Đạo Diễn & Hoạt Hoạ SĩIndustry

Kyoto Animation – Chất Art của Akiko Takase.

Nhắc đến Kyoto Animation thì ta không thể không nhắc đến chất art của họ, nhất là art nhân vật vốn đã làm nên thương hiệu của studio. Ở Kyoto Animation, “nhà thiết kế nhân vật” thậm chí còn có vai trò quan trọng bằng một đạo diễn tập, và cả đạo diễn chung trong việc “điều hướng” các tác phẩm studio thực hiện. Vì sao mình lại nói như vậy?

Mô hình của Kyoto Animation là một mô hình đóng kín có dàn nhân sự gắn bó lâu năm (trung bình là 10 năm). Cũng chính vì thế, chất art của họ luôn có sự xuyên suốt và đồng nhất trong rất nhiều tác phẩm qua từng giai đoạn. Đối với một anime bất kì, NXS có thể “vay mượn” những nhà thiết kế nhân vật hành nghề “tự do”, hay từ các studio khác. Nhưng bạn sẽ không thấy điều này tại Kyoto Animation, nhân vật của họ luôn luôn được nhân viên “nhà” đảm nhận, điều này tạo nên một nét đặc sắc trong chất art rất riêng của studio – mà khi bạn chỉ cần lướt qua một thước phim ngắn – sẽ dễ dàng nhận ra ngay!

Tuy vậy, đội ngũ art “nhà” của studio đã trải qua hai tổn thất lớn. Thứ nhất là sự rời đi của Yukiko Horiguchi vào năm 2014, sau 11 năm gắn bó với studio để theo đuổi sự nghiệp minh họa cá nhân. Horiguchi đã đảm nhận thiết kế nhân vật cho rất nhiều tác phẩm đình đám của Kyoto Animation như Lucky Star, K-on, Tamako Market. Sau khi rời studio thì cô cũng thỉnh thoảng góp mặt vào một số dự án khác với cùng vai trò như Kokoro Connect, 22/7, hay gần đây nhất là hỗ trợ CloverWorks thực hiện tập 4 của Wonder Egg Priority. Điều thú vị ít người biết rằng Horiguchi còn là chị hai của BUNBUN/Abec (minh họa cho LN SAO).

Mất mát thứ hai mang tính nặng nề hơn. Hai năm trước thì tài năng trẻ Futoshi Nishiya đã mất trong vụ hỏa hoạn ở Studio 1. Tuổi đời anh tuy còn rất trẻ nhưng dấu ấn Nishiya tạo nên vẫn có sự ảnh hưởng trong các tác phẩm của Kyoto Animation cho đến tận ngày nay. Nishiya đã tham gia thiết kế những tác phẩm như Nichijou, Hyouka, Free (cho đến hiện nay movie Free Final Stroke sắp ra mắt vẫn còn sử dụng thiết kế nhân vật của Nishiya), Koe no Katachi, Liz to Aoi Tori và anh đã có công rất lớn trong sự phục hưng lẫn thiết lập nên nền móng cho chất art nhân vật hiện đại của Kyoto Animation. Bạn có thể thấy rõ giai đoạn “chuyển giao” chất art từ Horiguchi sang Nishiya – thể hiện rõ nhất trong Hyouka so với Clannad, Haruhi, Air, K-on – với tỉ lệ và dáng người nhân vật cân bằng hơn, với cặp mắt chi tiết nhưng không “quá khổ”.

Nhưng như vậy không có nghĩa tương lai Kyoto Animation là quá bi quan. Vẫn còn đấy là Miku Kadowaki (Amagi Brilliant Park, Kyoukai no Kanata …), Shoko Ikeda (Haruhi, Hibike ! Euphonium), Kazumi Ikeda (Chuunibyou, Phantom World …) và tài năng trẻ xuất chúng Akiko Takase, vốn là mầm non họ đã “ấp ủ” từ lâu. Vậy Akiko Takase là ai?

¤ Akiko Takase là nhà thiết kế nhân vật, là hoạt họa sĩ chủ chốt kiêm trưởng chỉ đạo hoạt họa.

Cô tốt nghiệp vào năm 2012 chuyên ngành hoạt họa và đã nhanh chóng gia nhập hàng ngũ nhân sự của studio. Không khí làm việc, lẫn nét văn hóa công sở gia đình ở Kyoto Animation có một sức hút mãnh liệt và diệu kì với các tài năng trẻ, Takase không phải ngoại lệ. Trong thế hệ hoạt họa sĩ mới ở studio thì có thể nói, Takase là cá nhân xuất sắc nhất mà sự nghiệp thăng tiến chỉ dùng được từ “thần kì” để miêu tả.

Đối với một hoạt họa sĩ thông thường, họ sẽ phải mất rất nhiều năm để học hỏi kinh nghiệm và trải qua khâu “gia công” (inbetween works) để cải thiện trình độ. Thậm chí, ngay đến cả đạo diễn nữ lừng danh Naoko Yamada cũng không thể thoát khỏi lối đi này – cô phải đảm nhận gia công cho Munto và Air trước khi được “thăng chức”. Nhưng với Akiko Takase, ngay mới vào, cô đã được Kyoto Animation tin tưởng giao cho chức vụ “hoạt họa sĩ chủ chốt”, bỏ qua giai đoạn gia công để đảm nhận một cảnh quan trọng trong Kyoukai no Kanata (tập 12). Takase nhanh chóng chứng tỏ năng lực qua các tác phẩm sau đó như Tamako, Free, Amagi Brilliant Park. Bốn năm sau khi cô vào studio, Takase được thăng chức lên hàng ngũ chỉ đạo hoạt họa (Hibike Euphonium tập 9).

Với kinh nghiệm có được (dù ít), thì cũng không có gì bất ngờ khi 2 năm sau, Takase được giao cho trọng trách – mang tính lịch sử và chưa có tiền lệ nào ở Kyoto Animation – đó là đảm nhận thiết kế nguyên tác cho Violet Evergarden, lẫn nắm giữ chức quyền trưởng chỉ đạo hoạt họa cho một trong những dự án lớn nhất của Kyoto Animation. Tài năng của Akiko Takase không ai có thể chối cãi, chất art cô hòa trộn hoàn hảo đường nét của phong cách shoujo manga với lối art cách tân mà Kyoto Animation đang theo đuổi bấy lâu.

Takase còn có khả năng cảm nhận “thần sầu” về các chi tiết chuyển động của sự vật – sự việc trong một cảnh. Lấy vd như đoạn cảnh Violet đánh máy trong PV, các chi tiết máy đánh chữ dần được tháo rời rồi bay lơ lửng trong không trung, bạn sẽ thấy từng bộ phận đều có sự chuyển động riêng nhưng ăn khớp với nhau, đoạn cảnh này đã ngốn của Takase và đội ngũ thực hiện đến một tháng để hoạt họa, mọi thứ bạn nhìn thấy trên màn ảnh đều được vẽ bằng tay. Chưa dừng lại ở đó, các bản vẽ chủ chốt Takase thực hiện (key frames) thường có số lượng chi tiết về đường nét (linearts) rất nhiều và được chăm chút tỉ mỉ, vốn “không thích hợp” để hoạt họa vì chúng đòi hỏi trình độ của đội ngũ gia công phải cao tay nghề – nhưng tầm nhìn nghệ thuật và khả năng đảm bảo tính nhất quán của Takase, cùng với dàn nhân sự tài giỏi của Kyoto Animation đã cho phép họ chuyển thể tác phẩm Violet Evergarden lên màn ảnh một cách sống động và chân thật nhất.

Sau những gì xảy ra với Kyoto Animation thì có thể thấy, một trọng trách rất lớn đang đè nặng trên đôi vai của Akiko Takase, nhất là sau khi Naoko Yamada đã rời khỏi studio. Nhưng mình tin, Takase sẽ tiếp tục mang đến chất art đậm phong cách riêng, đậm thương hiệu của cô và Kyoto Animation để làm lay động lòng người.

Series về Kyoto Animation vẫn sẽ còn tiếp tục, bài sau mình sẽ giới thiệu đến các bạn một cá nhân nữa – là nữ đạo diễn – một truyền nhân đích thực, và cũng là fan lớn nhất của Naoko Yamada, nếu bạn để ý thì mình cũng nhiều lần nhắc đến tên chị này trên page rồi :3.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button