Anime StudioIndustry

Kyoto Animation & Giấc Mơ Nào Cho Hyouka Season 2?

Ai là fan của Hyouka thì hẳn cũng đã có lần … nằm mơ về một season tiếp theo do chính tay KyoAni chuyển thể. Nhưng khi mở mắt ra thì thực tại chợt ập đến. Bài này mình sẽ làm rõ phần nào về sự lựa chọn cũng như những dự án và tình hình của KyoAni, lâu quá cũng chưa có bài nào về KyoAni để các bạn trông mong.

Trước nhất, Kyoto Animation đang trong công cuộc tái xây dựng, và với phương châm “tự lực sản xuất” đã tồn tại trong hơn hai thập kỷ qua, họ sẽ không thể phung phí nguồn lực chủ chốt nếu không phải cho việc đào tạo thế hệ tài năng trẻ cũng như những dự án mấu chốt có sự ưu tiên cao.

Trên thực tế, thảm kịch diễn ra vào năm 2019 đã đánh mạnh vào bộ phận sản xuất mà tàn dư của nó vẫn đang âm ỉ tồn đọng cho đến ngày nay. Đó là sự mất mát quá lớn của mảng chỉ đạo ở Kyoto Animation. Vụ hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng của cố đạo diễn Takemoto, cũng như nhiều tài năng trẻ khác. Sau thảm kịch, Yamada và Fujita lần lượt rời đi – họ là những đạo diễn nổi trội thuộc thế hệ thứ hai nối tiếp Takemoto và Ishihara. Trong chớp mắt, sức mạnh ban chỉ đạo ở Kyoto Animation đã giảm đi một nửa. Nhưng Ishihara – người thầy đã từng chắp cánh cho tài năng Yamada vươn cao – vẫn vững vàng như cây cột nhà sừng sững gánh vác cả bầu trời hy vọng, đồng môn cùng trang lứa với Yamada là Ishidate (đạo diễn của Violet Evergarden) vẫn còn đó, họ sẽ là những tên tuổi mang tính chất quyết định nuôi dưỡng và dẫn đắt các thế hệ tiếp theo tại Kyoto Animation. Nhưng đây không phải là công cuộc chạy nước rút trong một sớm một chiều mà ta đang nói đến khoảng thời gian rất nhiều năm, từ nửa cho đến cả một thập kỷ!

Vậy đâu là những dự án mấu chốt có sự ưu tiên cao? Hyouka nằm trong số nào?

Câu trả lời khá đơn giản nếu bạn đã theo dõi page mình thường xuyên cũng như đã xem qua những bài về KyoAni của mình: những bộ KyoAni nắm bản quyền (IP) bán phần, hoặc toàn phần!

Những bộ KyoAni nắm giữ IP toàn phần là những tác phẩm do chính họ xuất bản thông qua KA Esuma Bunko (thương hiệu LN do KyoAni nắm giữ), cũng như là những tác phẩm nguyên tác. Một số những tác phẩm nổi bật trong số này là Violet Evergarden (quán quân đầu tiên và cũng là duy nhất của giải thưởng LN thường niên do KyoAni tổ chức), Chuunibyou, Free!, Phantom World, Kyoukai no Kanata, Tamako Market và vv …

Thế còn những tác phẩm có IP “bán phần” thuộc về KyoAni?

Là những bộ KyoAni thỏa thuận để chuyển thể, thương lượng được để duy trì bản quyền, và nắm chiếc ghế chủ trì trong ủy ban sản xuất. Chỉ ba bộ ở thời điểm hiện tại thôi là Hibike Euphonium, Silent Voice và Dragon Maid. Cách kiểm chứng dễ thấy nhất là hình ảnh xuất hiện của Tooru và Kumiko, Mizore trong promotional art gần đây nhất từ sự kiện âm nhạc của studio (shouko đã xuất hiện trước đó) – KyoAni được quyền sử dụng hình ảnh nhân vật và tác phẩm cho mục đích thương mại.

Vậy Hyouka nằm đâu trong số này? Chẳng hề ở đâu cả.

Bạn sẽ không thấy hình ảnh Haruhi, hay cũng như bất kì nhân vật nào trong tác phẩm K-on! Vốn là những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của KyoAni ở bất kì món hàng/vật phẩm nào do studio sản xuất, đơn giản vì họ chẳng hề nắm bản quyền IP của hai bộ kể trên. Hyouka cũng như vậy. Năm 2014 là năm Kyoto Animation chuyển thể một bộ cuối cùng của gã khổng lồ Kadokawa (Amagi Brilliant Park). Trên thực tế, KyoAni đã có mặt trong ủy ban sản xuất của Hyouka, nhưng phi vụ thương lượng có lẽ không thành giữa hai đối tác, từ đó họ cũng không còn quyền “bán phần” sở hữu IP Hyouka.

Vậy nên, giả sử Hyouka được bật đèn xanh thì chỉ có 1% cơ hội KyoAni sẽ nhận lời mời. Đơn giản vì nguồn lực có hạn, cũng như họ đang có những dự án ưu tiên cao hơn (vd như sắp đến là Hibike Euphonium S3).

Tiếp theo là câu hỏi được một ad bên Hyouka – Fanpage VN chuyển đến mình: Vấn đề quảng bá một bộ anime nào đó, trách nhiệm thuộc về bên studio hay fandom?

Có lẽ cũng không quá khó để trả lời nếu bạn đã đọc được đến đây. Trách nhiệm phần lớn luôn nằm trên NXB do họ là bên nắm bản quyền chính. Bán phần trách nhiệm thuộc về studio nếu như họ sở hữu một phần IP cũng như có một vị trí trong ủy ban sản xuất (dễ thấy nhất là ngó qua Ufotable và xem những gì họ đang làm với Kimetsu no Yaiba). Nếu studio chỉ là kẻ làm thuê thì họ sẽ chẳng có bất kì trách nhiệm hay ràng buộc nào cả với một tác phẩm bất kì. Về phần fandom, cũng như NXB, họ quan trọng không kém, fandom góp phần giữ lửa cho một tác phẩm, quảng cáo tác phẩm đến người mới, cũng như là lực tiêu thụ chủ chốt và là nguồn động viên lớn để bất kì tác giả nào tiếp tục sáng tác.

Còn câu hỏi: “Nếu bên các cậu có biết được studio nào có thể vừa chuyển thể anime tốt (được ngang với bản chuyển thể ss1 do KyoAni làm thì càng tốt), vừa có khả năng marketing tốt hơn để bộ này đc nhiều khán giả biết đến hơn, theo “cách nghĩ tích cực” mà bạn ấy nói, thì các cậu có thể đề xuất cho mình vài cái tên phù hợp để tụi mình tham khảo”.

Thì mình thành thật trả lời rằng Hyouka qua lối chỉ đạo nghệ thuật của Takemoto, cũng như được nhào nặn và tinh chạm tài tình từ KyoAni là một trải nghiệm có một không hai mình sẽ không bao giờ quên và không một cá nhân hay studio nào có thể thay thế được họ.

Hiện tại, Hyouka (tiểu thuyết) đã xuất bản đến vol 6, đầu năm nay có thông tin “nội dung” mới của Hyouka sẽ ra mắt trong thời gian sắp đến thì vẫn đủ source để thực hiện một cour anime (12~13 tập), nội dung mới nếu là vol 7 thì có thể được chuyển thể dưới dạng movie. Giả như Kadokawa có ý định thực hiện và mời gọi một studio nào đó khác KyoAni, tất nhiên mình vẫn ủng hộ thôi. Nếu cho mình sự lựa chọn thì mình sẽ đề cử team của đạo diễn tài năng Hatakeyama ở A-1 Pictures (đạo diễn đảm nhận Shouwa Genroku và Kaguya-sama).

Nhưng mình vẫn hy vọng vào giấc mơ, về ngày nào đó khi những thế hệ hoạt họa sĩ trẻ ở KyoAni đã đủ lông đủ cánh thì họ sẽ nối bước Takemoto tiếp tục câu chuyện về mái trường Kamiyama và câu lạc bộ văn học còn dang dở. Mơ mà, ai cấm 😌!

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button