Kinh Phí Thực Hiện Một Tác Phẩm Của Kyoto Animation Chỉ Ở Mức Trung Bình So Với Mặt Bằng Chung
Không phải kinh phí cao hay nhiều key animator cùng thực hiện một anime là bộ ấy lại có chất lượng tốt (về mảng animation).
Còn gì tuyệt vời hơn để bắt đầu ngày mới bằng một bài về Kyoto Animation . Ta đã thiết lập trước đó rằng Kyoto Animation là studio đi tiên phong trong việc sử dụng nguồn nhân sự nhà. Và ta cũng biết rằng điều này giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, lẫn nâng cao sự ổn định ở hoạt họa trong các tác phẩm KyoAni thực hiện. Nhưng mình cảm thấy điều này vẫn rất mơ hồ, thiếu tính thuyết phục. Vậy nên bài này mình sẽ lấy các ví dụ thực tế ra để giúp bạn dễ hình dung, lẫn củng cố thêm luận điểm kể trên.
¤ 1/ KyoAni không ôm sô như đa phần các studio lớn khác, chính điều này cho họ khả năng sắp xếp lịch làm việc hợp lý và hiệu quả. Quan trọng nhất là giúp họ có thời gian đủ lâu để chuẩn bị và thực hiện một tác phẩm.
Thời điểm chính thức Violet Evergarden lên sóng truyền hình là vào 10/01/2018. Nhưng bạn có biết? Nửa năm trước đó tại AnimeExpo (03/07/2017), Violet Evergarden đã có buổi công chiếu ra mắt 2 tập phim đầu tiên đến với khán giả quốc tế. Và trong buổi phỏng vấn ngay sau thì Ishidate (đạo diễn Violet) cho biết KyoAni đã hoàn thành xong đến tận tập 6, trước nửa năm so với lịch chiếu!
Điều này chứng tỏ quá trình sản xuất của Violet Evergarden đã diễn ra hơn nửa năm. Nếu bao gồm cả công đoạn hoạt họa và sắp xếp lịch làm việc cho đội ngũ nhân sự, thì mình ước lượng KyoAni đã có sự chuẩn bị trước đó đến tận một năm. Nếu tính luôn cả thời gian phát triển và triển khai ý tưởng, từ LN lên màn ảnh, công đoạn này đã có thể diễn ra từ trước khi CM đầu tiên của Violet Evergarden được thực hiện (27/05/2016), thì ta có thể xác định tác phẩm Violet Evergarden có thời gian chuẩn bị ít nhất là hơn một năm rưỡi để đi vào giai đoạn hoạt họa sản xuất.
Sắp xếp lịch làm việc hợp lý là khâu rất quan trọng trong quá trình sản xuất, để đảm bảo công việc trôi chảy và liên tục với nhau, tránh rơi vào tình trạng hỗn loạn và trì trệ. Thông thường, nếu như một studio thông báo rằng tập tiếp theo sẽ bị delay (dời ngày chiếu) khoảng một tuần, thì chắc chắn rằng khâu xếp lịch/quản lí thời gian của họ đang gặp vấn đề trầm trọng vì sự phân chia nhân lực không đồng đều. Kyoto Animation chưa bao giờ có sự trì trệ với bất kì tác phẩm nào họ đã thực hiện.
¤ 2/ Đây là phần quan trọng. Nhiều người tham gia không hẳn đã là tốt hơn.
Bạn sẽ hỏi rằng, nếu như công việc chuẩn bị của KyoAni bắt đầu từ rất sớm, thì quá trình sẽ kéo dài và thời gian sẽ phải tốn kém hơn, đồng nghĩa với việc kinh phí gia tăng do quá trình kéo dài và mất nhiều thời gian, công sức hơn. Đúng chứ không sai! Đấy là đối với một studio bình thường. Nhưng vì sao KyoAni vẫn giữ ở mức kinh phí “trung bình”?
Trước nhất, các bạn hãy nhìn qua bảng so sánh số lượng “hoạt họa sĩ chính”(key animators) trung bình ở mỗi tập trong các bộ anime mùa Thu 2016. Kyoto Animation đứng đầu với con số thấp nhất là 10,5. Cao nhất là của Yuri on Ice với con số 48,5.
Trong một tập của Hibike Euphonium, trung bình sẽ chỉ có 10 key animators tham gia. Nghĩa là sao?
Kyoto Animation sẽ chỉ phải trả lương cho 10 key animators này. Trong khi đó, MAPPA lại phải chi trả đồng lương cho 48,5 key animators khi hoàn thành xong một tập. Mặt khác, 10 key animators tham gia Hibike Euphonium trong thời gian dài. Do vậy khi xét đến tổng thể, công việc và hiệu quả mà 10 key animators của KyoAni mang lại không hề thua thiệt con số 48,5 của MAPPA, mà lại hưởng lương bằng. Nhưng cách làm của KyoAni lại có 2 lợi thế quan trọng riêng.
Tạo sự thuận tiện cho công việc xếp lịch và quản lí nhân sự, khiến luồng công việc diễn ra trôi chảy và mau chóng hơn.
Có một thực tế là xếp lịch làm việc và quản lí nguồn lực của 48 người sẽ khó hơn rất, rất nhiều so với con số 10. Tình trạng hỗn loạn, ứ đọng việc là điều không thể tránh khỏi.
Đảm bảo sự ổn định về phong cách hoạt họa, về chỉ đạo nghệ thuật trong một tác phẩm.
Sử dụng nguồn lực “trong nhà” giúp linearts của KyoAni trong bất kì tác phẩm nào giữ được sự ổn định từ đầu đến cuối. Dù một team có thể không nhiều người nhưng họ gắn bó và tài giỏi. Ít người tham gia vào dự án sẽ dễ khiến “đạo diễn hoạt họa” (animation director) sửa lỗi ít hơn. Bản thân key animators cũng cải thiện nhanh hơn, từ đó tạo nên sự ổn định trong phong cách và đường nét một tác phẩm nhắm đến.
Bạn hãy thử tưởng tượng, trong số 48 người của MAPPA, có những người trình độ không đồng đều. Đa phần trong số đó là nguồn lực lao động theo hợp đồng, sẽ khiến cho lượng công việc của “đạo diễn hoạt họa” trở nên nhiều hơn vì đơn giản là lỗi cần sửa quá nhiều, dẫn đến phát sinh thêm về vấn đề nhân sự, và gần như mọi vấn đề đau đầu khác liên quan đến thời gian xếp lịch và v.v…