Look Back – Oshiyama CINEMA.
Sức mạnh lớn nhất của điện ảnh nói chung và hoạt hoạ nói riêng là khả năng khuấy đảo cảm xúc người xem qua những gì họ thấy. Và thật tuyệt vời vì cuối cùng ta cũng được diện kiến nguyên tác của “tín đồ điện ảnh” Fujimoto được chuyển thể lên màn ảnh rộng. Tất nhiên, manga và anime là hai loại hình nghệ thuật khác nhau về bản chất, để mang được góc nhìn của Fujimoto lên màn ảnh, bản thân người đạo diễn cũng cần phải có sự cộng hưởng mạnh mẽ với tác phẩm, lẫn sở hữu bề dày kinh nghiệm trong hoạt hoạ và nghệ thuật dựng phim. Kiyotaka Oshiyama là nhân tố không thể nào hợp hơn để đảm nhận vai trò này.
Có một câu chuyện thú vị về production của Look Back, studio Mappa đã ngỏ ý muốn thực hiện và họ đã ở rất gần đích đến trúng thầu. Nhưng cuối cùng Oshiyama đã thuyết phục thành công phía uỷ ban và cả Fujimoto giao dự án cho ông. Có lẽ chính sự nhiệt huyết muốn thực hiện và cống hiến cho tác phẩm đã làm bên uỷ ban mủi lòng. Hoàn cảnh của chính Oshiyama có sự tương đồng chút ít với nhân vật Fujino trong tác phẩm. Cả hai đều rất cố gắng từ đã lâu nhưng không có được sự công nhận xứng đáng – chỉ những người “trong cuộc” (như Kyomoto) mới thật sự ngưỡng mộ tài năng của họ. Oshiyama trước đó đã từng chỉ đạo tác phẩm Flip Flappers, nhưng tác phẩm không được đón nhận lắm trong cộng đồng và khá xịt về mặt doanh thu, ấy vậy mà đối với một bộ phận khán giả, Flip Flapper đã trở thành “cult hit” – một tượng đài và là tuyệt tác trong lòng số nhỏ người thưởng thức – cũng phần nào giống với câu chuyện của Fujino khi các tác phẩm đầu tay dù bị bạn bè đồng trang lứa dè bỉu chê bai, nhưng với Kyomoto thì chúng đều là các tác phẩm cô yêu thích. Oshiyama là nhân tố không thể thích hợp hơn để truyền tải toàn vẹn góc nhìn của nhân vật Fujino, vốn là góc nhìn chủ đạo của Look Back.
Khi xem xong PV mới nhất thì mình không nghi ngờ gì nữa, quá sức tuyệt vời! Look Back tuy là một oneshot dài, nhưng để đem tất cả lên màn ảnh thì vẫn cần phải chế biến thêm chút đỉnh từ source cho vừa thời lượng. Qua PV thì ta cũng thấy tinh chất “hoạt hoạ diễn cảm” mà Oshiyama đã tích góp được trong cả sự nghiệp. Từng frame hình xuyên suốt 1 phút 30 giây của PV đều được chăm chút và mài giũa đến mức độ chi tiết, cảnh nào cũng đẹp như một bức hoạ. Hãy để ý đến bố cục ở các cảnh xuất hiện, mọi “khoảng trống” đều được lắp đầy, không gì là thừa thãi, tạo nên cảm giác trọn vẹn cho các cảnh quay với những chi tiết nhỏ được lồng ghép vào phản ánh lên những ẩn ý thú vị.
Lấy vd là cảnh mở đầu PV, so với nguyên tác manga chỉ gói gọn một phần lớp học ở số ít khung truyện, Oshiyama đã đem đến những cảnh lia ngang góc rộng bao quát toàn cảnh lớp học. Ai cũng tươi cười cầm trang giấy truyện nhỏ, tạo nên không khí sinh động. Cắt cảnh sang hình ảnh Fujino ở tâm điểm, như thể mọi sự chú ý đang hướng về mình. Ta thấy Fujino đang rất ung dung, tự kiêu, nhắm mắt tựa cằm như thể đang “tận hưởng” mọi ánh nhìn của bạn bè đồng trang lứa. Chưa dừng ở đó, đây là một cảnh tầm trung với gam màu sặc sỡ: cảnh nền là những chiếc cặp đỏ thẫm, Fujino mặc áo vàng óng – vốn là những gam màu chủ đạo. Trong cuộc sống hàng ngày, những màu sắc chúng ta thường thấy luôn có độ “bão hoà” cao, màu đỏ không thật sự “đỏ thẫm” như bảng màu, mực bút mà chúng thường tối và sậm hơn. Chính vì vậy những màu sắc “sặc sỡ” thường tạo ra cảm giác giả tạo. Điều này ám chỉ rằng thế giới mà tâm trí Fujino đang hình dung là một thế giới … đầy sự giả tạo và tự kiêu, Fujino chưa biết được “hiện thực” rằng có người tài giỏi hơn mình. Chỉ vài giây mở đầu thôi mà mình đã cảm nhận được đây sẽ là một tuyệt phẩm chuyển thể, truyền tải hết những tinh hoa của tác giả Fujimoto cũng như nâng tầm chúng lên qua nghệ thuật hoạt hoạ mà đạo diễn Oshiyama đã theo đuổi và hoàn thiện.
Bên cạnh đó, mối quan hệ của Fujino và Kyomoto trong manga đã làm mình cảm xúc lắm rồi, được xem họ tương tác cạnh nhau, tay trong tay, chia sẻ những bữa ăn qua màn ảnh một cách sống động lại càng làm mình … xót xa hơn . Nhất là những cảnh quay đậm chất “cinema” nữa chứ, đẹp ơi là đẹp mà sầu cũng ko tả được.
Hóng đến ngày phim công chiếu quá!