Looking back at Look Back
Những dòng chữ dưới đây là công việc đầu tiên tôi làm sau khi trở về từ rạp phim. Công việc thứ hai có lẽ là lục tủ sách để kiếm lại cuốn truyện. Công việc thứ ba: pha cốc trà nóng. Hà Nội vừa mưa khá lạnh.
Nếu tôi có thể đưa lời khuyên duy nhất trong phần review này, nó sẽ là “Đọc bản manga trước khi xem và đọc lại sau khi xem”. Phần còn lại chỉ là cảm xúc cá nhân và những lời khen có phần thừa thãi cho 52 phút phim thượng hạng xứng đáng với từng đồng tiền của các bạn (lời chân thành từ người ngại đi xem phim rạp). Việc biết trước cốt truyện không những không làm người xem mất hứng, trái lại chúng còn tăng cường cảm xúc khi trải nghiệm tác phẩm. Này nhé, bạn sẽ bớt phải bận tâm đọc thoại, tôi đỡ phải viết lại giới thiệu phim còn nhà xuất bản Trẻ lại có thêm doanh thu bán sách. Ai cũng vui =))
Nhưng thật đấy, giá trị của bộ phim có sự khác biệt rất lớn giữa fan của nguyên tác và người xem thông thường. Thời đại hiện nay, kiếm được một tác phẩm bám sát nội dung, trung thành với thông điệp truyền tải và thể hiện sự tôn trọng rõ ràng với nguyên tác vốn chẳng dễ dàng, vậy mà Look Back anime thậm chí còn nâng tầm oneshot thêm bội phần. Những điểm ưu việt dễ dàng nhận thấy đầu tiên chính là hoạt họa. Dù hiển nhiên là nhân vật trong anime cử động được còn manga thì không rồi. Nhưng cái “hoạt” ở đây không đơn giản như vậy. Sự ấn tượng nằm ở chỗ các nhân vật có ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt và lời thoại hết sức có hồn, tự nhiên và chân thật. Tạo được các nhân vật hoạt hình với khả năng “diễn xuất” đã chứng minh một lần nữa tài năng của đạo diễn Kiyotaka Oshiyama ở lĩnh vực phim lẻ cùng dàn họa sĩ trong studio mới nổi Durian, bên cạnh hai seiyuu nhân vật chính là Mizuki Yoshida và Yuumi Kawai (trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với giọng rụt rè của nhân vật Kyomoto).
Điểm vượt trội tôi để ý thứ hai chính là nhịp độ. Không phải là nhịp độ của câu chuyện mà là nhịp độ của từng cảnh phim. Lần đầu đọc manga, tôi nhận ra mình đã đọc…quá nhanh. Khó có thể làm gì khác khi đó là bản chất của truyện giấy, người đọc kiểm soát tốc độ lật trang. Nhưng với anime, đạo diễn Oshiyama có toàn quyền kiểm soát khi nào cần kéo dãn, khi nào cần lướt nhanh, đoạn nào cần thêm điểm nhấn, thêm minh họa, cắt, lọc, chỉnh sửa,… từ đó truyền tải trọn vẹn ý đồ của Fujimoto-sensei lẫn điều tiết cảm xúc của người xem. Phân đoạn nhảy nhót dưới mưa của cô bé Fujino hứa hẹn sẽ không làm người xem thất vọng và những bức 4koma sinh động chắc chắn sẽ làm fan nguyên tác bật cười.
Điểm cuối cùng tôi để ý được, và cũng là điều mong đợi nhất, chính là bố cục và kỹ thuật chuyển cảnh. Hãy để ý tới các shot hình lưng của nhân vật chính được giữ nguyên khi khung cảnh xung quanh thay đổi. Yếu tố vốn khá nhỏ nhoi, yeah but again, nó gần như là một dạng “fan service” nếu các bạn đã xem nguyên tác. Khả năng truyền tải không lời vốn được thể hiện tinh tế qua cách sensei panelling manga giờ đã hiện ra y như những gì tôi hình dung về một Look Back anime.
Và đó là những nhận định ngắn gọn về bộ phim. Phần tiếp theo của bài viết sẽ chia sẻ ba chi tiết tôi tâm đắc nhất. Phải lưu ý với các bạn rằng đây là những quan điểm mang nặng tính cá nhân. Look Back cài cắm nhiều chi tiết theo cách có thể khiến người đọc tự mày mò và đưa ra lời giải thích của riêng mình. Việc tên hai nhân vật chính (Fujino + Kyomoto) ghép lại thành tên tác giả (Fujimoto) thể hiện điều gì? Liệu nhân vật kẻ sát nhân có phải là sự liên tưởng tới sự kiện hỏa hoạn tại studio Kyoto? Bức 4koma cuối cùng của Kyomoto đến từ đâu? Dù đã đọc oneshot khá nhiều lần, khi bước ra khỏi rạp, tôi vẫn cảm thấy bất ngờ khi phát hiện thêm được nhiều điều mới mẻ, đồng thời tiếp tục thán phục khả năng trần thuật và xây dựng hình tượng của sensei.
Chi tiết đầu tiên tôi muốn chia sẻ chính là chiếc áo khoác của Kyomoto (gọi là áo Hanten nếu không nhầm). Kể từ khi được Fujino ký lên phần lưng, nó đã trở thành một kỷ vật quan trọng đối với cô. Người Nhật có một thành ngữ 「背中を見て育った」 (senaka o mite suttata), tạm dịch là “lớn lên theo bóng lưng ai đó”, ám chỉ việc một người là tấm gương, là hình mẫu để người nói noi theo. Fujino chính là “cái lưng” của Kyotomo. Ở đoạn cuối câu chuyện, Fujino phát hiện ra tấm áo được đặt ngay ngắn trên cánh cửa đối diện bàn vẽ của cô bạn mình. Đây là chi tiết càng nghĩ về nó càng thấy xúc động. Chắc hẳn mỗi khi cần động lực vẽ, cô bé sẽ “nhìn lại” và thấy tấm lưng Fujino luôn ở đó, tiếp thêm lòng dũng cảm để từ đó khiến cô mạnh dạn đăng ký vào trường mỹ thuật, trở thành một họa sĩ giỏi hơn.
Gợi mở hành trình phát triển nhân vật chỉ qua một cái áo, đó là cái tài “show don’t tell” tinh tế của Fujimoto-sensei và cũng là cái tôi luôn ưa thích tìm tòi trong các tác phẩm manga/anime. Một chi tiết có vẻ hiển nhiên hơn nhưng đến lúc xem phim tôi mới nhận ra chính là bức vẽ 4koma cuối cùng “Look Back”. Bức vẽ đó có thực sự tới từ thực tại khác tùy thuộc vào quan điểm của các bạn, với tôi thì không. Nó vẫn ở đấy từ trước tới nay và chỉ tình cờ trùng hợp với viễn cảnh trong tưởng tượng của Fujino mà thôi. Dù rất đau lòng nhưng tôi nghĩ đó là cách giải thích giàu ý nghĩa hơn. Từ trước tới nay, Kyomoto chỉ biết vẽ cảnh nền. Việc cô bé có thể sáng tác ra câu chuyện hài hoàn chỉnh đánh dấu sự phát triển trong tài năng lẫn tâm lý của cô. Chắc hẳn Fujino cũng đã “nhìn lại” toàn bộ quá trình phát triển của bạn mình qua bức vẽ để rồi trân trọng và đặt nó ngay “phía trước” khung cửa sổ, như cái cách Kyomoto đã làm với tấm áo hanten. Đây là phân đoạn khiến tôi khẳng định ở đầu bài viết rằng anime đã chú ý và làm tốt hơn hẳn nguyên tác. (Ngoài ra, nếu “nhìn lại” bức 4koma Fujino vẽ để trêu trọc Kyomoto, không khó để nhận ra sự mỉa mai đau lòng mà tôi không muốn viết thêm chút nào hết.)
“Look back” là tiêu đề của tác phẩm, nhưng với tôi, hình tượng đặc biệt nhất, xuyên suốt cả bộ phim cho tới giây phút cuối, lại là cảnh cô bé Fujino cặm cụi ngồi vẽ, không “nhìn lại”. Chúng ta chỉ được thấy tấm lưng của cô và dáng ngồi không đổi, ấy vậy mà ta lại cảm nhận được khi nào cô vẽ với sự hồn nhiên, khi nào cô vẽ với sự đố kị, khi nào với lòng nhiệt thành, khi nào với sự mệt mỏi,….Dù thế nào đi chăng nữa, cô vẫn vẽ. Tại sao cô không bao giờ “nhìn lại”? Chẳng phải mục đích của bộ phim là vậy sao? Tôi cũng có diễn giải của riêng mình cho hình tượng này, nhưng nó khá mơ hồ và tôi lại thích nó tiếp tục…mơ hồ như vậy. Hình ảnh đấy thực sự gợi cho chúng ta rất nhiều chiêm nghiệm về người nghệ sĩ, về thái độ sống và có lẽ về một chút tự nhận thức của tác giả. Hơi tiếc một chút là poster phim đã đổi thành cảnh cặp nhân vật chính ngồi sáng tác với nhau, dù cũng hiểu quyết định này sẽ dễ thu hút khán giả hơn.
…
Còn gì để nói nữa không nhỉ? Sự thành công của anime “Look Back” khiến tôi nuôi hi vọng sẽ có bản chuyển thể “Goodbye Eri”, một oneshot xuất sắc không kém của Fujimoto-sensei. Trời cũng đã tối, tách trà cũng cạn như khả năng viết của tôi. Hi vọng các bạn có thể chia sẻ thêm góc nhìn, quan điểm và cảm nhận của bản thân sau khi xem anime ở phần bình luận để khiến cộng đồng thêm phần sôi động. Hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết khác.
-1q84-