AnimeAnime StudioIndustryPhân Tích & Cảm Nhận

Kimetsu no Yaiba & Sự Lựa Chọn Của Ufotable.

Đây có lẽ sẽ là bài cuối cùng (trong tuần) của mình về Ufo/KnY cho đến khi tập cuối của tác phẩm ra mắt ngày CN tới. Post này mở rộng từ bài viết trước đó, sự thành công của KnY đã làm lộ ra nhiều cái “xấu”, mặt tiêu cực trong cộng đồng mà mình cảm thấy cần phải chia sẻ góc nhìn. Cũng nói luôn, tuy mình không phải là fan của KnY đâu (bạn có thể nhìn avatar, banner lẫn description của page để kiểm chứng 🤣), nhưng Ufotable là studio mình cực yêu thích (đã có viết 1 bài từ A-Z về Ufotable bạn có thể đọc tại đây: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/207486138058780)

Có một số bài phỏng vấn từ NSX Yuma Takahashi mà mình sẽ dùng làm tư liệu và lập luận trong bài viết.

“Ufotable đã từng đảm nhận những dự án như F/SN và Kara no Kyoukai trong quá khứ, với những tác phẩm tuyệt vời như vậy, KnY là tác phẩm nhất định phù hợp với họ đến mức tự nhiên.”

“ … Mục đích của Ufotable đối với KnY, là không nhất thiết phải làm nên một tác phẩm anime tuyệt vời nhất, mà chính là làm nên phiên bản “hay nhất” của KnY. Những gì bạn thấy là phiên bản tuyệt vời nhất của nguyên tác.”

“Gotouge-san (tác giả KnY) đã tham gia vào việc kiểm tra kịch bản, thiết kế nhân vật, bối cảnh … nhìn chung, Gotouge-san đã có sự gắn kết mật thiết trong quá trình thực hiện tác phẩm. Tôi thường xuyên liên lạc với Gotouge-san xuyên suốt tiến trình. Sensei đặt trọn niềm tin lên đội ngũ thực hiện, vậy nên những đóng góp của cô không mang tính chất “yêu cầu”, mà là những lời khuyên hữu ích giúp cải thiện tác phẩm tốt nhất có thể.”

“Để khiến nhiều người xem thành phẩm của bạn, cần rất nhiều yếu tố hòa trộn với nhau, nhưng yếu tố cơ bản lớn nhất là sự hấp dẫn của nguyên tác manga gốc … Dù có nói gì khác thì manga vẫn rất thú vị. Chúng tôi tha thiết chuyển thể nguyên tác lên màn ảnh mà không làm mất đi nét hấp dẫn của manga. Chính vì nền tảng đã được nguyên tác chất lượng thiết lập sẵn mà đội ngũ Ufotable có thể thực hiện nên một tác phẩm anime tuyệt vời. Công sức của họ, thái độ tích cực của họ đối với tác phẩm, và kỹ thuật lẫn phong cách của họ cũng là những yếu tố khác”.

◆ “Kimetsu no Yaiba chỉ được cái art gánh”.

Có nhiều điều mình không đồng ý về những lời nhận xét kể trên. Bản chất anime – cũng như phim ảnh – là visual storytelling. “Visual storytelling” – nôm na là nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh – là tập hợp của rất, rất nhiều yếu tố khác nhau để giúp khán giả trải nghiệm một tác phẩm bất kì.

Đây không chỉ “đơn thuần” là nét vẽ nhân vật, hay hoạt họa uyển chuyển mượt mà, “visual storytelling” còn là sự hội tụ của nhịp độ trong từng pha hành động, tiết tấu trong diễn biến tình tiết, còn là cách phối màu, bài trí cảnh vật, cách sắp đặt góc quay đa chiều … để có thể giúp khán giả thưởng thức một câu chuyện được kể bằng thị giác.

Như bài trước mình đã phân tích (https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/322727669867959, Ufotable là studio đã tôi luyện nên phong cách, kỹ thuật lẫn nghệ thuật chỉ đạo “hành động” của họ qua hơn 20 năm, mặt hình ảnh của họ tất nhiên không chỉ đẹp, mà còn là sự trau chuốt và lưu loát trong lối dẫn dắt hình ảnh, qua từng phân cảnh và mức độ “nảy lửa” trong biên đạo võ thuật. Thậm chí, đến với KnY, tác phẩm còn là thử thách khá thú vị để họ có thể tinh chạm hơn kỹ thuật 3D CGI trong hoạt họa 2D truyền thống, khi hiệu ứng được tạo thành là sự dung hòa hoàn hảo từ CG với nghệ thuật vẽ tay 2D.

KnY còn gây được sự đồng cảm lớn với đại bộ phận khán giả Nhật, đặc biệt hơn là với những gì họ đã và đang trải qua hiện nay. Tác phẩm phán ánh mạnh tinh thần dân tộc, tạo được sự kết nối với rất nhiều người (lấy vd hình ảnh kết thúc tập 10 của KnY có sự liên hệ mạnh đến thảm kịch động đất diễn ra cũng cùng giai đoạn lấy làm bối cảnh tác phẩm – bạn có thể đọc ý cuối của post trước đó). Và đôi khi, họ chỉ cần có vậy! Một điều gì đó mang cho họ những thông điệp tích cực, như liều thuốc giúp họ trấn an tinh thần, vui vẻ trong cuộc sống.

Anime là loại hình giải trí và nghệ thuật đa dạng và đa sắc màu. “Dễ tiếp cận” cũng chính là sức mạnh – chứ không phải yếu điểm – để lan tỏa trong thị trường, hay nói một cách mỹ miều hơn, là đến với “mọi người”. Mọi người ai cũng có cách thưởng thức, tiêu thụ các sản phẩm văn hóa khác nhau, cũng có những người bận rộn, muốn tìm điều gì đó để thư giãn, giải khuây. Một tác phẩm “hay” và “thành công” – đối với mình – là một tác phẩm đạt được sự liên hệ sâu đậm đến với khán giả theo dõi về mặt cảm xúc và tinh thần, giữa khán giả và tác phẩm phải có sự “kết nối”. Tác phẩm không cần phải phức tạp, lồng ghép nhiều tình tiết, nút thắt lắt léo, phân tầng, hay nhồi nhét những chủ đề chính trị hoặc các triết lý sâu xa để phải là tác phẩm “hay” – lí do vì sao, thể loại “Slice of Life” là thể loại rất riêng, rất đặc thù và phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng anime tại Nhật.

◆ “Kimetsu no Yaiba chỉ được Ufotable gánh”.

Mình không phải là fan của KnY – phải nhấn mạnh một lần nữa – và mình không đồng tình với câu nhận xét này. Việc bạn sử dụng UY TÍN của Ufotable để hạ bệ và dìm nguyên tác manga chỉ chứng tỏ một điều là bạn không hiểu và hoàn toàn không tôn trọng Ufotable.

Mô hình hoạt động của studio Ufotable rất khác với đại đa số các studio hiện nay, họ là số ít các studio bên cạnh Kyoto Animation có “TOÀN QUYỀN” lựa chọn những tác phẩm họ “MUỐN” thực hiện. Ufotable từ xưa đến nay luôn có một vị trí, một ghế ngồi chễm chệ trong ủy ban sản xuất của bất kì dự án nào họ tham gia. Như vậy có nghĩa gì?

Ufotable không phải là studio mà ai muốn thuê cũng đều thuê được. Họ có ý chí tự do, hướng đi riêng với tầm nhìn thống nhất. Họ chỉ đảm nhận và đầu tư vào những tác phẩm họ muốn làm, tin tưởng vào khả năng thành công, cũng như chất lượng của nguyên tác. Nguyên tác – cũng như NXS Takahashi đã chia sẻ ở trên – vẫn là cái nền cần có, phải vững chắc để Ufotable có thể xây dựng nên, nền mà không vững thì một ngôi nhà dù có đẹp cách mấy vẫn sẽ bị gió lùa cho sập đổ thôi.

Nói như thế có nghĩa, chính Ufotable, chính đội ngũ thực hiện đã có niềm tin TUYỆT ĐỐI vào Kimetsu no Yaiba, vào nguyên tác manga của Gotouge-sensei. Ufotable đã TỰ TAY lựa chọn Kimetsu no Yaiba – chứ không phải tác phẩm shounen nào khác trong cả rừng shounen từ xưa đến nay – để chuyển thể và cống hiến hết mình, dồn tâm toàn lực, dồn hết mọi tinh hoa, kỹ thuật, nhân lực họ đã dày công phát triển trong hơn 20 năm. Bạn đừng nên lấy uy tín của Ufotable để dìm nguyên tác, trong khi ngay chính studio và đội ngũ thực hiện đã đặt trọn niềm tin vào manga, thấy được giá trị và phẩm chất nhất định của nguyên tác để có thể thăng hoa và cống hiến bằng cả tấm lòng. Như vậy thì chẳng khác nào bạn đang chất vấn lòng tin và sự lựa chọn của Ufotable vậy.

Ufotable đã thấy ở KnY là một tiềm năng họ có thể tin tưởng và khai thác, để muốn thực hiện, để cống hiến, làm nền tảng cho sự thăng hoa. Ngay cả Gotouge-sensei, tác giả của chính bộ truyện, cũng có sự gắn kết mật thiết lên cả quá trình sản xuất nhằm giúp cải thiện hơn phiên bản chuyển thể. Và như những lời Yuma Takahashi chia sẻ ban đầu, thì “đây” – phiên bản anime – mới chính là phiên bản tuyệt vời nhất của Kimetsu no Yaiba, là thành quả của cả đội ngũ Ufotable và Gotouge mà chúng ta – những con người yêu thích hoạt họa Nhật – nên trân trọng.

“Nếu không có Ufotable thì Kimetsu no Yaiba đã không nổi như bây giờ”. Không ai phủ nhận, nhưng nếu không có Kimetsu no Yaiba thì cũng chưa chắc Ufotable đã rạng danh trên khắp thế giới chứ không chỉ trong cộng đồng yêu thích anime, xô đổ mọi kỷ lục về hoạt họa trong lịch sử Nhật (ở cái tầm mà thậm chí đến OP cũng còn chưa dám mơ), những tưởng chỉ có studio Ghibli, hay cái tên mới nổi và những IP với tuổi đời hàng chục năm thống trị! Nên nhớ Ufotable là studio mang tuổi đời còn trẻ so với các đại thụ khác trong ngành, nhưng thành công của Ufotable & Kimetsu no Yaiba thì không phải studio nào cũng tái lập được. Sự thành công mang tầm vóc lịch sử của cả Kimetsu no Yaiba và Ufotable là một kì tích mà bạn không thể tách rời một trong hai. Ufotable đã tự tay lựa chọn Kimetsu no Yaiba để làm tiếng nói riêng của họ – chứ không phải bạn, và đấy là sự lựa chọn hoàn hảo, thành quả của Ufo và Gotouge-sensei đã được đền đáp xứng đáng.

Nhìn chung thì không nghĩ vì một tập Yuukaku-hen mà mình phải làm ra series bài viết này trên page đâu 😔.

alonelycomet

Một fan cuồng của Kyoto Animation và Makoto Shinkai.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button