên thực tế thì mình vẫn còn khá “non” nếu so với các lão làng sakuga fan khác). Ngành công nghiệp hiện nay có đa phần production phụ thuộc phần lớn vào freelancers/contractors (những người hoạt động thời vụ, hợp đồng, hành nghề tự do), vậy nên khi nhắc đến tên họ, là ta đang quý trọng, tán dương, cũng như thừa nhận phong cách và nét nghệ thuật của những con người nghệ sĩ này qua từng tác phẩm họ thực hiện. Để từ đó ta cũng dần nhận ra sự khác nhau giữa các phong cách hình ảnh, trong từng đoạn sakuga riêng biệt. Nhắc đến tên họ, và nhớ đến, thì dần dà, ta cũng quen thuộc với phong cách hình ảnh đặc trưng của mỗi cá nhân.

Mình hy vọng bài này sẽ cung cấp cho bạn một góc nhìn toàn cảnh hơn về sakuga, cũng như khơi gợi nên sự hứng thích để bạn tự tìm hiểu thêm. Và đừng quên, tụi mình có một group chuyên về sakuga để những bạn thích tìm hiểu có thêm cơ hội trao đổi và thảo luận với những sakuga fan khác. Link ở phần cmt (group có bạn “chuyên gia” đã và đang tham gia trực tiếp bộ phận sản xuất của rất nhiều tác phẩm anime nổi trội hiện nay).

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button