Hyouka & Ý Nghĩa Tựa Đề.
Hyouka NHẠT! Chỉ được cái art gánh!
Thỉnh thoảng lướt fb thấy những bình luận này mà mình trầm cảm thật sự. Hyouka cho đến hiện tại vẫn là một trong những tuyệt tác của Kyoto Animation mình đánh giá khá cao. Ừ thì phần hình ảnh họ có gánh thật, nhưng không chỉ riêng về chất art mà còn về nghệ thuật hình ảnh, là những chi tiết ẩn dụ, tượng hình được lồng ghép khéo léo vào trong tác phẩm, phác họa được cái tài và nét tinh tế về mặt nội dung của tác giả Honobu Yonezawa.
Ở mặt nổi, Hyouka như một câu chuyện “hường phấn” về lứa tuổi học trò, nhưng phía dưới tảng băng chìm, tác phẩm còn hàm chứa những trắc trở ẩn sâu của tác giả về con người, văn hóa và xã hội Nhật Bản.
Nếu bạn là fan của Hyouka thì hẳn cũng “thấm nhuần” ý nghĩa tựa đề rồi. Tuy nhiên, với một người mới xem, nếu bạn chưa biết qua hoặc không để ý, thì sau bài viết này hy vọng bạn sẽ nhìn tác phẩm bằng một cặp mắt khác.
Hyouka (氷菓, “frozen dessert”) trong tiếng Nhật có nghĩa là “món tráng miệng đông lạnh” (kem đá).
Cái tên “Hyouka” gắn liền với chương đầu tiên KyoAni chuyển thể lên màn ảnh, đó là câu chuyện về người chú Jun của Eru Chitanda. Nào, cùng ôn lại chút về sự kiện diễn ra trong arc này: Chitanda rất quý trọng người chú, cô xem ông như “người chiến sĩ thầm lặng, vị anh hùng tốt bụng”. Vào năm 1960, Jun là một trong những người dẫn đầu hội học sinh phản đối quyết định hiệu trưởng trường là rút ngắn thời gian lễ hội văn hóa từ 5 xuống còn 3 ngày. Cuộc “đấu tranh” thành công, nhưng để đảm bảo nề nếp và kỷ cương, ban kỷ luật trường chọn Jun làm vật tế để đuổi học. Jun đã để lại thông điệp “Hyouka” cho CLB văn học. Trong chừng ấy năm, không ai giải mã được thông điệp “Hyouka” là gì cho đến khi Eru quyết tâm vào ngôi trường và gia nhập CLB văn học để tìm lời giải đáp.
Thế “Hyouka” mang ý nghĩa gì? Công lớn phải nhờ đến Oreki vì anh đã khám phá ra. Đây thực chất là màn chơi chữ tiếng Anh. Kem lạnh = ice cream, nhưng cách phát âm từ “ice cream” lại rất giống “I scream” (tôi la hét). Diễn tả tình cảnh một người trong tình trạng sống không ra sống, mà ch.ết cũng không phải là ch.ết, muốn hét lớn nhưng lại không thể.
Thông điệp “I scream” có cảm hứng từ tác phẩm “I Have No Mouth, and I Must Scream” (tôi không có miệng, và tôi phải hét) do tác giả Harlan Ellison sáng tác (1967). Tác phẩm bao gồm nhiều mẩu truyện nhỏ về một nhóm người sống sót sau sự sụp đổ của nền văn minh nhân loại do siêu máy tính gây ra (được phát triển trong thời kì chiến tranh lạnh), nhưng họ không biết rằng chính bản thân mình đang bị siêu máy tính thao túng, biến đổi.
Liên tưởng đến hình ảnh người chú Jun, câu chuyện của ông là một thảm kịch khi ông bị buộc tội mà không thể nói lên tiếng nào để tự bảo vệ bản thân. Hoàn cảnh ông bị thao túng bởi những kẻ có quyền (chính phủ, nhân viên trong trường, và cả những người bạn đã lựa chọn ông làm “vật hiến thân”). Ông bị bịt miệng, muốn hét nhưng lại không thể. Phản ánh góc nhìn của tác giả về xã hội bị chính quyền chèn ép thời bấy giờ.
Hình ảnh KyoAni lựa chọn để miêu tả: những kẻ cầm quyền như các con sói đói bụng bay vào cắn xé một con thỏ, trong khi các con thỏ trong đàn – vốn là những người đã kề vai sát cánh, là những người mà ông chú Jun đứng lên để bảo vệ quyền lợi – chỉ biết liếc mắt qua chỗ khác làm ngơ, không muốn bị vạ lây. Hình ảnh quá sức mãnh liệt, và một lần nữa mình phải tâm đắc khen đáo để sự tài tình và bậc thầy của KyoAni trong việc lựa chọn và sử dụng hình ảnh để phác họa nên ý nghĩa câu chuyện.
Và đây chỉ là arc mở đầu, nhưng lại thể hiện rõ những gì về Hyouka, là chủ đề, là cái hồn, không khí của toàn tác phẩm nếu bạn tinh ý cảm nhận được. Biết qua ý nghĩa tựa đề, qua arc mở đầu, thì hẳn bạn cũng hình dung được các tầng nghĩa ẩn sâu, được phác họa qua lăng kính của Yonezawa trong những arc tiếp theo. Và ở trên page mình đã từng viết bài giải thích về cái kết của Hyouka (anime), lí do vì sao tác phẩm có một trong những kết thúc khiến mình thỏa mãn nhất xuyên suốt hơn 14 năm mình đến với anime, và một bài về phân tích nhân vật.
Hyouka & Ý Nghĩa Kết Thúc: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/189438229863571
Hyouka & Nghệ Thuật Xây Dựng Nhân Vật: https://www.facebook.com/alonelycomet/posts/256584656482261
Thậm chí đến bây giờ, mỗi lần mình xem lại Hyouka là mỗi lần mình khám phá ra điều gì mới, có thể là từ những khung hình, chi tiết hình ảnh KyoAni khéo léo lồng ghép vào, hoặc là những ẩn ý khác từ Yonezawa qua từng arc, từng câu chuyện, sự việc …
Suy cho cùng, yếu tố “tình cảm” không phải là điều tác phẩm tập trung. Nếu bạn mong chờ Hyouka phải là tác phẩm lãng mạn hường phấn (và bánh bèo) tuổi học trò mà bỏ qua hết các tầng nghĩa ẩn sâu vốn là phần hồn tinh túy nhất, từ các vấn đề xã hội ẩn ý mang hơi thở thời đại cho đến mối quan hệ giữa người với người bị trách nhiệm và địa vị thao túng, thì bạn sẽ không tận hưởng trọn vẹn được Hyouka như cách mà Hyouka được tạo ra để thưởng thức!