AnimePhân Tích Nhiều Kì

Mùa này xem gì? – Winter 2023 Edition.

Năm 2023 khởi đầu bằng một mùa tương đối ảm đạm nếu so với những mùa “tưng bừng” đã qua trong năm vừa rồi. Mình vẫn chưa tìm ra bộ nào có thể làm mình trầm trồ, vỡ òa trong sự phấn khích, cũng như không có ngựa ô ưng ý. Và quả “tưởng như bo.m tấn” duy nhất của mùa từ Aniplex thì lại đang bị khủng hoảng sản xuất.

Danh sách dưới đây là số ít các tác phẩm mình đã lựa chọn để theo dõi, chút gì đó để giúp mình cầm cự chờ mùa tiếp theo. Suba trước đó đã có làm vid tổng hợp rồi, còn đây là list của mình.

.

1/ NieR:Automata Ver1.1a

Ban đầu có hype khi nghe tin A-1 đảm nhận, nhưng kết quả thì hơi buồn. Trên thực tế, Aniplex không hề thiếu nhân tài, nhưng cách thức “sử dụng tài năng”, cũng như sự phân chia lực lượng nội bộ đã và đang là vấn đề lớn của họ. Cho bạn dễ hình dung, sự thành lập của Cloverworks đã kéo theo team mạnh nhất mà A-1 từng sở hữu là team của Fukushima, cũng như tạo nền tảng xây dựng nên team của Umehara, mà hiện tại đang là gương mặt đại diện cho CloverWorks với cú đúp Dress up doll và Bocchi. Một animator chủ lực từng rời A-1 nói rằng, nếu đầu quân cho Aniplex thì hãy đầu quân cho Cloverworks.

Tất nhiên, nhân tài không hẳn đã rời A-1 hết hoàn toàn, trong những năm gần đây thì họ đang trong quá trình tái cấu trúc khi hàng loạt những gương mặt dày dặn, cũng như trẻ tuổi được thăng chức, giữ các vị trí quan trọng hơn. Nhưng điều này cần thời gian! Và bạn có thể thấy những khó khăn phản ánh qua “sự cố” các tác phẩm đã vấp phải, nhất là với thời hạn “bất hợp lý” Aniplex đã đề ra. Năm ngoái trường hợp tương tự đã xảy ra với 86 vốn là tác phẩm debut đầu tay của Ishii (gần đây nhất Ishii góp mặt thực hiện bảng vẽ phân cảnh cho Bocchi the Rock tập 7, trong line của Umehara tại Cloverworks, có vẻ là điềm cho sự chuyển nhà). Những team “chắc tay”, thì lại có những ưu tiên cao hơn cần giải quyết (core A-1 vẫn đang chạy theo SAO để hốt tiền, một bộ phận nhỏ tách ra từ core như Adachi thì mê mẩn với Lycoreco), để lại là những tác phẩm khác với số phận … phó mặc cho trời. Nier rơi vào trường hợp này.

Mà thôi, bàn về Aniplex/A-1/Cloverworks thì mãi chả hết thứ để nói, quay lại chủ đề chính. Nhắc đến Nier, mình chắc chắn một điều khó ai nhìn vào mà khen nổi CGI. Và khi kiểm tra danh sách nhân sự, thì cũng không quá ngạc nhiên, CGI phần lớn được đội ngũ nhà (inhouse) của A-1 đảm nhận. Nier có thể được ví như một tác phẩm “thử nghiệm”, cũng như rèn luyện trình độ cho nhân sự nhà. Đây tuy không phải là mảng mới hoàn toàn đối với A-1, họ đã có thực hiện nhiều CG cho các tác phẩm trước đó rồi, nhưng là qua cộng tác với nhiều những studio “chuyên” CG khác. Lần này, với số lượng công việc lớn mà lại đảm nhận chính (chỉ cộng tác với một studio CG duy nhất mà thôi), thì trình độ tay nghề như thế nào phản ánh rõ qua thành phẩm cuối. Về phần hình ảnh, nhìn chung NieR trên mức trung bình ở mùa, nhưng animation vẫn thiếu sự “bùng nổ” của những đoạn cảnh sakuga quan trọng để tạo ra dấu ấn với người xem. Và chuyển thể ít có sự sáng tạo, bưng bê từ game vào quá nhiều.

Theo mình, một tác phẩm chuyển thể hay là tác phẩm chuyển thể tinh chạm hơn nguyên tác, không 1:1 y như đúc mà phải 1.5:1, 2:1. Điều này thì Nier vẫn chưa vừa ý mình lắm.

Và mình không lấy làm lạ khi NieR tiếp tục … lâm vào vấn đề trong quá trình sản xuất, phải dời lại thời gian chiếu cho tập 4. Dù gì thì vẫn theo để ngắm 2B cũng như nghe voice của Violet, à nhầm, Ishikawa. Một phần nữa là, theo sát quá trình sản xuất với mình (nhất là với bộ nào gặp trục trặc) luôn là điều tạo nên sự thú vị.

.

2/ Onii-chan wa Oshimai!

Anime truyền hình thứ 2 sau Mushoku Tensei của studio Bind. Chống chỉ định nếu như bạn cảm thấy khó chịu với những vấn đề phản cảm. Tác phẩm xoáy sâu vào văn hóa otaku, và qua bàn tay của Bind thì Onimai là số ít những tác phẩm có mặt “diễn hoạt” thật sự ấn tượng trong mùa.

.

3/ Tensei Oujo to Tensai Reijou no Mahou Kakumei

Diomedea từ một studio trung bình đã và đang có những bước tiến vững chắc để tạo nên chỗ đứng trong lòng khán giả anime. Và đến với Tensei Oujou, mọi thứ đều “tương đối” chỉn chu – ít nhất là khi ta so với những bộ cùng thể loại trong mùa. Công lớn phải kể đến sự tham gia của Wataru Watari (tác giả của Yahari Ore) trong vai trò kịch bản và dàn xếp nội dung. Tương tác của Anis và Euphy có thể nói là điểm sáng của tác phẩm. Mối quan hệ của họ tiến triển tự nhiên qua từng thử thách ở mỗi tập, không chậm, mà cũng chả nhanh với nhịp độ vừa phải.

Có không ít ý kiến cho rằng Tensei Oujou vẫn còn tệ – nhất là ở mảng xây dựng thế giới và trình bày. Tất nhiên là mình đồng ý, nhưng một tác phẩm khi được chuyển thể sang màn ảnh thì hiếm khi nào chuyển thể được đầy đủ những chi tiết như nguyên tác – và đội ngũ anime chuyển thể, theo mình, đã lựa chọn bước đi an toàn hơn – tập trung chủ đạo vào mối quan hệ của Anis và Euphy (không mơ có một tác phẩm isekai/fantasy nào được như Mushoku Tensei).

Với một production “bình thường” thì theo kinh nghiệm của mình, 5 tập đầu của Tensei Oujo đã có thể được rush gọn chỉ trong 3 ep. Kéo đến tập 5 với một con rồng được vẽ 2D (cũng như hiệu ứng Excalibur) chứng tỏ một điều rằng đội ngũ thực hiện đã thật sự cố gắng và yêu thích nguyên tác.

Tensei Oujo có thể được chuyển thể hay hơn, nhưng cũng có thể tệ hơn. Cá nhân mình thì hài lòng với những gì diễn ra.

.

4/ Tomo-chan wa Onnanoko!

Hơi bất ngờ là mãi đến giờ Tomo mới có bản anime chuyển thể. Điều làm Tomo nổi trội so với những bộ romcom khác cùng mùa là sự diễn xuất độc đáo đến từ Rie Takahashi. Lần đầu nghe giọng Tomo mà mình không tin được Rie lồng giọng.

.

5/ Tondemo Skill de Isekai Hourou Meshi

Mappa làm Isekai. Mỗi lần xem Tondemo là bụng mình lại đói cồn cào, khuyến khích xem lúc bụng no. Không khí thư giãn, nhẹ nhàng, điều cuốn mình là sự tò mò khi không biết những món ăn gì sẽ xuất hiện tiếp theo.

.

6/ Tsundere Akuyaku Reijou Liselotte to Jikkyou no Endou-kun to Kaisetsu no Kobayashi-san.

Trong cả rừng isekai của mùa thì với mình Tsunlise vẫn là một tác phẩm có chất “lạ” thú vị. Phong trào villainess (nôm na là nữ phản diện) trong những năm gần đây không hẳn mới, nhưng sự khác biệt nằm ở cách triển khai. Thay vì ta theo chân nhân vật villainess, thì người xem cùng với Endo và Kobayashi làm người “dẫn truyện” ở ngôi kể thứ 3. Điều này mang lại sự tự do hơn trong việc truyền tải suy nghĩ, cảm xúc và hành động của nhân vật, đặc biệt là phác họa tốt hình ảnh của nữ phản diện Liselotte. Chưa dừng ở đó, cả Endo và Kobayashi đều có tuyến truyện riêng, mình khá thích cách tác giả đan xen thực tại với thế giới otome.

.

7/ VINLAND SAGA SEASON 2

Suba đã có bài khá đầy đủ về Vinland S2 nên mình không dài dòng làm gì. Nói chung thì bình mới mà rượu cũ, cùng core staff bị WIT hất hủi nhưng Mappa hốt về 🤣. Chất lượng không có sự thay đổi.

.

8/ Kyokou Suiri Season 2.

Nếu thích thể loại trinh thám xen lẫn kì bí thì Kyokou Suiri S2 là tác phẩm khó có thể bỏ qua. Điều mình thích là tuy bộ mang “nhãn mác” siêu nhiên, nhưng những ẩn khuất của nhiều vụ án được xây dựng “tương đối” bài bản, lập luận có cơ sở logic. Từng sự kiện được nối kết hợp lý chứ ko hoàn toàn dựa vào những câu trả lời … trên trời rơi xuống, hay lạm dụng sự kì bí để ăn gian ra manh mối. Mối quan hệ giữa Kurou và Kotoko phần nào đó làm mình liên tưởng đến Kujou và Victorique trong Gosick, và arc khởi đầu mùa 2 (arc của yuki onna) phải nói là điểm sáng của bộ. Hy vọng về sau sẽ đc gặp lại cô nàng này nhiều hơn.

.

Nhìn chung, có thể xem Winter 2023 như mùa “khai vị” đầu năm để chuẩn bị chào mừng những món công phá màn ảnh khi mùa Xuân đến. Mà thôi, đôi khi có một mùa để thở như vầy lại tốt 🤣 .

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button