Anime StudioIndustry

Kinh Phí Có Liên Hệ Thế Nào Đến Chất Lượng Tác Phẩm?

Đây là câu hỏi tưởng dễ nhưng đã có rất nhiều người lầm tưởng sai câu trả lời. Khi một anime có các đoạn cảnh kém chất lượng, đa phần đều đổ tội cho “thiếu kinh phí” khi bản thân người xem không thật sự nắm rõ những gì diễn ra trong ngành công nghiệp. Trong bài viết kì này, mình sẽ giải đáp những thông tin và nhìn nhận sai lệch về “kinh phí” trong anime nói chung.

• “Kinh phí và chất lượng không có mối tương quan với nhau. Nhưng nếu kinh phí quá ít thì sẽ không thể hội đủ nhân viên cần thiết.”

Đây là lời nói của hoạt họa sĩ danh tiếng Naotoshi Shida, một nhân viên trụ cột với 25 năm kinh nghiệm của Toei Animation. Câu trả lời của ông có 2 vế, chúng ta sẽ đi vào phân tích từng vế một.

¤ 1/ Kinh phí và chất lượng không có sự tương quan với nhau.

Nghe có vẻ nực cười, nhưng đây là sự thật và nhận định từ những người làm việc trong ngành. Một cảnh thường sẽ được trả phí như nhau dù key animator (hoạt họa sĩ chính) có thực hiện vẽ một hoặc rất nhiều khung hình cho cảnh này. Trong khi đó, chỉ một số ít key animator là cực giỏi (vd như thiên tài Nakamura của Bones, hoặc Mitsuo Iso – cựu nhân viên Gainax đã thực hiện cực phẩm NGE…), với số lượng cực kì khan hiếm nên không thể trông mong họ sẽ tham gia tất cả các tác phẩm anime. Đặc biệt là khi số lượng anime được sản xuất quá nhiều qua từng năm, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân tài mà tiền bạc chẳng thể giải quyết được điều gì. Bạn có biết? One Punch Man là tác phẩm vốn nổi bật trong giới sakuga (chuyển động hoạt họa) vì sở hữu dàn nhân sự animator cực kì xuất chúng, hội tụ từ những studio máu mặt khác nhau trong ngành dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Shingo Natsume. Công lớn phải kể đến NSX Yuichiro Fukushi đã sử dụng mối liên hệ quen biết của ông trong ngành CN để “chiêu mộ” các tài năng hoạt họa tham gia.

Thế nhưng Chikashi Kubota – trưởng chỉ đạo hoạt họa (Chief animation director) đã đăng thông tin trên twitter của mình rằng: “OPM không hề có kinh phí khủng mà trái lại, kinh phí chỉ thuộc dạng trung bình. Hoạt họa của OPM chất lượng là do công sức và tâm huyết của những người tham gia thực hiện”. Trong một bài phỏng vấn khác, đạo diễn Shingo Natsume cũng cho biết: “Chúng tôi rất may mắn khi chiêu mộ được những hoạt họa sĩ không-hám-tiền cho dự án anime OPM” OPM là minh chứng rõ ràng nhất khi tài năng, tâm huyết của những hoạt họa sĩ thể hiện rõ nhất – họ muốn cùng nhau làm nên một điều gì đó thật tuyệt vời bằng cả tấm lòng. Cũng chính vì thế mà có rất nhiều animator danh tiếng tham gia thực hiện nhưng thậm chí họ còn không muốn để lại danh tính. Một trong số đó là chính là Nakamura Yutaka, bậc thầy về hành động võ thuật của studio Bones (ở đoạn cảnh Saitama vs Genos, bạn sẽ thấy dấu ấn yuta cubes của Nakamura).

Takahiro Sakazume đã có buổi trả lời trực tuyến trên twitter và tiết lộ rằng đã có nhiều animator tài năng muốn làm việc với ông và Enokido trong tác phẩm Fate/Apocrypha (những đoạn cảnh hành động ở cuối phim cực kì hoành tráng). Không hề có bất kì sự thương lượng giá cả nào diễn ra, họ chỉ muốn góp mặt thực hiện cùng những tài năng họ ngưỡng mộ mà thôi! Mối “quan hệ” cũng có công lớn trong việc lôi kéo dàn nhân sự đầy tài năng tham gia một tác phẩm nào đấy. Con người làm nên anime – chứ không phải tiền bạc.

Masahiko, chủ tịch của studio Bones, khi được hỏi về lí do tại sao có nhiều cựu nhân viên(từ những studio danh tiếng) lại đi tách ra lập thành các studio mới, nói rằng:”Có rất nhiều lí do. Nhưng lí do chính trong số đó là họ muốn tạo ra thứ gì đó mới, nhưng lại không thể khi làm việc ở studio cũ. Vì thế họ ra đi để thực hiện ý tưởng họ muốn làm. Điều này không phải lúc nào cũng vui, nhưng nó như số mệnh vậy. Khi diễn ra thì chẳng điều gì có thể ngăn cản được”

Điều này đã thật sự đã lí giải vì sao Masao Maruyama (cựu nhân viên của Madhouse) lại tách ra riêng thành lập studio MAPPA – với mong muốn thực hiện nhiều tác phẩm nguyên tác anime hơn(những bộ như thế này thường chẳng trông mong thu được lợi nhuận). Madhouse trong giai đoạn này thì họ đã chạy theo xu hướng thị trường khá nhiều, so với trước 2010, Madhouse chỉ có tựa “Death Parade” và “Sora yori mo Tooi Basho” là original nổi bật (tạm bỏ qua Sonny Boy đang công chiếu).

Trong khi đó, MAPPA lại là studio do những thành viên nhiệt huyết, chung niềm đam mê về các tác phẩm nguyên tác hoặc nghệ thuật từ Madhouse tách ra, và trong năm 2016 họ đã cho ra mắt tác phẩm “Góc Khuất Thế Giới” làm chao đảo giới phê bình ở khắp nơi. MAPPA cũng gặt hái được thành công lớn qua bộ Yuri on Ice. Tuy nhiên, ngựa quen đường cũ, khi đã ở đỉnh cao thành công, MAPPA lại đâm vào vết xe đổ của Madhouse khi xưa và một lần nữa, Maruyama từ chức chiếc ghế chủ tịch, tiếp tục tách riêng ra mà thành lập studio M2. Một trường hợp khác là của Trigger, những nhân viên tâm huyết đã tách ra Gainax (vốn cũ kĩ, không thể phát triển) để theo đuổi hướng đi mới, sáng tạo hơn nhưng vẫn giữ niềm đam mê cũ. Little Witch, Darling in the FranXX là các vd điển hình.

¤ 2/ Kinh phí chỉ là một trong rất nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng.

• “Nhưng nếu kinh phí quá ít thì sẽ không thể hội đủ nhân viên cần thiết.”

Đây là vế thứ 2 của Naotoshi Shida. Tất nhiên, kinh phí quá ít thì cũng chẳng thể triển khai được một dự án, hay đáp ứng được điều kiện của đội ngũ thực hiện. Suy cho cùng, một người nghệ sĩ không thể sáng tác với cái bụng đói. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, không phải cứ dồn hết kinh phí khủng vào một tác phẩm là chắc cú bộ sẽ có chất lượng thượng thừa! Kinh phí chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tạo nên sự thành công ở một tác phẩm bất kì.

Kyoto Animation và Ufotable là 2 studio hàng đầu về lĩnh vực chất lượng hoạt họa trong ngành công nghiệp. Nhưng các tác phẩm họ làm thường chỉ có mức kinh phí “trung bình”. Trong khi các studio khác (như A-1, Diomedea, J.C Staffs …) thường chạy sô ôm nhau nhiều bộ anime mỗi mùa, thì đối với 2 studio trên, họ chỉ đảm nhận duy nhất một bộ mà thôi. Bài viết phân tích về kinh phí của KyoAni bạn có thể đọc thêm ở đây: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/208643864609674

Bạn sẽ thấy được, số lượng hoạt họa sĩ chính (key animator) tham gia vào Yuri On Ice cao gấp 5 lần tác phẩm Hibike Euphonium của KyoAni, nhưng lại có chất lượng tệ hơn. Erkin Kawabata – một animator trong ngành – cũng lên tiếng nhận xét rằng “các anime của kyoani chỉ có kinh phí trung bình, thậm chí số ít còn cần ít vốn đầu tư hơn so với mặt bằng chung”. Vanitas no Carte của studio Bones có những tập cần đến 18 animation director (chỉ đạo hoạt họa) – so với con số từ 4 đến 5 thường thấy ở một tập anime bất kì – nhưng chất lượng hoạt họa của Vanitas cũng chỉ ở mức trung bình.

Một vd khác dễ hình dung hơn, Kimetsu no Yaiba đã ngốn của Ufotable đến 1 năm – trước lịch công chiếu chính thức – để chuẩn bị và sản xuất, và đây là trường hợp khá hiếm trong cái ngành CN anime hiện nay. Trên thực tế, đội ngũ thực hiện KnY ở Ufotable chỉ mang quy mô nhỏ – vì lúc này phần còn lại của dàn nhân sự đang tập trung thực hiện Fate Heaven’s Feel, nhưng thời gian chuẩn bị lâu đã cho phép họ “giảm tải” khối lượng làm việc sang các studio hỗ trợ khác với deadline hợp lý, và tự tay đội ngũ “nhà” cũng đảm nhận khá nhiều các công đoạn hoạt họa (tập 2 của KnY đánh dấu lần đầu tiên một tập anime được Ufo sản xuất hoàn chỉnh tại “nhà”), lí giải cho chất lượng hình ảnh ổn định xuyên suốt các tập anime. Hay như trường hợp của WIT studio đã phải bỏ của chạy lấy người vì không kham nổi lịch làm việc kín mít do Kodansha đề ra – nên nhớ đây là IP lớn và Kodansha là gã xuất bản khổng lồ, tiền từ hợp đồng cũng không phải ít nhưng WIT vẫn phải từ chối. MAPPA vốn “quen đường cũ” nên nhanh tay đớp lấy miếng mồi ngay liền từ tay WIT, mà mình cũng phải công nhận rằng MAPPA hiện nay đang sở hữu đội ngũ quản lý cực kì hiệu quả, có vẻ họ đã cải thiện hơn rất nhiều để tránh lặp lại tình cảnh của Yuri on Ice khi xưa. Tuy nhiên, trong AoT Final Season do MAPPA đảm nhận, bạn sẽ không thấy được những thước phim hành động ảo diệu như hồi WIT thực hiện.

Lịch làm việc được sắp xếp hợp lí, quản lí nhân sự tài tình đã giúp các tác phẩm của KyoAni lẫn Ufo giảm thiểu kinh phí tối đa. Mặt khác, cả 2 studio này còn áp dụng những kỹ thuật hiện đại (điển hình như 3D CGI) để hỗ trợ cho các hoạt họa sĩ thỏa sức sáng tạo, góp phần tiết kiệm thêm thời gian và chi phí sản xuất. Một tập anime chỉ cần đội ngũ vào khoảng mười mấy người là đã có thể thực hiện được. Bạn hãy tưởng tượng: Đấy là những người rất “thích hợp” cho tác phẩm, họ phải đảm bảo tác phẩm có nghệ thuật ổn định về độ nét, cử động, và được giám sát bởi một trưởng chỉ đạo hoạt họa (chief animation director) tài năng – vốn là người có tầm nhìn và hướng đi phù hợp với tác phẩm. Chính vì thế, nếu “nhét” thêm một đội ngũ dù có lên đến vài chục người cũng chả thể làm tiến độ tác phẩm nhanh hơn được, thậm chí còn rối hơn về vấn đề nhân sự, trì trệ hơn công việc và không thể đảm bảo chất lượng nghệ thuật mang tính ổn định xuyên suốt.

Cách thức trả tiền truyền thống là người hoạt họa sĩ gia công sẽ chỉ được chi trả với mỗi bức hình họ vẽ, đối với key animator thì đó là một cảnh(a cut), chính vì vậy cũng có những người chỉ làm để đủ “chỉ tiêu” và không đoái hoài gì đến chất lượng bản vẽ. Thậm chí, như trường hợp của studio Bones, một key animator muốn cống hiến còn … không được vì layout của anh ta được cho là quá phức tạp và không phù hợp với lịch làm việc lẫn quy trình đã được sắp đặt sẵn, dẫn đến sự trì trệ trong dự án, lẫn nảy sinh thêm nhiều vấn đề về nguồn lực và chi tiêu. Nói như thế cũng có nghĩa, các studio hiện nay đã “tiêu chuẩn hóa” các biện pháp để kiểm soát chi tiêu và nguồn lực cho đồng đều. Mô hình Kyoto Animation là lý tưởng nhất khi chi trả theo giờ cho dàn nhân sự của họ. Các hoạt họa sĩ không cần phải bận tâm hay miệt mài vẽ nhiều khung hình để kiếm cơm, mà chỉ cần thỏa sức đam mê cho điều họ mong muốn. Do đó, KyoAni là studio có chất lượng ổn định bậc nhất trong tất cả các studio hiện nay.

Bộ phim “Tokyo Godfathers” của Satoshi Kon chỉ có mức kinh phí vào khoảng $2.7 triệu đô, nhưng ngay chính ông cũng nghĩ rằng tác phẩm có chất lượng hơn hẳn với số kinh phí bỏ ra này. Trong khi đó, một bộ của Ghibli thường có số kinh phí cao hơn gấp nhiều lần. Và hiện nay, trong ngành CN thì “kinh phí” đều đã được tiêu chuẩn hóa xuyên suốt, ủy ban sản xuất sẽ phân chia đồng đều nguồn vốn của họ cho các dự án khác nhau, trường hợp ngoại lệ là cực hiếm và nếu có diễn ra thì chúng ta sẽ chỉ biết được nếu có sự xác nhận từ người trong ngành chứ không thể nói một bộ anime có kinh phí cao hơn chỉ nó vì nhìn đẹp và mượt hơn.

¤ 3/ Điều đúc kết lại là gì?

• Kinh phí không có mối quan hệ tỉ lệ thuận với chất lượng một tác phẩm bất kì. Không phải cứ có vốn kinh phí nhiều là tác phẩm sẽ mang chất lượng tốt hơn.

“Unlimited budget works”(túi tiền không đáy) của Ufo chỉ là meme đùa vui. Tất nhiên, vẫn cần phải có đủ số tiền tối thiểu để giữ chân và chiêu mộ nhân viên phù hợp, chi trả tiền thuê nhà, công cụ, tiền quảng cáo và nhiều khoảng kinh phí khác … nhưng chỉ đến một chừng mực nào đó mà thôi. Nền vững là một chuyện, nhưng cái nhà méo mó như thế nào với chất lượng ra sao vẫn nằm ở tay kiến trúc sư và các công nhân lao động (lẫn nhà thầu). Suy cho cùng, chính tài năng và niềm đam mê nhiệt huyết của những người tham gia tác phẩm mới là yếu tố đại quan trọng cho chất lượng và sự thành công. Đối với những hoạt họa sĩ danh tiếng lẫy lừng, sự nghiệp và dấu ấn để lại tuyệt phẩm cho đời còn quan trọng hơn là đồng tiền kiếm được. Nếu ai cũng hám tiền thì chắc chắn, họ sẽ không bao giờ lựa chọn ngành nghề làm hoạt họa sĩ – một trong những ngành nghề được trả công thấp nhất ở Nhật.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button