AnimeĐạo Diễn & Hoạt Hoạ SĩIndustryPhân Tích & Cảm Nhận

Makoto Shinkai và quyết định mang tính thị trường.

“Suzume no Tojimari đã có thể trở thành một tác phẩm về đề tài đồng tính nữ, nếu như …”

Gần đây chắc hẳn bạn đã nghe qua thông tin này ở đâu đó, nhưng phần chủ chốt nhất thì lại ít thấy ai bàn luận. Trích đoạn từ cuộc phỏng vấn:

“Ban đầu, tôi muốn thực hiện một câu chuyện về chuyến hành trình của Suzume với một cô gái khác. Lí do tôi muốn theo đuổi hướng này là vì tôi đã chán với lối kể chuyện tình cảm truyền thống. Tôi cảm thấy tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể làm khi nói đến “chàng trai gặp cô gái” trong Your Name, và “họ sẽ gặp nhau, không gặp, hay sẽ lại gặp nhau?”. Yếu tố này dễ đồng cảm với mọi người, cũng như là chủ đề liên hệ với phần đông khán giả.

Theo riêng tôi, vì tôi đã thực hiện (những câu chuyện tình cảm) quá nhiều lần, tôi muốn thay đổi. Tôi muốn thay đổi (chủ đề) xoay quanh chuyện tình cảm lãng mạn nữ giới, nhưng tôi phải quay trở về câu chuyện tình cảm truyền thống vì NSX (của tôi) cho rằng, “Anh có thể chán với những câu chuyện (truyền thống) tình cảm, nhưng khán giả anh thích chúng”. Vậy nên để khiến câu chuyện này không đắm quá sâu vào tình cảm lãng mạn, tôi đã khiến Suzume thích một cái ghế.”

Nếu như Suzume nói về tình cảm đồng giới nữ, thì câu chuyện sẽ rẽ theo hướng nào? Tuy nhiên, đây không phải là điều mình tò mò, mà chủ chốt nhất, là những thông tin ở đoạn phỏng vấn thứ 2.

Ta có thể thấy, quyết định của bên sản xuất vẫn có tính chi phối đến sự sáng tạo trong nghệ thuật của người nghệ sĩ, mà ở đây là Shinkai. Cũng cần phải nói thêm, vị “cấp trên” này (mà Shinkai gọi là NSX của ông) là đứa con cưng của nhà phân phối lớn nhất tại Nhật (Toho). Như các bạn biết, sản xuất phim ảnh là một chuyện, nhưng đem nó lên hệ thống phòng vé, rạp chiếu tại nội địa, hay những nước bên ngoài là những vấn đề hoàn toàn khác hẳn – cho bạn dễ hình dung, tự bạn bán hàng hóa ở shop nhỏ, so với việc bạn “nhờ cậy” và chuỗi siêu thị có tiếng trải dài khắp đất nước, thì tầm với đến tay người tiêu dùng của bên nào rộng hơn?

Mặt khác, để sản xuất một bộ phim anime chiếu rạp như Your Name, Suzume … thì cần huy động nguồn tài nguyên khổng lồ, và nếu không kiếm ra lợi nhuận, thì sẽ rất khó để có thể thương lượng nhà đầu tư mở hầu bao cho những dự án phim tiếp theo. Và đứng về phía người nghệ sĩ, thì ai mà không muốn tác phẩm – những đứa con cưng của mình – dễ tiếp cận và được nhiều người thưởng thức hơn?

Tất nhiên, Shinkai hoàn toàn có khả năng tự bỏ tiền túi mình ra để độc lập sản xuất một tác phẩm mà không lệ thuộc Toho, nhưng chắc chắn một điều rằng tác phẩm “độc lập” này không thật sự tự do hơn như khi được Toho hậu thuẫn vì các yếu tố khác chi phối (tìm kiếm nhân lực, nguồn kinh phí khác nhau, etc). Shinkai sẽ phải “đánh đổi” và hy sinh rất nhiều thứ để thật sự “tự do”, làm những gì ông muốn vì “nghệ thuật”. Trên thực tế, lấy một vd khác, James Cameron đã từng nói rằng ông sẽ không thể thực hiện tiếp loạt phim Avatar nếu như nó không ăn khách mà thuyết phục bên sản xuất chi vốn cho ông theo đuổi tác phẩm trong hơn một thập kỷ.

Và về phần Shinkai, NSX Toho đã sát cánh cùng ông từ 2011 qua tác Hoshi wo Ou Kodomo cho đến bây giờ. Vào năm 2013, Kotonoha chính là tác phẩm thành công nhất của Shinkai về mặt doanh thu cũng như sức tiếp cận đến khán giả so với những tác phẩm trước đó (như 5cm/s, A Promised Place …), mà yếu tố chủ chốt – bên cạnh tài năng của Shinkai – là tầm với khổng lồ của nhà phân phối Toho đến phần đông khán giả, không phải ai muốn có cũng đều được. Bản thân Shinkai đã từng trải qua giai đoạn gian nan lúc lập nghiệp, khi chỉ mình ông trong chính căn phòng riêng tự thực hiện toàn bộ công đoạn cho Hoshi no Koe, thậm chí đến magnum opus của ông tiền Your Name là 5cm/s cũng chỉ được bộ phận nhỏ khán giả xem anime biết đến. Shinkai tuy có thể may mắn, nhưng không ai dám phủ nhận rằng chính thực lực của ông mới là yếu tố khiến Toho muốn hợp tác. Shinkai đã “hy sinh” không ít để có được cơ hội này.

Và một khi đã nắm cơ hội trong tay, thì chẳng ai muốn để vụt nó đi.

Page trước đó đã có 2 bài review về Suzume rồi nên sẽ ko nhắc lại (bài của naonee và suba), và họ đều đi đến kết luận mảng tình cảm của Suzume không được tinh tế như các tác phẩm trước đó, qua bài này thì hẳn bạn phần nào hình dung vì sao như vậy. Nhưng Suzume vẫn đủ sức tạo nên cơn sóng phòng vé (đứng thứ 4 về doanh thu toàn thế giới trong BXH tác phẩm Nhật, đứng thứ 9 nội địa), phần nào chứng tỏ khán giả vẫn hết sức đón nhận.

Điều mình muốn nói, là chúng ta – những khán giả – không nên chỉ trích những quyết định về hướng đi “nghệ thuật” của người nghệ sĩ một cách mù quán, mà hãy đứng ở phương diện thấu hiểu và cảm thông với những quyết định nghệ thuật của họ (chạy theo thị trường, theo độ tiếp cận khán giả, hay dù có là gì, thì cũng không xấu). Ngay cả những tác phẩm khó tiếp cận, kén người xem cũng cần thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, Shinkai đang ở một chương mới trong sự nghiệp, khi 3 tác phẩm gần đây nhất kể từ cú hit Your Name đều thành công ngoạn mục ( đều nằm trong top 10 nội địa/ngoại địa ), phần nào tạo thêm áp lực lớn cho những tác phẩm về sau. Bạn thử tưởng tượng với danh tiếng cũng như mức độ thành công mà Shinkai có được, vì một lí do nào đó “vì nghệ thuật” mà tác phẩm sau hoàn toàn “kén” người xem hơn, không đạt được thành công như mong đợi, không được đón nhận rộng rãi thì vẫn sẽ có những bình luận dèm pha về sự nghiệp của Shinkai. Với bất kì tác phẩm/tác giả nào đã thành danh, được đón nhận rộng rãi, thì nghiễm nhiên sẽ chịu một “phản lực” tương xứng từ bộ phận nhỏ khán giả không “nuốt được” tác phẩm về bất kì lí do gì.

Nhưng đấy là chuyện của khi khác, chốt lại thì liệu Shinkai có thể “cân bằng” góc nhìn nghệ thuật bản thân như thế nào để dung hòa giữa thị trường, độ tiếp cận khán giả với cái tôi cá nhân để tiếp tục tạo nên sức hút và thương hiệu của chính ông, là điều mình muốn biết trong những năm tháng sự nghiệp sau này của Shinkai. Suzume suy cho cùng vẫn là tác phẩm (xét về mức độ thành công và đón nhận) đứng thứ 2 chỉ sau Your Name trong cả sự nghiệp nghệ thuật của Shinkai, ta có thể thấy sự mạo hiểm khi ông không đặt nặng yếu tố tình cảm lãng mạn như các tác phẩm trước đó, Shinkai muốn làm điều gì đó “khác lạ”. Nhưng tất nhiên, khán giả vốn dĩ đã quá quen thuộc với thương hiệu “tình cảm nam nữ truyền thống” của ông nên không ít người cảm thấy không thỏa mãn với lựa chọn này mà mong muốn ông quay về lối cũ 🤣.

Lí do viết bài này cũng vì nhìn thấy nhiều bạn nhận xét Shinkai ham tiền chạy theo lợi nhuận doanh thu hay gì này nọ (mà bỏ qua “nghệ thuật”) sau khi đọc xong mẩu tin, phát bực luôn 🥲. Việc một nghệ sĩ hy sinh tất cả cho nghệ thuật tất nhiên là điều cao quý, đáng được trân trọng, nhưng không vì thế mà chúng ta lại lấy điều này làm tiêu chuẩn để gán lên hình ảnh của mọi người nghệ sĩ, nhất là khi cái sự “cao quý” này không bao giờ là điều đảm bảo cho sự nghiệp về sau của họ – một tác phẩm quá flop, ít người đón nhận thì ai mà dám đầu tư nữa phải không?

Việc dung hòa giữa thị trường và “nghệ thuật” luôn là tài năng cần thiết đối với bất kì nghệ sĩ nào. Mình phải để nghệ thuật trong ngoặc kép, vì nghệ thuật luôn là sự “siêu hình”, là điều tùy biến dựa vào giá trị chủ quan của mỗi cá nhân, ta không thể nói một tác phẩm nghệ thuật hơn chỉ vì chúng có sự kết nối, cộng hưởng nhiều hơn với số đông khán giả, và ngược lại.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button