AnimePhân Tích & Cảm Nhận

“Narrative” Là Gì? Chủ Đề “Dark, Deep” Có Làm Một Anime/Manga Hay Hơn Không?

Khi chia 1 bộ anime theo 4 phần: cốt truyện, nhân vật, hình ảnh và âm thanh, tôi nhận thấy có phần cốt truyện là bản thân khó có 1 tiêu chuẩn riêng để nhận xét nhất.

Phần hình ảnh, âm thanh thì chỉ cần nêu ra cảm nhận trực tiếp cũng đơn giản thôi. Phần nhân vật thì tôi chủ yếu dựa vào tính đa chiều để đánh giá. Một nhân vật được xây dựng tốt là nhân vật có nhiều mặt nội tâm, tính cách khác nhau để phân tích, không nhất thiết phải là người dễ mến, dễ đồng cảm gì cả, nếu có mặt xấu hãy thể hiện rõ ra những xung đột nội tâm, động lực làm người xem hiểu được đã là hay rồi.

Thế còn phần cốt truyện thì tại sao lại khó?

Bởi vì mối liên hệ hỗ trợ qua lại của nó với nhân vật mà tôi đã nêu ra ở bài viết “dẫn dắt bằng cốt truyện hay bằng nhân vật”, các bạn có thể đọc lại tại đây: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/253982133409180

Ngay cả ở tiếng Anh cũng có sự phức tạp về khái niệm này, có 3 từ có thể dùng để chỉ về “cốt truyện” đó là “story”, “plot”, và “narrative”.

Ba từ này thực ra dùng để chỉ những góc độ khác nhau khi ta đánh giá phần cốt truyện mà thôi. Đầu tiên “story” là khi ta muốn chú trọng vào nội dung, câu chuyện đó có những chi tiết A, B, C,… gì. Còn “plot” là khi bạn quan tâm đến “tính logic”, mối quan hệ nhân quả giữa các chi tiết (A dẫn đến C, F thì là hệ quả của B,…). Cuối cùng “narrative” hiểu đơn giản là cách thức thể hiện đến người xem (các chi tiết A, B, C,.. được trình bày như thế nào, có hấp dẫn không?).

Và đối với tôi thì “narrative” vẫn là từ hay dùng nhất để chỉ về cốt truyện bởi vì tôi coi trọng cách thức mà một chủ đề, nội dung được truyền tải đến khán giả, độc giả hơn chính cả chủ đề đó. Đúng là mỗi người chúng ta đều có 1 sự “bias” nhất định, có những loại chủ đề mà ta rất thích thú tìm hiểu, còn ngược lại có những chủ đề mà chẳng thèm mảy may để tâm đến. Thế nhưng nhìn vào thời đại công nghệ thông tin bùng nổ ngày nay, có vô vàn nội dung (content) cùng đề cập, phân tích về 1 chủ đề nhất định nào đó, thì nội dung chiếm được cảm tình khán giả nhiều nhất vẫn luôn nhờ vào sự trình bày, thể hiện trực quan, gãy gọn và hấp dẫn nhất.

Hãy nhìn vào hai tác phẩm cách nhau hàng thập kỷ Sword Art Online và Serial Experiment Lain về mặt chủ đề thì cũng khá tương đồng với nhau về sự xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo và tác động của thế giới kỹ thuật số, mạng internet đến đời sống của con người. Arc Alicization thậm chí còn đề cập đến các lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, vũ trụ giả lập song song, những lý thuyết nền tảng cũng đã góp phần tạo nên tác phẩm Lain. Thế nhưng về mặt “narrative”, cách mà chủ đề trên được truyền tải thì 2 tác phẩm không thể khác nhau hơn được nữa. Sword Art Online dễ hiểu hơn rất nhiều do mọi thông tin đều được giải thích 1 cách cặn kẽ, dài dòng đến khán giả thông qua “info-dump”. Còn đối với Lain, phần lớn nội dung được ẩn giấu qua hình ảnh bằng việc sử dụng nghệ thuật tượng trưng, biểu tượng (symbolism) làm cho Lain giống như một trò chơi liên tưởng đi tìm ẩn số, đòi hỏi người xem cần phải xâu chuỗi các hình ảnh có vẻ kỳ dị và ngẫu nhiên lại với nhau để đi tìm ý nghĩa cho riêng mình.

Bên cạnh Lain và S.A.O thì ngày nay cũng đã có rất nhiều tác phẩm khác khai thác những chủ đề tương tự như vậy. Đúng là đáng nể phục rằng Lain đã đi trước thời đại, gửi gắm những thông điệp về tác động của mạng xã hội, công nghệ thông tin từ khi chúng mới manh nha phát triển. Tuy nhiên, đối với những khán giả ngày nay, chủ đề trên đã quá quen thuộc rồi, cũng không phải là thứ gây ngạc nhiên, hứng thú nữa, ta thậm chí còn không cần 1 bộ anime sci-fi để cảnh báo những vấn đề mà mạng xã hội đem lại khi mà nó đã hiện hữu rất rõ ràng trong từng ngóc nghách đời sống của mỗi người rồi.

Thế nhưng thứ chứa đựng giá trị của Lain mà ngày nay, hay thậm chí hàng chục, hàng trăm năm sau vẫn còn giữ lại nguyên vẹn đó chính là cách thức mà tác phẩm thể hiện nội dung của mình. Chỉ có mỗi Lain là có cách sử dụng symbolism, có bầu không khí, có tông màu, có thiết kế nhân vật,… như vậy mà thôi.

Cũng có một số tác phẩm có chủ đề tạo cảm giác quan trọng, đáng kể như là “Hi no tori” (Chim lửa) của “thánh manga” Osamu Tezuka. Hi no tori có thể nói là tác phẩm có nhiều hoài bão nhất mà tôi từng đọc, với những ý tưởng cực kỳ điên rồ, vĩ đại và phức tạp, gọi “đi trước thời đại” thậm chí còn là nói bớt đi. Tôi nghĩ lý do mà nhiều người gọi Tezuka-san là “thánh manga” là vì về mặt ý tưởng sáng tạo ông ta có quá nhiều trong giai đoạn mà ngành công nghiệp anime, manga còn mới trẻ tuổi, và đang dần được định hình. Như bộ anime Dororo ý tưởng về 1 cậu trai đi tìm lại những phần thân thể của mình đã làm nhiều người hứng thú thật ra đã được ông vẽ ra cách đây hơn 50 năm.

Tuy vậy thì dù cho những ý tưởng có hấp dẫn đến đâu mà không có sự thể hiện tốt để phô bày ra thì tôi cũng chẳng thể quan tâm được. Bên cạnh chủ đề nội dung của mình thì Hi no tori còn có cách dẫn chuyện tuy nhanh mà không bị rối, giải thích những khái niệm, triết lý phức tạp theo phong cách nhấn mạnh rõ ràng, không hề khó hiểu chút nào và tôi cũng đọng nhiều ấn tượng với phần cảnh nền (background) được vẽ rất đẹp và cách sắp đặt khung tranh (panel) đầy sự sáng tạo, độc đáo hiếm gặp.

Ở trên các trang mạng xã hội tôi cũng hay gặp những người ca ngợi những bộ anime, manga có nhiều yếu tố người lớn là “dark” hay hơn thể loại shounen dành cho thanh thiếu niên. Nhưng mà đối với tôi thì “dark” là khái niệm không phụ thuộc vào “content” – số lượng cũng như độ kinh dị, nặng đô của những chi tiết người lớn kia.

Ví dụ như Berserk tại sao đoạn “Eclipse” lại là đoạn dark nhất trong toàn tác phẩm, nhìn chung thì độ kinh dị, bạo lực của Berserk không hề suy giảm sau đó, có mấy cảnh như cảnh con ngựa mà người ta hay chế meme cũng ghê gớm không thua kém gì. :v Đó là do cách mà tác phẩm dành cả 1 arc dài là “Golden Age” để xây dựng nhân vật làm cho ta quan tâm đến họ và sự chuyển biến mối quan hệ từ bạn bè thành kẻ thù làm cho tác động của Eclipse đến độc giả là quá lớn. Tất cả mọi thứ đều thay đổi và là điểm ngoặt lớn nhất của toàn bộ câu chuyện làm cho nó là 1 đoạn chỉ cần xem một lần là không thể nào quên được và gây ấn tượng nhiều nhất.

Thế nhưng Berserk không phải là tác phẩm dark nhất mà tôi từng trải nghiệm. Với nội dung chỉ đề cập chủ yếu về tr.ầm c.ảm và t. ự t. ử, là những chủ đề cũng nặng nề nhưng vẫn còn đỡ chán so với Berserk, thì “No longer human” (Nhân gian thất cách) khẳng định lại là bộ dark nhất đối với tôi. Trong đó phiên bản “nặng đô” nhất là cuốn tiểu thuyết gốc của chính nhà văn Osamu Dazai có thể nói đã gây cho tôi cảm giác tồi tệ nhất sau khi đọc xong trong bất cứ tác phẩm nào trong đời. Và độ dark không hề đến từ nội dung, những chi tiết mà là cách tác giả xây dựng nhân vật, thể hiện nội tâm, đối với một người cũng bị tr.ầm c.ảm cảm giác giống như tác giả đọc được tâm trí, suy nghĩ của mình đến mức rùng mình đáng sợ. Và bầu không khí ngột ngạt, khi mà nhân vật chính chìm dần vào trong bóng tối của hư vô, không thể cứu vãn, không có bất kỳ hy vọng le lói gì làm cho “No longer human” là một tuyệt tác mà tôi không muốn đọc thêm bất kỳ một lần nào nữa. Bởi vì chính Osamu Dazai nổi tiếng là một trong những tác giả “ch.án sống” nhất của Nhật Bản là nên câu từ của ông ta mới có thể trần trụi, mang cảm xúc mạnh mẽ đến như vậy.

Tôi cũng có thể chỉ ra 1 số tác phẩm khác cũng đầy content 1.8 + nhưng không cho hoàn toàn là dark. Như Gantz, tôi thích bộ manga này nhưng mà chủ yếu vì những cảnh hành động điên rồ thôi, cũng có 1 số cảnh đáng buồn nhưng mà phần lớn cái ch.ết chỉ là mấy tên cặn bã xã hội hay là nhân vật không quan trọng, không cần quan tâm, chủ yếu cho cool, ngầu khi mà nhân vật chính đánh bại những quái vật ngoài hành tinh có sức mạnh vượt xa những gì mà ta có thể nghĩ ra được.

Hay là “Ousama Game” 1 bộ anime ra mắt năm 2017 về chủ đề “battle royale”, trận chiến sống còn quen thuộc với nhiều chi tiết kinh dị điển hình. Thế nhưng nó không hề gây sợ hãi hay buồn bã cho tôi mà ngược lại còn gây cười cực mạnh. Bởi vì phần plot thiếu logic và narrative thiếu chiều sâu, nhìn chung thì kịch bản cực tệ. Phản ứng bình thường khi mà những chi tiết ngu ngốc quá sức chịu đựng thì ta chỉ còn cách cười thật to mà thôi.

Cho nên tóm lại chủ đề “dark” không có nghĩa là bộ anime, manga cũng sẽ mang màu sắc đen tối nếu cách thể hiện không phù hợp. Có thể đem lại những phản ứng khác nhau đến với khán giả như thấy ngầu, ed.gy thôi hay thậm chí là trở thành 1 bộ hài hước.

Thế còn “deep” thì sao?

Tôi cũng thường hay viết những bài phân tích về chiều sâu, ý nghĩa nhân văn, triết lý của nhiều tác phẩm khác nhau nên có vẻ là bản thân cũng thích những dạng chủ đề này. Tuy nhiên, phải chỉ ra 1 điều khá rõ ràng, hiển nhiên là tôi đã yêu thích một bộ anime, manga thì mới bỏ công ra phân tích nó. Trước khi tìm hiểu rằng 1 tác phẩm “deep” đến thế nào thì tôi phải có sự ấn tượng nhất định trước cách thể hiện, truyền tải thông điệp của nó, cho nên lý do khiến tôi có cảm tình không phải là vì sự sâu sắc trong ý nghĩa rồi.

Thiết nghĩ rằng “mọi thứ đều sẽ sâu nếu bạn chịu đào bới”, khi mà mỗi khung hình trong những bộ anime đều có thể có những cách suy diễn, tưởng tượng khác nhau để phù hợp với quan điểm, góc nhìn cá nhân của từng khán giả, trong khi đối với người sáng tạo nội dung đôi khi thêm vào cho ngầu thôi như trường hợp của Hideaki Anno-san, đạo diễn của Evangelion. Và tôi không nghĩ rằng mình hay các bạn độc giả đây xem anime, đọc manga chỉ vì tính triết lý sâu xa. Như bài viết của tôi về chủ nghĩa hiện sinh trong anime thật ra chỉ là 1 bài rất cơ bản mức độ “101” chỉ động tới bề mặt rất nhỏ trong số lượng nhiều nhà triết học thuộc trường phái này. Nếu bạn thật sự muốn tìm hiểu về chủ nghĩa hiện sinh thì đọc sách của Nietzsche hay Jean-Paul Sartre sẽ hiệu quả hơn nhiều việc xem hàng chục bộ anime, manga thuộc chủ đề này.

Việc đánh giá, phân biệt thế nào là 1 “narrative” – cách truyền tải nội dung tốt hay tệ nghe có vẻ là phạm trù cá nhân, cảm tính là nhiều. Đúng là vậy, tuy nhiên không phải là không có những quy tắc chung nên được áp dụng. Trong “writing class” (học làm sao để viết văn hay hơn) người ta gọi là chỉ dẫn “show, don’t tell”, một số người có thể gọi là kể chuyện bằng hình ảnh hay dẫn dắt bằng hình ảnh, cái nào cũng được, tôi nghĩ cũng gần giống nhau cả thôi.

Vậy thì “show, don’t tell” có gì?

Tôi sẽ đưa ra 2 ví dụ làm dẫn chứng.

Ví dụ 1: Trong 1 lần tình cờ, tôi được xem 1 video rất hay giải thích vì sao youtuber “Johnny Harris”, một người chuyên đưa tin, giải thích những vấn đề thời sự, kinh tế, xã hội,… lại nổi tiếng đến vậy. Mỗi video anh ta đăng tải đều thu hút hàng triệu lượt xem cho dù nói về bất cứ loại chủ đề nào đi chăng nữa. Có phải chỉ vì clickbait và theo trend không thôi?

Xem ra anh ta còn có bí quyết, “công thức thành công” mỗi khi edit video của mình. Công thức của anh ta đó là “visual evidence” (dẫn chứng hình ảnh) trước và sau đó là “context” (nội dung giải thích), lặp đi lặp lại. Nhiều người hay nghĩ rằng nếu muốn người khác hiểu về 1 vấn đề nào đó thì hãy liền giải thích cho họ, tuy nhiên, đâm đầu giải thích liền sẽ không làm khán giả hứng thú được đâu. Mà cần có hình ảnh nào đó hấp dẫn để gợi lên trí tò mò trước đã. Nếu muốn tìm hiểu 1 một khía cạnh nào đó của cuộc sống, đầu tiên nên trải nghiệm nó trước. Và đó là nguyên tắc căn bản: trải nghiệm trước bằng hình ảnh rồi giải thích sau. Đơn giản là vậy nhưng mà thực hiện cũng không phải là điều dễ dàng bởi vì: thứ nhất là hình ảnh phải hấp dẫn, trực quan mới gây được sự cuốn hút trong khán giả, thứ hai là phần giải thích phải ngắn gọn, nhưng đủ ý và thứ ba là giữa phần hình ảnh và nội dung phải có sự phù hợp, tương quan hỗ trợ lẫn nhau.

Nào đến với ví dụ 2, bạn sẽ thấy 1 sự tương đồng đến kỳ lạ. Ta cùng phân tích tập đầu tiên của bộ anime “Mushoku tensei” đã làm mưa làm gió năm 2021, mặc dù thuộc thể loại isekai đã quá quen thuộc và bão hòa trên thị trường hiện nay, ngay cả bạn ghét nhân vật chính thì cũng phải thừa nhận rằng chất lượng hình ảnh, đạo diễn của studio Bind là rất tốt, tạo nên sự khác biệt so với những tác phẩm khác cùng thể loại. Sự khác biệt đó đến từ đâu? Đến từ ngay lúc mà Rudeus chuyển sinh qua thế giới mới trong hình hài 1 đứa bé sơ sinh luôn. Bộ anime đã không vội vàng giải thích liền cho khán giả về thế giới đó mà để cho Rudeus bò đi bò lại tự khám phá trước. Và rồi đang mải mê nhìn ngắn cảnh vật mà Rudeus đột nhiên bị ngã, bà mẹ liền sử dụng phép thuật chữa trị lên người cậu. “Trải nghiệm trước, giải thích sau”.

Rudeus đóng vai trò như là một “FOV”, nhân vật cung cấp góc nhìn giúp người xem được chứng kiến sự diệu kỳ của phép thuật trước. Khi cả ta và Rudeus đều ấn tượng thì cậu sẽ tìm sách phép thuật để học tập và bắt đầu rèn luyện thi triển. Đây chính là đoạn giải thích gọn gàng, dễ hiểu xen kẽ với hình ảnh Rudeus cố gắng niệm phép đến cạn kiệt mana làm tôi cũng muốn cổ vũ cho cậu. Tinh thần đang dâng cao, sẵn sàng cho cảnh cao trào, tạo điểm nhấn cho tập đó là 1 shot 360 độ nhân vật chính tạo 1 quả cầu nước thật to và bắn nó lên không trung. Shot này chính là sự lôi cuốn ngay tức thì đối với tôi khi xem và giúp tập đầu của bộ anime hoàn thành nhiệm vụ của mình tạo ra một khởi đầu đầy triển vọng.

Ta nhận thấy rằng tập 1 của Mushoku tensei cũng có cấu trúc tương tự với những video của Johnny Harris: “trải nghiệm trước, giải thích sau” mặc dù là 2 content không có gì liên quan đến nhau hết cả. Giống như có 1 quy tắc chung cho mọi loại hình văn hóa, giải trí sử dụng hình ảnh vậy. Đó chính là “show, don’t tell”, tìm cách để khán giả, độc giả chìm dắm vào câu chuyện vào nhân vật thông qua những hình ảnh thú vị.

Một lần nữa: 1 quy tắc đơn giản nhưng không phải dễ để thực hiện. Bởi vì tôi đã thấy rất nhiều bộ isekai cứ thích “speed run” các chi tiết, nhân vật mới bước vào thế giới liền cung cấp hàng đống thông tin trước khi độc giả còn chưa có hứng thú muốn tìm hiểu nữa. Hãy để nhân vật trải nghiệm trước rồi từ từ khám phá tìm hiểu những chi tiết world building phức tạp sau có sao đâu nè. Cấu trúc tập 1 của Mushoku tensei cảm giác rất tự nhiên như 1 dòng nước vậy: khám phá -> trải nghiệm -> có động lực để học hỏi -> luyện tập, trao dồi -> thể hiện, đã góp phần vào việc thu hút những khán giả mới xem.

Không những Mushoku Tensei mà còn nhiều bộ anime hay khác có cách thể hiện ở tập 1 đúng như nguyên tắc dẫn dắt bằng hình ảnh như trên đã dành được không những cảm tình của tôi mà có thể còn là sự thành công to lớn trong cộng đồng.

Anime, manga, hay cả việc edit 1 video trên youtube, tôi nghĩ điều quan trọng rằng bạn phải biết được thế mạnh của những loại hình trên là ở đâu? Chính là nằm ở hình ảnh. Và nhiệm vụ của những tác giả, người tạo nên nội dung là phải lựa chọn cách dẫn dắt cốt truyện phù hợp để sử dụng yếu tố hình ảnh như là chiếc chìa khóa mở ra cách cửa đến với thế giới diệu kỳ của trí tưởng tượng và óc sáng tạo của con người.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button