Một cái nhìn về sâu “Look Back”
Tác phẩm oneshot của Fujimoto (tác giả Chainsawman) – Tự sự về cuộc đời, cũng như lời tri ân đến với Kyoto Animation.
Trước khi đọc bài viết này thì để có một cảm nhận toàn diện nhất, mình nghĩ bạn nên đọc qua oneshot này trên trang mangaplus.shueisha.co.jp (hoàn toàn free). Oneshot “Look Back” nhận được rất nhiều lời ca ngợi từ các tác giả khác như Asano, Ito, Watari … một lần nữa khẳng định nên tài năng của Fujimoto dù tuổi đời anh còn rất trẻ.
¤ 1/ Tự sự về cuộc đời của Fujimoto.
Tác phẩm giới thiệu đến ta hình ảnh hai nhân vật: Fujino và Kyomoto. Không khó để nhận ra Fujimoto đang “chơi chữ”, nếu ghép hai tên nhân vật lại sẽ có được: Fujino + Kyomoto = Fujimoto. Ta có thể xem như Fujino và Kyomoto là hai thái cực làm thành con người của tác giả Fujimoto, và tác phẩm oneshot này không gì khác ngoài câu chuyện “tự sự” về cuộc đời của chính tác giả.
Fujino đại diện cho phần “kiêu hãnh” của Fujimoto. Fujino được phác họa là một cô bé năng động, có tài năng và cực kì cạnh tranh. Fujino muốn được mọi người khen, muốn được thừa nhận khi ai đó đọc truyện cô vẽ. Những tưởng Fujino là “thiên tài” cho đến khi truyện của cô được xếp bên cạnh Kyomoto, thực tại thình lình đổ ập xuống. Có lẽ tác giả Fujimoto cũng cảm thấy như vậy, tuy bản thân có thể là người có tài, dù đạt được nhiều thành công khi tuổi còn trẻ, nhưng với anh, Fujino như một hình ảnh về bản thân trong gương, dù tài năng đến đâu thì mình vẫn chỉ là một nét chấm màu nhỏ trên cả bức tranh nghệ thuật rộng lớn. Fujimoto khi ngộ ra sự thật tàn nhẫn này thì có lúc, anh đã muốn bỏ cuộc. Thế nhưng …
Nhân vật chính thứ hai là Kyomoto. Nếu như Fujino là sự kiêu ngạo, là lý trí của Fujimoto, thì Kyomoto đại diện cho phần cảm xúc, là sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Kyomoto là người cầu toàn, cô không ngừng theo đuổi thứ nghệ thuật hoàn hảo. Với Kyomoto thì Fujino như một tấm gương cô theo đuổi. Nhiều lúc Fujimoto muốn bỏ cuộc, nhưng chính tình yêu nghệ thuật, chính những tác giả khác đã truyền cảm hứng và động viên Fujimoto tiếp tục trên con đường làm mangaka (cũng như Fujino đã truyền cảm hứng cho Kyomoto vậy).
Dần về sau, bạn sẽ thấy cuộc đời hai nhân vật như là quyển tự sự, hồi ký của chính tác giả. Sự “kiêu hãnh” từ thuở xưa dần bị thay đi bởi trách nhiệm và công việc, chỉ có lý trí vẫn còn hiện hữu. Fujimoto giờ đây đã là tác giả thành công, nhưng thứ níu kéo anh tiếp tục, không phải là sự thừa nhận, lời khen của người khác, mà chính là tình yêu nghệ thuật đã mang lại động lực cho anh tiếp tục. Cũng như Kyo Fujino (bút danh của Fujino và Kyomoto), cùng nhau họ mới có thể sáng tác, khi sự kiêu hãnh, trách nhiệm và tình yêu nghệ thuật hòa quyện. Quyết định của Kyomoto phần nào đó phản ánh quá khứ của chính tác giả, dù biết anh sẽ gặp nhiều thử thách khi vào đại học nghệ thuật, từ nhỏ thì Fujimoto cũng đã là cậu bé sống khép kín, nhưng Fujimoto vẫn phải làm vì mong muốn cải thiện hơn nghệ thuật của bản thân.
Khi Kyomoto rời xa, Fujino như phần còn lại, một nửa của Fujimoto, khi tình yêu nghệ thuật, đã không còn, thì cũng khó để sáng tác hơn.
¤ 2/ Lời tri ân trân trọng đến Kyoto Animation.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, Kyomoto có cùng chữ kanji với Kyoto Animation. Nên ta cũng có thể xem oneshot này là tác phẩm ngỏ lời kính trọng đến với Kyoto Animation, tiếc thương cho số phận của họ sau vụ hỏa hoạn hai năm về trước. Đây không phải là sự trùng hợp khi oneshot ra mắt đúng một ngày sau ngày kỉ niệm.
“Don’t look back in anger – đừng nhìn lại trong giận dữ”, một tên bài hát do nhóm nhạc Oasis trình bày. Và họ là ban nhạc đã trình bày ca khúc chủ đạo trong bộ phim Butterfly Effect (hiệu ứng cánh bướm). Có thể thấy Fujimoto đã phần nào lấy cảm hứng từ bộ phim trong nửa sau tác phẩm.
Trong một tương lai “rẽ nhánh”, người xem đã gặp tên sát nhân dưới góc nhìn của Kyomoto. Hắn hét lớn: “Ý tưởng là của tao, mày đạo art của tao phải không!” (tên phóng hỏa trong vụ hỏa hoạn 2 năm trước cũng có động cơ tương đồng khi cáo buộc KyoAni ăn cắp ý tưởng của hắn, nhưng đây là lời vu khống không có căn cứ). Nhưng vụ thảm sát đã được Fujino ngăn chặn, liệu đây có phải là tương lai mà Fujimoto mong ước?
Trong một thế giới khác, một tương lai siêu thực của Fujimoto, thì Kyomoto vẫn còn sống. Truyện 4 ô Kyomoto vẽ bằng phép màu nào đó, lọt qua khe cửa đến tay Fujino ở thực tại. Nếu Fujino là người đã cứu lấy Kyomoto trong quá khứ, thì giờ đây, dù Kyomoto không “thật sự” tồn tại, nhưng chính cô (trong một thế giới khác) đã cứu lấy Fujino. Nói một cách khác, dù Kyomoto ở bất kì thế giới nào, cô cũng không hề nuối tiếc về quyết định cô đã chọn lựa, tất cả những điều gì đó tốt đẹp nhất xảy ra với cô là vì Fujino đã ở đấy, bên cạnh cô, trao cho cô một thế giới tưởng như Kyomoto sẽ không bao giờ thấy được.
“Đừng nhìn lại trong giận dữ”. Fujino sực tỉnh, mở toang cánh cửa vào phòng Kyomoto. Đấy là thế giới tràn ngập những kỷ niệm đẹp đẽ của cả hai người, một thế giới đã in đậm sâu trong con tim Fujino. Và đây cũng là ngụ ý chủ đạo của tác giả Fujimoto. Hãy cứ đau thương, nhưng không tức giận khi nhìn lại quá khứ, vì ta biết những con người giàu lòng nhiệt huyết, dù đã ra đi, nhưng những đóng góp của họ sẽ mãi trường tồn với thời gian, và trong mỗi chúng ta. Sự tồn tại của Kyomoto (ở thế giới khác) như phần tình yêu nghệ thuật, như sự nhiệt huyết, như sự tri ân, niềm cảm hứng sẽ mãi không bao giờ mất đi, và là niềm động lực giúp Fujino – cũng như chính tác giả Fujimoto, tiếp tục tiến bước.
Một mẩu truyện oneshot thể hiện được hết tinh hoa của Fujimoto trong nghệ thuật kể chuyện, từ tự sự về cuộc đời, cho đến khả năng lồng ghép chút ký ức ở hiện thực để làm dấy lên cảm xúc người đọc. Là một fan của Kyoto Animation thì mình thật sự rất cảm kích về mẩu oneshot này của Fujimoto.