AnimePhân Tích & Cảm Nhận

Kaijuu no kodomo và đoạn kết không thể giải thích.

Giới hạn của ngôn từ và khả năng thấu hiểu của con người.

Bộ movie Kaijuu no kodomo (Những đứa con của hải thú) được ra mắt vào năm 2019 là 1 tác phẩm rất thú vị đối với tôi. Một phần bởi vì artstyle quá đẹp đẽ, đến mức choáng ngợp, có thể xem là một trong những bộ anime đẹp nhất mà tôi từng xem. Một phần là nằm ở đoạn kết có những cảnh rất khó hiểu với đầy những hình ảnh về vũ trụ làm phần lớn khán giả phải bối rối bởi vì có rất ít lời thoại của nhân vật để giải thích được.

Đồng thời đoạn kết trên cũng làm người ta liên tưởng đến bộ phim “2001: A Space Odyssey” – một tác phẩm khoa học viễn tưởng thuộc hàng kinh điển của giới điện ảnh, bởi vì những những ảnh mang tính biểu tượng “hack não” tương tự cũng liên tục xuất hiện ở đoạn kết. Sau khi phỏng vấn đạo diễn Ayumu Watanabe rằng có sự ảnh hưởng trực tiếp gì từ “2001: A Space Odyssey” không? Thì ông lại trả lời là không. Vậy thì tại sao tuy không hề có tí ảnh hưởng gì mà cả 2 tác phẩm cách nhau vài chục năm lại có đoạn kết phức tạp như vậy? Bởi vì cả 2 tác phẩm theo tôi điều đã cố gắng thể hiện những thứ được gọi là “beyond words” và “beyond reasons” – những cảm xúc, lý do vượt ra ngoài khả năng của ngôn từ và trí tuệ con người.

Chúng ta có thể chọn từng hình ảnh và cố gắng phân tích chúng thế nhưng theo tôi tốt hơn là không cần làm như thế. Vì thế tôi mới cho rằng cả cái kết của Kaijuu no Kodomo và 2001 đều là những cái kết không thể giải thích. Vậy thì những ý tưởng và cảm xúc của 2 tác phẩm có gì phức tạp, cao siêu và huyền bí mà không thể giải thích được bằng từ ngữ thông thường? Trước tiên ta hãy cùng tìm hiểu về giới hạn của các loại ngôn ngữ được con người sáng tạo ra.

Toán học – ngôn ngữ của tự nhiên

Toán học là thứ ngôn ngữ dựa trên khả năng tư duy logic của con người đã được sử dụng từ thời rất xa xưa đến nay để giúp nhân loại diễn đạt một cách chính xác thiên nhiên xung quanh mình. Được xem như thứ công cụ hữu ích nhất trong trao đổi hằng ngày và nghiên cứu khoa học, toán học có thể nói là một trong những thành tựu to lớn nhất trong lịch sử của nhân loại. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra liệu rằng toán học có là thứ công cụ hoàn hảo, không một khuyết điểm nào để chúng ta có thể hiểu rõ được tự nhiên?

Nhà toán học David Hilbert đã đưa ra 3 câu hỏi để xác định liệu rằng sự logic, chính xác của toán học có là hoàn hảo:

“Toán học có hoàn chỉnh, tức là mọi khẳng định toán học đều có thể chứng minh được?

Toán học có ổn định, tức là không tồn tại nghịch lý?

Toán học có tính quyết định, tức là luôn luôn có thuật toán xác định được rằng một khẳng định toán học dựa trên các tiên đề?”

Lúc đầu đa số các nhà toán học đều tin rằng cả 3 điều kiện trên đều thỏa mãn, tức là Toán học là thứ ngôn ngữ hoàn hảo. Thế nhưng, có một người đàn ông, vào năm 1930 đã làm thay đổi tất cả. Nhà toán học Kurt Godel đã cho ra mắt và chứng minh được định lý bất toàn của mình cho rằng có tồn tại những khẳng định toán học đúng nhưng không thể nào chứng minh được, và toán học có tồn tại nghịch lý gọi là nghịch lý tự quy chiếu (self-reference paradox). Qua đó thì Godel đã phủ định được 2 điều kiện đầu cho sự hoàn hảo của Toán học mà David Hilbert đã đưa ra. Sau này thì ”cha đẻ của ngành khoa học máy tính” Alan Turing cũng đã phủ định luôn điều kiện thứ 3. Càng về sau này người ta càng nhận ra những vấn đề Toán học dường như không thể nào đưa ra được lời giải xuất hiện rải rác khắp hết mọi lĩnh vực từ đơn giản dễ hiểu nhất đến phức tạp nhất.

Ví dụ như vấn đề 3x+1 (Gọi là phỏng đoán Collatz) đã được trình bày trong một video của kênh Veritasium là một bài toán có vẻ khá đơn giản dễ hiểu ngay cả đối với những bạn học sinh từ cấp 2, cấp 3. Bài toán như sau:

Cho dãy số f(n), có f(1)=a, f(n+1)= 3*f(n)+1 nếu f(n) lẻ hoặc f(n+1)=f(n)/2 nếu f(n) chẵn. Hãy chứng minh rằng với mọi a∈N* thì dãy số f(n) sẽ luôn luôn rơi vào vòng lặp 4->2->1->4->2->1->4…

Hoàn toàn không khó kiểm chứng phỏng đoán này sử dụng 1 vài dòng code chương trình để tạo ra dãy số f(n) rồi cho giá trị a thay đổi, ta có thể kiểm chứng được hàng ngàn, chục ngàn số, và các nhà toán học đã sử dụng siêu máy tính cực mạnh kiểm chứng phỏng đoán lên đến 2^68 số nhưng cho dù là số lớn đến như thế nào đi chăng nữa thì vẫn chưa có ai chứng minh hoàn toàn được vấn đề này.

Định lý bất toàn của Godel là 1 thứ định lý đầy đáng sợ, bởi vì những bài toán như phỏng đoán Collatz hoặc rất khó để giải nhưng vẫn có thể chứng minh được hoặc không thể nào chứng minh được luôn, một trong hai trường hợp mà ta không biết được rằng sẽ rơi vào trường hợp nào. Thử tưởng tượng rằng bạn dành rất nhiều thời gian để đi tìm lời giải cho vấn đề này mà thực ra nó là một khẳng định không thể chứng minh được thì chẳng phải toàn bộ thời gian bạn bỏ ra là vô ích sao?

Nhưng chính định lý bất toàn cũng chỉ ra những khuyết điểm trong thứ ngôn ngữ tư duy logic của con người mà từ đó các nhà toán học có động lực để cải thiện nó, thúc đẩy toán học ngày một phát triển.

Người ngoài hành tinh không như chúng ta thường nghĩ

Khi bạn tưởng tượng trong đầu mình hình dáng của người ngoài hành tinh như thế nào? Đa số chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến “little green men” – một sinh vật có 2 tay hai chân giống với con người, có làn da xanh xao, đầu to và tứ chi nhỏ, hoặc “xenomorph” – sinh vật ghê tợn với hàm răng sắc nhọn, cũng 2 tay 2 chân, hay ă.n th. ịt ng.ười…. Sự thật rằng phần lớn các tác phẩm thể hiện trí tưởng tượng của con người về sinh vật bên ngoài Trái Đất đều có hình dáng xuất phát từ cơ thể của chính chúng ta đã cho thấy rằng “người ngoài hành tinh” trong phim ảnh, anime chỉ là những suy đoán nông cạn, và tầm nhìn hạn hẹp so với vô vàn khả năng ngoài kia, trong 1 vũ trụ dường như vô tận.

Bởi vì ngay chính tại hành tinh xanh này, hãy thấy rằng chúng ta khác biệt về ngoại hình đến thế nào khi so với 1 con rết, con bạch tuộc,.. khi mà ta và chúng đều có cùng cấu tạo từ những tế bào với những thành phần cơ bản như ADN, ARN, và protein giống nhau. Vậy thì tại sao bạn lại nghĩ rằng trên một hành tinh xa xôi, nơi chứa đựng những “viên gạch sự sống” hoàn toàn khác với Trái Đất, với điều kiện môi trường hoàn toàn khác lại có thể tạo ra 1 sinh vật có hình dáng hai tay hai chân giống với chúng ta được cơ chứ? Cơ hội để điều đó xảy ra sẽ là rất hiếm.

Các nhà thiên văn học đều cho rằng nếu chúng ta gặp gỡ người ngoài hành tinh thì họ sẽ khiến cho ta bị shock, bởi vì ngoại hình không giống với bất kỳ thứ gì mà ta từng thấy. Cũng có 1 vài tác phẩm là có sự phá cách nhất định, thể hiện những sinh vật ngoài Thái dương hệ có sự khác biệt với những hình ảnh thường thấy đã nêu ở trên. Ví dụ như bộ manga All you need is kill (chuyển thể thành phim “Edge of tomorrow”) hay bộ phim Arrival. Thế nhưng tôi nghĩ tác phẩm đã thể hiện xuất sắc nhất chủ đề này chính là “2001: A space odyssey”.

Tác phẩm được đạo diễn bởi Stanley Kubrick và được biên kịch bởi Arthur C. Clarke, một tác giả sci-fi rất nổi tiếng, người đã có nhiều dự đoán chính xác về tương lai đặc biệt là về máy vi tính và mạng lưới internet. “2001: A space odyssey” từ lâu đã được xem như là một kiệt tác trong dòng phim sci-fi nhờ vào hình ảnh cực kỳ đẹp đẽ và những kỹ thuật làm phim đi trước thời đại. Với một bộ phim ra mắt vào năm 1968, mà so với những tác phẩm ngày nay vẫn còn đẹp chán hơn một số bộ thì cũng thấy điên rồ đến mức nào rồi. Thứ tôi thích nhất trong phần hình ảnh đó là phông màu rực rỡ và ánh sáng tốt cho phép khán giả nhìn rất rõ từng chi tiết. Ngoài ra, nội dung tác phẩm cũng có nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Sau phần giới thiệu khá là chậm rãi thì chúng ta đến với nội dung chính của bộ phim kể về chuyến hành trình đến với sao Mộc của phi hành đoàn Dave và Dr. Frank để tìm gặp người ngoài hành tinh nhờ vào chỉ dẫn của “phiến đá” kỳ dị gọi là “Monolith”.

Phần nội dung chính lại được chia làm 2 phần nhỏ: sự nổi loạn của AI tên là HAL và sau đó là cái kết khi mà Dave cuối cùng cũng được gặp gỡ sinh vật ngoài Trái Đất. Phần đầu về HAL có thể nói là 1 trong những câu chuyện trí tuệ nhân tạo hay nhất tôi từng xem. Nhà làm phim đã rất thông minh, khéo léo tráo đổi biểu hiện thái độ, cảm xúc của con người và AI với nhau. Con người thì nhìn rất là vô cảm, lạnh lẽo như một cái máy còn robot thì mặc dù với chất giọng đều đều điển hình của mình lại cố gắng thể hiện rất nhiều loại cảm xúc khác nhau. Từ đó càng làm lu mờ đi ranh giới giữa con người và trí tuệ nhân tạo, khiến khán giả phải nhìn nhận sâu hơn về những câu hỏi đầy triết lý như điều gì tạo nên 1 con người?

Thế nhưng trong bài viết này tôi sẽ không đi sâu phân tích câu hỏi trên, mà sẽ tập trung vào đoạn kết của tác phẩm. Khi mà Dave, là người duy nhất trong phi hành đoàn vượt qua được những khó khăn thử thách trong chuyến hành trình để đến được điểm mà “Monolith” đã chỉ định. Thì ta lại không thấy người ngoài hành tinh ở đâu cả, mà thay vào đó là rất nhiều hình ảnh kỳ lạ liên tục xuất hiện làm Dave phải sửng sốt, choáng ngợp và âm thanh ghê rợn vang lên. Chuyện gì đã xảy ra???

Để trả lời câu hỏi trên, tôi xin được trích lời giáo sư Avi Loeb của đại học Harvard: “Bất cứ thứ công nghệ nào giúp người ngoài hành tinh đến được Trái Đất đều sẽ nhìn giống như phép thuật đối với chúng ta, và sẽ không thể nào hiểu được nó”. Bởi vì với công nghệ hiện nay của nhân loại, chúng ta chỉ có thể đến với ngôi sao gần nhất ngoài hệ Mặt Trời trong khoảng … vài chục ngàn năm. Cho nên nếu một giống loài nào có thể vượt qua khoảng cách không tưởng giữa các vì sao để đến được đây, dĩ nhiên phải là 1 nền văn minh tiên tiến hơn chúng ta rất nhiều từ hàng ngàn đến hàng triệu năm nữa.

Thế nên những hình ảnh kỳ lạ liên tục xuất hiện ở trên chỉ là cách mà đạo diễn Stanley Kubrick dùng để diễn tả thứ công nghệ ngoài hành tinh vượt quá khả năng để mà bộ não của nhân vật Dave có thể hiểu được. Và những âm thanh ghê rợn vang lên thể hiện 1 nỗi sợ, nỗi sợ về những thứ chưa biết, chưa thể thấu hiểu, những thứ mà ta thậm chí còn không thể tượng tượng ra nổi.

Ngôn ngữ của đại dương

Cho dù người ngoài hành tinh có thể cao siêu đến thế nào đi nữa so với nhân loại thì hiện tại, những câu chuyện về họ vẫn chỉ tồn tại trên phim ảnh, anime, ta vẫn chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng chắc chắn gì về sự sống ngoài Trái Đất. Cho nên con người vẫn có thể yên tâm là sinh vật duy nhất thống trị hành tinh xanh này. Mà sự “thống trị” trên xuất phát từ việc chúng ta có khả năng tác động, biến đổi môi trường sống nhiều nhất trong tất cả sinh vật trên hành tinh. Các nhà khoa học cho rằng có 3 yếu tố giúp cho con người là “loài thống trị” Trái Đất đó là khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ phức tạp, khả năng hợp tác số lượng lớn và công cụ để có thể biến đổi môi trường, đó chính là đôi bàn tay. Chúng ta may mắn là loài duy nhất hội đủ cả 3 điều kiện trên. Tuy nhiên cũng phải nói rằng tất cả sinh vật đều có khả năng giao tiếp với nhau. Ví dụ như những chú kiến nhỏ bé trao đổi những loại chất hóa học khác nhau để truyền thông tin về nguồn thức ăn, lãnh địa… có đến vài chục đến hàng trăm chất hóa học có thể được chúng dùng để trao đổi tương ứng với vài chục đến hàng trăm từ.

Thế thì những phương thức giao tiếp của chúng có được xem là ngôn ngữ và có ngôn ngữ của loài động vật nào có thể so sánh với độ phức tạp của ngôn ngữ con người không? Một số ý kiến cho rằng những kiểu giao tiếp khác nhau của các loài động vật đều không có đầy đủ hết những tính chất của ngôn ngữ con người nên không thể xem là ngôn ngữ. Thế nhưng quan điểm này tôi cho lại khá phiến diện chẳng khác nào bảo không giống của con người thì không phải là ngôn ngữ.

Đặc biệt là những loài có bộ não lớn như cá heo và cá voi. Cá voi có bộ não lớn nhất trong giới động vật, còn cá heo thì có tỉ lệ não bộ trên trọng lượng cơ thể lớn thứ 2 chỉ sau con người. Các nhà nghiên cứu động vật biển cho rằng thứ “ngôn ngữ” của loài cá heo và cá voi có thể phức tạp hơn ta tưởng khi mà cho đến nay người ta vẫn chưa thể nào giải mã được.

Những âm thanh như tiếng click có cường độ rất lớn được chúng phát ra để giao tiếp với nhau được gọi là “whale song”, có cấu trúc như mã Morse nhưng phức tạp hơn nhiều. Một số nhà khoa học còn giả thuyết rằng cá voi thậm chí có thể truyền đạt trực tiếp những cảm xúc cho nhau thông qua các “bài hát”, vượt xa khả năng ngôn ngữ của con người.

Đó cũng là 1 trong những chủ đề chính của Kaijuu no Kodomo, khi mà nhân vật chính Ruka được mời vào một “lễ hội” nơi cô cảm nhận được bài hát của những chú cá voi và vòng tuần hoàn sự sống trong đại dương và vũ trụ. Những điều trên vượt quá khả năng thấu hiểu của cô khiến cô cảm giác mình thật nhỏ bé nhưng mà cũng từ đó mà Ruka thấy được mối liên hệ của mình với thiên nhiên và mọi người xung quanh.

Trong tác phẩm ta cũng có thể thấy chi tiết là cả hai cậu bé bí ẩn Sora và Umi đều lặn 1 cách tự do, thuần thục dưới biển như những con cá. Chi tiết này là dựa vào 1 phương thức lặn có thật gọi là “free diving”, không sử dụng bất cứ dụng cụ dưỡng khí gì cả, chỉ hít 1 hơi thật sâu vào và lặn xuống dưới đáy biển thôi. Đây là một phương thức lặn rất nguy hiểm vì người thợ lặn phải luyện tập rất nhiều để tăng cường khả năng nhịn thở lâu và khả năng chịu đựng áp lực nước cao khi xuống sâu. Thế nhưng phương thức lặn này lại là biện pháp hiệu quả nhất để có thể tiếp cận những loài cá voi. Bởi vì nếu scuba-diving (lặn có bình dưỡng khí) hay dùng tàu ngầm thì những chú cá voi sẽ hoảng sợ và không dám lại gần con người.

Do đó, đoạn kết của tác phẩm ta có thể hiểu là một sự biểu đạt mang tính nghệ thuật về sự choáng ngợp trong tâm trí của Ruka, tuy nhiên khác với “2001: A space odyssey” sự choáng ngợp đó không đến từ những thứ công nghệ tân tiến mà từ những thứ cảm xúc phức tạp được gửi gắm đến Ruka mà thôi. Sắc thái của hai tác phẩm cũng hoàn toàn khác nhau. Ở 2001 thì là cảm giác sợ hãi, nổi sợ “Lovecraftian” về những bí ẩn vũ trụ không thể biết được. Còn ở Children of the sea thì lại là cảm giác vững tin, gần gũi.

Toán học, người ngoài hành tinh và cá voi, ba thứ dường như chẳng liên quan gì đến nhau, tại sao chủ đề về những giới hạn của ngôn ngữ lại làm tôi hứng thú muốn tìm hiểu? Bởi vì việc mà tôi đang làm trên page này chính là sử dụng ngôn từ để viết ra những cảm nhận và suy nghĩ của bản thân về các tác phẩm khác nhau, và trải qua cả trăm bài viết thì tôi cũng nhận thức rõ ràng được vốn từ hạn hẹp của mình. Giả sử nếu như có một phương thức giao tiếp tương tự như thần giao cách cảm thì tôi đã có thể truyền đạt trực tiếp những cảm xúc, suy nghĩ khác nhau ngay sau khi trải nghiệm một bộ anime, manga liền cho các bạn độc giả, không cần phải nặn từng chữ thế này và phải tìm tòi trên mạng những từ đồng nghĩa để tránh lặp từ quá nhiều gây nhàm chán.

Đúng là thế giới của văn chương, ngôn từ rất phong phú đa dạng, thế nhưng không hề dễ dàng để mà khai thác. Ví dụ như những cảnh gây những cảm xúc mạnh như buồn bã, vui tươi, phấn khích trong những tác phẩm thì dễ dàng chỉ ra và phân tích những điểm hay hơn là những cảnh có cảm xúc nhẹ nhàng và mơ hồ.

Như có 1 cảnh mà tôi rất thích trong tập 2 của bộ anime Mushishi, đó chỉ là một hình ảnh hiển thị trong thời gian rất ngắn về việc phóng to cận cảnh bàn chân bước đi trên bậc đá phủ đầy rêu phong. Thú thật thì tôi cũng không hiểu tại sao mình lại thích cảnh này nữa, chỉ là 1 cảnh bình thường chẳng có gì quan trọng với nội dung của tác phẩm. Dùng từ ngữ để miêu tả thì chỉ có thể nói đây là một cảnh đẹp đẽ và tạo cảm giác bình yên, thư thái. Người ta thường nói một hình ảnh thì đáng giá hàng nghìn từ, thế nhưng vấn đề ở đây là không phải dễ để viết ra hàng nghìn từ cho 1 hình ảnh như trên. Và Mushishi chứa đựng vô vàn những hình ảnh thú vị như vậy, tôi cho rằng giá trị và độ quan trọng của chúng cũng không hề thua kém gì những cảnh mang lại nhiều cảm xúc. Tương tự như vậy thì tác phẩm Kaijuu no kodomo hay cả 2001 cũng là tập hợp của những sự ấn tượng đẹp đẽ khó mà để diễn tả và giải thích hết được.

Khoa học và nghệ thuật, hai khái niệm mà người ta thường cho là đối nghịch nhau được thể hiện một cách hài hòa và tương trợ trong Children of the sea. Đối với tôi thì nghệ thuật là sự nhìn nhận thực tại một cách lãng mạn hóa qua lăng kính của cảm xúc và trí tưởng tượng cá nhân còn khoa học thì cố gắng sử dụng góc nhìn khách quan hơn, loại bỏ những “sai số” của 5 giác quan con người bằng cách chế tạo những dụng cụ cảm biến, đo đạc chính xác. Thế nhưng đối với những bí ẩn chưa có lời giải trong tự nhiên thì khoa học thường tỏ ra bảo thủ, cố chấp hơn so với nghệ thuật có sự tự do để khám phá vô vàn những khả năng có thể xảy ra.

Lại một câu chuyện nữa trên kênh Veritasium: trước khi người ta phát hiện ra hạt neutron thì các nhà khoa học hàng đầu kể cả nhà bác học lỗi lạc Albert Einstein đều cho rằng sự phân hạch hạt nhân của những nguyên tố nặng 1 cách chủ động là không thể nào xảy ra, không thể nào sử dụng hạt proton để bắn phá hạt nhân bởi vì điện tích dương cùng dấu sẽ đẩy nhau nên hạt proton sẽ bị đẩy ra trước khi thậm chí có thể chạm vào hạt nhân. Thế nhưng tác giả H.G Wells năm 1914 đã xuất bản quyển sách “The worlds set free” tưởng tượng tương lai mà con người có thể sử dụng năng lượng của sự phân hạch hạt nhân. Và rồi sự phát hiện của hạt neutron đã làm thay đổi tất cả, hạt neutron không hề có điện tích, không bị đẩy ra bởi hạt nhân nên được dùng làm nguồn phát xạ bắn phá những hạt nhân của những nguyên tố nặng một cách dễ dàng và nhờ vào phản ứng dây chuyền sau khi phân hạch thì hạt nhân lại tiếp tục phát ra neutron bắn phá các nguyên tử lân cận sẽ giải phóng ra năng lượng rất lớn. Nhờ đó mà tương lai giả tưởng trong “The worlds set free” đã thành hiện thực.

“Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức” (Imagination is more important than knowledge) – Albert Einstein. Trong tương lai liệu rằng chúng ta có thể giao tiếp được với sinh vật ngoài hành tinh, hiểu được những giống loài thông minh trên Trái Đất nói gì hay sở hữu một phương thức giao tiếp “thần giao cách cảm” nào? Tôi không biết được. Thế nhưng những tác phẩm nào dám phá vỡ những khuôn mẫu, khám phá những ý tưởng vượt lên trên cả sự tưởng tượng đối với tôi đều mang những giá trị đặc biệt, đáng để trân trọng.

Có một hình ảnh mà tôi thích trong “Children of the sea”: Cánh buồm giống như văn chương, nghệ thuật, không thể nào đón hết gió của đại dương được. Thế nhưng nhờ có cánh bườm kia mà ta có thể cưỡi lên những ngọn sóng và tiến về phía trước. Đối với một số người việc cảm thấy sự nhỏ bé và thiếu hiểu biết dễ làm con người ta nhục chí, thiếu tự tin, thế nhưng tôi thì lại nghĩ ngược lại, có nhận biết được những giới hạn của chính mình, chúng ta mới có động lực để kết nối, sẻ chia và trân quý những giá trị cao đẹp xung quanh mình. Bởi vì “những gì quý giá nhất thì không cần ngôn từ để diễn tả” mà.

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button