AnimeĐạo Diễn & Hoạt Hoạ SĩIndustryPhân Tích & Cảm Nhận

Makoto Shinkai – Phù thủy của nỗi buồn, bậc thầy của nghệ thuật Mono no aware.

Các tác phẩm của Makoto Shinkai không chỉ tạo dấu ấn sâu đậm lên khán giả qua mặt hình ảnh hết sức lộng lẫy, tráng lệ. Mà ông còn gửi gắm nhiều thông điệp, ý nghĩa ẩn sâu trong những chi tiết rất đỗi bình dị xuyên suốt tác phẩm, làm tăng chiều sâu về mặt hình thức lẫn nội dung truyền tải. Đặc biệt hơn, chắc hẳn bạn cũng đã từng trải qua thứ cảm xúc khiến con tim “day dứt” khi xem qua 5cm/s, Kotonoha no Niwa, Kimi no Na wa, hay bất kì bộ nào Shinkai đã thực hiện. Buồn thì cũng không hẳn, vì đâu đấy trong nỗi buồn vẫn phản phất một sự hạnh phúc, niềm vui nhỏ nhoi.

Mình sẽ làm rõ hơn đường nét nghệ thuật ông sử dụng trong bài viết này.

¤ 1/ Sơ qua về tinh chất “Mono no aware” trong nét văn hóa Nhật Bản

Để hiểu được tài năng của Makoto Shinkai thì trước mắt chúng ta phải nắm được một khái niệm, vốn đã được hình thành từ rất lâu trong văn hóa Nhật Bản, đó là “Mono no aware”.

Từ xa xưa, tín ngưỡng đã là một phần không thể thiếu ở xứ Phù Tang, trong số đó ảnh hưởng lớn nhất là Phật Giáo và Đạo Shinto (Thần Đạo). Trong đấy, Zen (hay còn gọi là Thiền Tông), là một tông nhánh của Phật Giáo được du nhập vào Nhật Bản vào những năm cuối thế kỉ thứ 12 trong thời kì Kamakura, có tầm ảnh hưởng đến không chỉ tín ngưỡng, mà còn ăn sâu vào tiềm thức cũng như lối sống của người Nhật sau này. Zen nhấn mạnh tục lệ ngồi “thiền”, qua đó con người, trong một khoảnh khắc, mới thông suốt tâm trí, không bị trói buộc bởi những trắc trở của sự đời mà chìm đắm vào vạn vật. Shinto cũng một phần có nét tương đồng với Zen, Shinto đề cao sự hòa quyện giữa con người với tự nhiên và tin rằng vạn vật đều có linh hồn thiêng liêng (Kami), cũng như đất trời, mùa màng và mưa, để qua đó bày tỏ lòng tôn kính với thế giới chúng ta đang sống.

Hai tín ngưỡng đã ăn sâu vào văn học ở Nhật từ rất sớm, mà rõ ràng nhất được thể hiện qua “Câu Chuyện Của Genji” (Genji monogatari) được viết bởi Murasaki Shikibu vào đầu thế kỷ thứ 11, thời Heian. Lần đầu tiên, từ “aware” được xuất hiện, dần dà về sau, khái niệm phát triển và kết tinh thành “Mono no aware” chúng ta biết đến ngày hôm nay.

“Mono no aware” – đây là một khái niệm, một cụm từ rất khó để dịch sang bất cứ ngôn ngữ nào mà không làm mất đi ý nghĩa gốc, ta có thể hiểu một cách khái quát là “cảm thấu về sự vô thường”. Một cảm xúc có tính nhất thời để bày tỏ lòng tri ân, cảm kích trước vẻ đẹp mong manh của vạn vật và tự nhiên. Một cảm xúc thể hiện nên niềm vui nho nhỏ thoáng qua khi ta được thưởng thức nét đẹp của tạo hóa, để rồi bị một nỗi buồn rười rượi, ảm đạm xâm chiếm lấy nỗi lòng lúc nhận ra vạn vật đều có sự khởi đầu và kết thúc, cũng như không có nét đẹp nào là vĩnh hằng và tồn tại mãi với thời gian.

Đây là cảm xúc mà những từ như “bi ai”, “khát khao”, “sầu muộn”, “thương cảm” không thể diễn tả hết, mà để hiểu được, ta phải nhận thức được tính không trường cửu – mọi khoảnh khắc đều phù du, chóng tàn. Nhận thức được điều này cũng đồng nghĩa với việc ta cảm nhận nên một nỗi buồn dịu dàng, nhưng trong nỗi buồn ấy vẫn phản phất một vẻ đẹp, niềm hân hoan nhỏ nhoi tạo nên thứ cảm xúc mang dư vị ngọt bùi. Sẽ không có hạnh phúc nếu như không có nỗi buồn để vun đắp ý nghĩa, cũng như một khoảnh khắc sẽ không mang vẻ đẹp nếu nó trường tồn mãi với thời gian.

Tâm điểm văn hóa Nhật Bản là truyền thống trân trọng giá trị thể hiện qua nét đẹp, phản phất nỗi buồn thoáng qua của những khoảnh khắc trong cuộc đời, vì chúng lưu lại được vẻ đẹp của của những thứ – mang tính nhất thời – đã, đang và sẽ qua đi, như sự luân hồi của vạn vật trong tự nhiên, cứ lặp đi, lặp lại, và lặp lại mãi mãi. Khái niệm này còn bao quát lên thời tiết, mùa màng, xã hội, con người và ngay cả các mối quan hệ giữa người với nhau của nền văn hóa Nhật Bản, ám chỉ nên một sự đổi thay không ngừng, trôi đi của thời gian.

Cũng chính vì lẽ đó, họ trân trọng giá trị của từng khoảnh khắc, của từng vẻ đẹp thấm đượm nỗi buồn nhẹ nhàng, vì chúng sẽ luôn thay đổi, qua đi chóng vánh. Một cảm xúc rất “Mono no aware”, làm day dứt “tâm hồn” (kokoro ở đây là bao gồm cả lý trí lẫn con tim).

¤ 2/ Phân tích tác phẩm 5cm/s

Sau khi đã biết qua khái niệm “Mono no aware” thì có lẽ bạn cũng đã phần nào hình dung được vì sao các tác phẩm của đạo diễn Shinkai lại mang đến một thứ cảm xúc day dứt, khỏ tả trong lòng. “Mono no aware” không phải là điều gì đó mới mẻ, mà đã tồn tại ở nền văn hóa, trong văn học và cả nghệ thuật thứ bảy của người Nhật từ rất lâu. Và nói đến nghệ thuật họa họa, thì Shinkai là số ít đạo diễn nổi trội trong việc vận dụng nghệ thuật “Mono no aware” vào các tác phẩm ông thực hiện, bên cạnh huyền thoại Hayao Miyazaki.

Hình ảnh hoa anh đào luôn gắn liền với đất nước và con người Nhật, bởi vì đây là loài hoa biểu tượng cho nét văn hóa, cho “Mono no aware” bởi tính chất đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi của chúng. Mỗi khi Xuân về, hoa anh đào nở rộ, trổ bông khoe sắc, nhưng chỉ trong một tuần chúng lại rơi rụng đi. Khoảnh khắc hoa anh đào rơi, là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất theo quan niệm “mono no aware”, vì khoảnh khắc này phác họa nên vẻ đẹp mỏng manh của từng cánh hoa đào ngả trắng, hồng, một vẻ đẹp đượm chút buồn nhẹ khi bị những cơn gió thoảng qua cuốn đi, làm tan biến, phai dần.

“Takaki ơi, họ nói đó là 5cm/s ” – Akari.

“Ý cậu là sao?” – Takaki.

“Là vận tốc cánh hoa anh đào rơi … 5cm/s” – Akari.

Hoa anh đào đẹp nhất khi rơi, cũng như câu chuyện tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Nhưng sự “dang dở” sẽ không có nghĩa lý nếu như câu chuyện tình không … đẹp. Trong 5cm/s, Akari và Takaki gặp nhau trong ba “khoảnh khắc”, với thời gian vơi dần đi. Thời khắc thuở thơ ấu, họ gặp nhau dưới tán cây anh đào, chia sẻ khoảng thời gian bên nhau trong chưa đến một năm. Khoảnh khắc niên thiếu, trong màn đêm tuyết phủ trắng xóa, Takaki đã có cuộc hành trình kéo dài ba tiếng chỉ để gặp Akari. Hai người họ bên nhau một đêm và đã chia sẻ nụ hôn đầu đời đầy cảm xúc. Khoảnh khắc trưởng thành, trên con đường với đầy kỉ niệm thuở nhỏ, hai người họ bước qua đời nhau, trong một phút giây.

Một năm – một đêm – một phút giây, ấy thế, mà khoảnh khắc nào cũng đều mãnh liệt như nhau.

Nét bậc thầy ở Shinkai, là việc ông đã điệu nghệ “chụp” lại được vẻ đẹp của từng khoảnh khắc – bất kể thời gian dài ngắn – để tô điểm nên cuộc gặp gỡ giữa hai người, qua sự xây dựng và phát triển nhân vật. Thời khắc thơ ấu, Akari và Takaki đã có sự gắn kết, nhưng số phận chia ly được ẩn dụ qua vẻ đẹp chóng vánh của hoa anh đào, và hình ảnh đoàn tàu chia cắt lứa đôi, Akari rời đi lúc Takaki chưa có dịp nói lời tạm biệt. Sang thời niên thiếu, Takaki tình cờ nhận được bức thư từ Akari, hai người giữ sự liên lạc, nối lại tình cảm khi xưa vốn tưởng đã phai đi. Thế nhưng số mệnh lại trêu ngươi, tiếp tục chia cắt tình cảm hai người, chính điều này đã nhen nhóm tạo động lực khiến Takaki, bất chấp thời tiết và khoảng cách, tìm gặp Akari để tỏ tình. Khoảnh khắc hai người họ gặp nhau ở thời niên thiếu, là khoảnh khắc khiến khán giả mong chờ nhất, vì sự chia ly, vì những gì cả hai đã phải trải qua. Chính những điều bi ai, khó khăn họ chịu đựng, khiến chúng ta động lòng trước vẻ đẹp của một sự hạnh phúc, một khoảnh khắc ít ỏi thoảng qua, khi hai người họ nói lời tỏ tình và trao cho nhau nụ hôn đầu đời, nồng ấm trong màn đêm tuyết phủ giá buốt.

“5cm/s không chỉ là vận tốc của những cánh anh đào rơi, mà còn là vận tốc khi chúng ta lặng lẽ bước qua đời nhau, đánh mất bao cảm xúc thiết tha nhất của tình yêu.”

Niềm hạnh phúc này cũng chóng tàn, thế nhưng, mảnh tình của họ không quá mang tính bi quan, mà trái lại, đấy là minh chứng cho một mối tình đẹp đẽ đã qua đi, như vòng luân hồi của tự nhiên, như cánh hoa anh đào, và như mối quan hệ trong cuộc đời. Cuộc sống sẽ tiếp tục tiếp diễn, hai người họ bước qua đời nhau, trong khoảnh khắc phút giây, một trang mới được mở ra.

Hoa anh đào tuy là hình ảnh chính trong 5cm/s, nhưng không phải là thứ duy nhất trong “vạn vật” mà bậc thầy Makoto Shinkai dùng để miêu tả “Mono no aware”. Một hình ảnh khác ông thường hay sử dụng là đoàn tàu hỏa. Tàu hỏa thể hiện sự nhộn nhịp, bận rộn của thị thành. Ở các nước phát triển như Nhật, tàu hỏa là phương tiện công cộng di chuyển huyết mạch, được sử dụng phổ biến. Chính vì vậy, sâu xa hơn, tàu hỏa phác họa nên sự vận động liên tục trong cuộc sống. Khi ta bước lên tàu, con tàu sẽ mãi lăn bánh cho đến điểm dừng kế tiếp chứ không thể quay lại, không chờ đợi ai, tượng trưng cho dòng chảy thời gian. Đến đây hẳn bạn cũng sẽ tự suy được vì sao trong 5cm/s cả hai nhân vật thường bị tàu hỏa chen ngang. Chi tiết hình ảnh không chỉ đơn thuần thể hiện “sự chia cắt”, mà còn ngụ ý về sự chia cắt của thời gian và cuộc sống riêng, vốn là những thử thách mà bất kì tình yêu đường trường nào cũng vấp phải.

Và đến đây, sẽ là hình ảnh của một điều rất quen thuộc trong tự nhiên, được chọn làm “nhân vật thứ ba”, là cái hồn trong tác phẩm tiếp theo của Shinkai mình đi vào phân tích: Kotonoha no Niwa.

¤ 3/ Bâc thầy của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình

“Tiếng sấm vang rền từ xa vọng lại

Mây đen vần vũ

Mưa cũng sẽ rơi chăng?

Để chàng phải lưu bước”

MƯA …

Mưa là điều lệ cho hai người gặp nhau

Mưa gắn kết mối quan hệ hai người

Mưa biến khu vườn địa đàng thành nơi riêng tư mà hai tâm hồn tri kỉ gặp được nhau

Mưa không phân biệt nơi chốn và con người mà mưa trút xuống

Và mưa … tạo cơ hội cho những hình ảnh tráng lệ, lộng lẫy và chi tiết nhất có dịp xuất hiện …

Đối với Takao, tuổi thơ cậu như ùa về mỗi khi mưa đến, cậu nhớ bầu trời, nhớ nơi cả tầm mắt là một khoảng trời trải dài xanh biếc, cứ tưởng như chỉ đưa tay lên là chạm đến bầu trời vậy! Bầu trời hồi đó ở thật gần, và cơn mưa chính là điều hiếm hoi trong chốn thành thị đưa cậu trở về với tuổi thơ. Và rồi, mưa mang đến cho cậu một nơi chốn thân quen, mà tại đó, cậu đã gặp người con gái lần đầu tiên trong đời khiến trái tim thổn thức.

Chỉ mỗi khi trời mưa, Yukari mới thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản. Với cặp mắt xinh đẹp có ánh nhìn xa xăm vào những giọt nước khẽ rơi – có lẽ – những lo âu, phiền toái đời thường trong chị dần tan biến đi, hòa lẫn vào những giọt mưa, những giọt mưa ấy theo chân dòng nước chảy xuống mái hiên, để rồi hòa quyện với dòng chảy ra cạnh hồ. Và bên cạnh chị, là cậu học sinh cùng trường đang mải mê say sưa với thế giới của riêng mình. Nếu tinh ý các bạn sẽ biết, vế đối tanka đầu tiên Yukari đọc đó là để thăm dò xem Takao có biết mình hay không. Và có lẽ – cậu là người học sinh duy nhất trong trường, người mà Yukari bắt gặp làm quen, nhìn cô bằng cặp mắt bình thường. Cặp mắt không có sự dèm pha, soi mói, cặp mắt chẳng có sự thương hại, tiếc nuối, thứ đã đẩy chị xa khỏi công việc hàng ngày và trốn tránh thực tại.

Hai con người, hai thế giới khác nhau – nhưng:” Chúng ta đã gặp nhau, để mỗi người cùng tiến lên phía trước”. Câu giới thiệu mở đầu bỗng dưng hiện lên trong tâm trí mình. Họ gặp nhau trong những ngày mưa, chuyện trò chia sẻ cùng nhau, nơi đây, khu vườn ấy, chính là thế giới của riêng hai người. Chính tại nơi đây – khu vườn Shinjiku – và chỉ trong một khoảng khắc của cuộc đời, trước những làn gió, những cơn mưa mát rượi, họ mới cảm thấy thật sự dễ chịu, là chính mình.

Cơn mưa là chất xúc tác cho hai người gặp nhau, là người dẫn dắt cho câu chuyện tiếp diễn. Mưa rơi xuống ai mà có phân biệt tuổi tác, địa vị? Mưa bình đẳng hóa mối quan hệ hai người, giữa cơn mưa, cũng tại nơi chốn thân quen ấy, cả hai xem nhau như những người bạn tri kỷ. Mưa gieo mầm sự sống, và mưa … nhen nhóm cho tình yêu thầm kín. Chính cơn mưa như định mệnh dẫn đường cho hai tâm hồn lạc lối đến với nhau, để rồi tìm ra một nửa của mình …

Đã từ bao giờ, hai người họ mong ngày mai trời sẽ lại đổ mưa?

Và đôi lúc cơn mưa còn thay cả những lời muốn nói. Sẽ có khoảnh khắc trong Kotonoha no Niwa khi chẳng có đoạn hội thoại thừa nào, mà tất cả – ngoài sự lăng yên – chỉ là tiếng mưa rơi: tiếng nhỏ giọt của mưa, tiếng chảy của dòng nước, tiếng xào xạc khi gió thổi vào những tán cây ướt sũng vì mưa … Hai người ngồi đấy trong im lặng, một chăm chú vào quyển phác thảo trên tay, và người còn lại đắm mình vào lon bia, quyển sách dang dở. Ngay cả trong hoàn cảnh tĩnh mịch này thì họ vẫn âm thầm vun đắp cho mối quan hệ của nhau … Một lần nữa, nhấn mạnh lên nét bậc thầy trong nghệ thuật “Mono no aware” của Shinkai khi sử dụng vẻ đẹp của những khoảnh khắc tự nhiên để kết nối tâm hồn hai con người.

Nhưng cuộc sống có được như mong ước? Có hạnh phúc nào là mãi mãi, dù có nhỏ nhoi đến dường nào. Mùa mưa cũng đến hồi hết, cả hai lại quay trở về với thế giới thực tại. “Mong sao mùa mưa sẽ chẳng bao giờ kết ” – Yukari thầm ước. Takao quay trở lại với cuộc sống trường lớp, việc làm thêm bận rộn. Anh nhớ Yukari lắm đấy chứ, nhưng ngày ko mưa thì còn cớ gì để quay lại chốn cũ? Takao biết rõ hơn ai hết – nếu cứ bám vịn vào lí do nhớ nhung đấy thì chẳng khác nào là đứa nhóc còn trẻ. Giờ đây cậu cần tập trung cho tương lai, chính ước mơ làm giày sẽ dẫn cậu ra khỏi thế giới non nớt, bé nhỏ này mà đến gần Yukari hơn, và đôi giày cậu làm sẽ khiến Yukari mong muốn đứng dậy và bước đi lần nữa. Dù vậy tâm hồn họ vẫn luôn hướng về nhau, họ khát khao chờ mưa …

Như một nhân vật mang những cảm xúc riêng, sau những ngày nắng nóng, mưa cuối cùng cũng đến. Mang theo mây đen vần vũ, mưa tuôn trào mãnh liệt, như thay lời muốn nói cho những cảm xúc hai người đang kìm nén, là thèm khát được gặp lại nhau đang chực chờ như muốn thoát ra.

Tác phẩm khép lại bằng vế đối của câu tanka ban đầu, và cũng là câu trả lời của Takao.

“Tiếng sấm vang rền từ xa vọng lại

Dù mưa hay không

Ta sẽ dừng bước

Nán lại ở bên nàng “

Mưa giờ đây đã không còn là điều lệ, là khế ước cần thiết cho hai người đoàn tụ. Rồi họ sẽ tìm lại nhau sau cơn mưa, vào một ngày nắng đẹp. Cũng như hình ảnh những cơn mưa đã tạnh dần cuối tác phẩm. Mưa đến rồi lại đi, mưa tượng trưng cho sự chuyển mùa, cho nguyên lý luân hồi của tự nhiên. Nhưng mưa cũng mang lại những khoảnh khắc thoáng qua kết nối hai tâm hồn tri kỷ với nhau, tuy chóng vánh, nhưng lại đẹp đẽ, đáng nhớ.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button