Liệu Ghibli Có Đang Mất Dần Đi Sự Màu Nhiệm?
Với thế hệ mình thì Ghibli thật sự là một phần gắn liền với tuổi thơ. Hồi đấy Spirited Away nhận giải Oscar khi mình còn là một cậu nhóc 11 tuổi, sự thành công của Spirited Away đã phần nào mở con đường “chính tông” cho anime du nhập về Việt Nam (lúc bấy giờ qua hình thức băng đĩa) vì Internet vẫn còn đang trong giai đoạn “sơ khai” hồi đó. Sự thành công của Spirited Away cũng tạo nên trào lưu đem phim hoạt hình Nhật về lồng tiếng và trình chiếu ở các đài nhỏ lẻ, sau đó là giai đoạn phát triển truyền hình cáp (animax, BiBi), góp phần mang lại nhiều lựa chọn hơn cho thế hệ khán giả mới …
¤ Hayao Miyazaki đã là một tượng đài, đấy là điều chắc chắn, cũng như các tác phẩm của ông luôn tạo chỗ đứng trong lịch sử và những giá trị ông truyền tải vào từng bộ phim sẽ luôn tồn tại vĩnh viễn, đó là tính nhân văn, hòa hợp với môi trường, bài trừ chiến tranh và vv …
Nhưng có một sự thật là Ghibli hiện nay rất khác với Ghibli của 20 năm về trước, do thời thế và xã hội đổi thay. Những tác phẩm như Lâu Đài Laputa, Mộ Đom Đóm, Totoro, Kiki, Mononoke … vẫn mang lại những giá trị vĩnh hằng, tuy nhiên, sự thay đổi của công nghệ, của xã hội đã phần nào ngăn cản những tác phẩm này đến tay nhiều thế hệ trẻ, vì đơn giản là bạn chỉ mất có vài giây trên Internet để nhận được một “thư viện” với cả trăm, cả nghìn những anime khác nhau.
Hồi đấy có rất ít sự lựa chọn “chính tông”, nên các bộ của Ghibli luôn là lựa chọn hàng đầu. Còn hiện nay, giữa muôn trùng các anime, manga cực-kì-dễ-truy-cập, nếu bạn là một người xem anime “mới” mà tìm đến chính xác tác phẩm của Ghibli, thì mình tin bạn đã được một ai đó “giới thiệu” và kèm cặp. Vì đơn giản là anime của Ghibli rất, rất khác với những anime hiện nay.
Hayao Miyazaki là một tượng đài, không ai có thể phủ nhận được, nhưng ông cũng là một con người với giới hạn bản thân! Ông không phải là một cái máy có thể sản xuất ra những bộ bom tấn như Spirited Away, Mononoke Princess hằng năm được!
Thập kỷ vừa qua, Miyazaki trực tiếp tham gia vào 3 bộ (Arrietty – kịch bản, From Up on Poppy Hill – kịch bản, The Wind Rises – đạo diễn kiêm kịch bản). Nhưng có một “vấn đề” bạn sẽ thấy được, là doanh thu phòng vé không đạt được con số ấn tượng như những tác phẩm ông đã thực hiện vào thập niên 2000.
¤ Mình cho rằng có khá nhiều yếu tố dẫn đến kết quả như vậy, mà một trong số đó là sự thay đổi của xã hội và thế hệ các fan anime.
Fan anime hiện nay lớn lên với những quyển truyện rất dễ mua được và tiêu thụ từ những gã NXB khổng lồ như Shueisha (WSJ), Kodansha. Mặt khác, họ là thế hệ lớn lên trong thời bình. From Up on Poppy Hill có bối cạnh về thời hậu chiến khi Nhật vẫn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội. The Wind Rises mang thông điệp bài trừ chiến tranh khi nói về nuối tiếc của Jiro, một nhà thiết kế máy bay và mối tình của anh. Đây chắc chắn là hai tác phẩm đặc sắc đấy chứ! Doanh thu phòng vé cũng tương đối ấn tượng, nhưng so với doanh thu của các tác phẩm Miyazaki đã thực hiện trong thập kỷ vừa qua (2000), mình nghĩ ngay đến Miyazaki cũng có một sự thất vọng không hề nhẹ.
Không phải vì đây là hai tác phẩm tệ hại, hoàn toàn không! Mà do những giá trị trong hai tác phẩm này rất khó để cảm thụ khi bạn là một người lớn lên trong thời đại hòa bình, chưa từng trải qua khó khăn nào như nhân vật trong phim để thấu cảm tận tâm được. Ngoài những bộ Miyazaki thực hiện, Ghibli còn ra mắt “When Marnie Was There” và “The Tale of the Princess Kaguya” vốn là những tác phẩm cực kì kén người xem và đòi hỏi họ phải ở một trình độ nhất định để cảm thấu được đường nét nghệ thuật. “Xu hướng” Ghibli lựa chọn để đi trong thập niên vừa qua rất có vấn đề.
Khi nhắc đến Miyazaki và Ghibli, thì chúng ta nhắc đến Spirited Away, Howl’s Moving Castle, Ponyo, Totoro, Princess Mononoke … chứ ít có ai nhắc đến những tác phẩm của ông trong thập niên 2010. Bên cạnh đó, sự thành công của Kimi no Na wa và Demon Slayer tại phòng vé đã chứng minh một điều rằng (một lần nữa, mình chỉ dẫn chứng chứ không hề có ý so sánh nào ở đây), thị hiếu và xu hướng của khán giả LUÔN đổi thay.
Kimi no Na wa ra mắt vào thời điểm người dân Nhật cần một tác phẩm cho họ động lực vươn lên sau cơn động đất và sóng thần tồi tệ nhất trong lịch sử của họ. Demon Slayer tạo nên sự kết nối với các giá trị truyền thống mang tính chất gia đình trong xã hội “giãn cách”, điều mà họ rất cần, cũng như là thỏa mãn ham muốn “giải trí” vì tình hình khô khan hiện nay. Có phải là họ đã quá “dễ tính” khi chấp nhận những tác phẩm này? Cũng không hẳn, nếu như họ “thật sự” dễ tính, ta đã thấy BXH liên tục thay đổi trong hai thập kỷ vừa rồi. Nhiều người cho rằng sự thành công của Your Name là điều ngẫu nhiên, nhưng Demon Slayer đã chứng minh rằng, cái sự “ngẫu nhiên” này nó mang một “khuôn mẫu” nhất định mà những studio, đạo diễn tên tuổi hiện nay đang tìm cách giải mã.
Có lẽ Miyazaki cảm thấy ông đã mất dần đi sự kết nối với thế hệ khán giả trẻ, do vậy mà Ghibli đã tạm ngưng hoạt động vào năm 2014, nhiều nhân sự trụ cột của studio vì thế cũng bất bình mà tách ra thành lập Studio Ponoc riêng. Mary and the Witch’s Flower của studio Ponoc chính là nét đặc trưng, là hình ảnh đại diện cho tinh hoa của Ghibli đấy! Nhưng tên tuổi của Miyazaki và Ghibli là quá lớn đã làm nhiều người dị nghị khi xem tác phẩm này. Bên cạnh đó, The Tale of the Princess Kaguya cũng là tác phẩm mình đánh giá rất cao của Ghibli trong thập kỷ vừa qua, nhưng lại thấy ít có ai đề cập đến vì rất khó tiếp thu tính chất nghệ thuật. Isao Takahata (Grave of the Fireflies, Only Yesterday … ) cũng là tên tuổi xứng đáng được nhắc đến bên cạnh Miyazaki vì những đóng góp của ông cho Ghibli. Isao đã mất đi 3 năm trước (2018), điều này cũng gây ảnh hưởng không ít lên sự nghiệp nghệ thuật của Miyazaki vì Isao không chỉ là đồng nghiệp, mà là bạn thân “chí cốt” của Miyazaki đã từ rất lâu, vào ngày đầu thành lập Ghibli.
Đỉnh cao của Ghibli tuy đã qua, nhưng những tác phẩm của họ vẫn còn mang những giá trị vĩnh hằng, dấu ấn lịch sử không thể phai mờ theo thời gian. Cũng chính vì vậy, việc Miyazaki “quay trở lại” sau lời tuyên bố giải nghệ làm mình vừa vui lẫn buồn. Vui vì Miyazaki, sau khi đạt được sự nghiệp mang tầm vóc lịch sử, đã quay trở lại thực hiện anime vì niềm đam mê. Nhưng buồn vì nếu tác phẩm tiếp theo ông thực hiện không để lại dấu ấn sâu đậm, thì đấy có lẽ là tác phẩm cuối cùng của Miyazaki trên con đường dốc phía bên kia sự nghiệp.
“Một phút huy hoàng rồi chợt tối, hay là le lói suốt trăm năm?”. Dù Miyazaki có lựa chọn thế nào thì mình cũng luôn ủng hộ ông hết mình.