AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Kimetsu no Yaiba – Yuukakuhen: MV Zankyou Sanka (AIMER) & Truyền Thuyết Bách Quỷ Dạ Hành.

◆ Giới Thiệu:

Zankyou Sanka (残響散歌) – “Thánh ca vang vọng” của Aimer là OP đầu tiên của anime Kimetsu no Yaiba season 2 “Yuukakuhen”. Bài hát vừa được công bố MV chính thức vào khoảng 4 ngày trước và đã lập tức cho mình ấn tượng tuyệt vời. Không chỉ vì độ hyper và catchy của âm nhạc mang thương hiệu Aimer, mà còn do cái “hào nhoáng” và rực rỡ của hình ảnh. MV này vừa xây dựng nên một câu chuyện độc lập mang đậm nét văn hóa Nhật Bản và tư tưởng Thần đạo, lại có sự liên kết thú vị với chính Kimetsu no Yaiba.

MV Link:

◆ Bách Quỷ Dạ Hành: Một Biểu Tượng Văn Hóa

Bách quỷ dạ hành (百鬼夜行 – Hyakki Yakō) dịch theo nguyên gốc Hán Việt là “cuộc diễu hành vào ban đêm của 100 con quỷ”. Tuy nhiên, nó dùng để diễn tả chung cho đoàn diễu hành số lượng rất lớn của hàng ngàn con quỷ.

Theo truyền thuyết dân gian có hơn ngàn năm lịch sử, Bách quỷ dạ hành xảy ra trên các con phố vào một đêm hè nhất định trong vòng Hoàng đạo với số lượng lớn yêu quái (yokai), quỷ (oni) và các sinh vật siêu nhiên khác. Những ai vô tình rơi vào đoàn diễu hành này đều phải chịu số phận khá bi thảm là cái ch.ết hoặc bị câu mất linh hồn.

Hình tượng này có sự tương đồng với ngày Halloween trong văn hóa phương Tây, thể hiện khoảnh khắc khi ranh giới giữa Thế giới Con người và Thế giới siêu nhiên trở nên mỏng manh và dễ dàng bị phá vỡ.

Bách quỷ dạ hành là một chủ đề quen thuộc trong nghệ thuật Nhật Bản. Nó xuất hiện trong nhiều tác phẩm hội họa từ thời Muromachi (1336 – 1573), rất phổ biến dưới thời Edo và sức ảnh hưởng còn kéo dài cho đến ngày nay. Trong văn hóa hiện đại với anime và manga, ta có Jujutsu Kaisen, Paprika, cùng sự liên hệ với Pom Poko và Spirited Away. Đặc biệt nó là ý tưởng cho khá nhiều game từ chiến đấu đến phiêu lưu, đại diện là Monster Hunter: Rise, Touhou và Yo-kai watch đình đám một thời.

◆ Bách Quỷ Dạ Hành & Zankyou Sanka

Nói sơ qua về mặt nội dung, MV Zankyou Sanka kể về một nữ sinh trung học vô tình bị rơi vào đoàn diễu hành ma quỷ trong một đêm trăng tròn đầy hào nhoáng. Với tâm trạng sợ hãi và hoang mang cực độ, cô cố gắng chạy trốn khỏi đám rước rùng rợn. Thế nhưng thế giới lại không ngừng đảo lộn ngăn chặn bước chân cô. Đến cuối cùng cô nữ sinh vẫn không thoát được đám yêu ma quỷ quái và bị hàng ngàn con quỷ tập kích. Lũ quỷ lần lượt lao qua cô khiến linh hồn như bay ra khỏi thân thể. MV chấm dứt trong sự ngỡ ngàng khi cô nữ sinh đứng một mình trong ánh sáng sớm mai, khuôn mặt hoàn toàn lặng đi.

Nội dung MV này lấy cảm hứng từ những truyền thuyết về Bách quỷ dạ hành dưới thời Heike, khi một con người xấu số vô tình đi lạc vào đoàn diễu hành của quỷ. Câu chuyện mang màu sắc thần thoại này vốn đã có sức hấp dẫn riêng. Thêm vào đó MV còn khéo léo gài cắm nhiều chi tiết liên hệ sâu với chính với anime Kimetsu no Yaiba, đặc biệt là mùa 2 “Phố đèn đỏ”.

◆ Liên Hệ Với Kimetsu no Yaiba – Yuukakuhen:

Mối liên kết dễ thấy nhất của MV Zankyou Sanka với KnY chính là những con QUỶ. Đoàn Bách quỷ dạ hành của MV vẫn là tập hợp của rất nhiều loại quỷ khác nhau. Mở đầu là tranh vẽ Ukiyo-e về Nekomata, Kappa … và sau đó là đoàn những sinh vật ma quái đa dạng hình thù, dễ thấy có gashadokuro với hình dạng bộ xương khổng lồ, bao quanh là những đốm ma chơi màu xanh Hitodama. Tuy nhiên đoàn diễu hành quỷ này có trang phục “lòe loẹt”. Nhiều con ăn mặc rất thời trang với thiết kế ren sợi phối màu bắt mắt và…đi giày cao gót cực kì chất chơi. Có thể nói đoàn ma quỷ này khá “hào nhoáng” và “hợp mốt” đấy chứ.

Trong số chúng, đặc biệt nhất là con quỷ đầu tiên chú ý đến nhân vật chính (cô nữ sinh của chúng ta). Nó không phải là con quỷ dẫn đầu, nhưng là con khơi mào đuổi theo cô nữ sinh như thể nó có thù hận đặc biệt với cô vậy. Điểm ẩn ý khá thú vị ở chỗ có vẻ như đó là một con quỷ đeo mặt nạ Hannya. Trong kịch Noh, đây là chiếc mặt nạ ma quái được đeo bởi nữ quỷ Kijo. Nữ quỷ này được mô tả vốn là một người đàn bà xinh đẹp nhưng ghen tuông tột độ, sẵn sàng làm mọi thứ để báo thù. Trong MV, con quỷ này lại có một tạo hình khá phi giới tính với thân hình to lớn của đàn ông và đi giày cao gót 7 phân của phụ nữ. Những điều này lập tức khiến ta liên hệ đến “ngôi sao” của ss2 này: Thượng Huyền Lục Daki và Gyutaro.

Bên cạnh đó, mặt nạ Hannya còn có thể ám chỉ hai ý nghĩa nữa cũng khá liên quan đến KnY.

Thứ nhất, theo truyện cổ dân gian, chiếc mặt nạ này vốn là vô hại, nó chỉ trở nên ma quái khi rơi vào tay “người thích hợp”. Một người phụ nữ chất chứa thù hận đeo mặt nạ Hannya lên mới trở thành một con quỷ, còn nguồn gốc của họ vẫn là con người. Khác với các loại quỷ xuất hiện từ các hiện tượng và sinh vật tự nhiên, điều này nhấn mạnh vào tính “người” cụ thể của chính con quỷ này. Hiển nhiên điều này được truyền cảm hứng từ KnY.

Thứ hai, chiếc mặt nạ có một thiết kế khuôn mặt khá đặc biệt. Khi nhìn từ trên xuống, nó thể hiện sự hiểm độc và cuồng nộ, nhưng chỉ cần thay đổi góc nghiêng, ta sẽ thấy ánh nhìn rất buồn bã, như thể bị đau khổ dày vò. Chỉ cần thay đổi góc nhìn, câu chuyện của chiếc mặt nạ đã thay đổi. Giống như khi nhìn nhận một con quỷ với nhiều mặt khác nhau, ngoài sự căm thù cũng sẽ thấy những nỗi đau ẩn chứa đằng sau một kiếp người.

Điều tiếp theo tạo ra cảm nhận thị giác rất mãn nhãn là những bối cảnh kì lạ nhưng đặc thù mà nhân vật chính đã đi qua. Thứ đầu tiên cô đã vượt qua là cánh cổng Torii – biểu tượng ngăn cách trần thế và một thế giới siêu linh, ở đây chính là bước vào một địa hạt của yêu ma quỷ quái. Khung cảnh chính là đường phố Tokyo hiện đại, tuy nhiên hai bên đường lại xuất hiện những công trình đầy cổ xưa như cầu cạn, đèn đá, tường có gắn gia huy, tượng đá kitsune…Trong ánh sáng lộng lẫy cũng như màn pháo hoa “hào nhoáng”, có thể thấy rõ những bức tranh bijin ōkubi-e với chủ thể là các phụ nữ xinh đẹp và gợi cảm trong bộ kimono của Kitagawa Utamaro. Điều đáng nói nhất là nhân vật trong thể loại tranh này thường là các kỹ nữ và chúng thường được dùng để minh họa cho tạp chí 18+ vào thời Taisho (cũng là thời kì của Kimetsu no Yaiba). Như vậy tổng kết lại, bối cảnh của cuộc Bách quỷ dạ hành này là một khu phố đèn đỏ đầy ma mị, tuy rực rỡ nhưng không kém phần khủng khiếp và quái đản.

Sau khi nhảy ra khỏi kết giới “khu đèn đỏ”, không gian đột ngột trở nên đảo lộn phi trọng lực, gợi nhớ sâu sắc đến “Vô hạn thành” biến ảo bất chấp mọi định luật vật lý. Tại không gian này cô cuối cùng cũng phải đối mặt với đám quỷ. Hình ảnh những con quỷ “lao qua” một con người gây sự liên tưởng sâu sắc đến hành động “đánh bay hồn phách” hay đoạt hồn. Đoạn kết của MV xuất hiện hình ảnh cô bé tự ôm lấy chính mình. Điều này như một ẩn dụ cho việc “linh hồn trở lại” sau khi đi gặp phải đoàn Bách quỷ dạ hành, nhưng đồng thời cũng có thể mang ý “tìm lại chính mình”. Tại đó cũng là điểm kết thúc của đêm dài ác mộng, của sợ hãi và khổ đau.

MV kết thúc bằng hình ảnh nhân vật chính đứng giữa ánh sáng ban ngày và lau đi giọt nước mắt trên mi, ánh nhìn trở nên kiên định. Ta có thể nói rằng sau tất cả những gì đã trải qua, cô bé đã trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này cho một cảm giác khá hoài niệm khi nghĩ về cuộc hành trình của các nhân vật trong KnY. Tất cả đều không ngừng nỗ lực, không ngừng cố gắng, và không chịu đầu hàng sau mỗi ngày trôi qua.

◆ KẾT LẠI

Zankyou Sanka không chỉ là một bài hát hay mà còn có một MV khá thú vị. Không chỉ hợp như đo ni đóng giày cho Kimetsu no Yaiba mà còn thể hiện sự tâm huyết với văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Đây cũng có thể một MV hiếm hoi Aimer thể hiện vai diễn “cao cao tại thượng” đứng trên mái nhà quan sát tất cả với sự từng trải. Cộng thêm với dòng banner to tướng “immortal” ngay bên cạnh khung hình, có vẻ cô nàng muốn một lần chơi ngông với ước mơ ngang tầm thần thánh trong chiếc MV này. Phải nói đây là một ý tưởng cũng xịn xò y như bài hát này vậy!

Người viết: ~vivu~

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button