AnimeAnime StudioIndustryPhân Tích & Cảm Nhận

Kimetsu no Yaiba: Yuukaku-hen – Chỉ Có Art Gánh!!??

Một post rant ngẫu hứng thôi, cũng không có gì cả. Nói chung thì câu chuyện về Kimetsu no Yaiba vẫn chưa kết thúc (tất nhiên rồi) nhưng nó khiến mình suy ngẫm về nhiều thứ.

Ufotable qua tập KnY tuần này đã chứng minh rằng họ có thể làm nên một tác phẩm không phải “one hit wonder” (nôm na là ăn hên rồi xìu). Cảm xúc mình xem xong tập tuần này thậm chí còn dâng trào hơn so với tập hay nhất trong toàn tác phẩm, là tập 19 của Season đầu tiên.

Manga kết thúc đã “tương đối” lâu, cũng tầm 2 năm rồi nhỉ? Thế mà cớ sao KnY vẫn đang “dậy sóng” mỗi tuần!? Nếu KnY chỉ có mặt hoạt họa gánh, thế thì tại sao những tác phẩm trước đây Ufotable đảm nhận vẫn không thể đạt được sự bứt phá trong thị hiếu đại chúng như KnY đã làm được?

Vd như trilogy Fate Heaven’s Feel vốn là tinh hoa, là magnum opus của Ufotable với mảng hành động cũng ảo diệu và tuyệt cú mèo không kém, nếu xét về doanh thu trong giới “late-night” anime nói riêng thì tương đối đấy. Nhưng Fate HF vẫn không thể bứt phá được đại bộ phận khán giả để ngồi “chung mâm” với Disney, với Ghibli tại thị trường nội địa. Nếu nhìn toàn cảnh hơn trên BXH doanh thu tại thị trường Nhật thì top 10 vẫn là nơi ngự trị của những gã khổng lồ như Ghibli (thời hoàng kim), hay cái tên mới nổi Makoto Shinkai, cũng như là những IP chục năm tuổi đời đã gắn liền với nét văn hóa và phần lâu đời sống tinh thân của người dân Nhật. Thế mới nói, những gì mà một “tân binh” như Kimetsu no Yaiba đã làm được là điều kì tích, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hoạt họa!

Cái nhiệt của KnY vẫn chưa dừng hẳn, vẫn đang rực cháy, chưa có dấu hiệu nguôi đi, dù cho nguyên tác đã kết thúc hẳn! Và đây là suy nghĩ của mình: Nếu chỉ có mặt hoạt họa hành động hào nhoáng của Ufotable, thì mình chắc chắn một điều, KnY sẽ không thể nào đạt được thành công như hiện tại!

◆ Điều nhiều người thường bỏ qua là Ufotable rất biết cách “thao túng” cảm xúc khán giả bởi sức mạnh của đội ngũ chỉ đạo.

Bạn hãy cảm nhận cách mà Toshiyuki Shirai – một ace của Ufotable – dàn dựng phân cảnh trong tập: tối ưu hóa những cảnh slow-mo (làm chậm) để giữ nhịp độ cho các pha hành động, lẫn đẩy tiết tấu lên nhanh và dồn dập khi gần chạm đỉnh cao trào, để rồi khiến khán giả vỡ òa trong sự phấn khích tột cùng!

Việc chuyển thể một pha hành động từ nguyên tác lên màn ảnh cũng không phải là chuyện dễ dàng, huống chi là nâng tầm nguyên tác lên thêm gấp 2, 3 lần! Người đạo diễn sẽ phải nói thứ “ngôn ngữ” riêng của chính họ để thật sự chạm đến con tim của đại bộ phận khán giả theo dõi – qua từng phân cảnh, cách điều chỉnh nhịp độ, góc quay, tiết tấu dẫn đến cao trào xuyên suốt thời lượng tập. Khác với những khung manga – bất động và bị động, những tình huống, cao trào, nhịp độ diễn ra theo ý chí và tốc độ của người đọc, thì khi lên màn ảnh, chính tài năng người cầm cương (mà ở đây là đội ngũ đạo diễn) mới là yếu tố quyết định mang lại sự thành công.

Và tất nhiên, nếu bạn là người thích tìm hiểu về hoạt họa như mình, thì sẽ lại càng trân trọng hơn những gì mà Ufotable đã thực hiện được. Mô hình “tự lực” của Ufotable hiện nay đã rất gần với Kyoto Animation, trong cái ngành công nghiệp mà chất lượng anime thường hay trồi sụt theo từng tuần, thì vẫn có những studio hiếm hoi như KyoAni, Ufotable đã gặt hái được thành quả khi vẫn một mực tin tưởng vào con đường họ đã lựa chọn! Họ thật sự trân trọng người tài giỏi, và không ngại tốn công “đầu tư” cho những tài năng trẻ – những người đã, đang và sẽ gắn bó với studio trong rất nhiều năm sau này. Thậm chí, đến cả huyền thoại hoạt họa Abe sau hàng năm trời hành nghề tự do, cũng đã “mủi lòng” mà chọn Ufotable làm ngôi nhà dừng chân trong sự nghiệp hiện tại. Chính thế mạnh trong khâu quản lý nhân sự, lẫn cách đối đãi với người tài của Ufotable đã cho phép các hoạt họa sĩ – dưới trướng của mình – phát huy hết sức khả năng. Họ không chỉ hoạt họa – mà còn phô diễn những gì tuyệt vời nhất, tinh hoa nhất trong sự nghiệp của mình.

“Đừng sợ một người tập luyện 10000 cú đá khác nhau, mà hãy sợ một người tập luyện một cú đá 10000 lần”. Đây là câu không thể nào hợp lý hơn để miêu tả về Ufotable. Ufotable là studio đã tạo dấu ấn trong giới anime bởi các tác phẩm hành động họ thực hiện, và KnY chính là tác phẩm thích hợp nhất, là đất dụng võ – nơi mà Ufotable ngày càng hoàn thiện, lẫn tinh luyện thế võ “hành động” của họ. Tất nhiên ở đây, cái chất của Ufo không chỉ là “hoạt họa đẹp mắt” như đã nói, mà còn là sự hòa quyện của rất nhiều yếu tố khác nhau như sức mạnh của bộ phận chỉ đạo hình ảnh, lẫn CGI và khâu quản lý nhân sự để giúp tất cả mọi người phát huy hết tinh hoa, đẩy xa giới hạn mà họ có thể thực hiện được. Ufotable là một tập thể, cùng một tầm nhìn mới có thể đạt được thành công như hiện nay (trong khi studio Bones năm ngoái bị dính scandal tối giản bản vẽ bài trí của một animator làm mình phần nào thất vọng).

◆ Bên cạnh đó, cái nét tài tình của KnY qua bàn tay Ufotable nhào nặn, là họ biết cách thêm thắt một số tầng nghĩa “ẩn” về xã hội, văn hóa và con người Nhật, giúp đa phần khán giả phổ thông đồng cảm được.

Ngoài góc nhìn lệch lạc về cái đẹp của những con người tại khu phố đèn đỏ thời đó – khi giá trị những kỷ nữ chỉ được đánh giá qua vẻ đẹp bề ngoài của họ, thì bạn hãy để ý đạo diễn Shirai đã lựa chọn kết thúc tập là hình ảnh hoang tàn của khu phố, khung cảnh như bình địa, mọi thứ tan hoang trên đống đổ nát. Credit tiếp tục lăn đi, vẫn trên khung cảnh đó, trên nền nhạt u sầu đầy cảm xúc về những gì xảy ra.

Và đây là một khung cảnh rất mãnh liệt. Nhật Bản là đất nước đã từng hứng chịu mọi thiên tai, từ động đất cho đến sóng thần, lẫn bị chiến tranh tàn phá. Hình ảnh kết thúc ở tập không khác gì hình ảnh của cơn “đại động đất ở Kantou” diễn ra vào năm 1923 với ngọn lửa tàn dư cháy âm ỉ mấy ngày liền – cùng thời gian diễn ra các sự kiện trong KnY (giai đoạn Taisho từ 1912-1926). Hình ảnh này tuy khắc họa nên một thế giới cơ cực, hẩm hiu đã quá quen thuộc với đại bộ phận dân Nhật, NHƯNG, vẫn phần nào thể hiện và truyền tải nên chủ đề xuyên suốt tác phẩm: đó là sự đứng dậy, đấu tranh, kiên cường bất khuất của dân tộc nước họ.

“Anh trai ơi, tại sao anh lại luôn xin lỗi vậy? Chúng ta có phải thương hại chính bản thân khi không được ăn ngon, mặc đẹp? Tại sao ta lại cần tìm nơi để đổ lỗi lên? Không thể trách cứ được, ta chỉ là con người thôi. Mọi thứ sẽ không như ta dự định. Nhưng chính ta tự quyết định nên hạnh phúc của bản thân. Điều quan trọng nhất là đây và bây giờ. Hãy cùng đối mặt với tương lai, cùng cố hết sức mình!”

Đoạn hồi tưởng trong mơ giữa Tanjirou và Nezuko ở đầu tập bỗng mang một ý nghĩa rõ ràng hơn bao giờ hết. Một ý nghĩa không chỉ nói riêng về bản thân họ, mà còn có sự liên tưởng và cảm thông đến hình ảnh của một đất nước, của một dân tộc không bao giờ đổ thừa hoàn cảnh mà vẫn luôn giữ ý chí bất khuất, nghị lực bất diệt.

Nếu chỉ có “hoạt họa đẹp mắt” thì sẽ không làm nên một tác phẩm hay.

Nếu chỉ có “tầng nghĩa ẩn” cảm động, giàu nhân văn thì cũng không tạo nên sự đặc sắc được.

Tuy nhiên, cân đo đong đếm, dung hòa mọi thứ lại với nhau, không mặn, nhạt để tạo nên cảm giác ngon miệng với một dư vị không phai, để phù hợp với mọi đối tượng thực khách, thì không phải đầu bếp nào cũng làm được.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button