Kyoto Animation – Tất Cả Những Gì Một Fan Nên Biết.
Bài viết tâm huyết nhất của mình dành cho Kyoto Animation, dưới tư cách là một fan yêu thích studio trong suốt 14 năm qua. Dù mình có lược bỏ đi nhiều đoạn chuyên sâu nhưng vẫn khá dài, hãy chuẩn bị chút đồ vặt vừa nhâm nhi vừa đọc nhé các bạn. Bài viết mình trân trọng dành cho Kyoto Animation, cũng như là dành cho các fan hâm mộ của studio. Bài viết được chia thành nhiều phần nhỏ cho tiện theo dõi.
⏵ Lịch sử hình thành và phương châm Kyoto Animation lựa chọn.
⏵ Con đường đi đến thành công.
⏵ Họ đã đạt được thành công như thế nào? Sự liên hệ giữa phương châm và đường lối phát triển.
⏵ Bước đi mạo hiểm cho tham vọng Kyoto Animation đã ấp ủ từ bấy lâu.
⏵ Một trong những ngày tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật sau hậu thế chiến – 18/07/2019
⏵ Sự hồi phục kì tích.
⏵ Đôi lời khép lại.
¤ 1/ Lịch sử hình thành và phương châm Kyoto Animation lựa chọn.
Hideaki Hatta lúc rời khỏi Mushi Pro, đã ấp ủ dự định thành lập nên một công ty hoạt họa riêng. Không lâu sau vào năm 1981, giấc mơ của ông đã thành hiện thực khi cùng Yoko, người vợ mình, thành lập nên Kyoto Animation.
Với kinh nghiệm sẵn có và tầm nhìn rộng mở, họ thấy được sự bùng nổ của ngành công nghiệp hoạt họa. Nhưng lúc ấy, anime được xem như ngành công nghiệp nặng với các biện pháp sản xuất đắt đỏ. Những hoạt họa sĩ tại Tokyo thường phải vẽ hàng trăm tấm hình (lúc bấy giờ được gọi là cels, do công nghệ số hóa vẫn chưa phát triển) và đưa chúng đi sang Hàn, Trung Quốc cho bộ phận gia công tô màu. Hideaki thầm nghĩ, sao ta phải phụ thuộc vào nhân sự từ nước khác trong khi nguồn lực tại quê nhà vẫn còn nhiều? Vẫn còn nhiều người không có việc làm? Hideaki từ những ngày đầu đã muốn mang việc gia công về Kyoto để tạo việc làm, và những vùng lân cận Kansai.
Nghĩ là làm, họ đăng quảng cáo rải rác trên các tờ báo tại Osaka, thành phố lớn thứ hai tại Nhật, nhằm tuyển nguồn nhân lực họ có thể tự đào tạo những điều căn bản nhất trong sản xuất hoạt họa. “Chúng tôi dạy vẽ” – nội dung quảng cáo ghi, đã thu hút nhiều người hỏi thăm. Trong số đó có Mihoko Kouda, cô là nội trợ, bận bịu chăm sóc trẻ nhỏ nhưng vẫn háo hức muốn tham gia vào nền kinh tế đang bùng nổ thời bấy giờ, năm 1983 Mihoko được ứng tuyển. Kyoto Animation cho phép những người nội trợ như Mihoko làm việc tại nhà, với giờ giấc hợp lý (từ 9h sáng đến 6h chiều), vốn là điều hầu như không tưởng ở các studio lớn tại Nhật. Đến hơn 30 năm sau, Mihoko vẫn còn làm tại studio, và vào năm 2014 thì Kyoto Animation ứng tuyển con gái bà.
Sinh ra và lớn lên ở trang trại thuộc tỉnh Fukui, vùng ven biển phía Đông Bắc của Kyoto, Hideaki đã thân quen với hình ảnh người nông dân làm việc cả ngày trên những cánh đồng lúa non. Ông chia sẻ:” Để làm ra hạt gạo, ta phải cày bừa đất, trồng trọt, tưới và bón phân, rồi gặt hái”. Hideaki nói thêm: “Kyoto Animation cũng như vậy, chúng tôi đặt tầm quan trọng lên việc nuôi dưỡng những người tốt”.
Ta có thể thấy ngay từ giai đoạn hình thành, Kyoto Animation đã chú trọng đến việc phát triển và gắn kết con người với nhau. Đối với Kyoto Animation, nhân sự trong studio được xem như thành viên trong một đại gia đình. Và Kyoto Animation vẫn tiếp tục gìn giữ truyền thống này cho đến hiện nay. Thuở đó, có rất ít thông tin về văn hóa công sở của studio được thu lượm, cho đến khi các tác phẩm họ thực hiện được mang lên tâm điểm chú ý. Kyoto Animation hiếm khi nào cho phép cánh nhà báo vào tham quan studio, họ kín tiếng và không muốn sự ồn ào. “Hãy để những tác phẩm nói thay lời”, Hideaki nhấn mạnh. Thế nhưng theo năm tháng, nét văn hóa gìn giữ bấy lâu dần được hé lộ, có điều gì đó vừa kỳ bí, vừa đẹp đẽ đã thôi thúc người hâm mộ muốn biết hơn về nét đặc sắc của một studio mang tên “Kyoto Animation”, tọa lạc tại Kyoto cổ kính.
Hoạt họa sĩ quá cố Kigami từng chia sẻ: “tuy công việc không phải là tất cả, nhưng khi chúng tôi cùng bên nhau tại studio, ai cũng muốn gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau tạo nên những tuyệt tác đẹp đẽ nhất có thể”. Sau hơn hai thập kỷ gắn bó với Kyoto Animation, ông hưởng thọ 61 tuổi và qua đời trong vụ hỏa hoạn 2 năm trước.
¤ 2/ Con đường đi đến thành công.
Vào thập niên 2000, công việc sản xuất anime bùng nổ. Thời điểm chín muồi, với đại gia đình Kyoto Animation đã xây dựng trong hai thập kỷ qua, họ mở rộng khuynh hướng kinh doanh, từ studio chỉ đảm nhận công việc gia công, Kyoto Animation đổi thay trở thành một thế lực có thể tự tay sản xuất hoàn chỉnh một tác phẩm anime.
Kyoto Animation nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công. Không bạo lực, không dung tục, đa phần những tác phẩm họ thực hiện đều chú trọng miêu tả nét đẹp bình dị trong cuộc sống đời thường, của tuổi trẻ thanh xuân, phác họa nên tính nhân văn giữa những mối quan hệ người với người. Kyoto Animation luôn chủ ý mang lại niềm hy vọng qua các tác phẩm anime, giúp xua tan đi những nỗi buồn hiện hữu trong thế giới hiện thực khắc nghiệt. Ví như Clannad là câu chuyện cảm động về gia đình, giúp hàn gắn lại những trái tim rạn nứt, hay tác phẩm Silent Voice làm dấy lên sự cảm thông với những số phận, hoàn cảnh dị tật bị xã hội kị nghị, và chuyến hành trình chuộc lại lỗi lầm của nhân vật Shouya.
“Kyoto Animation đã giúp đưa anime trở thành loại hình nghệ thuật đại chúng, dễ tiếp cận với mọi người hơn” – đạo diễn Makoto Shinkai chia sẻ, “những cô cậu học sinh cấp 3, nhân viên văn phòng trước đây thường không phải là fan cứng của anime, nay ta đã thấy họ xem anime như việc rất bình thường, hát các bài hát anime tại những buổi gặp gỡ karaoke, hay mua những vật phẩm về anime quanh thị thành”. Shinkai giải thích thêm: ”Kyoto Animation đã giúp hình thành nên nền văn hóa otaku và làm thay đổi hành vi lẫn nhận thức của nhiều thế hệ, những tác phẩm họ thực hiện có sự ảnh hưởng như vậy đó!”.
Dấu ấn Kyoto Animation in đậm lên văn hóa hoạt họa Nhật vào giữa và cuối thập niên 2000 qua tác phẩm The Melancholy of Haruhi Suzumiya và K-on!. Haruhi đã tạo nên làn sóng văn hóa trên internet khắp Châu Á, và K-on trở thành tác phẩm anime truyền hình đầu tiên trong lịch sử thời bấy giờ có tổng số lượng đĩa bán ra vượt mức 500 nghìn bản, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Bên cạnh đó, các tác phẩm Kyoto Animation còn có sức ảnh hưởng lớn lao lên cộng đồng địa phương Nhật Bản, mà câu chuyện nổi bật nhất phải nhắc đến là ngôi đền Washinomiya, tọa lạc tại Kuki, tỉnh Saitama. Hình ảnh ngôi đền được sử dụng trong tác phẩm Lucky Star đã tạo nên làn sóng thu hút khách tham quan du lịch, giúp hồi sinh lại thị trấn bằng những món quà mang hình ảnh của tác phẩm.
Nhưng Kyoto Animation không ngủ quên trong ánh hào quang, đồng tiền không làm mờ mắt họ. Phương châm “nuôi dưỡng người” vẫn là một phần không thể thiếu đã ăn sâu vào nét văn hóa công sở tại studio từ ngày thành lập, và điều này cũng mang sự ảnh hưởng chủ chốt lên sự phát triển của họ cho đến ngày hôm nay.
¤ 3/ Họ đã đạt được thành công như thế nào? Sự liên hệ giữa phương châm và đường lối phát triển.
Ngành công nghiệp anime hào nhoáng luôn có một “mặt tối”, khi rất nhiều những studio lớn như MAPPA, A-1, Madhouse … từng dính vào các scandal liên quan đến sự bóc lột lao động, quá giờ làm. Bên cạnh đó, phương thức trả lương truyền thống cho các hoạt họa sĩ được tính theo số lượng bản vẽ họ hoàn thành xong, một bản vẽ chất lượng sẽ được trả công ít hơn so với hai bản vẽ chỉ có chất lượng “vừa đủ”, số lượng quan trọng hơn chất lượng, mà cho đến hiện nay hình thức trả công này vẫn còn là vấn đề gây nhức nhối trong ngành công nghiệp.
Hầu hết các anime studio lớn tại Nhật đều áp dụng hình thức tuyển dụng theo thời vụ (freelance), hình thức này giúp dự án được triển khai nhanh hơn, nguồn nhân lực bên ngoài dồi dào cũng giúp họ thi triển nhiều dự án hơn trong cùng thời điểm. Nhưng cũng chính vì cách thức tuyển dụng này mà nhiều vấn đề nảy sinh, dễ thấy nhất là qua sự trồi sụt thất thường trong chất lượng tác phẩm, nguyên do là trình độ của hoạt họa sĩ được thuê không đồng đều. Tồi tệ hơn là khâu quản lý nhân sự và sắp xếp lịch làm việc dễ trở nên rối tung, kém hiệu quả, dẫn đến sự trì trệ trong quá trình sản xuất, minh chứng rõ nhất là qua các tập recap (chiếu lại) để câu thêm giờ. Lịch làm việc ngộp thở, cộng với đồng lương ít ỏi gây áp lực không ít lên phần đông các hoạt họa sĩ trẻ tuổi.
Trong ngành công nghiệp mà chất lượng hoạt họa của một tác phẩm thường có sự trồi sụt thất thường, các dự án bị ứ đọng, trễ thời hạn diễn ra như cơm bữa, thì có những bộ anime từ một studio nhất định vẫn tự hào với chất lượng ổn định xuyên suốt chiều dài tác phẩm, tập qua tập, thậm chí, từng khung hình qua khung hình. Chắc các bạn cũng biết mình đang nói đến studio nào.
Những tác phẩm của họ luôn làm đắm say người xem bởi sự mượt mà, giàu xúc cảm trong hoạt họa hình ảnh. Đôi khi, bạn chỉ cần xem thoáng qua cử động nhỏ của đôi bàn tay, hay cái nhịp chân, ánh mắt … cũng cảm nhận được nhân vật đang nghĩ gì. Không chỉ riêng hoạt họa mà nghệ thuật dẫn dắt và kể chuyện của studio cũng làm mê mẩn nhiều thế hệ khác nhau. Và để đạt được điều này thì Kyoto Animation cần có sự tin tưởng tuyệt đối đến các hoạt họa viên họ tuyển dụng, không, phải nói chính xác hơn, là những thành viên trong một đại gia đình. Và Kyoto Animation đã đạt được kết quả này như thế nào?
Văn hóa “trồng người” của Kyoto Animation đã được hình thành ngay từ đầu thập niên 90. Bạn không đọc lầm đâu! Kyoto Animation trong giai đoạn là studio gia công đã chú trọng đến sự giáo dục tài năng trẻ, cải thiện tính đoàn kết giữa thành viên, họ ứng tuyển nhân sự vào các vị trí toàn thời gian. Trường đào tạo tài năng trẻ của studio xuất hiện còn sớm hơn tác phẩm đầu tiên Kyoto Animation “chính thức” thực hiện!
So với hình thức ứng tuyển theo thời vụ và trả công theo số lượng bản vẽ, các hoạt họa sĩ ở Kyoto Animation là những người làm việc toàn thời gian, họ hưởng lương theo giờ với đầy đủ phúc lợi xã hội, được thừa hưởng sự chỉ dẫn, giáo huấn tận tâm từ những người đi trước. Do đó, nguồn nhân lực trong “nhà” đều có trình độ đồng đều, dẫn đến sự ổn định trong sản xuất hoạt họa. Mặt khác, Kyoto Animation không bao giờ “ôm sô”, thế nên các tác phẩm họ thực hiện đều có sự chuẩn bị kỹ càng với lịch làm việc được sắp xếp hợp lý. Do vậy, một hoạt họa sĩ có thể chú tâm hơn để cống hiến hết mình vào từng bản vẽ mà không bị áp lực về thời gian, số lượng cần hoàn thành, lẫn tiền nong chi phối. Sự phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ nhân sự, lẫn khả năng quản lý hiệu quả giúp họ tiết kiệm hơn nguồn lực cần sử dụng (so với một tác phẩm từ studio khác), giúp giảm thiểu sai sót dẫn đến tiết kiệm nguồn kinh phí. Hoạt họa của Kyoto Animation trông nhìn thì có vẻ nhiều tiền, nhưng kinh phí cũng không cao hơn mặt bằng chung là bao.
Thập niên 2000 tạo điều kiện cho công cuộc gặt hái thành quả trở nên chín muồi, thành công của Kyoto Animation không hề do may mắn, mà bằng chính sức lực họ dày công có được. Nhưng thời khắc bấy giờ cũng mang đến nhiều thử thách, và một lần nữa, chủ trương “nuôi dưỡng nhân lực” được lấy làm tâm điểm.
Kyoto Animation đổi mới lại khóa học giảng dạy, một phần do công nghệ thay đổi. Việc sử dụng “cel” đã lỗi thời, Kyoto Animation loại bỏ “cel” ra khỏi chương trình học, đồng thời gom khóa học “chỉ đạo” vào chung với “hoạt họa”. Bên cạnh đó, dàn giáo viên hướng dẫn ngoài những cựu binh của studio, Kyoto Animation còn mời thêm những huyền thoại như Kigami, Takemoto để gia nhập vào quá trình đào tạo nhân tài trẻ. Họ cũng là studio đi tiên phong trong phong trào bình đẳng giới với số lượng nữ nhân sự được ứng tuyển chiếm phần lớn, diễn giải cho tính chất nữ tính chân thật thể hiện qua hoạt họa cử chỉ các nhân vật nữ. Đây là các bước đi có tính chiến lược lâu dài, giúp giải quyết một bài toán nan giải để xây dựng nên thương hiệu Kyoto Animation chúng ta yêu thích ngày hôm nay.
※ Thế bài toán họ giải quyết là gì?
Không phải là bài toán mới mẻ, mà đã nhen nhóm từ lâu trong tâm trí của nhiều người đứng đầu ngành CN từ lâu. Có quá nhiều anime được sản xuất, nhưng nguồn lực tài năng thì không hề đủ. Việc tìm kiếm “đúng người” vào một dự án đã quá khó, huống chi là người giỏi. Đặc biệt hơn, nếu là nguồn lực quê nhà thì lại cực kì khan hiếm, vì những thế hệ mới – các hoạt họa sĩ trẻ ở Nhật sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các nước láng giềng như Trung Quốc, Nam Hàn. Đơn giản là họ có quá ít kinh nghiệm để thăng tiến trong sự nghiệp khi những bản vẻ gia công được gửi sang các nước kể trên vì giá lao động rẻ hơn.
Để là một đạo diễn giỏi, một chỉ đạo nghệ thuật giỏi, thì trước nhất phải là một hoạt họa sĩ giỏi. Trái ngược với đa phần các studio tên tuổi lớn tại Nhật, Kyoto Animation là studio đi tiên phong trong việc sử dụng nguồn lực nhà. Không có gì phí phạm, gần như mọi quá trình trong sản xuất hoạt họa đều được thực hiện trong nhà, mà quan trọng nhất, là công việc gia công (inbetween). Nếu bạn chịu khó để ý thì đa phần các đạo diễn trụ cột ở Kyoto Animation như Naoko Yamada, Tatsuya Ishihara, Yasuhiro Takemoto … đều đi lên từ một hoạt họa sĩ đảm nhận công việc gia công. Gia công là việc quan trọng để rèn luyện tay nghề của hoạt họa sĩ, là quá trình phát triển trong sự nghiệp ở mỗi người. Công việc gia công được Kyoto Animation tận dụng tối đa để huấn luyện và phát triển tài năng trẻ ở studio, vì đơn giản, một hoạt họa sĩ nếu muốn thăng tiến lên vị trí chỉ đạo, thì họ cần nắm được cách thức nhân vật di chuyển, từng động tác, nét biểu cảm nhân vật thể hiện, am hiểu bố cục của từng frame hình, và điều này chỉ có thể truyền tải hiệu quả nhất qua thực nghiệm trên các bản vẽ gia công.
Thông thường, bạn sẽ nghĩ “gia công” là việc chỉ dành cho lính tép riu, chả quan trọng lắm, một animator tài năng là người chỉ vẽ bản vẽ chính (key animation) với chuỗi động tác hành động được biên đạo đẹp mắt. Điều này tạo nên ảnh hưởng tiêu cực ở tâm lý của bất kì tài năng hoạt họa trẻ gia nhập ngành công nghiệp. Nhưng ở Kyoto Animation, đây lại là con đường giúp họ thăng tiến vững chắc, giúp họ có thêm sự tự tin để theo đuổi và cống hiến hết mình cho nghề nghiệp nói riêng, và Kyoto Animation nói chung. Ví dụ rõ nhất có lẽ là Akiko Takase, cô thuộc nhóm thế hệ hoạt họa sĩ mới (2013 cho đến nay), nhưng tài năng của cô là không thể chối cãi khi chính thức đảm nhận thiết kế nhân vật gốc qua tác phẩm Violet Evergarden, để rồi nhanh chóng thăng tiến lên hàng ngũ chỉ đạo hoạt họa trong các tác phẩm như Hibike Euphonium, Maid Dragon …
Chương trình đào tạo tài năng trẻ của Kyoto Animation thành công đến mức, có những người vừa rời khỏi studio đã nhanh chóng gặt hái được thành công trong sự nghiệp, tạo nên tên tuổi của riêng như Naoya Nakayama, hoạt họa sĩ chính đứng sau đoạn nhảy điệu nghệ của Chika trong tác phẩm “Kaguya-sama Love is War”. Naoya đã tốt nghiệp ngôi trường đào tạo này và dành nửa thập kỷ làm việc cùng Kyoto Animation, trước khi quyết định hành nghề tự do. Noriko Takao cũng là một tên tuổi lão làng, gắn bó với Kyoto Animation trong hơn một thập kỷ, trước khi đầu quân cho A-1 Pictures và được nhanh chóng đi lên hàng ngũ chỉ đạo (đạo diễn của Idolmaster Cinderella Girls …).
Đa phần những hoạt họa sĩ tốt nghiệp đều lựa chọn ở lại và gắn bó cùng Kyoto Animation. Mô hình vận hành và trường đào tạo tài năng của Kyoto Animation đã tạo nên niềm cảm hứng làm tấm gương cho nhiều studio hiện nay noi theo, trong số đó phải kể đến P.A Works, họ cũng mở lớp đào tạo nhân sự và dần áp dụng chính sách trả lương theo giờ cho nhân viên trong các năm gần đây.
Việc sở hữu dàn nhân sự nhà tạo sự gắn bó và tin tưởng lẫn nhau trong công việc giữa đạo diễn, biên kịch, họa sĩ. Khả năng sáng tạo của đạo diễn và biên kịch chỉ bị giới hạn bởi chính trí tưởng tượng của họ mà thôi! Chính chủ trương đào tạo nguồn nhân lực ngay từ thuở ban đầu đã cung cấp cho Kyoto Animation các tài năng trẻ liên tục, dù cho có chảy máu chất xám. Những thế hệ hoạt họa sĩ mới được đào tạo với cùng tầm nhìn, cùng nhiệt huyết rực cháy nhằm tạo nên những tác phẩm chất lượng nhất hết sức có thể.
Kyoto Animation đã thành công trong việc xây dựng nền móng vững chắc, họ dành hơn cả thập kỷ xây dựng một đại gia đình lành nghề, thu hút lượng người hâm mộ lớn qua các tác phẩm mang nhiều tiếng vang như Clannad, K-on, Lucky Star, Haruhi … Nhưng vẫn còn một tham vọng họ chưa đạt được, một tham vọng lớn lao họ đã ấp ủ từ bấy lâu!
¤ 4/ Bước đi mạo hiểm cho tham vọng Kyoto Animation đã ấp ủ từ bấy lâu.
Quay trở lại giai đoạn đầu của thập niên 2000, trước cả lúc Full Metal Panic? Fumoffu ra mắt – tác phẩm đánh dấu sự chuyển mình từ studio chuyên gia công trở thành một thế lực trong sản xuất anime. Kyoto Animation lúc ấy đã thực hiện một tác phẩm thử nghiệm, một anime thật sự của riêng họ, là đứa con đầu lòng ít người biết. Đó là Munto (2003) với độ dài 54 phút. Tất nhiên, thời điểm ấy đã ai biết Kyoto Animation là studio như thế nào, việc tác phẩm gặp thất bại cũng không phải là khó đoán. Munto cũng không tạo được chỗ đứng cần thiết trong cộng đồng anime. Đây chưa phải thời điểm tốt, họ thầm nghĩ. Hai năm sau, Kyoto Animation tiếp tục đánh con bài may rủi với phần tiếp theo của Munto (2005), thế nhưng anime cũng không gặt hái được nhiều thành công. Họ bỏ cuộc, mà cũng không hẳn.
Kyoto Animation lúc bấy giờ đã là một studio “tự lực”, nhưng tự lực ở đây không có nghĩa “độc lập”. Các tác phẩm làm nên tên tuổi, gây tiếng vang lớn trong cộng đồng, thu hút hàng triệu người hâm mộ mà họ thực hiện, thật ra là của người khác. Kyoto Animation không có quyền sở hữu trí tuệ với bất kì tác phẩm gây hit lớn nào, từ Haruhi cho đến Clannad, K-on, Lucky Star … Họ chỉ là kẻ làm thuê, là kẻ bị lệ thuộc, họ không có quyền sử dụng hình ảnh của bất kì nhân vật nào trong các tác phẩm kể trên cho mục đích thương mại, nếu như không có sự cho phép từ “ông chủ”. Lúc bấy giờ thì Kyoto Animation vẫn chỉ là studio được ký hợp đồng để sản xuất anime chuyển thể. Thị trường anime béo bở, như chiếc bánh ngọt mà đến hàng chục kẻ đói ăn, ngấu nghiến bay vào tranh giành! Dù chiếc bánh có lớn, nhưng qua bao miệng ăn, thì kẻ làm thuê được hưởng bao nhiêu? Tham vọng làm một tác phẩm nguyên tác vẫn như ngọn lửa âm ỉ cháy rực, không dứt.
Với đội ngũ nhân sự lành nghề, lượng người hâm mộ đông đảo sẵn có, và kinh nghiệm đau thương học được từ quá trình sản xuất Munto, Kyoto Animation quyết tâm chơi một con bài mạo hiểm, đánh cược danh tiếng studio đã xây dựng trong cả thập kỷ qua. Nếu như Kyoto Animation không thể tự sáng tác hàng nguyên tác hấp dẫn, thì tại sao lại không … nhờ người khác giúp? Thế mạnh của Kyoto Animation vốn là các tác phẩm chuyển thể cơ mà! Thế nhưng nước đi nào vừa giúp cho họ tận dụng được năng lực từ người khác, nhưng vẫn nắm toàn bộ bản quyền, lẫn sử dụng triệt để thế mạnh của mình đây?
Đó là trở thành một nhà xuất bản! (tất nhiên là việc này không ảnh hưởng gì đến bộ phận sản xuất anime). Vào năm 2009, Kyoto Animation lần đầu tiên tổ chức “Giải Thưởng KyoAni” thường niên, nhằm khích lệ những tài năng viết LN tham gia, các tác phẩm LN trúng giải sẽ có cơ hội được chuyển thể lên màn ảnh. Đây là lối đi tuy mạo hiểm, nhưng là sự mạo hiểm có tính toán với nhiều lợi ích phát triển lâu dài.
※ Trước nhất, ta nói đến rủi ro Kyoto Animation phải đối mặt.
Trong mắt những NXB lớn như Kadokawa (Haruhi, Lucky Star) hay Houbunsha (K-on), Kyoto Animation từ vị trí đối tác hợp đồng – kẻ làm thuê, họ chính thức trở thành đối thủ cạnh tranh với những ông lớn trong ngành, nếu đi sai bước, sẽ là rất khó để hàn gắn lại các mối quan hệ làm ăn. Mặt khác, không có gì đảm bảo cho chất lượng của các tác phẩm LN tham gia giải thưởng, và tại sao phải chọn tham gia giải của Kyoto Animation khi tác giả nếu thật sự có tài thì sẽ chọn lựa một NXB có quy mô lớn hơn?
Câu trả lời là danh dự của studio. Trong suốt thập niên 2000, họ đã xây dựng lượng người hâm mộ hùng hậu, làm đắm say biết bao thế hệ với phong cách hoạt họa đặc sắc, đậm chất của Kyoto Animation. Và studio hoàn toàn đặt lòng tin vào đội ngũ nhân sự trong đại gia đình, để có thể chuyển thể các tác phẩm “bình thường” thành những cú hit lớn, với những tác phẩm họ chạm tay vào, thì dù đến … gà vịt cũng hóa thành thiên nga! (K-on là một manga không nổi trội lắm cho đến khi Naoko Yamada chỉ đạo bản anime chuyển thể). Giải thưởng LN của Kyoto Animation có ít sự cạnh tranh, mà lại được cơ hội để chuyển thể tác phẩm của mình từ studio đứng trong hàng ngũ chất lượng bậc nhất trong ngành CN, một lời mời quá hấp dẫn!
Chỉ trong một năm, họ đã tìm ra hòn ngọc thô! Hòn ngọc thô đấy chính là “Chuunibyou”, một trong số ít hiếm hoi những tựa LN tham gia mùa giải đầu giữa một rừng các tác phẩm khác, nhận được giải thưởng danh dự. Năm 2011, thương hiệu xuất bản LN của KyoAni là KA Esuma Bunko ra mắt, cũng là lúc Chuunibyou chính thức được xuất bản. Nói sơ qua về cơ cấu giải thưởng “KyoAni Awards”, KyoAni Awards được chia ra hai hạng mục, giải danh dự và quán quân. Tuy quy mô và tầm vóc không lớn như những gã đại thụ trong ngành (Kadokawa, Dengeki …), nhưng không vì thế mà giải thưởng lại dễ đạt hơn. Trái lại, các giám khảo rất khó tính và đề ra những chuẩn mực, yêu cầu riêng tối thiểu mà các bộ tham dự cần phải thỏa mãn. Trong năm đầu tổ chức (2009), chỉ có 5 tác phẩm đoạt giải danh dự, 2 trong số đó, bao gồm Chuunibyou sau này được KA Esuma Bunko xuất bản. Vào năm thứ hai (2010), chỉ có 4 bộ LN đoạt giải danh dự, 2 trong số đó là Kyoukai no Kanata và Free!. Không có giải nào trong năm thứ 3 (2011), năm thứ 4 (2012) có 3 giải danh dự, trong số đó là Phantom World.
Chỉ đến năm thứ 5 (2013), lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng, giải quán quân mới được trao. Và tác phẩm là hình ảnh gắn liền với Kyoto Animation trong những năm gần đây, một tác phẩm làm đắm say biết bao con người, bao thế hệ, bao trái tim về cô nàng búp bê ký ức trên chuyến hành trình tìm kiếm câu trả lời cho tình yêu. Bạn đã đoán ra chưa? Đó chính là Violet Evergarden. Và cho đến hiện nay, đã hơn một thập kỷ kể từ khi giải thưởng ra đời, Violet Evergarden vẫn chỉ là tác phẩm duy nhất đã giành được giải quán quân. Tác phẩm mang lối viết truyện rất xuất sắc dưới góc độ văn học, câu từ trôi chảy mạch lạc, giàu ngôn ngữ cảm xúc và hình ảnh. Cách hành văn hơn hẳn những bộ trước đó KA đã từng xuất bản, cho bạn dễ hình dung thì Violet Evergarden hoàn toàn không cần sự trợ giúp của biên tập viên để hoàn thành. Lời thoại trôi chảy, cách hành văn cuốn hút, hòa quyện vào bối cảnh độc đáo đã cho phép Kana Akatsuki sáng tác nên những mẩu truyện lay động lòng người. Đây là giải thưởng lớn và danh giá nhất trong hệ thống giải thưởng của Kyoto Animation.
Ngoài trừ Violet Evergarden, các tác phẩm còn lại đoạt giải danh dự đều thường có lời văn nghiệp dư, cần sự chỉnh sửa rất nhiều nếu muốn chuyển thể lên màn ảnh. Trong Chuunibyou: Dekomori, Kumin, Toka đều là những nhân vật nguyên tác được KyoAni thêm thắt vào tác phẩm. Đến nỗi chính tác giả còn cảm thấy thích thú và chính thức thêm vào các nhân vật nói trên vào những vol về sau. Phantom World, Kyoukai no Kanata cũng bị lâm vào tình cảnh tương tự. Trong Kyoukai no Kanata, nhân vật Mirai xuất hiện và ảnh hưởng rất ít trong câu chuyện, nhưng lên anime thì được sửa làm tâm điểm, đóng vai trò quan trọng trên màn ảnh. Như thế có nghĩa, Kyoto Animation đã giúp nâng tầm nghệ thuật hơn cho các tác phẩm được chuyển thể lên màn ảnh, họ xây dựng mối quan hệ hợp tác – bình đẳng với các tác giả đoạt giải có tác phẩm được xuất bản, đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Ngay cả Violet Evergarden cũng được thừa hưởng sự tinh chạm qua đôi tay Kyoto Animation, tác phẩm có sự thay đổi không hề nhỏ về cái kết để trở thành một tuyệt tác điện ảnh như ngày hôm nay.
Tròn 1 năm sau khi KA Esuma Bunko chính thức xuất hiện, viên ngọc thô “Chuunibyou” năm nào nay đã được mài giũa thành tác phẩm chuyển thể “sáng bóng”, Chuunibyou là hình ảnh đại diện cho một bộ mặt mới, một hướng đi mới của Kyoto Animation. Họ đã đạt được tham vọng ấp ủ bấy lâu nay – tự tay thực hiện một tác phẩm của riêng họ, một tác phẩm “con cưng” làm họ tự hào. Tác phẩm Chuunibyou đạt nhiều thành công, góp phần củng cố hơn cho sự lựa chọn này.
Và quan trọng nhất, hướng đi này đã giúp Kyoto Animation trở thành một studio thật sự “độc lập”, với mô hình đóng kín mà không lệ thuộc ở ai. Các tài năng trẻ luôn muốn tác phẩm của họ được chuyển thể, do đó Kyoto Animation không còn cạn nguồn cung, và không bị lệ thuộc vào bất kì NXB nào cả. Họ có thể thoải mái chọn lựa bất kì tác phẩm, thể loại nào trong số những LN do họ nắm bản quyền xuất bản. Việc sở hữu bản quyền cũng giúp tăng cao lợi nhuận: thay vì chỉ nhận “một miếng” bánh nhỏ như trước kia, giờ đây họ sở hữu luôn cả cái bánh và toàn quyền chia chác. Mặt khác, những bộ được chuyển thể lên anime sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán ra của LN những tựa đấy. Và một tựa LN càng nổi bao nhiêu, thì sẽ có nhiều tác giả LN tâm huyết muốn được KyoAni chú ý đến bấy nhiêu.
Chưa dừng lại ở đó, vị thế Kyoto Animation được cải thiện trong ngành CN anime, họ dùng lợi nhuận thu được đầu tư ngược lại cho studio. Khác với vị thế năm xưa, Kyoto Animation giờ đây có thể thoải mái lựa chọn bất kì tác phẩm nào họ muốn thực hiện, đồng thời góp mặt vào ủy ban sản xuất trong vị trí chủ trì để dễ thương lượng hơn về việc sử dụng hình ảnh các nhân vật không phải của họ. Hibike Euphonium, Silent Voice, Kobayashi Dragon Maid là các tác phẩm Kyoto Animation đạt được thỏa thuận về bản quyền và hình ảnh thương hiệu.
Tương lai đang rộng mở, nhiều tầm cao mới đang chờ đón họ đạt được, thế nhưng …
¤ 5/ 18/07/2019 – Một trong những ngày tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật sau hậu thế chiến.
Mình vẫn còn nhớ buổi sáng định mệnh đấy, khi lần đầu tiên nhận được hung tin về vụ hỏa hoạn đang diễn ra tại Studio 1. Một điều gì đó bỗng nhói đau trong lòng, tim đập nhanh, ngay lúc đó mình vẫn hy vọng đấy chỉ là vụ hỏa hoạn nhỏ xảy ra do ai đó sơ ý. Nhưng dần dần, những nguồn tin dữ cứ dồn dập xuất hiện, báo hiệu cho tính trầm trọng của cơn hỏa hoạn. Có lẽ, khoảng thời gian mình thấp thỏm truyền tin trực tiếp trên vns là ký ức ám ảnh nhất mình từng trải qua, chưa bao giờ mà mình có một sự đồng cảm mãnh liệt đến với số phận của những con người xa cách hàng nghìn dặm đến vậy.
Vụ phóng hỏa có chủ ý đã cướp đi 36 sinh mạng của Kyoto Animation. Trong số đó, ít nhất hai phần ba nạn nhân là phụ nữ, đa phần có tuổi đời còn rất trẻ. Những tên tuổi trụ cột một thời xây dựng hình ảnh Kyoto Animation đã bị cướp mất, nhiều mầm non chớm nở cũng bị lấy đi. Mình sẽ không đi sâu vào thảm họa này, hay những mất mát họ gánh chịu. Không, ta sẽ nói đến sự kiên nhẫn, quyết tâm xây dựng lại Kyoto Animation. Dưới đây là lời tuyên bố dõng dạc của Hideaki Hatta sau vụ hỏa hoạn.
“Một hành động man rợ chưa tiền lệ đã cướp đi tương lai xán lạn từ những người bạn và đồng nghiệp của chúng tôi, đồng thời để lại nhiều người bị thương tật nặng.
Thế nhưng tin tức từ khắp thế giới nói lên rằng rất nhiều người đã gửi tâm tư và cầu nguyện cho chúng tôi, trong thời điểm tăm tối nhất của sự thương tiếc tột cùng, lời cầu nguyện của họ như ánh đèn thắp sáng lên màn đêm.
Có những người bạn và đồng nghiệp trong bệnh viện đang chịu đau khổ, đấu tranh giành lấy mạng sống. Xin hãy cho chúng tôi chút ít thời gian.
Chúng tôi hứa rằng Kyoto Animation sẽ vẫn tiếp tục sáng tác nên hoạt họa chắp cánh cho ước mơ và hy vọng của mọi người, làm lay động họ.
Kyoto Animation sẽ tiếp tục mang lại niềm vui trong cuộc sống cho đội ngũ nhân sự, cũng như để đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Tôi đảm bảo rằng Kyoto Animation sẽ không bỏ cuộc, chúng tôi sẽ không yên giấc lặng lẽ vào màn đêm … chúng tôi sẽ không biến mất khi chưa đấu tranh!”
Sau giờ phút kinh khủng nhất, mọi nỗ lực xây dựng diễn ra. Hơn 30 triệu đô được quyên góp, nhiều người đề nghị Kyoto Animation sử dụng một phần số tiền này để gầy dựng lại studio. Nhưng KHÔNG, Kyoto Animation, cũng như chủ tịch Hideaki Hatta, vẫn một lòng quyết tâm giữ lấy phương châm họ đã hết lòng làm theo ngay từ những ngày đầu thành lập, họ trân trọng tình người, luôn đặt con người lên hàng đầu! Đối với Kyoto Animation, những mất mát về người có sức ảnh hưởng to lớn, không phải lên studio, mà lên đại gia đình Kyoto Animation. Do vậy, toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được dùng cho các nạn nhân và gia đình họ.
Các nỗ lực khác cũng được triển khai nhanh chóng giúp đỡ Kyoto Animation. Lần đầu tiên trong lịch sử thuế tập đoàn, chính phủ Nhật cho phép 100% số tiền quyên góp không phải chịu thuế.
Có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi về thủ phạm và nguyên do, nhưng mình thấy không cần thiết đề cập đến. Và sẽ trích dẫn lời nói của Hideaki đã nói với Hollywoodreporter: ”Hắn ta không hề tồn tại trong tâm trí tôi. Đây không phải là hành động của một con người, một con người không thể làm vậy được. Tôi đã vượt qua sự ghét bỏ (dành cho hắn ta)”. Hideaki Hatta đang trong độ tuổi đáng lý phải nghỉ hưu, nhưng ông chau mày nói thêm: “Nếu bỏ cuộc bây giờ, thì lòng tôi sẽ tràn ngập nuối tiếc. Cuộc sống tôi đã đạt được gì?”
Trong cơn bi kịch đã diễn ra, phần lớn những bản vẽ, giấy tờ và tài liệu bị phá hủy, thì còn đó là một phép màu kì diệu nhỏ nhoi, máy chủ của studio 1 vẫn còn nguyên vẹn dưới sự bảo hộ của cánh cửa chống lửa ở một góc phòng. Quyết tâm khôi phục lại Kyoto Animation không chỉ là của riêng Hideaki, thành quả bao nhiêu năm cả đại gia đình góp sức xây dựng không thể để trôi sông như vậy được! Đây không chỉ là suy nghĩ của riêng Hideaki, mà còn là suy nghĩ của rất nhiều người ở lại. Có đến hơn 80% nạn nhân sống sót đã quay trở lại với công việc, một con số không tưởng khi họ vừa trải qua một trong những thảm họa chủ ý kinh khủng nhất trong lịch sử Nhật. Có rất ít nạn nhân quyết định họ cần thêm thời gian hơn để hồi phục, với những người ở lại, việc cầm ngòi bút lên một cách cẩn thận, chậm rãi đi theo từng đường nét trên bản vẽ, có lẽ là công việc ý nghĩa duy nhất họ cảm thấy sau những gì trải qua. Như Akiko Takase chia sẻ, cô cảm thấy như được gần gũi hơn với những đồng nghiệp, bạn bè đã mất chỉ mỗi khi đặt bút vẽ.
Ngay từ thuở ban đầu, gia đình và tình người đã là nền tảng cho văn hóa công sở của Kyoto Animation. Quay trở lại làm việc với những người còn lại, có lẽ là câu trả lời cho nỗi lo lắng đã ám ảnh Hideaki suốt bấy lâu, ông chia sẻ: “Để xây dựng lại studio cần mọi người đến với nhau. Chúng ta đã tạo dựng nên Kyoto Animation từ hai bàn tay trắng, dù chỉ có một người, ta cũng phải tiếp tục bước đi. Tất cả chúng ta sẽ đồng hành trong công cuộc hồi phục này!”.
Quay trở lại thời điểm hiện tại. Sau cơn hỏa hoạn, những tưởng Kyoto Animation sẽ dừng lại chương trình đào tạo tài năng. Nhưng không, ít lâu sau đó chương trình đào tạo được mở lại, lần này với tầm vóc, quy mô lớn hơn, họ ứng tuyển số lượng tài năng trẻ đến khi “đủ” mới thôi. Phương châm đào tạo nhân tài trẻ là yếu tố chủ chốt đã giúp họ thành công, và lần này, cũng chính phương châm ấy là yếu tố giúp họ xây dựng lại studio.
¤ 6/ Sự hồi phục kì tích.
Trước đó mình dự đoán Kyoto Animation sẽ phải mất từ 3-5 năm để củng cố lại đội ngũ nhân sự và bộ phận sản xuất. Nhưng họ chỉ cần hai năm thôi! Khoảng thời gian quá ngắn ngủi.
Ta đang chứng kiến một sự tái cơ cấu ở Kyoto Animation. Nhiều đạo diễn, chỉ đạo hoạt họa giữ vị trí quan trọng trong studio đã dần bước xuống để tạo cơ hội ươm mầm cho các tài năng trẻ. Rie Sezaki (Hyouka, Tamako Market) và Mariko Takahashi (Clannad, Hibike, K-on) là hai trong số trụ cột còn lại đã toàn tâm đảm nhận công đoạn mài giũa và sửa lỗi sau cùng từ bản vẽ của các “mầm non”. Seiichi Akitake cũng bước xuống để chuyên tâm hơn cho khâu thiết kế. Thậm chí, Kayo Hikiyama – người giám sát và chỉ đạo hoạt họa được quý mến nhất tại studio chi nhánh Osaka – cũng có thể nhảy vào hỗ trợ khi công việc yêu cầu!
Những thế hệ hoạt họa sĩ mới đã, đang và sẽ trở thành trụ cột của Kyoto Animation nhờ vào mô hình đào tạo nhân tài hiệu quả. Chẳng lấy đâu xa, Takase Akiko (họa sĩ minh họa gốc cho Violet Evergarden) chỉ trong vài năm ngắn ngủi ở Kyoto Animation, đã có sự thăng tiến thần tốc và hiện đang giữ vai trò trưởng chỉ đạo hoạt họa trụ cột ở studio. Bên cạnh đó, gương mặt mới nổi qua Liz to Aoi Tori là Momoka Hase cũng có sự thăng tiến trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật. Một loạt những gương mặt mới – những hoạt họa sĩ vừa tốt nghiệp tại trường đào tạo của Kyoto Animation – cũng được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng. Đấy là những cá nhân đã chứng tỏ bản thân và thấu hiểu được đường nét nghệ thuật của Kyoto Animation. Nhiều thành viên lâu năm trong studio cho biết lứa thế hệ hoạt họa sĩ mới tỏ ra rất tích cực và đam mê hơn bao giờ hết! Có lẽ hình ảnh của một nạn nhân quay trở lại hoạt họa chỉ sau một ngày đã thôi thúc và động viên tất cả mọi người.
Các đoạn PV Kyoto Animation mới tung ra gần đây cũng có sự góp mặt của không ít các nhân tài trẻ, mà nổi bật là Haruki Sakamoto với thước phim quảng cáo dài 30s mang tên “Tưởng Tượng”. Thậm chí, trước lúc Dragon Maid S lên sóng, những cái tên mới toanh của studio đã góp mặt thực hiện “Mini Dragon”, vốn là anime ngắn giúp các tài năng trẻ có thêm sân chơi để trui rèn thêm kinh nghiệm.
¤ Đôi lời khép lại của người viết.
Kyoto Animation đã trải qua thời gian khó khăn nhất, tình hình hồi phục trong tương lai cũng khả quan hơn. Nhưng họ vẫn gặp nhiều thách thức lớn, nhất là với tình hình hiện nay. Mình mong họ hãy dành đủ thời gian để hồi phục, dù có phải chờ đợi thêm nhiều năm nữa.
Chất lượng về mặt nghệ thuật và tình người luôn là phương châm xây dựng nên hình ảnh Kyoto Animation, là con đường họ đã chọn, và sẽ tiếp tục theo đuổi đến cùng, bất kể có lắm chông gai phía trước chờ đợi. Đấy cũng chính là lý do mình yêu thích Kyoto Animation trong suốt 14 năm qua. Nếu bạn là fan của Kyoto Animation thì mình hy vọng, bạn sẽ thấy bài viết này bổ ích và làm cho bạn càng yêu thích studio hơn.
-A Lonely Comet (v4v)-
Tư liệu tham khảo: các bài báo và phỏng vấn từ các trang như Japantimes, Sakugablog, ANN, Soranews24, NHK News …
hay quá ad