Komi-san wa, Komyushou Desu Và Nghệ Thuật Kể Chuyện Màn Ảnh Của Ayumu Watanabe.

Cũng gần một tuần trôi qua và có vẻ mọi người đã xem qua Komi-san hết cả rồi nhỉ. Mình sẽ đi sâu vào một cảnh trong tác phẩm làm mình ấn tượng nhất mà bài first impression về Komi-san đã nhắc sơ qua. Và cảnh này có thể nói là cảnh tuyệt đẹp nhất trong số các tập anime mở đầu ở Fall 2021.
Trước nhất, anime là một loại hình nghệ thuật. Khán giả tất nhiên là sẽ cần nhiều “giác quan” hơn để thưởng thức một tác phẩm màn hình, so với loại hình khác như manga nói riêng. Cũng chính vì lẽ đó, cái chất của một đạo diễn tài năng, khi chuyển thể bất kì tác phẩm nào, sẽ được bộc toát qua những gì khán giả nhìn thấy trên màn ảnh. Tác phẩm chuyển thể tuy bị gò bó về mặt cốt truyện và nội dung, đúng chứ không sai, nhưng dấu ấn về nghệ thuật và sự tự do “thể hiện” trong cách thức thi triển lên màn ảnh vẫn giúp đạo diễn nêu bậc lên được cái riêng, cái tôi của họ trong phong cách. Một tác phẩm chuyển thể từ manga nói riêng, không nhất thiết phải 1:1 theo sát từng ô manga, mà có thể 1.5:1, hay thậm chí 2:1 mà vẫn đảm bảo sự trung thành với nguyên tác manga.
Và đấy là những gì Ayumu Watanabe đã làm rất thành công ở Komi-san, trong ngành CN late-night anime hiện giờ, thì theo mình Ayumu Watanabe, bên cạnh Yuasa và Naoko Yamada là những đạo diễn đã tạo được dấu ấn mang đậm phong cách hình ảnh nghệ thuật của riêng họ. Ở Watanabe, đó là sự tinh tế trong chi tiết hình ảnh, ông luôn suy nghĩ làm thế nào để có thể “nâng tầm” một tiểu tiết nhỏ trong nguyên tác, thành những phân cảnh làm xao xuyến người xem qua sự tỉ mỉ và cầu kì trong hoạt họa, trong bố cục cảnh với những góc quay đẹp mắt và ý nghĩa.
Một trong những điều khó nhất khi chuyển thể một tác phẩm, đó là dàn trải nhịp độ. Nếu nhiều người cùng đọc một tác phẩm manga, thì không phải ai cũng có trải nghiệm như nhau. Nói một cách đơn giản, mỗi người sẽ có một tốc độ đọc khác nhau, do vậy, “nhịp độ” của họ sẽ tự “điều chỉnh” cho hợp với bản thân người đọc. Khi đem lên màn ảnh, đây là chuyện hoàn toàn khác, chính đạo diễn sẽ là người quyết định nhịp độ của tác phẩm – chứ không phải khán giả.
Ở đoạn cảnh bên dưới, bạn sẽ thấy cảnh mang tiết tấu nhanh. Camera có phần lướt qua những con chữ, nếu bạn đọc chậm, thì sẽ dễ dàng bỏ sót một vài từ. Không như manga, bạn có thể dành thời gian “nhâm nhi” từng ô truyện, với anime, thì “tốc độ” này chính là tiết tấu mà đạo diễn đã quyết định, nếu như bạn bấm “pause” để theo dõi, thì bạn đã hoàn toàn làm hỏng “ý đồ” đạo diễn muốn thể hiện một cách tự nhiên nhất. Ta mới thấy cái chất lão luyện của Watanabe trong đoạn cảnh này, Watanabe muốn sử dụng tiết tấu nhanh để nêu bật sự bồn chồn của Komi – khi cô lần đầu tiên tìm ra người hiểu ý và trò chuyện với mình.
Tiết tấu nhanh còn được ngụ ý qua âm thanh của viên phấn chạm bảng. Với những con chữ Komi ghi trên tấm bảng, “lốp cốp, lốp cốp”, tiếng phấn mỗi giây mỗi dồn dập hơn, theo từng đường nét di chuyển của bàn tay Komi, như thể thay cho sự trào dâng của những nỗi niềm cô đã kìm nén bấy lâu mà không ai chia sẻ. Có khá nhiều shot tinh tế mà bạn không thấy ở nguyên tác manga, đó là những shot Komi trên nền với những gì cô ghi hiện ra trước mặt người xem – chứ không phải tấm bảng đen, góp phần phụ họa cho sự “trào dâng” về mặt cảm xúc, trong sâu thẩm Komi, những gì cô ghi chính là những gì nỗi lòng cô muốn chia sẻ, tất cả đều đã được phơi bày ra trước mặt khán giả.
Không chỉ vậy, xuyên suốt phân cảnh Komi “tự sự” lên tấm bảng, bạn sẽ thấy Watanabe chèn vào nhiều cảnh nền của trường học, của không gian xung quanh Komi. Trong phiên bản manga, tất cả chỉ gói gọn ở lớp học mà thôi. Một lần nữa, ta mới thấy cách Watanabe “nâng tầm” nguyên tác, không chỉ chuyển thể 1:1 mà còn 1.5:1 khi vẫn giữ sự trung thành tuyệt đối với bản manga. Bạn hãy để ý những “cảnh nền” về trường học, về dãy hành lang, sảnh trường … có gì đặc biệt? Tất cả đều không một bóng người! Tâm điểm là những con chữ thổ lộ nỗi lòng của Komi, với tiếng phấn “vang” khắp mọi ngõ ngách trên nền của những không gian rộng lớn, một lần nữa làm nổi bật lên sự cô đơn mà Komi đang cảm thấy. Không chỉ riêng ở lớp học, mà cả ngôi trường, cả không gian xung quanh, không ai nhận ra hay hiểu được Komi.
Sang phân cảnh tiếp theo (ta đã qua chương 6), lúc Komi quay người lại, một ngọn gió “vô tình” thổi bay cánh rèm, để lọt vào chút ánh sáng Xuân ấm áp làm nổi bật hình ảnh Tadano bên cạnh tấm bảng. Shot này không chỉ đẹp, mà còn ngụ ý rằng Tadano chính là “nguồn sáng” cuối con đường hầm, là chàng hoàng tử của Komi, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Trên nền là một bản nhạc piano nhẹ nhàng du dương và trầm lắng, rồi cả hai bắt đầu trò chuyện trên tấm bảng đen. Kỹ thuật kể chuyện màn ảnh của Watanabe cũng được phát huy rất hiệu quả khi ông liên tục sử dụng nhiều chiêu bài khác nhau như “độ sâu trường ảnh” để xoay chuyển góc nhìn giữa hai người họ. Khi Komi viết bảng hoặc biểu lộ cảm xúc thì Tadano được làm “mờ đi” trên nền để hướng sự tập trung của khán giả lên Komi, và ngược lại. Hãy để ý chi tiết! Nếu tinh ý bạn sẽ thấy trong số ít shot, hình ảnh bụi phấn được ánh sáng chiếu lên, tạo ra một cảm giác hết sức “cổ tích” và huyền ảo làm tô điểm thêm cho thế giới riêng hai người đang trải qua.
Một lần nữa bạn sẽ cảm thấy được sự chủ ý của Watanabe trong việc đẩy cái tiết tấu lên nhanh ở phân cảnh này, các con chữ được camera lướt qua, bạn đọc không kịp? Chả quan trọng! Giai điệu trở nên da diết như muốn cứa vào con tim người xem, từng chút chữ trên tấm bảng được “nối lại” thành một shot góc rộng bao quát cả tấm bảng đen chi chít chữ với hai người họ làm tâm điểm. Bạn không nhất thiết phải biết họ nói với nhau những gì, nhưng một điều mà bạn chắc chắn, rằng họ đã thật sự cởi mở lòng với nhau hơn. Tâm trạng của nhân vật cũng được thể hiện tinh tế bằng hoạt họa diễn xuất qua ngôn ngữ thân thể, thể hiện ở các shot chiếu chân, cận cảnh mắt, hay qua đôi tay cầm viên phấn – như tay Komi run rẩy, hay lúc cô “nhón chân” để viết, như thể Komi đang bị “cuốn vào” cuộc trò chuyện này. Một đoạn cảnh tuy “không lời” nhưng lại rất kì diệu, truyền tải hết cái chất của tác phẩm nói chung, và dụng ý của đạo diễn Watanabe nói riêng qua việc dung hợp hoàn hảo các mặt hình ảnh – âm thanh với tiết tấu hợp lý.
Nói chung thì, với sự dẫn dắt của Ayumu Watanabe ở studio OLM, mình tin Komi-san bên cạnh Kaguya-sama, sẽ là một bản chuyển thể rom-com xuất sắc nhất trong những năm gần đây và cả thời gian dài sắp đến.