LOOK BACK – Đừng dừng bước, dù ở nơi ánh đèn đã dần tắt
Theo đuổi ước mơ chưa bao giờ là một hành trình lãng mạn. Ngược lại, việc theo đuổi giống như một cuộc phiêu lưu qua những chông gai, đôi khi khiến chúng ta sa lầy vào những thứ khác, khiến chúng ta hụt hẫng và đôi khi còn xuất hiện cả lòng ghen tị. Nhưng cho dù có cố gắng đến đâu, việc chúng ta theo đuổi ước mơ ấy không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ khiến nó trở thành sự thật, mà đôi khi trên con đường ta theo đuổi ấy ta sẽ dần nhận ra những thứ vô tình làm tổn thương đến những khát vọng tuyệt vời đó. Tuy nhiên trong những tình huống như thế, chúng ta vẫn chọn đứng lên, không buông tay với ước mơ ấy.
Tại sao chúng ta lại cứ tiếp tục theo đuổi giấc mơ ấy? Tại sao ta vẫn kiên trì được như vậy? Rõ ràng việc theo đuổi nó sẽ khiến chúng ta bầm dập, tả tơi. Vậy bản chất thực sự của sự theo đuổi của con người chúng ta là gì? Mình nghĩ qua bộ phim này các bạn cũng sẽ có câu trả lời riêng cho mình.
Chính vì sự theo đuổi ấy đã khiến cho thế giới xung quanh ta thay đổi, mang lại màu sắc và hơi ấm. Cũng chính vì sự theo đuổi ấy đã đưa hai số phận xa lạ lại với nhau, từ những người dưng nay đã thành điểm tựa của nhau. Cũng nhờ sự theo đuổi ấy mà thời gian dường như trở nên chậm lại, lắng đọng lại những ký ức quý giá. Có lẽ sự theo đuổi không chỉ đơn giản là một hướng đi, là con đường ta vẽ ra để hướng tới ước mơ, mà nó còn mang ý nghĩa cho cuộc sống, hay cũng có thể nó chính là mục đích sống của một vài người.
Khát khao chạm được tới ước mơ chính là sự khởi đầu cho mọi sự theo đuổi, và ngay cả khi ta đã chạm tay đến ước mơ ấy, điều đó cũng không có nghĩa là sự theo đuổi đã chính thức kết thúc. Ước mơ là điểm khởi đầu, và cũng là điểm kết thúc. Nó như một dải Mobius, từ sự kết thúc của hành trình này sẽ lại mở ra cuộc hành trình kế tiếp. Sự theo đuổi chính là bản năng sâu thẳm trong mỗi tâm hồn con người, và trong quá trình theo đuổi ấy chúng ta sẽ dần nhận ra chúng ta sẽ yêu mến chính con người đang theo đuổi đó của mình.
Trở lại với “Look Back” có thể thấy rằng bộ phim không hẳn đưa ra câu trả lời hay lý do rõ ràng về sự theo đuổi. Bởi lẽ sự theo đuổi luôn chứa đựng vô vàn câu trả lời: có thể là để đạt được một thành tựu nào đó, có thể là không cam lòng với những gì mình có, hoặc cũng có thể là theo đuổi để có thể tiếp tục dang rộng đôi cánh của mình sau khi đã ngã xuống.
Con người chúng ta luôn có xu hướng đi tìm kiếm câu trả lời cho những khúc mắc của mình. Thế nhưng nếu quá cố chấp với một lý tưởng duy nhất chúng ta sẽ có thể vô tình đánh mất đi những cơ hội khác, tình cờ giới hạn lại bản thân của mình và dần dần rơi vào vô định hướng. Nhưng qua “Look Back” ta có thể thấy bộ phim luôn giữ một khoảng trống cho sự theo đuổi như một lời nhắc nhở đầy ân cần tới với những người đã và đang theo đuổi cùng một đam mê: sáng tạo chính là cốt lõi của cuộc sống, mà cuộc sống thì không bao giờ có một hình dáng duy nhất.
Vậy nên hãy cứ tiếp tục theo đuổi ước mơ ấy. Khởi đầu chúng ta đều có thể sẽ vụng về, đôi khi thì loạng choạng, đôi chân ta sẽ có đôi ba lần vấp ngã, nhưng điều đó chẳng phải là rất bình thường sao? Cho dù đó là sự theo đuổi của tuổi trẻ, của tình yêu, hay là của ước mơ thì nó đều đẹp cả. Vậy nên hãy cứ thả mình dưới những cơn mưa lớn, hãy cứ để đôi chân thỏa thích đạp lên bùn đất, và rồi một ngày nào đó trong tương lai, khi bạn nhìn lại chặng đường ấy, bạn sẽ nhận ra rằng chính mình đã vượt xa cái “mình” mà bạn đã tưởng tượng.
Tuy nhiên, cho dù bạn có chạy nhanh tới đâu, con người cũng không thể nào vượt qua được chữ “tử”. Sự lụi tàn của một sinh mệnh, những rối ren trong một mối quan hệ, sự dao động của lòng tự tin, lạc lối trong suy nghĩ, … tất cả đều là những chông gai không thể tránh khỏi của mỗi cuộc hành trình. Có thể thấy rằng cuộc sống này không chỉ dừng lại ở “ước mơ” mà nó luôn đồng hành song song với sự chia ly, mất mát.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể chọn cách tiếp tục bước tới. Giống như Fujino, tiến bước không nhất thiết phải có một lý do hoàn hảo, mà chỉ đơn giản là để tìm kiếm và ghi nhớ. Bản thân việc tiến lên phía trước đã có trong nó một sức mạnh riêng của nó, và nó cũng góp phần thay đổi tạo nên một tương lai khác.
Chính vì vậy mà trang truyện với 4 ô trống dán trên cửa sổ của Fujino không chỉ đại diện cho sự khởi đầu của cả hai mà còn là biểu tượng cho mối duyên chưa đứt. Chỉ cần Fujino tiếp tục sáng tác, Kyomoto sẽ vẫn tiếp tục sống trên thế giới này, dưới danh nghĩa Fujino Kyo.
Vì vậy, đừng ngoảnh lại một cách vô định, nếu có nhìn lại thì hãy nhìn để ghi nhớ chứ đừng để xóa bỏ, chối từ quá khứ. Suy cho cùng thế giới của Kyomoto chỉ bắt đầu xoay chuyển vì Fujino – từ sự theo đuổi đơn thuần ban đầu cho tới mong muốn được sánh vai cùng với Fujino. Đối với Kyomoto, cô không cần một thế giới song song nào khác, bởi vì thế giới này mới có Fujino Kyo, mới có người mà cô muốn đồng hành cùng.
“Đừng nhìn lại trong sự tức giận.”
Ở đoạn cuối phim, sau một thời gian dài tạm dừng và cảm nhận được sự mong muốn từ Kyomoto, Fujino cuối cùng cũng đã cầm bút vẽ trở lại. Điều đó đã đưa cô ấy trở lại với bàn làm việc tiếp tục với đam mê của mình. Từ những ngày còn là trẻ con với tiếng bút chì sột soạt vẽ truyện tranh bốn khung trên giấy nay đã trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp với bảng vẽ điện tử. Dù không có trợ lý nhưng cô gái ấy vẫn miệt mài vẽ một mình, chăm chút từng khung hình và nhân vật, không để ý tới thời gian đã trôi qua như nào. Chúng ta vẫn luôn theo dõi cô gái ấy, giống như cách mà Kyomoto đã từng ngắm nhìn cô.
Có lẽ cuộc sống của một vài người chúng ta cũng như những gì mà bộ phim đã truyền tải: luôn giữ cho mình sự tò mò, tìm tòi về tương lai nhưng cũng không được quên đi những gì chúng ta đã trải qua, vì mọi thứ đều mang một ý nghĩa nhất định, đừng phủ nhận nó một cách dễ dàng. Và khi chúng ta nhìn lại cuộc hành trình ấy chúng ta sẽ thấy được bản thân minh đã vượt xa được như nào.